Thứ Hai, 21 tháng 2, 2022

LOẠN THỊ

Loạn thị là tật khúc xạ do các bất thường về hình dạng giác mạc, mắt không thể tập trung ánh sáng đều trên võng mạc dẫn đến nhìn mờ hoặc nhìn bị méo. Nó có thể có ngay từ lúc mới sinh ra, hoặc có thể phát triển dần dần trong cuộc đời, và thường xảy ra cùng với cận thị hoặc viễn thị. Có 3 loại: loạn thị dạng cận thị, dạng viễn thị, và dạng hỗn hợp.

Đó là tật của mắt, về thể lý. Đáng quan ngại và đáng sợ là tật khúc xạ tinh thần, nghĩa là tín nhân cũng có thể mắc chứng cận thị, viễn thị hoặc loạn thị. Chứng nào cũng đáng lo. Cận thị thì chỉ lo cho mình, mặc kệ tha nhân; viễn thị thì ảo vọng xa vời, bỏ bổn phận hằng ngày; loạn thị thì vừa ích kỷ vừa ảo vọng, khiến người ta không nhận diện chính mình, không nhận biết tha nhân, cũng chẳng nhận ra Thiên Chúa. Đúng là “loạn” thật!

Mới sinh ra mà phải rửa tội. Sao vậy? Thánh Vịnh gia đã chân thành thân thưa với Chúa: “Ngài thấy cho: Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.” (Tv 51:7) Thế đấy, đời cha ăn mặn nên đời con khát nước. Tội cũng có tính lạm dụng. Tội di truyền. Kiếp phàm nhân yếu đuối vô cùng, sai lầm nối tiếp, tội lỗi kéo dài, ngày nào cũng thú nhận “lỗi tại tôi mọi đàng” mà vẫn chảnh, chẳng vừa chút nào: “Chân mình còn lấm bê bê – Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.” (ca dao)

Mặc dù chỉ là phàm nhân, thân tro bụi, vậy mà chẳng khác “siêu nhân” đâu, bởi vì ai cũng dễ nhìn rõ lỗi-lầm-nhỏ của người khác mà lại không hề thấy tội-to-lớn của mình. Lỗi của người bỏ giỏ đeo phía trước ngực, tội của mình bỏ giỏ đeo phía sau lưng. Quái gở như vậy nên khốn nạn. Chứng loạn thị rất đặc biệt!

1. CÁI TÔI LÔI THÔI CÁI TỘI

Có lẽ không ngôn ngữ nào lại độc đáo như Việt ngữ khi dùng chữ “ghét” để chỉ tế bào chết và chất bẩn bám vào người mình. Đúng là “ghét” thật đấy! Vừa tắm xong vẫn bẩn, xà-bông thơm hoặc sữa tắm cao cấp cũng chẳng giữ “hương vị” được bao lâu. Tội lỗi cũng tương tự, “rửa” hoài chưa sạch, cứ thú tội cả đời.

Nhận thức như vậy không phải để thất vọng rồi buông xuôi, mà là để nhận diện chính mình: “Biết người là khôn, biết mình là sáng. Người tri túc không bao giờ nhục. Lo thắng người thì loạn, lo thắng mình thì yên.” (Lão Tử) Môi trường xã hội cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ: “Gần son thì đỏ, gần mực thì đen, gần người hiền thì sáng, gần người tài thì thông, gần người lành thì có đức, gần người ngu thì dại, gần kẻ nịnh hót thì a dua, gần đứa tham lam thì trộm cắp.” (Mạnh Tử) Ai yếu thì không nên ra gió, như tiền nhân nhắn nhủ: “Chọn bạn mà chơi.” Thâm ý “cẩn tắc vô ưu” là vậy!

Bản chất vốn dĩ nơi con người bất toàn, bất trác, thế nên mỗi ngày chúng ta đều phải xét mình, tự thú: “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót...” Những “điều thiếu sót” quá nhiều, không đếm xuể, “ớn” nhất là “tội trong tư tưởng.” Thật là khủng khiếp! Nhân vô thập toàn, nếu được cái này thì lại thiếu cái khác. Con-người-thật thì không hoàn hảo, con-người-hoàn-hảo thì không có thật – chỉ có trong truyện thần thoại, tiểu thuyết, phim ảnh hoặc là dạng “nhân vật ảo” (vtuber của Nhật) mà thôi. Không thể cầu toàn nơi người khác, bởi vì chính mình cũng bất toàn. Chân nhận như vậy để có thể cảm thông và tha thứ cho người khác, cố gắng tha thứ là tự hoàn thiện theo lệnh truyền của Thiên Chúa. Thế nhưng… “cái tôi” rất cồng kềnh và nặng nề lắm, mặc dù nó nhỏ xíu mà thôi. Cái Tôi vốn “đơn sơ bổn thiện” mà lại rắc rối lắm: Xét theo Việt ngữ, thêm dấu huyền thì Tôi hóa Tồi, thêm dấu sắc thì Tôi hóa Tối, thêm dấu nặng thì Tôi hóa Tội. Ôi thôi!

Tương tự, cái lưỡi rất hữu ích, nhưng cũng gây tai họa khôn lường: “Sống hay chết đều do cái lưỡi, ai yêu chuộng nó, sẽ lãnh nhận hậu quả.” (Cn 18:21) Cái lưỡi nhỏ mà lắm chuyện, khiến người ta thất điên bát đảo: “Vinh hay nhục đều ở lời nói cả, và cái lưỡi chính là mối họa cho con người.” (Hc 5:13) Sách Huấn Ca cho biết: “Sàng rồi, trấu ở lại sàng, nói ra, cái dở rõ ràng thấy ngay. Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay. Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người. Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng: muốn biết người, phải nghe miệng nói năng.” (Hc 27:4-7) Không ít người đã “chết” vì nghe lời nói ngon ngọt, lời hứa béo bở, cụ thể là Ông Bà Nguyên Tổ. Cái vần “ối” khá lạ: Có TỘI, đừng CHỐI, phải VỘI sám HỐI.

Con ruồi chết vì ham mật ngọt, quảng cáo là một dạng lừa bịp công khai mà được chấp nhận. Lời hay mà dùng không đúng nơi, không đúng lúc, không đúng người thì cũng vô ích, nhảm nhí, thậm chí còn có thể rước họa vào thân. Tội lỗi bởi lời nói, phúc đức cũng nhờ lời nói: “Thú vị thay được tạ ơn Chúa, được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao, được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya.” (Tv 92:2-3) Nói với Chúa và nói về Chúa là an toàn nhất, tránh được nhiều phiền phức.

Người ta vốn dĩ “thích nói,” lắm điều, lắm chuyện,… thế nên người ta cho những-người-ít-nói là lầm lì, khinh người, kiêu kỳ. Những người đó thường không được lòng nhiều người khác. Thánh Vịnh gia nói: “Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta; già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng: Chúa thực là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi Người chẳng có chút bất công.” (Tv 92:13-16) Trước mặt người đời thì họ “bất lợi,” thế nhưng đối với Thiên Chúa thì họ rất mạnh mẽ.

2. CÁI PHÚC HỐI THÚC CÁI TÔI

Thánh Phaolô lý luận về các “mối” đối lập – được gọi là khúc Khải Hoàn Ca. (1 Cr 15:54-58) Ông phân tích: “Khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật.”

Chắc chắn không có độc tố nào bằng tội lỗi. Các loại độc tố mạnh nhất cũng chỉ có thể làm chết thân xác, còn độc tố tội lỗi mạnh tới độ là chết linh hồn. Đó mới là điều đáng sợ!

Ông Bà Nguyên Tổ “ăn mặn” nên cả đời con cháu phải “khát nước.” Nhưng trong cái xui có cái hên, trong cái rủi có cái may, và Giáo Hội gọi đó là Tội Hồng Phúc, vì nhờ “cái xui” đó mà chúng ta được diễm phúc đón nhận Con Thiên Chúa và biết mầu nhiệm Nước Trời. Mọi thứ đều trở nên hữu ích, là mối lợi thực sự. Thánh Phaolô nói: “Tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích.”

Có hai vấn đề được đề cập trong trình thuật Lc 6:39-45 (≈ Mt 7:3-5, 15-20; 12:33-35)

1. Vấn Đề Khôn Lỏi (Lc 6:39-42 ≈ Mt 7:3-5) – Ở đây là dạng ranh ma, ngu mà chảnh, người Việt có cách nói là “trứng khôn hơn vịt” hoặc “cầm đèn chạy trước ô-tô.” Là người mù, lo cho mình chưa xong mà lại muốn dạy khôn người khác, làm “thầy đời” người khác, thích bới lông tìm vết, khoái soi mói người khác, thế nên thấy cái rác nơi người mà không thấy cái xà nơi mình. Giống như người luôn dùng kính hiển vi, thấy ai cũng đầy vi trùng, trong khi chính mình đầy bọ chét mà cứ bảo là mình sạch. Thật là kinh dị!

Chính Chúa Giêsu nói: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra,’ trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” Một dụ ngôn rất cụ thể, và ai cũng có thể hiểu.

2. Vấn Đề Hệ Lụy (Lc 6:43-45 ≈ Mt 7:15-20; 12:33-35) – Cây nào trái ấy, xấu – tốt rạch ròi. Tương tự, sống sao thì chết vậy. Đó là vấn đề “nhân – quả” tất yếu. Chúa Giêsu minh định: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” Bụng làm, dạ chịu. Có khi ma quỷ chưa cám dỗ mà mình đã sa ngã rồi. Đừng vội đổ lỗi cho ma quỷ!

Thiên Chúa tạo nên cái gì cũng tốt lành, “lợi bất cập hại” là do mình. Chúa Giêsu xác định: “Đến Ngày phán xét, người ta sẽ PHẢI trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì NHỜ LỜI NÓI của anh mà anh sẽ ĐƯỢC TRẮNG ÁN; và cũng TẠI LỜI NÓI của anh mà anh sẽ BỊ KẾT ÁN.” (Mt 12:36-37) Hôm nay tự xét mình và chấn chỉnh thì mai sau không bị Thiên Chúa xét xử.

Lạy Thiên Chúa từ bi, đời con luôn trắc trở, nhưng con tin Ngài muốn vậy để vinh danh Ngài và đền tội con. Xin tha thứ cho con về những ước mơ không đúng ý Ngài, xin giúp con nhìn rõ, hoán cải và làm theo ý Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Tử Tội Lành Thánh
     https://tramthienthu.blogspot.com/2017/03/tu-toi-lanh-thanh.html
Tướng Cướp Tốt Lành
     https://tramthienthu.blogspot.com/2018/03/tuong-cuop-tot-lanh.html
Đối Lập (thu thuế & biệt phái)
     https://tramthienthu.blogspot.com/2017/03/oi-lap.html
Hóa Giải Định Mệnh
     https://tramthienthu.blogspot.com/2022/02/hoa-giai-inh-menh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment