Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

LUẬN BÀN VỀ QUÍ HAY QUÝ

(Bài viết phân tích ý nghĩa sâu sắc)

Có một vị tiến sĩ viết nhiều bài rất xuất sắc đăng trên báo và thường gởi thư cho tôi. Vị tiến sĩ ấy viết “quí vị.” Tôi muốn học hỏi thêm nên tôi hỏi vị tiến sĩ này rằng tại sao dùng “i” ngắn cho chữ “quí vị”. Vị tiến sĩ kia trả lời rằng “i” ngắn hoặc “y” dài đều được cả. Ai muốn viết sao tùy ý.

Bắt đầu từ đó, tôi “tùy ý” dùng “i” ngắn cho tên của vị tiến sĩ này.

Mở đầu bức thư tôi thường viết, “Kính thưa Tiến Sĩ Thụi.” Sau một thời gian độ 5 tháng, vị tiến sĩ ấy gọi tôi là người bất lịch sự khi tôi đổi chữ “y” dài thành “i” ngắn cho tên ông ấy. Tôi trả lời rằng chính ông đã bảo tôi tùy tiện dùng “i” ngắn hay “y” dài cũng được cả mà! Sau đó, ông không nói gì thêm, nhưng tôi để ý thấy ông dùng “quý vị” thay cho “quí vị” như trước kia.

Chúng ta thấy rất nhiều người dùng “quí vị” hoặc “quý vị” trong sách vở, trên Báo chí tại Hoa Kỳ và Việt Nam. Chữ nào đúng, chữ nào sai, hoặc cả hai đều đúng?

Khi “i” ngắn hoặc “y” dài không đứng chung với bất cứ nguyên âm nào, chúng ta có thể “tùy ý” dùng chữ nào cũng được. Chỉ có con mắt của chúng ta thấy thay đổi chứ cả âm thanh lẫn ý nghĩa của nó không thay đổi. Thí dụ: bác sĩ hoặc bác sỹ, li kì hay ly kỳ, và bé tí hay bé tý. Nhiều người chủ trương dùng “i” ngắn trong mọi trường hợp. Ngược lại, nhiều người chủ trương dùng “y” dài cho tất cả. Cũng có người dùng cả hai tùy theo con mắt họ thường thấy không “chói mắt”.

Có người lúc này viết hy siпh, và lúc khác lại viết hi sinh. Tuy nhiên, khi nguyên âm “u” đứng chung với một nguyên âm thứ hai, âm thanh và nghĩa của chúng nó hoàn toàn thay đổi. Đôi khi chúng ta hãy xem nguyên âm “i” hoặc “y” đứng chung với nguyên âm “a”. Tay khác với Tai, Vay khác với Vai, Váy khác với Vái, May khác với Mai, Hay khác với Hai, Thay khác với Thai, Khái khác với Kháy, Bay khác với Bai, Xảy khác với Xải, và Phẩy khác với Phải.

Bây giờ, xin chúng ta quan sát nguyên âm “i” hoặc “y” đứng với nguyên âm “u”. Âm thanh và ý nghĩa của chúng nó cũng hoàn toàn thay đổi. Tuy khác với tui; An Ủi chứ không ai gọi An Ủy; Ủy Lạo chứ không ai nói Ủi Lạo; Trung Úy chứ không ai nói Trung Úi, say Túy Lúy chứ không ai nói say Túi Lúi. Tên Thanh Thúy rất hay, nhưng nếu nói dùng “i” ngắn hay “y” dài cũng được là không đúng. Nếu dùng “i” ngắn cho cái tên đẹp đẽ đó, nó sẽ trở thành “Thanh Thúi” chẳng còn thanh tao chút nào. Cũng như ở trên, vị tiến sĩ ấy không chấp nhận tên “Thụi” thay cho tên “Thụy”. Bây giờ, chúng ta thử ráp vần: Tờ (t) úi là Túi; Bờ (B) úi là Búi; Thờ (th) úi là Thúi; Lờ (l) úi là Lúi; Rờ (r) úi là Rúi; và Quờ (q) úi là… Xin hãy lắp lại: Quờ (q) úi là…? Nó không thể có âm là quý được phải không? Chữ “quí” này có âm nhưng không có nghĩa. Vì vậy, chúng ta có nên dùng “quí vị” không?

Tôi thiển nghĩ rằng chúng ta PHẢI DÙNG “y” dài cho: Quy, quỳ, quý, quỵ, quỷ, và quỹ.

HOA XUÂN (ncctv.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment