Một chút hương
thơm luôn còn phảng phất ở bàn tay người tặng hoa hồng. Đó là điều chắc chắn, vì
chính Chúa Giêsu đã xác định: “Cho thì có
phúc hơn là nhận.” (Cv 20:35) Đó là bài học quan trọng về đức ái.
Mùa Giáng Sinh là mùa yêu thương, cụ thể là chia sẻ với nhau bằng cách nào đó – tinh thần hoặc vật chất, để thể hiện tình yêu thương, để noi gương Con Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương mà mặc xác phàm và ở cùng nhân loại, như Thánh Gioan cho biết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1:9 và 14a)
1. ĐÊM HY VỌNG
Mùa lễ tết đang đến, nhưng kinh tế vẫn giảm
sút. Suốt vài tháng, tôi đến một nhà thờ mới. Các thông điệp hằng ngày đầy tính
nhân đạo đối với chúng tôi, nhất là niềm hy vọng trong thời buổi khó khăn này.
Các thông điệp đó luôn khuyến khích tôi, tôi muốn làm theo và tạo sự thay đổi
trong cuộc sống của ai đó.
Rất nhiều người trong năm qua đã mất niềm
tin, và quan trọng hơn, mất niềm hy vọng về một tương lai xán lạn hơn. Người ta
cảm thấy thất vọng. Đường phố trở nên nguy hiểm hơn, tệ nạn nhiều hơn... Tôi
nghĩ đến những người vô gia cư, cách mà họ tìm ra sức mạnh để sống tiếp và cách
mà họ vui đón Giáng Sinh năm nay.
Đối diện nhà thờ là một công viên, tôi chú ý
đến nhiều người vô gia cư lang thang ở đó. Tôi muốn làm cho họ Giáng Sinh năm
nay đặc biệt, hy vọng gợi nhớ cho họ về những dịp Giáng Sinh trước có gia đình
và bạn bè. Vâng, tôi muốn tạo một Giáng Sinh đặc biệt cho họ.
Tôi mua một số quà Giáng Sinh gói giấy màu
sáng có hình Ông già Giáng Sinh. Vừa thực tế vừa ý nghĩa, tôi mua đủ thứ bánh
kẹo. Nhưng như vậy với tôi là chưa đủ đặc biệt. Rồi tôi nhìn thấy những con gấu
bông lông trắng mịn có nơ đỏ ở cổ.
Đa số dân vô gia cư ở công viên này là đàn
ông. Họ có thích quà của tôi? Các bạn tôi là Marlene, Jerry, Ken Marlene,
Jerry, Ken và tôi cùng chuẩn bị quà. Nhạc Giáng Sinh trổi lên, chúng tôi cởi mở
và cảm thấy đúng với công việc của mình. Chúng tôi bỏ những gói quà và bánh kẹo
vào các túi xách, kể cả những con gấu bông. Sáng sớm hôm Giáng Sinh, chúng tôi
ra công viên, dọc đường chúng tôi mua thêm cà-phê và bánh bao.
Đến công viên, chúng tôi thấy có ít người nên
nói với nhau: “Hy vọng mình đủ số quà.”
Thấy chúng tôi, khoảng hơn 20 người đến bên xe chúng tôi nhưng không biết họ
muốn gì khi chúng tôi xuống xe. Họ nhìn có vẻ mệt mỏi khi họ thấy những bao đồ
của chúng tôi.
Chúng tôi chia quà cho mọi người ngay tại đó
xong, những người đàn ông kéo chúng tôi đến một cái lều, nơi họ cùng nhau ăn
uống hằng ngày. Chúng tôi pha cà-phê nóng và chia bánh bao cho họ. Không ai hỏi
chúng tôi xem trong các bao kia có gì. Mọi người đều kiên nhẫn: ngồi thoải mái
cùng ăn bánh và nhâm nhi cà-phê.
Khi chúng tôi nói: “Chúc mừng Giáng Sinh mọi người.” Họ đồng thanh chúc lại chúng tôi
như vậy. Họ cười rạng rỡ và gương mặt hớn hở. Chúng tôi bắt đầu phân phát các
túi quà. Có người lấy 2 túi vì quên nhưng rồi họ lại trao cho người khác và nói:
“Chúc mừng Giáng Sinh.” Một người đàn
ông trẻ thấy con gấu bông liền nói: “Tôi
nhận con gấu này nha!” Nói rồi anh ôm con gấu và vỗ về nó, đôi mắt anh long
lanh.
Cách thể hiện của họ làm chúng tôi phấn khởi
– cách mà họ dành cả hai giờ đồng hồ để mở rộng con tim, quên đi những gian khổ
và chia sẻ với nhau. Ra về, chúng tôi tràn đầy lòng biết ơn và hy vọng tương
lai tươi sáng ở phía trước. Chúng tôi lên xe, họ vẫy chào cho đến khi chúng tôi
đi xa khuất…
Thật chí lý với nhận định của Edgar Guest: “Giáng Sinh là một ngày đem lại niềm hy vọng
thực sự và sự hứa hẹn đối với nhân loại.” Thật vậy, bởi vì “Ngôi Lời đã trở
nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1:14)
2. ĐÊM THÁNH ÂN
Đôi khi điều kỳ diệu và phép lạ Giáng Sinh đến với chúng ta rất bất ngờ.
Nhiều năm trước, khi
tôi mới kết hôn với anh Larry, chúng tôi dành hai năm đi Á châu. Chúng tôi rời
xa gia đình, bạn bè và công việc để làm từ thiện ở Hong Kong.
Chúng tôi chuyển
đến căn nhà mới vào dịp Giáng Sinh. Ở Hong Kong không có màn che cửa sổ hoặc
tuần lộc kéo xe trên tuyết. Tôi chưa bao giờ đón mừng lễ Giáng Sinh xa nhà thế
này, tôi thấy rất nhớ nhà và cách mừng lễ truyền thống với bạn bè vào đêm Giáng
Sinh, hát nhạc Giáng Sinh bên đàn dương cầm, nhiều người đi lại, và cây Giáng
Sinh lớn treo đầy quà.
Chúng tôi sống
tại một căn hộ nhỏ trên tầng ba, cố gắng trang trí phòng. Cây Giáng Sinh của
chúng tôi nhìn giản dị, bằng plastic màu xanh lá, cao chưa đầy 1m với các món
quà nhỏ màu trắng được gắn keo dính trên cành. Chúng tôi không có 2 xu mà cọ
xát vào nhau để có điều gì đó tốt hơn, cho nên chúng tôi treo những dây bắp nổ
và xoắn chúng lại với nhau. Dưới cây có vài món quà nhỏ.
Khi lễ Giáng Sinh
đến gần, tôi cảm thấy sẵn sàng với tư tưởng này về việc làm từ thiện. Chúng tôi
đã dành hai năm để làm thay đổi thế giới nhưng không đem lại hiệu quả.
Một gia đình người
Anh mời chúng tôi đến nhà họ, tôi nghĩ chúng tôi đã có phần chung góp. Nhưng
niềm phấn khởi của chúng tôi mau biến mất khi Larry đề nghị chúng tôi từ chối
lời mời. Anh nói: “Chúng ta gặp rất nhiều
người ở đây không có nơi mừng lễ Giáng Sinh. Anh nghĩ chúng ta cần nấu gà tây
và mở rộng cửa tiếp đón những ai muốn đến.” Chúng tôi đồng ý và mời tất cả
những người bạn mới: “Chúng tôi đang nấu
gà tây. Nếu bạn cần một nơi để mừng lễ Giáng Sinh, hãy đến với chúng tôi.”
Dĩ nhiên, bây giờ
chúng tôi biết rõ các quy luật giải trí lễ Giáng Sinh. Nếu bạn có khách đến
nhà, cây Giáng Sinh nên được trang trí đẹp, bàn nên cắm nến và dùng đồ sứ, nên
có ánh lửa bập bùng trong lò sưởi và có vòng hoa lớn trước cửa. Nhưng lúc đó,
chúng tôi chẳng biết gì hơn. Chúng tôi không biết rằng các đĩa bằng giấy là
chưa đủ, một cây Giáng Sinh bằng plastic không đủ tạo sự chú ý, và phòng khách
nhỏ không đủ chỗ cho nhiều khách đến chung vui.
Trong những ngày
trước lễ Giáng Sinh, số khách tăng dần. Ngay buổi sáng lễ Giáng Sinh, chuông
điện thoại reo vài lần – những người mới, những người chúng tôi đã gặp ngoài
đường. Họ hỏi: “Tôi nghe nói hôm nay bạn có
bữa tối mừng Giáng Sinh. Còn chỗ cho vài người nữa không?”
Khi họ đến, họ tự
giới thiệu với chúng tôi và với nhau, bày đồ ăn đầy ra đĩa của mình và tìm chỗ
ngồi trên nền nhà. Căn phòng ồn ào khi 20 người chia sẻ các câu chuyện của họ.
Vài người đã đi khắp Á châu, vài người là tình nguyện viên ở Trung quốc hoặc
Hong Kong, vài người sống một mình và không có ai để tâm sự.
Khi bữa ăn kết thúc,
chúng tôi ngồi ở phòng khách cùng trò chuyện. Trong khoảng im lặng, ai đó bắt
đầu hát: “Đêm thánh vô cùng, giây phút
tưng bừng, đất với trời, xe chữ đồng...” Và mọi người cùng hòa chung tiếng
hát. Bài hát kết thúc, tất cả đều im lặng. Và rồi có ai đó lại bắt đầu cất
tiếng hát: “Đêm thanh nghe tiếng hát của
thiên thần chung nhau đàn ca thánh thót hỉ hoan...”
Và kìa, như có
Đức Mẹ Maria, Đức Thánh Giuse và Chúa Hài Nhi Giêsu. Tất cả chúng tôi cùng đứng
dậy. Cũng như họ, chúng tôi là những người tứ cố vô thân từ xa trở về nhà mình.
Mọi người được yêu cầu làm điều gì đó quan trọng để thay đổi thế giới. Chúng
tôi cùng cố gắng góp phần nhỏ của mình để làm điều đó.
Trong phòng khách
bé nhỏ trên lầu ba ở một thành phố tại Hong Kong, chúng tôi có một lễ Giáng
Sinh mà không ai có thể đoán trước. Đơn giản đó là món quà đặc biệt đối với
chúng tôi: Mọi người quây quần xung quanh một cây Giáng Sinh nhỏ, chia sẻ yêu
thương và cầu nguyện với nhau. Đó là một Đêm Thánh.
3. ĐÊM NGHĨA TÌNH
Tôi làm xong ca
chiều và muốn về nhà ngay. Tôi cởi giầy và cảm thấy thoải mái. Tôi chào mọi
người và ra về.
Trời lạnh. Tôi có
thể nhìn thấy những tuyết rơi trên trời. Khi ra đến xe, tôi thấy một đồng
nghiệp đứng chờ xe buýt. Tôi nghĩ chỉ mất vài phút để cho cô ấy quá giang về
nhà, vả lại trời quá lạnh khi phải đứng chờ xe như vậy. Tôi không biết nhà cô
ấy ở đâu nhưng tôi có thể đưa cô ấy về nhà.
Chúng tôi nói
chuyện với nhau khi tôi lái xe, không lâu sau đã đến nhà cô ấy. Xuống xe, cô ấy
quay lại nói với tôi: “Chị biết từ đây về
nhà chị bằng lối nào không?” Tôi nói: “Tôi
trở lại lối cũ.”
Tôi lái xe đi.
Quang cảnh nhìn có vẻ lạ, nhưng tôi nghĩ không sao. Tôi tiếp tục lái xe đi, và
tôi cảm thấy mọi thứ rất lạ. Tôi không nhận ra gì cả, thậm chí cả tên đường
cũng lạ. Tôi tự nhủ hãy bình tĩnh. Tôi chắc tôi sẽ tìm ra đường quen và sớm về
nhà chui vô chăn để ngủ.
Tôi cứ lái xe đi.
Càng đi tôi thấy càng lạ. Tôi đi qua hai chiếc cầu. Đường chỉ có một xe của
tôi. Tôi hơi lo. Sao tôi lại ngớ ngẩn vậy nhỉ? Chồng tôi sẽ rất lo cho tôi và
không biết tôi đi đâu. Tôi nhìn đồng hồ thấy 2 giờ 30 sáng. Mà tôi lên xe về từ
23 giờ 30. Tôi lạc đường quá xa. Sao tôi lú lẫn vậy kìa?
Tôi dừng xe và
tắt đèn xe. Đêm rất lạnh. Tôi nên làm gì? Lái xe đi tiếp trong tình huống này?
Tôi ra dấu hiệu nhờ giúp đỡ. Tôi thành tâm cầu nguyện tự đáy lòng: “Lạy Chúa, xin giúp con thoát cảnh này.”
Tôi ngước lên và thấy chiếc bóng phía trước. Tôi bật đèn trước. Có một chiếc
xe. Nó không chạy mà đậu bên đường. Tôi lái xe tới gần. Có bóng người trong xe.
Xe này đậu ở đây làm gì? Hay đó là hiệu quả lời cầu nguyện của tôi?
Lưỡng lự một chút
rồi tôi xuống xe, đến gõ cửa xe kia. Một người đàn ông từ từ quay kính xe
xuống. Ông ấy không nói gì. Tôi nói: “Tôi
bị lạc và không biết lối về lại thành phố.” Ông ấy không nói gì và quay
kính xe lên, mở đèn và lái xe đi. Tôi vừa chạy xe theo vừa cầu nguyện.
Cuối cùng, tôi
nhận ra đường quen. Khi tôi quay xe vào hướng về nhà, tôi không thấy thiên thần
bản mệnh của tôi nữa. Tôi biết đó là một phép mầu. Vừa về đến nhà thì xe cũng
vừa hết xăng.
Đây là một trải
nghiệm lạ đối với tôi, rất riêng tư, mà nhiều năm qua tôi chưa nói cho ai biết.
Chuyện lạ này đã cho tôi hy vọng, sức mạnh, và xác định với tôi đó là phép mầu
đã xảy ra. Sau việc này, tôi cầu nguyện thường xuyên hơn và tin rằng Thiên Chúa
thực sự hiện hữu trong cuộc đời tôi. Tôi chỉ cần xin thì sẽ được ngay.
Cuộc đời là một
vòng-tròn-yêu-thương, người này giúp người kia… Thiên Chúa đã an bài mọi sự!
Lạy Chúa, núi đá và thành lũy bảo vệ con chính là Ngài.
Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con. (Tv 31:4) Xin giúp con yêu
thương chân thành bằng tình yêu của Ngài, biết chia sẻ với mọi người theo khả
năng mà Ngài đã ban cho con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(chuyển ngữ từ
Chicken Soup for the Soul: Christmas Magic & A Book of Miracles)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment