Các thánh tử đạo Việt Nam đã viết nên trang sử hào hùng bằng chính đức tin kiên cường, không khuất phục trước sức mạnh trần thế, mọi đau khổ đều là “không” đối với các ngài – dù nhỏ tuổi hay lớn tuổi, bởi vì “không có gì tách được các ngài ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.” (Rm 8:39)
Máu duy trì sự sống bằng cách không ngừng từ
Trái Tim – Trung Tâm Phân Phối Sự Sống – chuyển giao đi khắp cơ thể. Máu có vài
loại máu, nhưng chung quy vẫn là sự sống. Tim còn đập là còn sự sống, tim ngừng
đập là chết. Máu có màu đỏ tươi, màu của Tình Yêu Thương. Sự Sống và Yêu Thương
chính là hiện thân của Thiên Chúa – Đấng là Nguồn Sống và Tình Yêu.
Người Việt ví von thâm thúy: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã.” Chỉ “một
giọt máu” mà hơn cả “ao nước” thì biết máu quý thế nào rồi. Máu là chất lỏng
bình thường mà khác thường. Bình thường vì máu chỉ là một trong các loại chất
lỏng, khác thường vì máu giúp duy trì sự sống. Người ta có Ngân Hàng Máu, và
rất cần những người hiến máu. Những Giọt Hồng bình thường đó trở thành những
Giọt Tình, trao tặng sự sống cho người khác. Thật cao quý!
Theo y học, có khoảng 46 nhóm khác nhau,
nhưng những nhóm chính là O, A, B, AB và yếu tố
Rhesus (Rh, có Rh+ và Rh-). Trong đó, máu O có thể cho bất cứ loại máu nào
nhưng chỉ nhận cùng loại máu; còn máu AB có thể tiếp nhận mọi loại máu. Vì
những lý do chưa được khám phá, máu của mỗi nhóm có thể có kháng
thể chống lại những nhóm kia. Một nhóm máu hoàn chỉnh có thể bao gồm một
bộ 30 chất trên bề mặt của các RBC (red blood cell - hồng cầu), và một nhóm máu
của cá thể là một trong những sự kết hợp của một số kháng nguyên nhóm máu.
Trong số 30 nhóm máu, có hơn 600 chất kháng nguyên (phân tử kích thích đáp ứng
miễn dịch của cơ thể, sản sinh kháng thể) nhóm máu khác nhau đã được phát hiện,
nhưng đa số trong chúng rất hiếm hoặc chủ yếu được tìm thấy trong các nhóm bộ
tộc nhất định.
Mỗi người chỉ có một cuộc đời, một lần sống, và
tất nhiên cũng chỉ có một lần chết, hơn thua nhau là biết sống khôn ngoan hay
không. Chắc chắn rằng sự sống rất quý giá. Vòng luân hồi chỉ là chuyện “không
tưởng” – vừa giả tưởng vừa ảo tưởng. Cuộc sống không quan trọng ở chiều dài mà
quan trọng ở chiều sâu. Ai cũng chỉ có một cuộc đời nhưng số phận có thể khác
nhau, Kinh Thánh phân biệt số phận của người công chính và số phận của phường
vô đạo.
Trong Nhóm Mười Hai có đến 10 vị Tông Đồ tử
đạo, chấp nhận máu đổ ra để minh chứng Đức Tin, trừ người-môn-đệ-Chúa-yêu là
Gioan và tông đồ phản bội là Giuđa Ítcariốt. Cái chết oanh liệt đó là Mối Phúc
thứ tám: “Phúc thay ai bị bách hại vì
sống công chính, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:10) Chính Chúa Giêsu còn
nói thêm để tái xác định và chứng minh: “Phúc
thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu
xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật
lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta
bách hại như thế.” (Mt 5:11-12)
Trong thời gian bị bách hại, Giáo hội tại
Việt Nam vẫn như đứa trẻ mới thôi nôi, còn nhỏ bé nhưng kiên cường bất khuất
trước bạo quyền. Trải dài khoảng 300 năm, qua sáu triều vua: Trịnh, Nguyễn, Tây
Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, và Tự Đức, Giáo hội tại Việt Nam bị bách hại triệt
để, nhưng hơn một trăm ngàn người đã minh chức hạt giống đức tin đã nảy mầm và
lớn mạnh. Tiền nhân của chúng ta chịu tra tấn đủ kiểu – nào là “bào cách” (trói
vào cột lửa cho đến chết), nào là “tẫn hình” (cắt xương bánh chè), nào là “xử
giảo” (treo cổ), nào là “lăng trì” (tùng xẻo, lóc thịt theo tiếng cồng chiêng),
và còn nhiều cách khác như xỏ mũi, xâu tai, phanh thây, voi giày, ngựa xéo,...
Ác nhân mưu mô dụ đủ chiêu, nói rằng cứ giả
vờ bước qua Thánh Giá, nhưng tiền nhân dứt khoát không giả vờ. Họ còn dụ rằng
ông Phêrô chối Chúa ba lần mà còn được chọn làm trưởng Hội Thánh, nhưng tiền
nhân cũng không xiêu lòng. Đó là bài học sống đức tin cho chúng ta hôm nay: Đặt
mình trước Thánh Giá và quyết tâm chọn lựa dứt khoát như Thánh Phaolô: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì,
ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Gl 6:14)
Theo lịch sử, từ thế kỷ 17 tới 19, Việt Nam
theo chế độ quân chủ chuyên chế, vua là thiên tử (con trời) nên có toàn quyền
sinh sát: “Quân xử thần tử, thần bất tử
bất trung.” Nho giáo quan niệm như vậy. Vua cho sống thì được sống, bắt
chết thì phải chết, ai không chết là bất trung. Các vị Tử đạo Việt Nam đã giới
thiệu một nền dân chủ trong đó người dân làm chủ đất nước, vua chỉ là người đại
diện Thiên Chúa điều hành đất nước mà thôi, và mọi người đều là anh em với
nhau, theo kiểu nói “huynh đệ chi binh.” Không ai có quyền sát nhân vì Thiên
Chúa là Chủ nhân của sự sống, nhưng chính Đức Giêsu đã chết cho nhân loại, dù
Ngài là Thiên tử. Quan nhất thời, dân vạn đại. Chính phủ nào không vì dân thì
không thể tồn tại. Dân làm chủ đất nước chứ không phải vua chúa hoặc tổng
thống, chính quyền. Thế nên các thánh nhân đã can đảm chết cho giá trị của Nền
Dân Chủ cao quý để bảo vệ Chân Lý và Công Lý.
Bất cứ ai tin nhận Đức Kitô đều bị người ta
ghen ghét, đúng như Ngài đã nói trước: “Người
ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh
em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy.” (Mt 24:9; Mc 13:9; Lc 21:12)
Mỗi thời có kiểu bách hại riêng, càng ngày
càng tinh vi hơn. Thời Cựu ước, sách Macabê 2 kể rằng có bảy anh em bị bắt cùng
với bà mẹ. Vua Antiôkhô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo
là thức ăn luật Môsê cấm.
Chính mắt bà thấy bảy người con trai phải
chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy
bà đặt nơi Đức Chúa. Hẳn là rất hiếm có bà mẹ nào như vậy. Bà thực sự can đảm,
đúng là bà yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Chỉ là lời lẽ của một phụ nữ, nhưng
lại đầy chí khí nam nhi khi bà khuyến khích từng đứa con: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ
ban cho các con hơi thở và sự sống, cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể
cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài
người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng
sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ
của Người hơn bản thân mình.” (2 Mcb 7:22-23) Lý lẽ đầy xác tín và tràn trề
hy vọng, không hề ảo tưởng. Những người không có niềm tin Kitô giáo chắc hẳn
cho ai hành động như vậy là ngu xuẩn, là điên rồ. Bà mẹ này là người rất đáng
khâm phục và kính nhớ.
Thật tuyệt vời khi bà nghiêng mình về phía
con trai, vẫn hiên ngang chế nhạo tên bạo chúa, và âu yếm nói với con trai: “Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu
mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin
con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa
đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng
sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái
chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.”
(2 Mcb 7:27-29)
Thân nữ nhi thường tình, phận liễu yếu đào
tơ, nhưng đức tin của bà rất vững vàng! Những lời lẽ của bà chứa đầy kiến thức
Kitô giáo và tràn đầy Thần Khí. Bà phân tích giản dị nhưng mạch lạc, với lý lẽ
cứng rắn và rạch ròi. Thật đáng khâm phục một nữ nhi mà có tấm lòng rắn như
thép. Hàng trăm ngàn vị tử đạo Việt Nam cũng đã từng không “tham sanh, úy tử,”
không chịu “giá áo, túi cơm,” không hèn nhát trước những ác nhân, mà vẫn hiên
ngang làm chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô đến giọt máu cuối cùng!
Từ cổ chí kim, thời nào cũng thế, các tôi
trung luôn đặt trọn niềm vui và hy vọng vào Thiên Chúa, hoàn toàn tín thác nơi
Ngài. Họ đã THEO ĐẠO và cương quyết GIỮ ĐẠO, đặc biệt là can đảm SỐNG ĐẠO dù bị
cấm cản đủ cách. Chuyện tất yếu như một quy-luật-muôn-thuở: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai
sau khấp khởi mừng.” (Tv 126:5) Chắc chắn là vậy. Các vị tử đạo đã “nhìn
thấy” phía sau những gì đang xảy ra với chính mình trong giây phút hiện tại: “Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi
gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.” (Tv 126:6) Hy
vọng của họ bừng sáng mà không ai hoặc không gì có thể dập tắt!
Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến
như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy
chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất
cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên
Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô,
Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển
cầu cho chúng ta? Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải
chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có
lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để
sát sinh.” (Rm 8:31-36)
Theo tầm-nhìn-thế-gian, gian truân và nguy
hiểm là những chướng ngại vật phải tránh cho xa, càng tránh được nhiều thì càng
tốt. Nhưng theo tầm-nhìn-Kitô-giáo, những thứ đó không là chướng ngại vật mà là
“đòn bẩy” đưa người ta lên cao vút, tới tận nơi Thiên Chúa ngự. Thánh Phaolô
cho biết thêm: “Nhưng trong mọi thử thách
ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc
rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại
hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một
loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của
Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8:37-39)
Thật đúng như vậy, đơn giản như đôi nam nữ
yêu nhau, cha mẹ càng cấm thì họ càng yêu nhau mãnh liệt. Có những người “yếu
bóng vía” và không có niềm tin Kitô nên họ đã tự tử. Tuy nhiên, người thất tình
là người yêu mạnh lắm. Và thật lạ, đại văn hào Victor Hugo (1802-1885, Pháp) đã
nhắn nhủ: “Ai khổ vì yêu, hãy yêu hơn
nữa. Chết vì yêu là sống trong tình yêu.” Chỉ có những người yêu thật mới
khả dĩ hiểu nổi, không thì sẽ cho là “bị chạm thần kinh” ở cấp độ nặng!
Bất cứ thời nào cũng có bách hại tôn giáo,
chỉ khác ở cách thức và mức độ. Ngày xưa, Chúa Giêsu đã tiên báo những cuộc
bách hại: “Hãy COI CHỪNG người đời. Họ sẽ
nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ.
Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho
họ và các dân ngoại được biết.” (Mt 10:17-18) Ngài biết chúng ta sẽ lo lắng
nên Ngài căn dặn: “Khi người ta nộp anh
em thì anh em ĐỪNG LO phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên
Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. Thật vậy, KHÔNG PHẢI chính anh em nói, mà
là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” (Mt 10:17-20) Chúa Thánh Thần
luôn hoạt động mọi nơi, mọi lúc, và trong mọi người. Một sự thật vừa minh nhiên
vừa mặc nhiên, và chỉ những ai có đức tin vào Đức Kitô mới khả dĩ hiểu được
điều này.
Tất cả những người yêu mến Chúa, bất luận
nam-phụ-lão-ấu, đều bị chống đối và bị ghét bỏ bằng cách nào đó, không chỉ đối
với người ngoài mà đối với cả những người thân và bạn hữu, thậm chí là ngay
trong gia đình: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp
anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và
làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng
kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10:21-22) Máu của
các vị tử đạo đúng là Máu Đào thực sự. Đó là những Giọt Tình vô giá!
Chúng ta thấy có vẻ lạ lùng khi xảy ra những
chuyện như vậy, nhưng thực ra cũng chỉ là chuyện bình thường, sự thể vốn dĩ mà thôi.
Vấn đề là chúng ta có can đảm sống đúng theo lý tưởng Đức Kitô hay không. Đó
cũng là một dạng tử đạo: Tử đạo liên lỉ từng ngày trên đường lữ hành trần gian.
Tử đạo kiểu nào cũng có cái khó khăn riêng, chẳng có cách tử đạo nào dễ dàng!
De Giradin nói: “Tình yêu chỉ sống được nhờ đau khổ. Sống
trong hạnh phúc, tình yêu sẽ chết dần mòn.” Có thể có chút cường điệu,
nhưng đó là điều mà chúng ta phải công nhận. Chính đau khổ và hy sinh mới chứng
tỏ tình yêu chân thật hay không. Bussy Rebutin so sánh: “Tình yêu trong xa cách ví như ngọn lửa trong gió, gió thổi tắt
ngọn lửa nhỏ và thổi bùng ngọn lửa lớn.” Đó là cách ví von về tình yêu đôi
lứa, nhưng vẫn có ý nghĩa đối với các dạng tình yêu khác, kể cả tình yêu của
chúng ta dành cho Thiên Chúa.
Máu Thánh của Đức
Kitô đã đổ ra vì thương xót và cứu độ nhân loại. Nhờ đó mà có nhiều người không
“tham sanh, úy tử,” dám liều mạng sống vì Chúa. Đó là những nhân chứng đức tin,
là các vị tử đạo. Chính máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống sinh các tín hữu.
Việt Nam là quốc gia có hằng trăm ngàn nhân chứng đức tin đã xả thân vì đức tin
Kitô giáo. Các ngài cũng là những người có cuộc sống bình thường như chúng ta,
nhưng có cách sống khác thường, dù thời đó Việt Nam mới nhận biết đức tin Kitô
giáo chưa được bao lâu.
Thánh Anrê Phú
Yên (1625-1644) mới rửa tội được 4 năm, thế nhưng đức tin của “chàng trai trẻ”
đã trưởng thành nên mới có thể thí mạng vì Đức Kitô khi mới 19 tuổi đời. Thánh
Anê Lê Thị Thành (1781-1841), thường gọi bà Đê, là một bà mẹ Công giáo bình
thường, nhưng lại có một đời sống đức tin khác thường, để rồi dám chết vì Đức
Kitô. Biết tin vua Thiệu Trị ra lệnh xử trảm, Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm
(1813-1847) vẫn thản nhiên nói: “Tôi có
ăn trộm ăn cướp gì đâu mà sợ, mà buồn. Được chết vì đạo là điều tốt lắm.” Và
còn hằng trăm ngàn người Công giáo Việt Nam đã chết vì Đạo Chúa, điều mà Đức
Kitô đã xác định: “Không có tình thương
nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”
(Ga 15:13)
Đó cũng là một
trong Bát Phúc: “Phúc thay ai bị bách hại
vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:10) Với người đời, những
cái chết đó là dại dột, là ngu xuẩn; nhưng với Thiên Chúa lại là sự khôn ngoan.
Chúa Giêsu đã giải thích: “Anh em đừng sợ
những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ
Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (Mt 10:28)
Thật vậy, tác giả
sách Khôn Ngoan nói: “Linh hồn người công
chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa.” (Kn
3:1) Đối với những người yêu Chúa thì đau khổ chẳng nghĩa lý gì. Như kiểu nói
của người Việt là “gậy ông đập lưng ông,” tác giả sách Khôn Ngoan nói: “Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ
ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng
tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thực ra, họ đang hưởng an bình. Người đời nghĩ
rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất
tử.” (Kn 3:2-4) Tất cả xem chừng là những nghịch lý, nhưng lại là
nghịch-lý-thuận.
Mọi khổ hình dã
man nhất của loài người đối với các nhân chứng đức tin cũng chỉ là cách “chịu
sửa dạy đôi chút,” và rồi “họ sẽ được hưởng ân huệ lớn lao.” (Kn 3:5) Đó mới là
mục đích của họ! Quả thế, Thiên Chúa đã thử thách họ và thấy họ xứng đáng với
Ngài: “Ngài đã tinh luyện họ như người ta
luyện vàng trong lò lửa, và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu. Khi đến giờ được
Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy.” (Kn
3:6-7) Rồi họ sẽ được quyền “xét xử muôn dân và thống trị muôn nước,” chính
“Đức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời.” (Kn 3:8) Thiên Chúa giúp họ lật lại
thế cờ, chuyển bại thành thắng, đúng như lời Chúa hứa: “Những ai trông cậy vào Ngài, sẽ am tường sự thật; những ai trung
thành, sẽ được Ngài yêu thương và cho ở gần Ngài, vì Ngài ban ân phúc và xót
thương những ai Ngài tuyển chọn.” (Kn 3:9)
Chúa Giêsu xác
định: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính
mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9:23) Điều kiện “theo Chúa”
vừa dễ, vừa khó. Lửa tình của ai mạnh thì là dễ, nhưng lửa tình của ai yếu thì
là khó. Chính người đời cũng ví von: “Tình
yêu trong cách xa như ngọn lửa trong gió: Gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ, nhưng thổi
bùng ngọn lửa lớn.” Ngài nói thêm: “Ai
muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì
sẽ cứu được mạng sống ấy. Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính
mình hay là thiệt thân thì nào có lợi gì?” (Lc 9:24-25) Cách nói “nghi vấn xác
định” là cách xác định hơn, làm nổi bật ý chính.
Và Ngài kết luận:
“Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi
thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của
mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.” (Lc 9:26) Rõ ràng, mạch lạc,
dễ hiểu. Các thánh tử đạo Việt Nam đã hãnh diện hiến dâng mạng sống vì yêu mến Chúa
Giêsu Kitô, Đấng mà các ngài đã tín thác suốt đời.
Dù muốn hay không
thì ai cũng phải tự viết “bia mộ” cho chính mình, viết ngay từ lúc sinh thời. Các
thánh tử đạo Việt Nam đã viết “bia mộ” cho chính mình bằng máu, và viết chữ YÊU
trên “bia mộ” cuộc đời các ngài.
Lạy Thiên Chúa, Nguồn Sống của chúng con, xin
giúp chúng con biết duy trì và bảo vệ sự sống, biết
sống kiên trung và sẵn sàng hiến mạng sống vì Thánh Danh Ngài. Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin nguyện giúp
cầu thay chúng con trên hành trình đức tin để luôn sống xứng
đáng là tử tôn của các ngài. Chúng con cầu xin
nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Mãi kiên trung trong tình yêu Thiên Chúa
Một niềm tin Chúa đã ban từ xưa
Dù gươm chém cho đầu bay ê chề
Dẫu thân mình bị voi giày, ngựa đạp
Ánh đức tin rực sáng soi trời đất
Là gương thiêng mãi mãi soi muôn người
Anh hùng ca vang vọng đến muôn đời
Là điệp khúc bài Hùng Ca Tử Đạo
Dẫu hiểm nguy muôn trùng vì giữ đạo
Từng đoàn người vẫn vững bước tiến lên
Quyết hiên ngang vì Chúa mà hiến thân
Trọn tín trung, không tham sanh úy tử
Vui hy sinh, nhận cực hình vì Chúa
Tình yêu ấy thật vĩ đại biết bao!
Vì yêu Chúa mà liều mạng, chẳng nao
Sẽ lãnh nhận Nước Trời là phần thưởng
Với người đời, như thế là tuyệt vọng
Giống Giê-su chịu chết trên thập hình
Nhưng đó là vang Bài Ca Đức Tin
Là tận hưởng nguồn hạnh phúc miên viễn
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment