Ông Gióp nói: “Tôi trong sạch, không phạm tội bất trung, tôi tinh tuyền, chẳng hề vương tội lỗi.” (G 33:9) Chắc chắn trong tất cả phàm nhân, không ai dám nói như vậy, ngoại trừ Đức Mẹ – Đấng nguyên tuyền, thuần khiết, không tỳ vết, và được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Động từ “nhiễm”
có thể có nghĩa tốt và xấu, nhưng thường được sử dụng khi nói tới điều xấu:
nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, nhiễm thói hư tật xấu, nhiễm bệnh, nhiễm
uế,... Có lẽ hơn bao giờ hết, trong lúc dịch bệnh lây lan thế này, với nhiều
biến chủng mới nguy hiểm hơn – cụ thể là Omicron. Chắc hẳn không ai muốn nghe
nói tới động từ “nhiễm” quái quỷ này.
Về ngữ nghĩa, “nhiễm” có nghĩa là “nhuộm.” Theo nghĩa bóng, “nhiễm” là
lây lan, lan truyền, thấm sang, thường ở thể thụ động và mang nghĩa xấu: bị
nhiễm. Trái nghĩa với “lây nhiễm” là “không lây nhiễm” – gọi là vô nhiễm.
Trong cuộc sống có nhiều thứ lây nhiễm, nhất là trong xã hội ngày nay. Về
thể lý, chắc chắn không ai miễn nhiễm, nghĩa là ai cũng đã từng bị bệnh, bị nhiễm
một dạng virus nào đó. Vì thế, hệ miễn nhiễm cần được gia tăng và duy trì mạnh
mẽ, đủ sức đề kháng virus. Trước đây, thế giới đã “rùng mình” với HIV (Human Immunodeficiency
Virus – SIDA hoặc AIDS) và được mệnh danh là “căn bệnh thế kỷ.” Đó là dạng thiếu
khả năng miễn nhiễm của cơ thể. Đối với một số người Phi châu, họ miễn nhiễm
với HIV. Quả thật, họ có dạng “vô nhiễm” rất kỳ diệu! Thế nhưng ngày nay, người
ta không chỉ “rùng mình” mà còn “run rẩy” vì coronavirus, còn ghê gớm hơn HIV nhiều,
và đáng quan ngại nhất là KHÔNG AI MIỄN NHIỄM với covid.
Hằng ngày có nhiều
sinh vật truyền nhiễm – vi sinh, vi khuẩn, vi trùng, ký sinh, bọ, nấm,... Sức
đề kháng yếu kém thì cơ thể sẽ dễ bị nhiễm và sinh bệnh. Sức đề kháng là khả
năng phòng vệ và chống lại các tác nhân xâm nhập vào cơ thể con người. Hệ miễn
dịch là một hệ thống gồm các tế bào phức tạp, các tế bào này giúp bảo vệ cơ thể
khỏi các tác nhân gây bệnh. Muốn sống khỏe thì phải bảo vệ hệ miễn nhiễm bằng
các hoạt động tốt như vệ sinh, thể dục, ngủ nghỉ, điều độ, sống lành mạnh,… Và
đặc biệt là Niềm Tin, vì Chúa Giêsu luôn nói: “Lòng tin của bạn đã cứu bạn.” (Mt 9:22; Mc 5:34; Mc 10:52; Lc
7:50; Lc 8:48; Lc 17:18; Lc 18:42; x. Mt 9:29; Mt 15:28)
Lịch sử Giáo Hội có một dịp đặc biệt là ngày 8-12-1854, ngày Đức
Piô IX đã công bố Tín Điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội qua Tông Sắc “Ineffabilis
Deus” – Thiên Chúa Bất Khả Ngộ. Thật
là mầu nhiệm Thánh Ý Chúa, bởi vì ngày 25-3-1858, chưa đầy 4 năm sau khi Giáo Hội
công bố Tín Điều Đức Mẹ Vô Nhiễm, chính Mẹ đã hiện ra xác nhận với Thánh nữ
Bernadette tại Lộ Đức: “TA LÀ
ĐẤNG VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI.” (Je suis l’immaculée conception, I am the immaculate conception.) Điều đó chứng tỏ Chúa
Thánh Thần vẫn luôn tác động trong Giáo hội Lữ hành ngay trên thế gian này.
Đức Maria đối lập với Bà Tổ Êva. Trình thuật St 3:9-15 cho biết rằng, Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi
ở đâu?” Con người thưa: “Con nghe
thấy tiếng Ngài trong vườn, con SỢ HÃI vì con TRẦN TRUỒNG, nên con LẨN TRỐN.” Trước đó thì
Ông Bà thường xuyên đàm đạo với Thiên Chúa, bây giờ thì sợ hãi và lẩn trốn, không
dám nhìn lên, không dám gặp Ngài nữa. Rồi Ngài hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái
cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?” Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” Đức Chúa là
Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã
làm gì thế?” Người đàn bà thưa: “Con rắn
đã lừa dối con, nên con ăn.” Ngài hỏi không phải là Ngài không biết, mà Ngài muốn con người tự thú,
nhưng cả hai đều chối quanh, Ông đổ lỗi tại Bà, Bà đổ lỗi cho con rắn. Cám dỗ
là một chuyện, làm theo hay không là một chuyện, hoàn toàn khác nhau.
Mọi thứ đều có tính liên đới – dù tốt hay xấu. Và hệ lụy tất yếu đã xảy
ra. Thiên Chúa nói với con rắn: “Mi đã
làm điều đó, nên mi ĐÁNG BỊ NGUYỀN RỦA NHẤT trong mọi loài súc vật và mọi loài
dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây MỐI
THÙ giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng
giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” Đó là cách Thiên
Chúa đề cập một phụ nữ vĩ đại nhất trong nữ giới và quan tâm đối với cả loài
người chúng ta: Đức Trinh Nữ Maria – Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng tinh tuyền
từ lúc đầu thai trong lòng Bà Anna.
Cựu Ước cho biết rằng, sau khi được Thiên Chúa trao cho một mỹ nhân,
Chàng Ađam lâng lâng vui sướng như trong chiêm bao vậy. Khi đang phấn khởi khôn
tả, Chàng gọi Nàng là Êva, Kinh Thánh giải thích cách Chàng gọi Nàng như vậy với
ý nói Nàng là “mẹ của chúng sinh.” (St 3:20) Và
từ Người Mẹ này, mọi phàm nhân đều “di truyền” Tội Nguyên Tổ, bất ai sinh ra
cũng “vướng” tội rồi. Khổ thật!
Chuyện đã rồi, không thể lấy lại. Người phụ nữ đầu tiên đã hư hỏng vì
bất tuân lệnh Chúa – thiếu đức vâng lời, nhân loại mất Người Mẹ thứ nhất: Bà
Êva. Thế nhưng nhân loại vẫn được Thiên Chúa xót thương và ban cho Người Mẹ thứ
nhì: Đức Maria. Thật là mầu nhiệm đối với sự quan phòng và tiền định của Thiên
Chúa. Vì thế, chúng ta thực sự hạnh phúc, không thể không tạ ơn Chúa theo lời
mời của Thánh Vịnh: “Hát lên mừng Chúa
một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn
tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người.” (Tv 98:1) Và còn rất nhiều lý do khác để chúng ta phải luôn tạ ơn Ngài.
Một trong các lý do để tạ ơn bởi vì “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu
độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân; Người đã nhớ lại ân
tình và tín nghĩa dành cho nhà Israel. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ
của Thiên Chúa chúng ta.” (Tv 98:2-3) Niềm vui gia tăng,
trách nhiệm cũng gia tăng, tất nhiên chúng ta không thể im lặng mà phải mời gọi:
“Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng
vui lên, reo hò đàn hát.” (Tv
98:4)
Kinh Thánh cho biết rất nhiều kỳ công của Thiên Chúa khiến chúng ta ngạc
nhiên, thán phục, tin tưởng, và tạ ơn Ngài. Thánh Phaolô đã lên tiếng: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc
cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta
trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền
thánh thiện, nhờ tình thương của Người.” (Ep 1:3-4) Dâng
lời tạ ơn cũng là một cách cầu nguyện, chứ không phải chỉ là cầu xin, van nài.
Để cầu nguyện có hiệu quả và đẹp lòng Thiên Chúa, Thánh Faustina cho
biết: “Khi cầu nguyện, chúng ta ĐỪNG NÀI
ÉP Chúa ban cho điều chúng ta muốn, mà chúng ta NÊN TUÂN PHỤC Thánh Ý Ngài.” (Nhật Ký, số 1525) Nghĩa là có những
điều chúng ta xin nhưng không được vì không đúng Thánh ý Chúa. Thánh Phaolô
giải thích: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã TIỀN ĐỊNH cho ta làm
nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta HẰNG NGỢI KHEN ân sủng rạng ngời, ân sủng
Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu.” (Ep 1:5-6) Rõ ràng việc tạ ơn vô cùng quan
trọng trong đời sống hằng ngày của Kitô hữu chúng ta.
Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn trí, nhân từ, yêu thương vô hạn, giàu lòng thương xót, Ngài chỉ muốn những gì tốt lành nhất cho chúng ta, dù đôi khi chúng ta cảm thấy trái ý, không vừa lòng. Thánh Phaolô cho biết: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã TIỀN ĐỊNH cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng THEO KẾ HOẠCH của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người.” (Ep 1:11-12)
Mọi sự đều ở trong “tầm nhìn” của Thiên Chúa, dù chỉ một sợi tóc nhỏ
cũng được Ngài quan phòng và tiền định rõ ràng rồi, (x. Mt 5:36; Mt 10:30; Lc
21:18; Cv 27:34) huống chi là đại sự. Trình thuật Lc 1:26-38 nói về việc Sứ
thần Gáprien loan báo Hỉ Tín cho Trinh Nữ Maria, một Thôn nữ đoan trang, duyên
dáng, nết na và thùy mị.
Thiên Chúa sắp xếp mọi sự từ rất xa. Khi bà Êlisabét có thai được sáu
tháng, Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến Nadarét, thuộc miền Galilê, gặp Trinh
Nữ Maria đã đính hôn với chính nhân Giuse, thuộc hoàng tộc Đavít. Sứ thần nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức
Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, Maria rất bối rối, tự hỏi lời chào đó có nghĩa gì. Trinh
Nữ Maria rất khiêm nhường, thế nên rất ngại khi được người khác đề cao mình,
nói mình là người nhân đức. Nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Thấy vậy, sứ thần liền nói: “Thưa
bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai,
sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi
là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít,
tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người
sẽ vô cùng vô tận.” Cái “vụ” kia đã thấy ngại rồi, cái “vụ” này còn ngại hơn. Kỳ ghê luôn!
Đức Maria ngạc nhiên nên phân trần: “Việc
ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Ngay lập tức sứ
thần xác định: “Thánh Thần sẽ ngự xuống
trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế, Đấng Thánh sắp
sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa, bà Êlisabét, người họ hàng với bà,
tuy già rồi mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng
là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, KHÔNG CÓ
GÌ LÀ KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC.”
Thế thì thật tuyệt. Trinh Nữ Maria hiền thục và luôn tín thác vào Chúa.
Bấy giờ, Trinh Nữ Maria không cần đắn đo, liền thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ
thần nói.” Thế là hoàn thành sứ vụ, sứ thần từ biệt ra đi... Thật kỳ diệu vô cùng!
Ước gì mỗi chúng ta cũng biết luôn tín thác vào sự quan phòng và tiền
định của Thiên Chúa để có thể mau mắn “xin vâng” như Đức Mẹ, vâng lời ngay
trong những đoạn đường tối tăm gian khổ nhất của cuộc đời, nhất là trong hoàn
cảnh dịch bệnh khó lường như lúc này. Cùng với Đức Mẹ, chúng ta cùng phó thác cuộc
sống đời này và thân thưa: “Con đã phạm
bao nhiêu tội lỗi? Bao nhiêu lần con đã phản nghịch, đã đắc tội với Ngài, xin
cho con được biết.” (G 13:23) Và tha thiết cầu xin: “Tấm thân này bị nhận xuống bùn đen, theo lời Ngài, xin cho con được
sống. Đường lối huấn lệnh Ngài, xin cho con hiểu rõ, để con suy gẫm những kỳ
công của Ngài.” (Tv 119:25, 27) Nhờ đó mà có cơ hội hoàn thiện, trở nên
tinh tuyền để xứng đáng diện kiến tôn nhan Thiên Chúa chí thánh.
Thánh GM Fulgentius (460-533, Tunisia) nói: “Mẹ là chiếc thang bắc lên Trời. Nhờ Mẹ mà
Thiên Chúa đã từ Trời xuống thế gian, và cũng nhờ Mẹ mà loài người từ đất lên
tới Trời.” Thật hạnh phúc khi chúng ta có Mẹ!
Lạy Thiên Chúa toàn trí và
toàn ái, xin cảm tạ Ngài đã lo liệu mọi sự cho chúng con, ngay cả khi chúng con
ngỗ nghịch với Ngài, đặc biệt Ngài còn ban Đấng Tinh Tuyền cho chúng con để dạy
chúng con về cách sống trong sạch cả hồn xác. Xin tăng lực để chúng con luôn biết
tuân phục Thánh Ý Ngài trong mọi hoàn cảnh, dù vui – buồn, sướng – khổ.
Lạy Mẹ Vô Nhiễm, cảm tạ Mẹ
luôn hiệp hành với chúng con. Nơi thung lũng lệ sầu này, chúng con rất cần Mẹ
gia tăng hệ miễn nhiễm cho chúng con để có thể đề kháng mọi thứ xấu xa có thể
tác hại tới hồn xác chúng con bất cứ lúc nào. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh
Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment