Wednesday, October 28, 2020

KINH HIẾU

Thánh Don Bosco tâm nguyện: “Da mihi animas, cœtera tolle. – Xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác cứ lấy đi.” Các linh hồn là tài sản vô giá vì đã được Chúa Giêsu cứu chuộc bằng chính Giá Máu Thánh của Ngài.

Như sợi dây có hai đầu, cuộc đời con người cũng có hai “đầu mối” là Sinh và Tử – mở và kết, đầu và cuối. Con người có nguồn gốc từ Thiên Chúa, vì chính Ngài tạo dựng nên chúng ta.

Nhưng về phương diện loài người, chúng ta cũng có nguồn gốc: “Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông.” Những người gần chúng ta nhất là cha mẹ – trực tiếp sinh thành và dưỡng dục chúng ta. Ăn cây nào thì phải rào cây ấy, đó là lẽ tất nhiên – và đặc biệt là điều Thiên Chúa muốn. Kinh Thánh đề cập nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ ở nhiều đoạn, cách riêng là trình thuật Hc 3:1-16. Ngoài ra, con người cũng có nghĩa vụ đối với nhau – dù đó là ai – bằng các nhân đức đối nhân, đặc biệt là ba nhân đức đối thần, nhưng đức mến là đỉnh cao và tồn tại vĩnh viễn. (1 Cr 13:13)

I. ĐỐI VỚI NGƯỜI SỐNG

Thượng tuần tháng 09-2020, tại xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, có vụ án con gái bạo hành mẹ già. Người con gái đó là bà Nguyễn Thị Hoa, 56 tuổi, người mẹ là cụ Nguyễn Thị Đường, 79 tuổi. Vài ngày sau, bà Đường đã qua đời.

Hiếu không đơn thuần là chữ viết hoặc lời nói, mà là một đạo lý – gọi là Đạo Hiếu, và là “câu kinh” mà chúng ta phải tụng niệm suốt đời. Đạo là đường ngay nẻo chính mà ai cũng phải bước theo suốt đời. Thiên Chúa dạy điều răn thứ tư: “Hãy thảo kính cha mẹ. Kinh Phật dạy: “Tột cùng Thiện không gì bằng Có Hiếu, tột cùng Ác không gì bằng Bất Hiếu. Đó là đạo làm người. Dù là ai trong tôn giáo hay cuộc sống đời thường, từ kẻ cùng đinh trong xã hội tới người có quyền lực cao nhất, trước tiên người ta phải LÀM NGƯỜI, tức là có Đạo Làm Người. Dù là ông kia hoặc bà nọ thì trước đó người ta vẫn phải giữ Đạo Làm Người. Không sống hoặc không giữ Đạo Làm Người thì kẻ đó phải bị nguyền rủa vì họ chỉ có khuôn mặt con người nhưng lòng dạ của loài quỷ sứ.

Lòng tham vô hạn, túi tham không đáy, “dù đá có biến thành vàng thì lòng người vẫn không thỏa mãn.” (Ngạn ngữ Trung Hoa) Vật chất là thứ có ma lực và sắc bén, có thể “cắt đứt” mọi thứ tình cảm của con người, kể cả đạo hiếu đối với ông bà và cha mẹ.

Không gì có thể thay thế tình cảm gia đình, đặc biệt là Tình Phục Tử và Tình Mẫu Tử. Balze nói: “Lòng Mẹ là vực sâu mà dưới đáy luôn có sự bao dung. Chắc hẳn bà cụ Đường kia đã chịu đựng quá nhiều và đã kiệt sức, cuối đời mà bà cũng không được chút niềm vui, thanh thản. Có những người mẹ đã hối hận vì đã sinh ra những nghịch tử, có bà mẹ đành phải làm đơn kiện đứa con “trời đánh” vì sức người có hạn, nhưng lòng mẹ vẫn băn khoăn và không biết làm vậy có quá đáng hay không.

Ước mong sao những người con hãy tỉnh thức mà báo hiếu phần nào với song thân phụ mẫu – dù không bao giờ có thể đền ơn đáp nghĩa đủ, nếu không sẽ không còn cơ hội. Thật vậy, Petit Sein đã xác định: “Cái chết của người mẹ là nỗi đau buồn thứ nhất khi người ta khóc mà không có mẹ bên cạnh dỗ dành.Nỗi buồn đó sâu thẳm khôn dò, và không gì có thể khỏa lấp!

Làm người, ai cũng biết rằng người ta có thể chọn nhiều thứ nhưng không thể chọn cha mẹ, dù cha mẹ có thế nào thì vẫn là người sinh thành và dưỡng dục, dù con có lớn mấy (thành cha mẹ, thành ông bà) thì cũng vẫn là con cái của cha mẹ mình. Công lao sinh dưỡng lớn lao lắm, không thể diễn tả bằng phàm ngôn:

Công cha nặng lắm, ai ơi!

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

Cuộc sống đầy triết lý mà chúng ta phải tìm hiểu và học tập mỗi ngày. Người ta có thể tìm lại được nhiều thứ đã mất, nhưng chắc chắn không bao giờ tìm lại được song thân phụ mẫu khi họ đã khuất bóng. Dù là ai thì chúng ta cũng sẽ cảm thấy hụt hẫng, trống vắng khi các ngài qua đi, không còn trên cõi đời này, và chúng ta cứ ra ngẩn vào ngơ, để rồi...

Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi,

Ngó không thấy mẹ, bùi ngùi nhớ thương!

Quả thật, chữ Hiếu lớn lao và quan trọng vô cùng. Chẳng ai có thể đền đáp công sinh dưỡng đúng mức cho cha mẹ, mà chính các ngài cũng chẳng mong con cái đáp đền, nhưng là con người thì phải biết Đạo Làm Người, và làm con thì phải biết Đạo Làm Con – dù người đó là ai. Và lúc nào cũng phải đinh ninh rằng…

Lo đêm rồi lại lo ngày,

Ở sao hiếu thảo cho tày phận con.

Ngày xưa, ông Tôbít đã nói căn dặn con trai là Tôbia: “Con hãy chôn cất cha cho tử tế. Hãy thảo kính mẹ con và đừng bỏ rơi người bao lâu người còn sống. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Này con, con phải nhớ rằng mẹ con đã trải qua bao nỗi ngặt nghèo vì con, khi con còn trong dạ mẹ. Khi người mất, con hãy chôn cất người ngay bên cạnh cha, trong cùng một phần mộ.” (Tb 4:3-4)

Sách Huấn Ca (và sách Châm Ngôn) có rất nhiều lời dạy thâm thúy, về mọi lĩnh vực. Đây là một trong những lời giáo huấn liên quan chữ Hiếu: “Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Người đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân. Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền. Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục, vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con. Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính; và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê. Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con.” (Hc 3:2-14)

Chữ Hiếu vô giá. Con cái không bao giờ có thể trả ơn sinh công dưỡng của cha mẹ. Chính các ngài trao tặng vô điều kiện, chẳng mong được đáp đền, nhưng là con người thì phải biết đạo làm người, và là con cái thì phải biết đạo làm con. Người con có hiếu luôn biết hy sinh, quên mình, muốn những gì tốt lành nhất cho cha mẹ: “Ước gì cha mẹ con được hỷ hoan và người sinh ra con được mừng rỡ.” (Cn 23:25)

Ngày xưa có những tấm gương sáng ngời mà chúng ta được biết qua tập sách “Nhị Thập Tứ Hiếu.” [*] Họ cũng là phàm nhân như chúng ta, vậy mà một lòng hiếu thảo, kính cha yêu mẹ hết lòng.

II. ĐỐI VỚI NGƯỜI CHẾT

Lời cầu nguyện của người sống dành cho người khác – người thân, người đau khổ, và những người chúng ta muốn cầu nguyện cho họ, nhất là các linh hồn – không chỉ hiệu quả đối với người-được-cầu-nguyện mà còn lợi ích cho chính người-cầu-nguyện. Đúng như Thánh Phanxicô Assisi nói: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.” (Kinh Hòa Bình)

Khi phán xét riêng – tức là khi chúng ta chết, linh hồn chúng ta sẽ đến một trong ba nơi: Thiên Đàng, Luyện Ngục, hoặc Hỏa Ngục. Thiên Chúa luôn lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta xin Ngài thương xót. Tuy nhiên, nếu linh hồn chết khi mắc tội trọng, dĩ nhiên linh hồn đó sẽ vào Hỏa Ngục, chính họ “tự kết án” và mãi mãi xa cách Thiên Chúa.

Nếu linh hồn thánh thiện thì được thẳng tiến vào Thiên Đàng, linh hồn này không cần lời cầu nguyện của chúng ta nữa, nhưng có lẽ ít linh hồn được trực chỉ Thiên Đàng như Thánh GH Gioan Phaolô II và Mẹ Thánh Teresa Calcutta. Nếu họ phải vào Luyện Ngục chịu đau khổ để thanh luyện, họ rất cần lời cầu nguyện của chúng ta. Vì thế, khi cầu nguyện cho linh hồn người đã qua đời, lời cầu nguyện của chúng ta rất hiệu quả, và các linh hồn được hưởng ơn Chúa nhờ sự hy sinh của chúng ta. Khi hiện ra tại Fatima, Đức Mẹ đã dạy cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa Hỏa Ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.”

Như chúng ta đã biết, những người vào Thiên Đàng không cần lời cầu nguyện của chúng ta, còn những người vào Hỏa Ngục không thể được giải thoát nhờ lời cầu nguyện của chúng ta.

Đối với tất cả chúng ta, không biết ai chết sẽ vào Thiên Đàng, Luyện Ngục, hay Hỏa Ngục. Xưa nay cũng chẳng có ai được “trở về” cho chúng ta biết tình trạng của họ ra sao, nhưng chúng ta có bổn phận và trách nhiệm cầu nguyện cho các linh hồn. Nếu linh hồn đó đã làm thánh ở Thiên Đàng, họ không cần lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng lời cầu nguyện ấy sẽ được chuyển cho linh hồn khác. Cầu nguyện cho người chết là thói quen tốt lành, việc cầu nguyện này giúp chúng ta phát triển về đức ái – một nhân đức quan trọng nhất vì luôn hiện hữu ở cả đời này và đời sau.

Thiết tưởng có điều cần lưu ý: Chúng ta đừng nghĩ rằng lời cầu nguyện sẽ uổng phí khi chúng ta cầu nguyện cho người không cần đến lời cầu nguyện nữa. Khi cầu nguyện cho người chết, chúng ta có thể “tiên liệu” bằng cách xin Chúa chấp nhận lời cầu nguyện của chúng ta vì người thân hoặc bạn bè của chúng ta, hoặc vì những người cần lời cầu nguyện của chúng ta hơn: “Xin đem các linh hồn lên Thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.” (Lời Nguyện Fatima sau mỗi chục Kinh Mân Côi) Nếu “đối tượng” mà chúng ta cầu nguyện không còn cần lời cầu nguyện của chúng ta, Thiên Chúa vẫn chấp nhận lời cầu nguyện của chúng ta và dành cho người nào đó – mặc dù chúng ta không hề quen biết người đó.

Tất nhiên đối với linh hồn nào đã “vĩnh cư” ở Hỏa Ngục thì đành “bó tay” thôi. Vô phương giúp đỡ, hết cách cứu thoát. Chỉ có Thiên Chúa mới biết tội nhân nào “chai lì” nhất mà lại có thể sám hối trong giây phút cuối đời để có thể thoát Lửa Đời Đời.

Đức ái đòi buộc chúng ta PHẢI cầu nguyện cho người khác, những người “ra đi” trước chúng ta – dù chúng ta không thể biết tình trạng đời đời của linh hồn đó. Chúng ta KHÔNG CÓ QUYỀN xét đoán, nhưng chúng ta CÓ TRÁCH NHIỆM cầu nguyện cho họ.

III. ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA

Đạo Hiếu đối với tiền nhân là điều quan trọng, nhưng Đạo Hiếu đối với Thiên Chúa còn quan trọng hơn gấp bội, quan trọng tuyệt đối.

Tháng Mười Một, chúng ta nhớ tới các linh hồn cũng là lúc chúng ta nhìn lại chính mình. Hôm nay chúng ta còn được hít thở – nghĩa là còn sống, và rồi nay mai chúng ta không còn hít thở nữa. Biết thân phận phàm nhân như vậy không phải là để bi quan, yếm thế, mà để tín thác vào Thiên Chúa: “Xin dạy con đường lối Ngài, lạy Chúa, để con vững bước theo chân lý của Ngài. Xin Chúa hướng lòng con, để con biết một niềm kính tôn Danh Thánh.” (Tv 86:11)

Sống không chỉ là hít thở không khí và ăn uống thực phẩm, mà còn là hít thở tin yêu, hấp thụ Lời Chúa và lãnh nhận Thánh Thể. Tất nhiên ai cũng rất cần đức khôn ngoan, bởi vì “Đức Khôn Ngoan là kho báu vô tận cho con người. Chiếm được Đức Khôn Ngoan là được nên bạn hữu với Thiên Chúa.” (Kn 7:14) Vì thế, hằng ngày cần biết cầu xin: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.” (Tv 90:12)

Sống khôn thì chết thiêng, chuẩn bị mỗi ngày để sống là chuẩn bị cho cái chết: “Lạy Chúa, xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế.” (Tv 39:5)

Lạy Chúa Cha hằng hữu và giàu lòng thương xót, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin cứu rỗi các linh hồn và toàn thế giới. Xin ban Thần Khí để chúng con sống trọn Thánh Ý Ngài. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Mùa Cầu Hồn – 2020

[*] Nhị Thập Tứ Hiếu – 24 Hiếu Tử: 1. NGU THUẤN (vua Thuấn) – hiếu cảm động trời; 2. LƯU HẰNG (Hán Văn Đế) – người con nếm thuốc; 3. TĂNG SÂM – mẹ cắn ngón tay, tim con đau xót; 4. MẪN TỔN – nghe lời mẹ với quần áo đơn giản; 5. TRỌNG DO – vác gạo nuôi cha mẹ; 6. ĐỔNG VĨNH – bán thân chôn cha; 7. ĐÀM TỬ – cho cha mẹ bú sữa hươu; 8. GIANG CÁCH – làm thuê nuôi mẹ; 9. LỤC TÍCH – giấu quýt cho mẹ; 10. ĐƯỜNG PHU NHÂN – cho mẹ chồng bú sữa; 11. NGÔ MÃNH – cho muỗi hút máu; 12. VƯƠNG TƯỜNG – nằm trên băng chờ cá chép; 13.QUÁCH CỰ – chôn con cho mẹ; 14. DƯƠNG HƯƠNG – giết hổ cứu cha; 15. CHÂU THỌ XƯƠNG – bỏ chức quan đi tìm mẹ; 16. DỮU KIỀM LÂU – nếm phân lo âu; 17. LÃO LAI TỬ – đùa giỡn làm vui cha mẹ; 18. THÁI THUẬN – nhặt dâu cho mẹ; 19. HOÀNG HƯƠNG – quạt gối ấm chăn; 20. KHƯƠNG THI – suối chảy, cá nhảy; 21. VƯƠNG BẦU – nghe sấm, khóc mộ; 22. ĐINH LAN – khắc gỗ thờ cha mẹ; 23. MẠNH TÔNG – khóc đến khi măng mọc; 24. HOÀNG ĐÌNH KIÊN – rửa sạch cái bô vệ sinh của mẹ.

[Đăng báo ĐMHCG số 411, tháng 11-2020, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]

No comments:

Post a Comment

Comment