Thứ Hai, 18 tháng 7, 2022

GÕ CỬA TÌNH YÊU

Chính Chúa Giêsu xác định: “Anh em cứ XIN thì sẽ ĐƯỢC, cứ TÌM thì sẽ THẤY, cứ GÕ cửa thì sẽ MỞ cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.” Nhưng Ngài cũng nhắc nhở thẳng thắn: Đừng lải nhải, chớ lẻo mép, cấm nói nhiều! (x. Mt 6:7)

Như để tái xác nhận, Ngài còn nói thêm: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” Tin sao thì được vậy. (x. Mt 8:13; Mt 9:29) Đó là hệ lụy tất yếu, đúng như Thánh Don Bosco (1815-1888) nói: “Chính đức tin hoàn thành tất cả mọi sự.”

Có tin thì mới dám “gõ cửa” để cầu xin, vì nhận thấy mình thiếu thốn hoặc không có. Chúng ta không gõ cửa bình thường mà gõ cửa đặc biệt: Cửa Tình Yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, trong đời thường, nhiều khi chúng ta có mà vẫn phải xin: Xin lỗi. Thật vậy, văn sĩ Stephen Gosson cho biết: “Một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn là im lặng.” Nói đến chuyện xin lỗi thì phải nhắc tới việc tha thứ. Xin lỗi và tha thứ là hai động thái luôn cần thiết và cấp bách, vì đó là động thái của tình yêu thương, lòng trắc ẩn, lòng thương xót.

Năn nỉ hoặc mặc cả cũng là một cách cầu xin. Trình thuật St 18:20-32 cho biết về việc Tổ Phụ Ápraham đã vì người khác mà “mặc cả” với Thiên Chúa.

Chính Thiên Chúa đã xác định: “Tiếng kêu trách Sôđôm và Gômôra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề! Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết.” Ông Ápraham thưa với Đức Chúa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?” Đức Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được trong thành Sôđôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó.”

Để “mặc cả” với Thiên Chúa, ông Ápraham hạ từ 50 người lành xuống còn 45 người, rồi 40 người, 30 người, 20 người, thậm chí chỉ còn 10 người. Mặc dù đó là con số quá ít, Thiên Chúa vẫn chấp nhận mà không nỡ phá huỷ thành Sôđôm. Quả thật, Thiên Chúa luôn nhẫn nại và chỉ muốn tha thứ. Thế nhưng cả thành phố đó cũng không có được 10 người lành. Nhân loại vẫn bướng bỉnh, cố chấp, ỷ lại và làm ngơ với lòng thương xót của Ngài. Làn ranh giữa “mặc cả” và “lợi dụng” rất mong manh. Chắc chắn ông Ápraham không có ý lợi dụng Lòng Chúa Thương Xót, thế nên chúng ta phải cẩn trọng, chớ ảo tưởng mà hóa ra lợi dụng Lòng Chúa Thương Xót.

Ai cũng biết ma quỷ rất ranh mãnh, đáng sợ nhất là nó cám dỗ chúng ta tưởng là mình thánh thiện. Thật vậy, Thánh Tiến sĩ Têrêsa Hài Đồng (1873-1897) cho biết: “Ma quỷ thường hay đánh lừa những linh hồn quảng đại bằng cách thúc đẩy họ bước vào những hy sinh thái quá, vừa làm hại sức khỏe vừa khiến họ không thể chu toàn bổn phận, đồng thời lại lấy đó làm tự mãn.” Thật kinh khủng! Thảo nào Thánh Phaolô cảnh báo: “Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng!” (Ep 4:27)

Ngài biết chúng ta vốn dĩ xấu xa, (x. Lc 11:13) nhưng Ngài vẫn đại lượng: “Chúa tuy thật cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn; đứa ngạo mạn ngông nghênh, từ xa Ngài đã biết. Cho dù con gặp bước ngặt nghèo, Chúa vẫn bảo toàn mạng sống con. Địch thù đang hằm hằm giận dữ, Ngài ra tay chận đứng, lấy tay uy quyền giải thoát con.” (Tv 138:6-7) Ngài luôn quan phòng, che chở, giữ gìn chúng ta dù có lúc chúng ta không nhớ đến Ngài. Nếu Ngài nhắm mắt làm ngơ chúng ta chỉ trong giây lát thì chúng ta cũng sẽ chết ngay.

Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, (1 Sb 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6) không gì có thể che giấu Ngài, dù là điều nhỏ nhoi nhất và tinh vi nhất.

Ước gì chúng ta khả dĩ cảm nghiệm được Thiên Chúa như tác giả Thánh Vịnh để có thể thân thưa chân thành: “Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ, Ngài đã nghe lời miệng con xin. Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa, hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ. Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương, đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài trên tất cả mọi sự. Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại, đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn.” (Tv 138:1-3)

Hơn bao giờ hết, chúng ta hãy cùng nhau thân thưa với Ngài: “Việc Chúa làm cho con, Ngài sẽ hoàn tất; lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.” (Tv 138:8)

Nói về loài người chúng ta, Thánh Phaolô cho biết: “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Kitô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.” (Cl 2:12-13)

Quả thật, Thiên Chúa vô cùng đại lượng, cao thượng, từ bi và nhân hậu. Mặc dù chỉ là những “con nợ,” chúng ta chưa mở miệng cầu xin mà Ngài đã tha thứ vô điều kiện: “Người đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.” (Cl 2:14) Vì thế, chắc chắn chúng ta cũng phải sẵn sàng tha thứ cho nhau, không còn cách nào khác. Đó cũng là loại “đấu” mà Thiên Chúa căn cứ theo đó để “đong” cho chúng ta.

Cầu xin là điều cần thiết, cầu nguyện vừa là hơi thở vừa là lương thực hằng ngày của tín nhân. Có lần một môn đệ xin Ngài dạy cách cầu nguyện, Ngài đã dạy lời cầu tiêu chuẩn nhất: Kinh Lạy Cha. (Lc 11:2-4; Mt 6:9-13) Thật diễm phúc cho chúng ta, bởi vì chỉ là tội nhân bất xứng mà hằng ngày chúng ta vẫn được gọi Thiên Chúa là Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”

Chúa Giêsu kể câu chuyện về “người bạn quấy rầy và việc cầu xin” để minh họa lòng thương xót. Ngài nói: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả,’ mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được. Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.”

Là con người, ai cũng bất túc, thế nên luôn cần giúp đỡ nhau. Không ai đầy đủ tới mức không cần nhờ vả người khác. Tương tự, ai cũng là tội nhân, thế nên ai cũng cần xin lỗi – tất nhiên cũng cần kèm theo sự tha thứ. Tất cả đều là anh chị em trong Đại Gia Đình của Thiên Chúa, chắc chắn phải yêu thương và tha thứ cho nhau.

Người ta đưa ra 10 lý do mà chúng ta phải xin lỗi nhau:

1. Vì mình hứa mà không thực hiện cho tha nhân.
2. Vì mình thờ ơ, vô cảm với nỗi đau của tha nhân.
3. Vì mình ích kỷ, vụng về, hiểu lầm nên làm phiền tha nhân.
4. Vì lời nói, hành động của mình, dù vô tình hay cố ý, đã làm tổn thương tha nhân.
5. Vì mình không giúp đỡ tha nhân, và vì những gì mình muốn mà không dám làm.
6. Vì những mối bất hòa, cãi vã, mâu thuẫn,... với tha nhân.
7. Vì mình làm cho chính mình đau khổ và nghĩ xấu về tha nhân.
8. Vì mình cố gắng mà vẫn chưa làm được điều tốt đẹp cho người khác, cho xã hội và giáo hội.
9. Vì mình làm cho tha nhân thất vọng, hụt hẫng, mệt mỏi,...
10. Vì mình thay đổi thất thường, đòi hỏi người khác phải theo ý mình.

Và người ta cũng đưa ra 10 lý do mà chúng ta phải tha thứ cho nhau:

1. Tha thứ người khác về điều dối gian mà họ dành cho mình.
2. Tha thứ người khác về những gì xấu xa nhất mà họ nghĩ về mình.
3. Tha thứ người khác vì họ đã làm mình phải khóc, đau lòng.
4. Tha thứ người khác về sự không chân thành, lãnh đạm, xa lánh,… mà họ dành cho mình.
5. Tha thứ người khác về sự vô tâm của họ trước những nỗi khó khăn của mình.
6. Tha thứ người khác về sự giả dối, chỉ giả vờ quý mến, bằng mặt mà không bằng lòng.
7. Tha thứ người khác về mọi lỗi lầm để cùng nhau sống tích cực và hướng tới điều tốt đẹp hơn.
8. Tha thứ người làm mình tổn thương là tự giải thoát mình để có thể sống thanh thản.
9. Tha thứ chính mình, vì đôi khi mình cũng tồi tệ, cảm thấy ghét chính mình.
10. Tha thứ mọi người về bất cứ lỗi lầm gì, dù nhỏ hay to.

Thánh GH Gioan XXIII, mệnh danh “ông già nhân từ,” chia sẻ: “Sinh ra nghèo, do cha mẹ nghèo nhưng khả kính, tôi đặc biệt sung sướng khi được chết nghèo. Bất luận tôi đi đâu, nếu ban đêm có người nào lỡ đường trước cửa nhà tôi, họ sẽ thấy cửa sổ tôi luôn có ngọn đèn sáng. Xin đừng ngại, HÃY CỨ GÕ CỬA. Tôi sẽ không hỏi anh em là Công Giáo hay không, nhưng chỉ xin người anh em CỨ VÀO, sẽ có đôi tay thân ái đón tiếp và TẤM LÒNG THÂN THIỆN NỒNG HẬU RỘNG MỞ.” Ước gì chúng ta cũng sống như ngài!

Lạy Thiên Chúa từ bi và nhân hậu, xin giúp chúng con nhận biết chính mình và đủ vững tin để gõ cửa Thánh Tâm Ngài và gõ cửa lòng nhau, xin ban ơn biến đổi để chúng con phân định đúng đắn, luôn biết làm những gì cần thiết và sinh ích theo ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment