Phượng khoe sắc thắm đỏ tươi
Đỏ như màu máu nuôi đời nhân gian
Máu là dấu chỉ tình thân
Đỏ tươi thắm đẹp nghĩa nhân làm người
Phượng khoe sắc đỏ tuyệt vời
Nhắc về tình Chúa thương loài phàm nhân
Nhưng màu máu đỏ hóa buồn
Khi người sát hại vì tham, vì cuồng
Máu này không nghĩa yêu thương
Cũng màu đỏ thắm mà tang tóc buồn
Giết nhau vì thói căm hờn
Anh em mà vẫn ghét ghen, oán thù [*]
Cùng màu máu, giống màu da
Mà vì ích kỷ, mưu mô hại người
Vô thần mới ghét Chúa Trời
Nên đã giết Ngài treo Thập Giá kia
Cùng chung thế giới – một nhà
Mà không thương xót, hận thù mãi sao?
TRẦM THIÊN THU
[*] Ca-in giết A-ben. (St 4:1-8)
HÒN ĐÁ SANG SÔNG
Một hôm Phật cùng các đồ đệ đi đến một con sông. Nước sông mênh mông, chảy xiết. Phật cúi xuống nhặt hòn đá khá to rồi quay lại hỏi các đồ đệ:
– Các con hãy trả lời ta, hòn đá này ném xuống sông thì nổi hay chìm?
Vừa nói dứt lời, Phật ném hòn đá xuống sông. Đương nhiên hòn đá chìm mất tiêu. Đồ đệ không hiểu ý thầy hỏi là thế nào, thầm nghĩ: “Đá ném xuống nước tất nhiên phải chìm, đơn giản có vậy mà cũng hỏi.”
Nhưng thầy hỏi thì đồ đệ vẫn phải trả lời. Và họ đồng thanh thưa:
– Thưa Thế Tôn, đá chìm ạ.
Phật thở dài nói:
– Ôi, hòn đá này mới vô duyên làm sao!
Nghe thầy than thở, đồ đệ càng ngơ ngác suy nghĩ: “Đá ném xuống nước phải chìm, đấy là lẽ tự nhiên, làm gì có hòn đá vô duyên hay hòn đá có duyên.”
Phật chậm rãi nói:
– Có hòn đá vuông mỗi chiều 3 thước, đặt xuống nước không những không chìm mà nó còn qua được bên kia vẫn khô ráo, các con có thể nói cho ta biết vì sao không?
Đồ đệ suy nghĩ mãi vẫn không tìm ra lời giải đáp, xin thầy giảng giải.
– Đơn giản quá, chẳng qua hòn đá ấy có thiện duyên, đấy là cái thuyền. Đá đặt trong thuyền chở qua sông rõ ràng không chìm mà cũng không ướt. Con người ta cũng như vậy thôi, nếu ai gặp thiện duyên thì mọi việc tốt đẹp, sẽ trở nên người tốt. Nếu không sẽ chẳng làm nên trò trống gì, trở thành kẻ ác. Vậy nên con người ta sinh ra trên đời phải CHỌN THẦY TỐT MÀ HỌC, CHỌN BẠN TỐT MÀ CHƠI, CHỌN ĐIỀU TỐT MÀ THEO. Đó chính là thiện duyên của con người.
(Điển Tích Phật Giáo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment