“Hãy
tỉnh thức, hãy đứng vững trong đức tin, hãy sống cho đáng bậc nam nhi và ăn ở
kiên cường. Hãy làm mọi sự vì đức ái.” (1 Cr 16:13-14)
Đức tin là gì? Đó là một nhân đức thần học liên kết chúng ta với Thiên Chúa – Đấng mà chúng ta tin vào chính Ngài, những gì Ngài nói qua Lời Chúa, qua Huấn Quyền và con người của Thánh Phêrô – Giáo Hoàng. Cách định nghĩa ngắn hơn và thực sự dễ nhớ hơn: “Đức tin là tin vào Thiên Chúa mặc dù chúng ta không thấy Ngài.” Cùng với đức cậy và đức ái, đức tin được truyền vào linh hồn chúng ta khi rửa tội. Tuy nhiên, giống như một hạt giống bé nhỏ gieo xuống đất, nó phải được chăm sóc, nếu không nó có thể héo úa và chết khô.
Một câu Kinh Thánh rất đáng để chúng ta suy
ngẫm sâu sắc – đúng ra là chiêm niệm, đó là khi Thánh Phêrô đi trên mặt nước, rồi
chìm xuống, sau đó được Chúa Giêsu kéo lên. (Mt 14:22-33) Một trong những lý do
chính khiến ông Phêrô thực sự chìm trong sóng biển là vì ông đã đưa mắt rời khỏi
Chúa Giêsu để nhìn vào sóng biển. Điều này có thể được áp dụng cho tất cả chúng
ta. Khi chúng ta chăm chú nhìn vào đôi mắt yêu thương của Chúa Giêsu thì đức
tin cũng như niềm hy vọng của chúng ta vẫn bám rễ vững chắc và được neo chặt.
Tuy nhiên, khi những giá trị thế gian lôi
cuốn chúng ta đi sai hướng và thực sự quyến rũ chúng ta, thì chúng ta – giống
như Phêrô – bắt đầu chùn bước trong đức tin và cuối cùng chìm trong làn sóng
tội lỗi của chính mình. Vì vậy, chúng ta phải cam kết và chiến đấu để vững vàng
trong đức tin bằng cách cố gắng để Chúa Giêsu luôn hiện diện với chúng ta trong
mọi lúc và mọi nơi. Thánh Phaolô xác định: “Chính
ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu.” (Cv 17:28)
TRỞ
NGẠI
Những trở ngại chính đối với đức tin trong
thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống là gì? Mỗi chúng ta nên tự hỏi và trả
lời câu hỏi đó. Chắc chắn có rất nhiều chướng ngại vật, nhất là trong xã hội vật
chất và công nghệ ngày nay, nhưng đây là vài vấn đề nổi bật:
1. Thiếu Sự Đào Tạo Đức Tin
Thông thường, nhiều người có đức tin rất yếu
bởi vì cha mẹ họ không bao giờ nỗ lực phối hợp để dạy dỗ và sống đức tin cho
con cái. Cha mẹ phải là những người thầy đầu tiên dạy đức tin, chính họ đã hứa
điều này vào ngày rửa tội cho con của họ. Họ nên dạy con cái của họ bằng cả lời
nói và gương sáng.
2. Thiếu Sự Đào Tạo Vĩnh Viễn
Như trong cuộc đời của bất kỳ chuyên gia nào,
cần phải có một quá trình đào tạo lâu dài. Bác sĩ, luật sư, nhà giáo, nhà văn,
linh mục – tất cả đều phải liên tục cập nhật và nâng cấp nghề nghiệp của họ;
nếu không, họ có thể mất việc. Tương tự, là người theo Chúa Giêsu Kitô, quá
trình hình thành của chúng ta phải là vĩnh viễn, cho đến ngày Chúa gọi chúng
ta. Chắc chắn chúng ta không bao giờ có thể hiểu và yêu Chúa đầy đủ!
3. Xao Lãng và Trần Tục
Ngày nay, có nhiều phiền nhiễu thế gian có
thể kéo chúng ta ra khỏi con đường thẳng và hẹp dẫn đến sự cứu rỗi. Chúa Giêsu
nói con đường dẫn đến diệt vong rất rộng rãi và thênh thang, nhiều người chọn
con đường đó, trong khi con đường dẫn đến sự cứu rỗi thì hẹp, rất ít người tìm
thấy và đi theo con đường đó.
4. Ưu Tiên
Cũng vậy, nếu không có sự trau dồi đức tin một
cách nghiêm túc, những thứ khác sẽ trở thành ưu tiên của chúng ta so với Thiên
Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa ghen tị, Ngài sẽ
không chiếm vị trí thứ hai so với bất kỳ ai hoặc bất cứ thứ gì khác.
5. Tội Lỗi
Cuối cùng, một trong những trở ngại lớn đối
với việc phát triển đức tin của chúng ta chính là tội lỗi. Nếu chúng ta nhượng
bộ tội lỗi và để tội lỗi làm chủ mình, đức tin của chúng ta có thể giảm sút,
khô héo và diệt vong! Sau đó, chúng ta thực sự trở thành nô lệ cho những ham
muốn và đam mê tội lỗi của mình.
LIỆU
PHÁP
Bây giờ, chúng ta hãy đi theo hướng ngược lại
và đáp lại bằng cách nào để chúng ta có thể củng cố đức tin của mình và là
phương tiện giúp người khác quay trở lại với đức tin, phát triển đức tin, và
trở thành những tông đồ giống như chúng ta đưa người khác trở lại với đức tin.
1. Cầu Nguyện
Mỗi khi cầu nguyện, chúng ta lớn lên trong
đức tin của mình. Thật ra cầu nguyện là hành động của đức tin bởi vì chúng ta cầu
nguyện với một Thiên Chúa mà chúng ta không nhìn thấy. Tôi tớ Chúa Lm John
Hardon, Dòng Tên, đã đưa ra nhận xét như vậy về đức tin. Ngài nhận thấy rằng
hầu hết những người có đức tin và đã mất đức tin cũng đã làm như vậy vì ít cầu
nguyện hoặc hoàn toàn bỏ cầu nguyện. Vì vậy, chúng ta hãy quyết định mạnh mẽ và
nỗ lực phối hợp để cố gắng phát triển việc cầu nguyện mỗi ngày.
2. Đọc Sách Thiêng Liêng
Các thánh đã được biến đổi bằng cách đọc sách
– như trường hợp của Thánh Ignatius Loyola, người đã đọc hạnh các thánh sau khi
bị thương trong trận chiến Pamplona. Ignatius thốt lên: “Nếu Phanxicô làm được thì tôi cũng làm được; nếu Đaminh làm được thì
tôi cũng làm được.” Tại sao không quyết định củng cố đức tin của bạn hằng
ngày bằng cách đọc sách thiêng liêng? Bạn có thể bắt đầu đọc hạnh các thánh, họ
thực sự là những anh hùng của Thiên Chúa, và là những người có đức tin phi
thường. Hãy đọc và noi gương họ!
3. Chấp Nhận Thử Thách
Khi Chúa gởi đến một thử thách hay hoạn nạn
nào đó, tại sao bạn không chấp nhận? Hãy kêu lên như Phêrô khi ông đang chìm dần
trong sóng biển: “Thưa Ngài, xin cứu con
với!” (Mt 14:30) Chúa Giêsu đã cứu ông, đồng thời nhẹ nhàng quở trách ông: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài
nghi?” (Mt 14:31) Thiên Chúa thực sự gởi cho bạn những thử thách để củng cố
đức tin của bạn, giống như Gióp trong Cựu Ước và Phêrô trong Tân Ước.
4. Thánh Thể – Bánh Sự Sống
Cần phải nói rằng, với sự nhiệt thành và xứng
đáng, việc thường xuyên lãnh nhận nhận Bí tích Thánh Thể, Bánh Hằng Sống, là
một trong những phương tiện mạnh mẽ nhất để phát triển đức tin của chúng ta: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước
trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát
Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.” (Tv 42:2-3) Mong sao những lời của Thánh
Vịnh gia thúc đẩy chúng ta lớn lên trong đức tin bằng cách phát triển đức tin
và khao khát Thánh Thể!
5. Chia Sẻ Niềm Tin
Điều thú vị cần lưu ý là khi chúng ta chia sẻ
vật chất, chúng ta sẽ nghèo hơn. Nhưng không phải như vậy đối với những món quà
và kho báu tâm linh. Hoàn toàn ngược lại! Càng cho đi và chia sẻ đức tin của
mình với người khác, chúng ta càng làm giàu thêm đức tin của chính mình. Do đó,
hãy cởi mở với những cơ hội mà Thiên Chúa đặt trên con đường của bạn – những
người mà bạn có thể chia sẻ đức tin của mình. Nhiều người không có đức tin và
có thể không bao giờ có đức tin vì lý do đơn giản này: không có người sẵn sàng muốn chia sẻ đức tin với họ. Ngôn sứ Isaia bày
tỏ: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân
người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn
cứu độ.” (Is 52:7)
Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi
Ngài lên trời là: “Anh em hãy đi và làm
cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con
và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và
đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:19-20) Thật vậy, người
theo Chúa Kitô là người truyền giáo, luôn tìm mọi lúc, mọi nơi và hoàn cảnh để
chia sẻ Tin Mừng cứu độ.
Nguyện xin Đức Mẹ, người đã nói lời “xin
vâng” với Thiên Chúa khi được truyền tin và sau đó đã vội vàng đến thăm người
chị họ Êlidabét để đem Tin Mừng đến cho chị, là nguồn cảm hứng để chúng ta nhận
biết đức tin, yêu mến đức tin, lớn lên trong đức tin, và nhiệt thành chia sẻ
đức tin của chúng ta với toàn thế giới!
LM. ED BROOM, OMV
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Tháng
07-2022
✽ Chìa Khóa Tâm Linh – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/08/chia-khoa-tam-linh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment