Trình thuật Ga 2:1-12 cho chúng ta biết có một đám cưới tại Cana, miền Galilê, và Mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Thật thú vị, ngay khi bắt đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, Đức Mẹ là người được nhắc đến đầu tiên. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng được mời dự đám cưới, nhưng Đức Mẹ như nhân vật quan trọng tại đám cưới hôm đó.
Qua Kinh Thánh và truyền thống, chúng
ta biết rằng Đức Mẹ và Thánh Gioan đã sống bên nhau như mẹ con sau khi Chúa
Giêsu chịu chết trên Đồi Sọ. Tin Mừng theo Thánh Gioan được coi là có cách giải
thích sâu sắc về các chi tiết trong cuộc đời Chúa Giêsu, nhưng Thánh Gioan có ý
nghĩa sâu xa hơn hay chỉ đơn giản là mối quan hệ theo sinh học khi nói đến Đức
Maria là “Mẹ của Chúa Giêsu” hay không?
Thật sự có. Hãy nhớ lại rằng phần mở đầu của
Tin Mừng Gioan gợi lên công cuộc sáng tạo: “Lúc
khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên
Chúa.” (Ga 1:1) Thánh Gioan muốn chúng ta suy nghĩ về các chương đầu của
sách Sáng Thế, cả vinh quang mà chúng ta thấy ở đó và bóng tối bao trùm do tội
lỗi. Hy vọng duy nhất cho sự cứu chuộc sau sự sa ngã sẽ là việc Thiên Chúa hoàn
tất lời hứa. Ngài đã nói với con rắn: “Ta
sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người
ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3:15)
Theo nhiều cách tinh tế xuyên suốt Tin Mừng, Thánh Gioan cho chúng ta biết rằng
cuối cùng thì “người phụ nữ” và “dòng dõi của nàng” cũng đã xuất hiện. Trận
chiến của họ chống lại con rắn hiện đã được khởi đầu. Do đó, khi mô tả Đức
Maria là “Mẹ của Chúa Giêsu,” Thánh Gioan đã làm rõ hơn về mối liên hệ của Đức
Mẹ với lời hứa của Thiên Chúa trong sách Sáng Thế.
Tại Cana, chính Đức Mẹ là người chú ý các chi
tiết của lễ cưới – có lẽ đó là lễ cưới của một người họ hàng gần. Chuyện hết
rượu khiến chàng rể khó xử và lúng túng, nhưng tại sao Đức Mẹ lại nghĩ nên cho
Chúa Giêsu biết vấn đề đó? Rốt cuộc thì ông ta là một giáo sĩ Do Thái lưu động,
không phải là người quản tiệc! Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về tình huống này,
phải không? Sự bí ẩn càng được tăng cường khi chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu
không nghĩ về đám cưới này như là dịp để Ngài tỏ “dấu hiệu” công khai đầu tiên.
Ngay cả khi Đức Mẹ đến với Ngài, dường như có sự phản đối nào đó từ Chúa Giêsu:
“Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?
Giờ của tôi chưa đến?” Đây là cách nói của một thành ngữ Do Thái. Cách dịch
tiếng Anh: “Woman, how does your concern
affect Me?”
Thành ngữ Do Thái này thường giả định sự căng
thẳng được nhận thức giữa hai bên có quan điểm trái ngược nhau, (Tl 11:12; 1 V
17:18; Mc 5:7) mặc dù không phải lúc nào cũng xảy ra. (2 Sb 35:21) Khi thành
ngữ được sử dụng để đáp ứng yêu cầu của người nào đó... Đôi khi người nói tuân
theo ý muốn được bày tỏ của người kia, (2 V 3:13) và đôi khi thì không. (2 Sm
16:10) Ở đây Chúa Giêsu làm theo yêu cầu của Đức Mẹ, và chính Đức Mẹ cũng tỏ ra
hoàn toàn tin tưởng rằng Chúa Giêsu sẽ đáp ứng đề nghị của mình. Theo thực tế,
Chúa Giêsu sẽ không làm phép lạ tại Cana, nhưng Ngài cũng không từ chối lời đề
nghị của Mẹ Ngài. (ICSB-NT, trang 164)
Vì vậy, tại sao Đức Mẹ quá chăm chú vào các
chi tiết của đám cưới, chạnh lòng và mong đợi một phép lạ từ Chúa Giêsu để giải
quyết vấn đề này? Chúng ta không biết chắc chắn, nhưng chúng ta phải tự hỏi rằng
khi tham gia tiệc cưới với Con Trai, Đức Mẹ có nhớ rằng công việc của Con Trai –
cũng là Con Thiên Chúa, là sự hiện diện bằng xương bằng thịt của Chàng Rể đối
với dân của Thiên Chúa hay không? Trong suốt lịch sử lâu dài của người Do Thái,
Thiên Chúa bày tỏ mối quan hệ giao ước của Ngài với họ như một “cuộc hôn nhân.”
Trong sách Sáng Thế, hôn nhân của Ađam và Êva bị rạn nứt vì tội lỗi. Đáng buồn
thay, giao ước của Thiên Chúa với dân Ngài cũng bị tội lỗi làm hoen ố rất
nhiều. Người Do Thái đã hắt hủi “Phu Quân” yêu thương của họ. Tuy nhiên, các tiên
tri báo trước một cuộc hôn nhân được khôi phục. Đức Mẹ biết rằng Chúa Giêsu sinh
ra để hàn gắn giao ước đã tan vỡ này, Ngài là Chàng Rể sẽ thanh tẩy Cô Dâu.
Với tư cách là Êva mới, Đức Mẹ đã thúc giục
Con Trai thực hiện thiên chức của Ngài trong khung cảnh đám cưới đầy ý nghĩa
này. Trong việc này, Đức Mẹ xóa bỏ những gì bà Êva đã làm trong Vườn Địa Đàng, khiến
chàng rể của mình phạm tội. Đó là hành động ủng hộ công khai đầu tiên của Đức
Mẹ thay mặt cho dân của Thiên Chúa, một việc Đức Mẹ tiếp tục làm cho tất cả con
cái của mình trong Giáo Hội. Chúa Giêsu thực hiện phép lạ đầu tiên là “hóa nước
thành rượu ngon nhất.” Để làm được điều này, những người giúp việc phải nghe
theo chỉ thị của Đức Mẹ: “Người bảo gì,
các anh cứ việc làm theo.”
Đó là những lời cuối cùng của Đức Maria trong
Tin Mừng. Những lời đó tiếp tục reo vang qua các thế kỷ để tất cả chúng ta thấy
rằng cuộc sống của chúng ta không có rượu – chúng ta đang sống trên nước tội
lỗi, vô nghĩa và sợ hãi. Chàng rể đến để biến đổi tất cả những điều đó, chúng
ta cần làm bất cứ điều gì Ngài nói với chúng ta.
Lạy
Mẹ, con cảm ơn Mẹ đã yêu thương bênh vực chúng con về những chi tiết trong cuộc
sống của chúng con, đó là điều rất quan trọng đối với chúng con.
GAYLE SOMERS
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment