Chính khách John Adams (tổng thống đệ nhị của Hoa Kỳ, 1735-1826) nói: “Có hai cách để chinh phục và nô dịch hóa một đất nước. Cách thứ nhất là bằng thanh kiếm, cách thứ hai là bằng nợ nần.” Một ý tưởng thật thấm thía!
Sống ở đời, không ai lại không mắc nợ ai điều
gì. Khi nói đến nợ, thường được hiểu là nợ về vật chất, cụ thể là tiền bạc.
Chắc chắn không ai cao tới mức không phải ngước lên, cũng chẳng ai thấp tới mức
không phải cúi xuống. Tương tự, không ai giàu tới mức không phải vay mượn bao giờ,
cũng chẳng ai nghèo tới mức không có gì để có thể cho người khác vay mượn. Dù
biết rằng vaу mượn ᴄũng ᴄhẳng tốt hơn ăn mày, nhưng có những lúc lực bất tòng
tâm nên đành chịu vậy!
Nợ nần có liên quan chuyện giàu nghèo. Giàu
hay nghèo cũng khóc. Nhận định của Trương Hoành Cừ (1020-1077) rất đáng suy tư:
“Trời ᴄho ta giàu ѕang ѕung ѕướng là
ᴄhiều ᴄhuộng ta để ᴄho ta dễ làm lành; trời bắt ta nghèo khổ lo buồn là mài
giũa ta để ᴄho ta kiên gan, bền ᴄhí.” Đau khổ có thể là hố sâu hoặc bậc
thang, tùy người. Có tiền mua tiên cũng được, trừ hạnh phúc. Khi đồng tiền lên
tiếng thì sự thật im lặng.
Cuộc đời nhiêu khê vì có quá nhiều vấn nạn,
thế nên cần có luật để xử lý và cân bằng xã hội. Nhưng “luật vị nhân sinh, nhân
sinh bất vị luật.” Con người có trước luật, nhưng con người sa ngã nên sinh ra
luật. Điều đó chứng tỏ con người rất ngang ngược, vì “cái tôi” lúc nào cũng
rình nổi dậy. Hai con người đầu tiên đã bất tuân Thiên Luật, con cháu muôn đời
cũng chưa chừa, vẫn di truyền gien kiêu ngạo. Do đó, lúc này thì “nhân sinh vị
luật,” nếu không có luật thì xã hội loạn hết.
Nhà có gia phong, nước có quốc pháp. Lĩnh vực
nào cũng cần có luật, cả đời và đạo, chí ít cũng là nội quy. Ngay cả Tự Do cũng
vẫn có luật, có giới hạn của tự do, chứ không thể lạm dụng tự do mà tự tung tự
tác. Tương tự, yêu thương và thương xót cũng có luật: Yêu cho tha thiết, xót
phải thật lòng, thương vô điều kiện. Chết vì yêu là tình yêu vĩ đại nhất. (x.
Ga 15:13)
Thật vậy, Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ
tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật. Đã yêu thương thì
không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật.” (Rm 13:8 và
10) Nếu không thì có “vấn đề” ngay: “Người
không được cắt bì trong thân xác mà vẫn chu toàn Lề Luật, người ấy sẽ lên án
bạn, vì bạn có Lề Luật ghi chép hẳn hoi và bạn đã được cắt bì, mà vẫn vi phạm
Lề Luật.” (Rm 2:27)
Chính Chúa Giêsu đã từng nói với nhóm Biệt
Phái: “Nếu các ông đui mù thì các ông đã
chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy,’ nên tội các ông
vẫn còn!” (Ga 9:41) Tương tự, người Việt cũng có câu tục ngữ: “Khôn cho người ta rái (sợ), dại cho người
ta thương, dở dở ương ương tổ cho người ta ghét.” Nói cách khác là “hâm
hẩm” – chẳng nóng, chẳng lạnh. (Kh 3:16) Thiên Chúa rất ghét kiểu đó!
Lề luật có tầm quan trọng đặc biệt, được đề
cập trong trình thuật Cv 15:1-2, 22-29. Hồi đó, có những người từ miền Giuđê
đến dạy: “Nếu anh em không chịu phép cắt
bì theo tục lệ Môsê, anh em không thể được cứu độ.” Rõ ràng giữ luật là
việc làm cần thiết. Giữ luật là chứng tỏ vâng lời, mà vâng lời cao trọng hơn cả
lễ vật. (x. 1 Sm 15:22; Tv 50:8-9; Tv 51:18)
Có vấn đề là lúc đó, hai ông Phaolô và Banaba
chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông
Phaolô, ông Banaba và một vài người khác lên Giêrusalem gặp các tông đồ và các
kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này. Bấy giờ các tông đồ và các kỳ
mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để
phái đi Antiôkhia với ông Phaolô và ông Banaba. Đó là ông Giuđa, biệt danh là
Basaba, và ông Xila, những người có uy tín trong Hội Thánh.
Cần có sự tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề, sáng
tỏ sự thật, chứ không phải để hơn thua nhau, để biết ai mạnh hay yếu, ai giỏi
hay không. Như vậy rất nguy hiểm, vì cái tôi luôn đáng sợ!
Và rồi các ông trao cho phái đoàn bức thư
này: “Chúng tôi nghe biết có một số người
trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây
xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang. Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất
trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những
người anh em thân mến của chúng tôi là ông Banaba và ông Phaolô, những người đã
cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi cử ông
Giuđa và ông Xila đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: Thánh Thần và
chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài
những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết,
ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những
điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh.”
Phong cách chứng tỏ con người. Cách ăn mặc có
thể biểu lộ tâm tính, ánh mắt có thể biểu lộ tâm hồn. Nói chung, ngoại tại
chứng tỏ nội tại. Có đầy mới tràn. Vì thế, đừng coi thường cũng đừng chú trọng
bề ngoài. Thái quá thì bất cập. Kiểu nào cũng tác hại, biết cư xử trung dung
mới là khôn ngoan. Nên TỰ XÉT XỬ hơn là để CHÚA PHẢI XÉT XỬ. (1 Cr 11:31-32)
Lề luật khả dĩ thể hiện Thánh Ý Chúa. Luật là
nguyên tắc đúng được mọi người công nhận. Cầu nguyện là một cách giữ luật của
con người, đặc biệt là các Kitô hữu: “Nguyện
Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng
con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của
Ngài.” (Tv 67:2-3) Cầu xin cho mọi người “biết đường lối Chúa” là biết luật
Chúa, và nhờ đó mà “biết ơn cứu độ của Ngài.” Đó là điều vô cùng kỳ lạ!
Lề luật là món nợ mà ai cũng mắc, dù không
vay mượn: Luật Yêu Thương. Lề luật cũng là biện pháp cai trị, nhưng luật Chúa
cai trị bằng luật yêu thương, luật thương xót. Cảm nhận sâu sắc nên Thánh Vịnh
gia lên tiếng: “Ước gì muôn nước reo hò
mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn nước
theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này. Ước gì chư dân cảm
tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài.” (Tv 67:5-6)
Tất nhiên ước mơ đó không chỉ cho riêng mình,
mà còn phải ước mơ cho mọi người. Đó mới là đi đúng định luật thương xót của
Thiên Chúa: “Nguyện Chúa Trời ban phúc
lộc cho ta! Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!” (Tv 67:8) Mình vui mà
người khác đau khổ thì niềm vui chưa trọn vẹn, và đó chỉ là ước mơ vị kỷ. Thiên
Chúa cấm sống ích kỷ, mà phải sống thương xót và bao dung. Xét theo Việt ngữ, bao
dung là “buông dao” chứ đừng “bung dao.” Đơn giản là tha thứ. Thế thôi!
Tại sao vậy? Tha thứ để được thứ tha, yêu
thương để được thương yêu, xót thương để được thương xót. Hệ lụy tất yếu theo
luật Chúa. Có vậy mới khả dĩ gặp Chúa. Thánh Vịnh gia đặt vấn đề: “Ai được lên núi Chúa? Ai được ở trong đền
thánh của Người?” (Tv 24:3) Chắc chắn chỉ có những người “tay sạch, lòng
thanh, chẳng mê ngẫu tượng, không thề gian, nói dối.” (Tv 24:4) Biết thương xót
là sống nhân từ như Chúa, (Lc 6:36) và được phúc. (Mt 5:7)
Nói về thị kiến, thị nhân Gioan kể: “Đang khi tôi xuất thần thì người đem tôi
lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh, là Giêrusalem,
từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực
sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê. Thành có tường
rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa
có ghi tên mười hai chi tộc con cái Israel. Phía đông có ba cửa, phía bắc ba
cửa, phía nam ba cửa và phía tây ba cửa. Tường thành xây trên mười hai nền
móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên.” (Kh 21:10-14) Quang
cảnh vô cùng kỳ lạ, chúng ta không thể hiểu hết bằng trí óc phàm nhân, nhưng
chúng ta có thể cảm nhận hạnh phúc và hy vọng tràn trề về Quốc Gia Siêu Nhiên đó
– Nước Trời, Thiên Đàng, Thiên Quốc.
Thị nhân Gioan cho tiết lộ thêm: “Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì
Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành. Thành chẳng
cần mặt trời, mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và
Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.” (Kh 21:22-23) Chúa Giêsu là Ánh Sáng Siêu
Nhiên, là Thái Dương Công Chính, là Vinh Quang Đời Đời, mọi thứ ánh sáng khác
đều được “nối tiếp” từ Nguồn Sáng đó.
Qua trình thuật Ga 14:23-29, Thánh Gioan cho
biết một phần trong “những lời cáo biệt” của Đức Giêsu. Lời Ngài nói như những
lời trăn trối, trước khi Ngài đón nhận chén cay đắng nhất.
Ngài vừa chia sẻ vừa giáo huấn: “Ai YÊU MẾN Thầy thì sẽ GIỮ lời Thầy. Cha
Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai
KHÔNG YÊU MẾN Thầy thì KHÔNG GIỮ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là
của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với
anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ
sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ
lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”
Theo nhân tính, Ngài cũng cảm thấy lưu luyến
và buồn bã khi phải chia tay người thân, và chắc hẳn lúc đó các môn đệ cũng
buồn lắm. Nhưng niềm hy vọng vẫn tràn trề, vì Ngài hứa ban Chúa Thánh Thần đến
để an ủi và nâng đỡ họ trong mọi hoàn cảnh. Ngôi Ba Thiên Chúa vẫn không ngừng
tác động cho đến tận thế.
Bất cứ ai quyết tâm theo Chúa Giêsu và luôn giữ
lệnh Ngài truyền thì tâm hồn an vui, bởi vì chính Ngài là nguồn bình an, là nền
hòa bình đích thực. Thật vậy, chính Ngài đã xác định: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.
Thầy ban cho anh em KHÔNG theo kiểu thế gian. Anh em ĐỪNG XAO XUYẾN cũng ĐỪNG
SỢ HÃI. Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em.’ Nếu anh em YÊU
MẾN THẦY thì hẳn anh em ĐÃ VUI MỪNG vì Thầy ĐI VỀ cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa
Cha CAO TRỌNG hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra,
để khi xảy ra, anh em tin.” Lời lẽ rất chân tình!
Chúng ta chỉ là phàm nhân yếu đuối và hèn
mọn, nhưng lại diễm phúc được Thiên Chúa củng cố đức tin. Chúa Giêsu minh định:
“Chính Thầy là con đường, là sự thật và
là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14:6) Và Ngài
còn là Ánh Sáng soi cho thế gian biết đường đi nước bước: “Tôi là ánh sáng đến thế gian.” (Ga 8:12; Ga 12:46) Ánh sáng luôn
cần thiết để chúng ta khả dĩ nhận biết mọi thứ. Đặc biệt là ánh sáng hoàn toàn đối
nghịch với bóng tối.
Liệu chúng ta thực sự có thể phân biệt sáng – tối hay chỉ là ảo tưởng và sai lầm? Có câu chuyện kể rằng…
Sư phụ hỏi các đệ tử: “Làm sao biết lúc nào là thời điểm tách biệt ngày và đêm?” Một đệ tử trả lời: “Thưa thầy, nếu nhìn từ xa mà chúng ta có thể phân biệt được con trâu và con bò.” Sư phụ lắc đầu. Một đệ tử khác nói: “Thưa thầy, nếu nhìn từ xa mà chúng ta có thể phân biệt được cây xoài và cây táo.” Sư phụ vẫn lắc đầu. Lại một đệ tử khác trả lời: “Thưa thầy, nếu nhìn từ xa mà chúng ta có thể phân biệt được con gà và con vịt.”
Cứ thế, mỗi đệ tử có một nhận xét khác nhau,
nhưng thầy vẫn không đồng ý. Cuối cùng, sư phụ điềm đạm nói: “Đó là lúc người ta có thể NHẬN RA NHAU bằng
tình đồng loại, lòng yêu thương, lòng vị tha. Có ánh sáng tình yêu thì người ta
có thể nhận biết mọi thứ.” Cách phân biệt thật tuyệt vời, rất thâm thúy và
chí lý!
Yêu thương là món nợ kỳ diệu, ai cũng muốn mắc
và trả món nợ này. Thanh toán không bao giờ hết, nhưng thanh toán được bao nhiêu
thì diễm phúc bấy nhiêu. Người Samaria không có đạo nhưng ông đã thanh toán món
nợ yêu thương một cách tuyệt vời. (x. Lc 10:29-37)
Lạy
Thiên Chúa là Nguồn Sáng Thật, xin cho chúng con biết phân định đúng đắn, biết
đi trong Ánh Sáng đích thực của Ngài. Xin giúp chúng con biết thành tâm thực
thi lòng thương xót đối với mọi người, để trả nợ đời ngay trên thế gian này,
cũng là để đền tội của chính mình và của người khác. Chúng con cầu xin nhân
danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Nợ Cuộc Đời – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/06/no-oi.html
✽ Tội Không Được Tha – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/07/toi-khong-uoc-tha.html
✽ Chờ Đợi Không Vô Ích – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/07/cho-oi-khong-vo-ich.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment