Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

VẤN ĐỀ NGOẠI NGỮ

[cảm nhận riêng chứ không dám lạm bàn hoặc múa rìu qua mắt thợ]

1. Dễ – Khó?

– Dễ. Vì ngoại ngữ (Anh, Pháp, Đức,…) có từ nguyên (etymology), tiếp đầu ngữ (prefixes) và tiếp vĩ ngữ (suffixes), cách tạo từ ghép, tạo tính từ hoặc trạng từ, chia động từ, quy luật văn phạm,… thuận lợi cho người học trong việc ghi nhớ và sử dụng.

– Khó. Vì ngoại ngữ không ghép vần như Việt ngữ, có những âm khác hẳn, âm gió, chùm phụ âm (cluster of consonants),… khiến người học có cảm giác “lạ lẫm.” Những ai có tài bắt chước càng tốt càng giảm bớt khó khăn khi học. Không chỉ ngoại ngữ mà khi học bất kỳ thứ gì thì cái khó nhất vẫn là ghi nhớ, học nhiều mà không nhớ cũng vô ích.

2. Những Kỹ Năng

Có 4 kỹ năng cho việc học ngoại ngữ: Viết, Đọc, Nghe, Nói. Khi viết, chúng ta có nhiều thời gian để suy nghĩ và sắp xếp. Khi đọc, chúng ta chỉ “lặp lại” những gì có sẵn. Khi nghe, chúng ta phải hiểu nhanh những từ chuyển tải thông tin (informative words) trong câu. Chẳng hạn: How do you go to school? Chúng ta phải nghe được ít nhất 3 từ chính là HOW, GO và SCHOOL. Khi nói, mức độ càng phải nhanh hơn nữa. Vốn từ và vốn văn phạm càng nhuần nhuyễn, kỹ năng nói càng tốt. Ngoài ra, chúng ta còn phải có khả năng dịch sao cho vừa hay vừa sát nghĩa. Dịch là không dịch, mà không dịch mới là dịch – vì không khéo “dịch là diệt” (kiểu nói của người Pháp). Không thể lấy một chữ để dịch một chữ. Muốn vậy, vốn Việt ngữ phải phong phú. Dịch thuật là một nghệ thuật riêng, nhưng dù theo cách dịch nào cũng không thể làm sai lệch ý chính.

Tưởng cũng nên biết rằng, mỗi năm Anh ngữ có thêm khoảng 500 từ mới. Do vậy, người học tiếng Anh không thể giậm chân tại chỗ, mà cần luôn tâm niệm như Lenin rằng: Học, học nữa, học mãi. Và bất kỳ lúc nào hoặc ở đâu cũng đừng quên câu: “You are never too old to learn – Học không bao giờ muộn.” Nhân vô thập toàn. Biết về lĩnh vực này nhưng lại không biết về lĩnh vực khác. Vì vậy mà phải học cho đến… chết!

3. Thịnh – Suy

Trong xã hội, cần có “tấm bằng” để phần nào chứng tỏ năng lực, nhưng nó không thể là bằng chứng “hùng hồn” xác định 100% khả năng của một người. Đã từng có những người sử dụng “bằng mua” cốt chạy chọt một “chân” trong công ty này, xí nghiệp nọ. Nhưng thời gian và công việc sẽ “nói lên” tất cả. Khi Thomas A. Edison đã là bác học, người ta hỏi ông có những bằng cấp gì thì ông điềm đạm rút trong túi ra tờ “giấy đuổi học lớp Ba.” Chính bác học Edison đã khẳng định: “Thiên tài gồm 1% thiên phú và 99% mồ hôi và nước mắt.” Việt Nam có học giả Nguyễn Hiến Lê, người đã từng dịch thuật nhiều cuốn sách hay và nổi tiếng (Anh ngữ và Pháp ngữ), thuộc loại “gối đầu giường,” mặc dù ông chỉ có bằng đại học. Thật đáng khâm phục! Đừng “xét” ai chỉ theo vẻ bề ngoài, cũng đừng “đánh bóng” ai quá.

Phàm điều gì cũng vậy, lúc thịnh, lúc suy. Việc học ngoại ngữ cũng không ngoài quy luật đó. Sở dĩ như vậy vì đa số đều nghĩ quá đơn giản, hoặc chưa xác định rõ mục đích nên dễ nản lòng, bán đồ nhi phế. Các em học sinh phổ thông thường học có tính cách “đối phó,” học gạo, học “nhồi nhét” một vài ngày để “kiếm” 5 hoặc 7 điểm rồi lại “chữ trả cho thấy.” Xong!

Các trung tâm ngoại ngữ có khi chật cứng, có khi vắng vẻ. Dĩ nhiên, người dạy và phương pháp dạy cũng quan trọng, song không phải là tất cả. Dạy và học là hoạt động song phương chứ không phải một mình người dạy độc thoại. Người học phải có chủ tâm học và cố gắng trau dồi mới mong đạt hiệu quả mỹ mãn. Đứa bé không muốn ăn thì người mẹ không thể nhồi nhét thức ăn cho con được. Người dạy là người bày món ăn ra, “dưa cà” hay “cao lương mỹ vị” là trách nhiệm của người dạy. Còn “ăn” hay không, và “ăn” nhiều hay ít, là thuộc quyền người học. Người dạy không là vị thần linh quyền phép hoặc có “chiếc đũa thần.” Mà dù có là thần linh đi nữa thì vị ấy cũng chỉ chứng giám cho những ai “thành tâm, thiện ý” thôi. Đừng biến việc học thành dị đoan!

4. Thử Tìm Một Giải Pháp

Trước hết, người học cần có trình độ văn hóa tương đối để khả dĩ phân biệt và hiểu được những điểm tương đồng hoặc dị biệt giữa tiếng mẹ đẻ và ngôn ngữ cần học. Thiết tưởng dù học bộ giáo trình nào thì cũng phải nhớ được (ít là khoảng 70%) những gì đã học qua mỗi bài. Các từ (words) là những viên gạch, còn quy luật văn phạm (grammatical rules) là xi-măng (cement). Nếu chỉ có 1 trong 2 thì không xây dựng được, phải có cả 2 mới có thể tạo được bức tường hoặc căn nhà – nghĩa là làm thành câu.

Muốn vậy thì chỉ có học. Giai đoạn đầu là bắt chước, thuộc lòng từ và mẫu câu. Đối với từ mới, phải viết đi viết lại nhiều lần, đồng thời phát âm đúng từ mình viết sao cho chính mình nghe rõ, và hiểu được nghĩa tiếng Việt của từ đó. Đối với văn phạm, phải làm bài tập nhiều (cả viết lẫn nói), và tập dịch. Ai học ngoại ngữ cũng đều “mắc dịch” – cứ lo dịch hoài mà. Luôn biết thắc mắc, vì nghi vấn là đầu mối sự khôn ngoan, là cơ sở sự hiểu biết. Tiếng Việt có lý khi nói HỌC HỎI – học là phải hỏi.

Cần có từ điển để tra cứu và học thêm. Mở từ điển nhiều sẽ mau giỏi. Nghi ngờ từ nào, hãy xem lại ngay. Đừng cứ “hình như là… hình như.” Đừng sợ sai mà ngại nói, cứ sợ sai thì suốt đời sai. Đứa bé bập bẹ “bà, ba, má,…” rồi dần dần mới nói được cả câu dài. Đọc cho đúng từng từ trước, rồi đọc câu ngắn với tốc độ chậm, sau đó đọc câu dài hơn và tăng tốc độ nhanh dần. Hãy nói chuyện với nhau bằng những câu đơn giản và thông thường để tập “phản xạ” càng nhanh càng tốt, như một thói quen lành mạnh.

Nếu nhớ hết những gì học trong chương trình phổ thông (cấp 2–3) thì vốn ngoại ngữ của bạn cũng khá rồi. Làm gì cũng cần lòng đam mê. Cũng như khi yêu rồi, mấy ai quên được!

Học để mà quên, quên để mà nhớ. Nếu nhớ hết một lượt những gì đã học thì người ta sẽ điên mất. Nhưng khi cần, người ta có thể “rút” nó ra từ một “ngăn” nào đó. Làm gì, dù cái nhỏ nhoi nhất cũng không khỏi cố gắng, huống chi học một ngoại ngữ, phải dầy công khổ luyện là điều tất nhiên.

Có người nói: “Biết một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời.” Đúng vậy. Chúc bạn đủ nhiệt huyết, nghị lực, và tìm ra một phương-pháp-học khả thi riêng cho mình để học ngoại ngữ tốt.

TRẦM THIÊN THU

Bệnh Vội Vàng – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/04/benh-voi-vang.html
Bài Học của Chó – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/04/bai-hoc-cua-cho.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment