Sống không chỉ là
ăn uống và hít thở. Đó là sống phần thể lý, nếu vậy thì chỉ là “sống thụ động.”
Có một số người vì bệnh tật mà họ sống thực vật. Họ vẫn sống, nhưng không thể
làm gì được. Vì thế, Chúa Giêsu xác định: “Thần
khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.” (Ga 6:63)
Ý thức càng cao,
cuộc sống càng có ý nghĩa. Cuộc đời có thể bình thường nhưng không thể sống tầm
thường. Người Việt nói cụ thể: “Thùng
rỗng kêu to.” Thùng càng rỗng càng kêu to. Thùng có chứa gì đó thì gõ không
thể kêu vang. Người ta cũng thế, càng dốt càng chảnh, càng chảnh càng tự ái,
càng tự ái càng “nổ” to. Người ta khoe khoang vì muốn chứng tỏ “bản lĩnh” của
mình, không muốn người khác biết “thùng mình rỗng.” Nhưng càng “nổ” mạnh thì càng
văng miểng nhiều, làm cho người khác “sợ” dính miểng nên phải xa lánh.
Khiêm nhường là
nhân đức cần thiết nhưng lại khó thể hiện, vì “cái tôi” nhỏ bé nhưng cồng kềnh,
khó đè nó xuống. Trình thuật Lc 18:9-14 nói về dụ ngôn “Người Pharisêu và Người
Thu Thuế” – một người kiêu ngạo, một người khiêm nhường. Hai thái cực đối lập,
hai động thái trái ngược.
Nhóm Pharisêu là
nhóm “đặc cách” – được tách khỏi dân thường và có nhiệm vụ riêng biệt, nên gọi
là Biệt Phái. Vì được coi trọng nên họ kiêu hãnh, ngạo mạn, ỷ lại, luôn ra vẻ
ta đây. Nhưng đó chỉ là động thái giả hình, thích bề ngoài, trọng hình thức, khoái
nghi thức, nhưng bên trong hoàn toàn rỗng tuếch. Chúa Giêsu đã từng gọi họ là
“mồ mả tô vôi,” (x. Mt 23:27) bên ngoài sơn son thếp vàng nhưng bên trong đầy
giòi bọ hôi thối.
Chúa Giêsu kể dụ
ngôn này nhắm vào những kẻ tự nhận mình công chính mà khinh chê người khác. Có
hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người thuộc nhóm Pharisêu và một người
làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng và cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con
không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế
kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của
con.” Còn người thu thuế đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên
trời, vừa đấm ngực vừa thưa: “Lạy Thiên
Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”
Theo mặc định của
xã hội Do Thái, người Biệt Phái là người công chính, người thu thuế là người tội
lỗi – vì họ làm việc cho ngoại bang mà đàn áp dân lành, và có thể lóm lém tiền
bạc. Rõ ràng có những động thái đối lập: ngẩng đầu – cúi đầu, dang tay – khép
tay, chê người – thú nhận, tự mãn – khiêm nhường. Chúa Giêsu xác định: người
thu thuế khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính, người Biệt Phái
thì không. Xã hội không thiếu những kẻ có “máu” Pharisêu, bất kể nơi nào, cả
ngoài đời và trong đạo. Chúa Giêsu kết luận: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Ý thức là vấn đề quan
trọng. Nhưng phải nhận thức đúng đắn thì mới ý thức tốt đẹp. Đại nhân Khổng Tử
xác định: “Đừng lo mình không có chức vị,
chỉ lo không đủ tài mà nhận lãnh chức vị mà thôi.” Đó là cách nhận thức
giản dị mà thâm thúy, khả dĩ giúp người ta sống thanh thản, không ảo tưởng, dù
là ai và ở cương vị nào. Hãy cứ bình thường khi gặp người khác, dù người đó là
ai. Không vồn vã, cũng không bất cần. Người như vậy có thể sẽ bị coi là lạnh
lùng, dửng dưng, khinh người,… nhưng không phải vậy.
Bắt chước là hèn
nhát, nịnh bợ là nhục nhã. Hãy cứ là chính mình. Không sợ hãi trước kẻ quyền
thế, không hống hách với người yếu thế, không luồn cúi hoặc nịnh bợ người khác
để có lợi cho mình, đó chính là phong cách của quân tử. Cái kiểu “cáo mượn oai hổ”
là dạng đê tiện, hèn hạ. Đó là “phong cách” của kẻ tiểu nhân.
Ý thức sống là biết
mình và biết người. Đó là điều cần thiết trong cuộc sống. Nhưng cao cấp nhất là
nhận thức tâm linh – nhận biết Thiên Chúa là ai và nhận biết mình là gì. Thánh
Augustinô phân tích: “Nhận biết Thiên
Chúa làm cho con người nhận biết mình; cũng vậy, nhận biết mình cũng khiến cho
người ta nhận biết Thiên Chúa.” Thật tuyệt vời!
Rất đáng suy nghĩ
về nhận thức của George Washington (1732-1799), vị tổng thống tiên khởi của Hoa
Kỳ: “Một khi bị cướp đi quyền tự do ngôn
luận, chúng ta trở nên câm lặng và ngu xuẩn như những con cừu bị dẫn đến lò sát
sinh. Sự thật sẽ luôn chiến thắng ở bất kỳ nơi đâu có nỗ lực để đưa nó ra ánh
sáng.” Nhận thức và ý thức về chân lý như vậy rất phù hợp với Chúa Giêsu,
vì Ngài đã xác định: “Sự thật sẽ giải
thoát quý vị.” (Ga 8:32)
Nhận thức là quá
trình bao gồm sự nhận biết (mức độ thấp) và sự hiểu biết (mức độ cao). Có nhận
thức đúng đắn thì mới khả dĩ ý thức. Có nhiều thứ cần nhận biết, nhưng khó nhất
vẫn là nhận biết chính mình. Muốn nhận biết chính mình thì phải can đảm đối
diện với chính mình, nhờ đó có thể nhận biết về bản thân, trong đó có nhiều
thứ: sức mạnh, sức khỏe, điểm yếu (nhược điểm, sở đoản), điểm mạnh (yếu điểm,
sở trường), tài năng, kiến thức, quan điểm, niềm tin, ước vọng, cảm xúc, bản
năng, thói quen, tâm lý,...
Allan Rufus có cách
ví von về cuộc đời khá thú vị: “Cuộc đời
như ổ bánh mì kẹp. Sinh ra là một lát bánh, và chết đi là lát bánh còn lại.
Điều bạn kẹp vào giữa là tùy bạn. Ổ bánh mì của bạn thơm ngon hay chua cay?”
Đừng tự lừa dối, kẻ lừa bịp đáng sợ nhất là chính mình. Và rồi chính Albert
Einstein cũng đã từng thắc mắc: “Có một
câu hỏi đôi khi khiến tôi cảm thấy mơ hồ: Tôi điên hay người khác điên?”
Cuộc đời luôn là một ẩn số, không có cách lý giải chuẩn xác. Nội tại luôn quan
trọng hơn ngoại tại, đúng như Agatha Christie nhận xét: “Chính điều bên trong con
người của bạn làm cho bạn hạnh phúc hay bất hạnh.”
Cách nói “đôi mắt
là cửa sổ tâm hồn” thật chí lý. Từ ánh mắt của ai đó, người khác có thể nhận
thấy họ có sức mạnh, uy tín, đáng tin hay khả nghi,… Người ta sợ nhau từ ánh
mắt. Thật vậy, khi hai người nhìn nhau, ai yếu bóng vía sẽ tự cảm thấy mình
“lép vế” ngay. Dám nhìn thẳng vấn đề là một thế mạnh của người quân tử.
Đời là bể khổ.
Cái khổ có liên quan nước mắt. Nước mắt của nhà giàu và nhà nghèo giống nhau về
vị mặn, nhưng khác nhau xa về tính chất và nguyên nhân. Kinh Thánh đặt vấn đề: “Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên
gò má, và tiếng bà kêu lại chẳng cáo tội kẻ làm bà phải khóc sao? Kẻ phục vụ Đức
Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng
mây. Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm. Lời nguyện chưa tới đích,
họ chưa an lòng.” (Hc 35:15b-17)
Xã hội thời nào
cũng phức tạp. Trước mặt người đời, người nghèo là cái gai cần phải đập gãy,
nhưng với Thiên Chúa thì không như vậy. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót,
không thể làm ngơ trước lời van xin tha thiết của những con người hèn mọn, khốn
khổ. Điều gì chưa xảy ra, ngay cả công lý, là vì Thiên Chúa chưa cho phép xảy
ra, chưa đến lúc theo sự quan phòng và tiền định của Ngài.
Người ta sẽ thanh
thản nếu tin tưởng, an tâm để Ngài dẫn dắt. Loài người chẳng đáng gì mà phải sợ,
chỉ sợ Thiên Chúa mà thôi. Chắc chắn điều gì đến sẽ phải đến: “Sẽ đến lúc Người đập gãy lưng bọn tàn ác,
và báo oán chư dân. Sẽ đến lúc Người tiễu trừ lũ ngạo ngược, đập tan vương
trượng bọn ác nhân. Sẽ đến lúc Người trả cho ai nấy theo việc họ làm, và xét xử
hành động của người ta theo ý hướng của họ.” (Hc 35:20-22a) Tất cả đều đúng
thời, đúng lúc, không gì có thể xảy ra ngoài Thánh Ý Chúa, bởi vì tóc trên đầu
mà Ngài còn đếm cả kia mà!
Quả thật, Thánh
Phaolô tha thiết nhắn nhủ: “Anh em đừng
lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh
nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình
an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với
Đức Kitô Giêsu.” (Pl 4:6-7) Thánh Vịnh gia cũng chân thành bày tỏ: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát
mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa xin các bạn
nghèo nghe tôi nói mà vui lên.” (Tv 34:2-3) Dù vui – buồn, sướng – khổ, cứ
tâm sự với Chúa, cứ phó thác cho Ngài và để Ngài hành động.
Phàm nhân vốn dĩ
xấu xa, đầy tội lỗi và nhiều sai lầm, thế mà không cha mẹ nào nỡ lòng muốn điều
xấu cho con cái, những đôi lứa yêu nhau cũng luôn muốn điều tốt cho nhau, thậm
chí cọp dữ còn chưa nỡ ăn thịt con kia mà. Chắc chắn Thiên Chúa còn hơn như vậy:
“Chúa để mắt nhìn người chính trực và
lắng tai nghe tiếng họ kêu. Họ kêu xin, và Chúa đã nhận lời, giải thoát khỏi
mọi cơn nguy khốn.” (Tv 34:17-18)
Và còn hơn thế
nữa, Thánh Vịnh gia dẫn chứng cụ thể: “Chúa
gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề.” (Tv
34:19) Đúng vậy, ngôn sứ Isaia nói rõ ràng và chi tiết hơn: “Cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gẫy;
tim đèn leo lét, Ngài chẳng nỡ tắt đi.” (Is 42:3)
Văn hào Victor
Hugo (1802-11885, Pháp) nói: “Ai khổ vì
yêu, hãy yêu hơn nữa; ai chết vì yêu là sống trong tình yêu.” Thật chí lý!
Nhưng chúng ta không hiểu thấu lòng thương xót của Thiên Chúa. Tình yêu tuyệt
đối của Ngài viên mãn tới mức đôi khi chúng ta nghi ngờ, không dám tin. Tình
yêu ấy điên rồ. Vâng, Ngài yêu như điên!
Thế nhưng nhờ
“khối tình điên” ấy mà chúng ta mới hiện hữu và sống tới hôm nay. Nhận thức như
vậy để có thể hoàn toàn tín thác vào Ngài: “Chúa
cứu mạng các người tôi tớ, ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ.” (Tv
34:23) Và ý thức hơn để sống vì Ngài và sống cho tha nhân.
Thánh Phaolô nhắn
nhủ Timôthê: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ
máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao
đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi
vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần
thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất
cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.” (2 Tm 4:6-8) Dù là một “tân
tòng,” nhưng ông Phaolô đã nhận thức sâu sắc về ơn gọi của mình, đồng thời biết
mình sống thế nào nên ông tin tưởng mình sẽ được cứu độ. Ước gì mỗi chúng ta
cũng biết Chúa và biết mình như vậy để sống tốt hơn!
Cụ thể và rạch
ròi, Thánh Phaolô dẫn chứng: “Khi tôi
đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc
tôi. Xin Chúa đừng chấp họ. Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh
cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại
được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho
tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người
ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (2 Tm
4:16-18)
Thánh Phaolô được
đặc ân nhưng không tự mãn, chấp nhận sự vô cảm của người khác, đặc biệt là ngài
noi gương Thầy Giêsu xin Thiên Chúa tha thứ cho những người đã đối xử tệ với
mình. Cao thượng như vậy là nhờ ý thức rõ ràng về Thiên Chúa và về chính mình. Nhận
biết để nhận thức, nhận thức để ý thức. Đó là quá trình cần thiết nhưng không hề
đơn giản, cần nhờ ơn Chúa và không ngừng nỗ lực.
Lạy Thiên Chúa, xin soi sáng cho con nhận biết Ngài
trong mọi đường đi nước bước, xin Ngài san bằng đường nẻo con đi. (Cn 3:6) Xin giúp
con nhận biết con để không ảo tưởng, không tìm hư danh, nhờ đó con nhận biết Ngài
là Thiên Chúa đích thực. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy
nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment