Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

ĐỨC MẸ KIEV và SỨ ĐIỆP TẠI HRUSHIV

Đức Mẹ Kiev là một trong những ảnh tượng Đức Mẹ nổi tiếng nhất thế giới. Người xem chú ý vào khuôn mặt dịu dàng của Đức Mẹ, đầu Mẹ nghiêng về Chúa Hài Đồng.

Ngày nay, nhiều quốc gia biết đến với tên gọi Đức Mẹ Dịu Dàng. Ảnh tượng này đã trở thành lý tưởng của các ảnh tượng Đức Mẹ, các nghệ sĩ sau này không bao giờ đạt được nữa.

Ảnh tượng này được tạo ra bởi một tu sĩ Byzantine vào khoảng năm 1132 cho Hoàng Tử Mstislav của Kiev, được đưa tới Ukraine khoảng năm 1134 và được đặt tại một ngôi đền tuyệt đẹp ở Vyshhorod. Đó là lý do tại sao người Ukraine tôn vinh là Đức Mẹ Vyshhorod. Năm 1155, Hoàng Tử Andrey Bogolyubsky tấn công Ukraine. Trước khi phá hủy Kiev, ông đã lấy ảnh tượng giá trị từ Vyshhorod gần đó và chuyển đến TP Vladimir ở phía bắc.

Ảnh tượng này đã tồn tại qua nhiều thế kỷ chiến tranh. Năm 1395, nó được chuyển đến Moscow. Nhưng Đức Mẹ Kiev cho thấy rằng cả khung của bức ảnh và các bức tường trong phòng trưng bày đều không thể giới hạn sức mạnh của nó. Sau cùng, Thánh Gioan Damasco đã dạy rằng ảnh tượng không chỉ là hình ảnh mà chính là sự hiện diện của vị thánh được khắc họa. Sự hiện diện này được biết đến thông qua các phép lạ và lời cầu được đáp lại theo một cách khác ở Hrushiv.

1. HÀO QUANG ÁNH BẠC

Năm 1987, Đức Mẹ hiện ra trên ngọn tháp của một nhà thờ Chính thống giáo bằng gỗ kính dâng Chúa Ba Ngôi và thuộc cộng đồng Công giáo Hy Lạp ở Hrushiv. Trong hơn một thế kỷ, đó là địa điểm hành hương quan trọng. Nhưng sau khi cộng sản chiếm giữ Ukraine, chính quyền đã đóng cửa nhà thờ này.

Năm tháng trôi qua. Rồi bỗng dưng, nhà thờ tưởng như đã chết nay sống lại – theo đúng nghĩa đen. Có điều lạ không thể giải thích được là nhà thờ được bao quanh bởi một vầng hào quang ánh bạc trong ba tuần lễ.

Tin tức về các cuộc hiện ra lan truyền nhanh chóng. Chỉ vài ngày trôi qua trước khi một đám đông khổng lồ đứng xung quanh ngôi nhà thờ nhỏ bé đó. Họ không chỉ đến từ Ukraine mà còn từ các nước cộng hòa khác của Liên Xô. Mỗi ngày có khoảng bảy mươi ngàn người đến. Lực lượng dân quân và KGB (tình báo Nga) đã cố gắng giành lại quyền kiểm soát nơi này nhưng không thành công. Thật khó khăn cho những người lính ở lại vị trí của họ, vì họ đang chứng kiến sự kiện siêu nhiên. Khi nhận được ân sủng tham gia vào các cuộc hiện ra của Đức Mẹ, họ không thể giải tán đám đông một cách tàn nhẫn như họ được lệnh phải làm hoặc còng tay và trừng phạt những người tham gia sốt sắng hơn để làm gương.

2. NGAI TÒA LUXIPHE

Trong 21 ngày, nhà thờ ở Hrushiv trở thành một “vùng tự do” tại Ukraine. Không biết từ đâu mà các linh mục của Giáo Hội ngầm đã xuất hiện để cử hành Thánh Lễ cho đông đảo dân chúng. Theo thời gian, đám đông bắt đầu nhận được các sứ điệp từ Đức Trinh Nữ Maria.

Đây là một trong số sứ điệp đó, từ ngày 14-5-1987: “Ukraine, ái nữ của Me! Mẹ cầu nguyện cho con, cho con cái của con, cho tương lai của con. Sẽ có lúc dân tộc của con, dân tộc rất yêu mến Thiên Chúa, sẽ giành được độc lập và trở thành sự cứu rỗi cho những ai giữ đức tin của họ trong Chúa Giêsu Kitô.” Đồng thời, những lời của Đức Mẹ cũng cảnh báo: “Nhiều người sẽ đến như những Mêsia giả và tiên tri giả. Do đó, Mẹ cảnh báo các con, hãy tỉnh táo và cẩn thận. Phúc cho những người sống không vi phạm và tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa.”

Hai ngày sau, Đức Mẹ tuyên bố: “Luxiphe đang mất dần sức mạnh. Để giữ vị trí trên ngai tòa bóng tối, nó bắt đầu thông báo rằng nó đã cải tiến, nhưng điều đó không đúng.” Tuy nhiên, Đức Mẹ cảnh báo: “Luxiphe ranh mãnh và xảo quyệt.”

Nhắc đến nước láng giềng hùng mạnh của Ukraine, Đức Mẹ nói: “Hãy cầu nguyện cho nước Nga. Nước Nga sẽ chỉ hoán cải khi tất cả những người theo đạo Chúa cầu xin điều đó.”

3. THỊ NHÂN TỪ GULAG

Josyp Terelya (Giuse Terelya), người Carpatho-Rusyn 34 tuổi đến từ một ngôi làng miền núi gần Mukachevo, thuộc một gia đình quan chức cấp cao của cộng sản. Nhưng Terelya được nuôi dưỡng bởi ông bà đạo đức sâu sắc. Terelya tích cực tham gia vào đời sống của Giáo Hội ngầm, thường tham dự Thánh Lễ được cử hành ở sâu trong rừng Carpathian.

Lúc 19 tuổi, Terelya phải nhập ngũ, nhưng sớm bị tù vì cố gắng truyền đạo cho những người lính khác. Các hình phạt ngày càng nghiêm khắc hơn, nhưng Terelya vẫn không ngừng truyền bá đức tin và cố gắng trốn nhiều lần. Anh đã từng phục vụ trong các nhà tù của Liên Xô cho đến năm 1987, khi đó anh được tự do nhờ sự can thiệp của Tổng thống Ronald Reagan.

Trong thời gian bị tù ở Moscow, Terelya đã trải nghiệm ân sủng của hai cuộc hiện ra. Đối với nhà tù khét tiếng vì ngược đãi các tù nhân đã xuất hiện Đức Mẹ, người mà sau này ông sẽ thấy ở Hrushiv. Lần hiện ra đầu tiên xảy ra ngày 12-2-1979, khi ông ở một mình trong phòng giam, sức khoẻ của ông mau chóng suy giảm do nhà tù ẩm thấp và lạnh lẽo, cùng với sự tra tấn của những kẻ bắt giữ. Trong thời gian này, lời cầu nguyện đã giúp ông sống sót. Khi thức dậy vào một đêm rùng mình, ông bắt đầu cầu nguyện. Đột nhiên, ông cảm thấy cơ thể đầy hơi ấm khác thường. Sau đó, phòng giam được thắp sáng bởi một thứ ánh sáng tuyệt đẹp – giống như ánh sáng mà ông sẽ thấy sau này ở Hrushiv. Một lúc sau, Mẹ Thiên Chúa đứng trước mặt ông.

Đức Mẹ nói với Terelya: “Con nên học cách tha thứ cho những người ngược đãi con nhiều nhất. Những năm khó khăn ở trước mặt con, những phán xét, suy thoái. Nhưng bắt đầu từ hôm nay, con sẽ không bao giờ sợ hãi nữa.”

Sau đó, Terelya đã viết trong cuốn “Witness” – Nhân Chứng: “Đó là một lần hiện ra ngắn ngủi, kéo dài vài phút, nhưng những khoảnh khắc đó có ý nghĩa đối với tôi hơn toàn thế giới. Tôi cảm thấy vô cùng an toàn dù tôi đang ở đâu, bất chấp những gì đang chờ đợi tôi ở tương lai gần.”

Cuộc gặp gỡ thứ hai với Đức Mẹ cũng diễn ra ngày 12-2, nhưng là năm 1981. Kể từ thời điểm bị kết án vì phát hành một ấn phẩm và lưu hành ngầm, Terelya đã được chuyển đến một “phòng giam băng giá.” Bên trong có một cơn gió băng giá thổi qua, người tù chỉ mặc một chiếc áo mỏng. Chính ông mô tả: “Người canh gác làm nhiệm vụ nhìn qua lỗ dòm nhỏ, thấy điều này và tắt đèn. Tôi ngồi trên giường và bắt đầu lạnh cóng. Có một chiếc chăn bông cũ mỏng manh và tôi đã quấn mình trong đó, cũng thấy đỡ một chút mà nó có thể mang lại cho tôi. Quá yếu, khi tay nhấc lên, tôi đã có thể mở mắt. Trước mặt tôi là Trinh Nữ trẻ. Đức Mẹ nói: ‘Con đã gọi Mẹ và Mẹ đến.’ Phòng giam trở nên ấm hơn. Cơ thể tôi cảm thấy như thể đang ở gần lò nướng vậy.”

Trong lần hiện ra này, Mẹ Thiên Chúa đã đưa ra nhiều lời tiên tri cho Terelya về nhân loại. Đức Mẹ cũng cho ông xem một bản đồ. Ông kể: “Một số nơi đã bị cháy. Nước Nga! Các nước láng giềng cũng bị lấp đầy lửa. Sau đó, Đức Mẹ yêu cầu sự buồn sầu vì tội lỗi và sự trong sạch tâm linh. Cuối cùng, một tia chớp lớn xuất hiện và Đức Mẹ biến mất.”

Người tù cởi áo và bắt đầu đi quanh phòng giam. Terelya cho biết: “Trời rất nóng. Các lính canh không thể tin rằng tôi đã sống sót qua đêm đó. Ngày hôm sau, một ủy ban đã được triệu tập để tìm hiểu những gì đã xảy ra vào đêm hôm đó. Nhưng họ không tin rằng Mẹ Thiên Chúa đã hiện ra với tôi.”

Sau khi Terelya được trả tự do, ông đến thăm Hrushiv, nơi ông gặp Mẹ Thiên Chúa từ những năm tháng trong tù. Cùng với những người hành hương lâu dài, ông đã nghe thấy một số sứ điệp từ Thiên Đàng.

Trong thời gian “tan băng” sau cái chết của Stalin, Terelya đã giúp làm việc để hợp pháp hóa Giáo Hội Công giáo ở Ukraine. Khá bất ngờ, ông nhận được giấy phép đi du lịch Hà Lan. Ông đã từng xuất ngoại và bị cấm trở về quê hương.

Bây giờ Terelya là người sống lưu vong, định cư tại Canada và làm việc để truyền bá sứ điệp mà Đức Mẹ đã giao phó. Vài lần trong quá trình thực hiện sứ vụ của mình, ông đã gặp ĐGH Gioan Phaolô II – người biết nhiều về những người cộng sản.

WINCENTY ŁASZEWSKI

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Chiều 15-03-2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment