Không ai trong chúng ta có thể tuyên bố đã hoàn toàn làm chủ đức tính kiên nhẫn. Chúng ta nghĩ mình đã đạt được một chiến thắng lớn trong việc đạt được tính kiên nhẫn, và rồi hoàn toàn bất ngờ, chúng ta ngạc nhiên thấy mình chỉ “nổ” mà thôi. Chúng ta ảo tưởng trở thành người kiên nhẫn nhất thế giới đã tan thành mây khói!
Sự kiên nhẫn quan trọng đến nỗi Chúa Giêsu Kitô, mẫu mực của chúng ta trong tất cả các đức tính, đã nói: “Bằng sự kiên nhẫn, các con sẽ cứu được linh hồn mình.” Một linh hồn đạo đức đã cầu nguyện trong tuyệt vọng: “Lạy Chúa, xin ban cho con sự kiên nhẫn và ban ngay bây giờ!” Có lẽ đây cũng là lời cầu nguyện của bạn trong vài năm qua.
Sự kiên nhẫn của chúng ta có thể được kiểm tra bởi nhiều thời điểm và hoàn cảnh khác nhau. Sự thất bại về sức khỏe, bối cảnh kinh tế, các thành viên trong gia đình có thể đưa Thánh Gióp vào cơn thử thách, thời tiết khắc nghiệt, các mối quan hệ thất bại và tan vỡ, thậm chí cả Thiên Chúa. Đôi khi dường như Chúa vô cùng xa cách, dường như Ngài không nghe thấy lời cầu nguyện của tôi, hoặc ít nhất là dường như không quan tâm hoặc thờ ơ với lời cầu xin của tôi. Tất cả những điều đó có thể thử thách tính kiên nhẫn của tôi.
Vậy thì những cách mà chúng ta có thể đạt được đức tính kiên nhẫn hết sức quan trọng, như Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta, là cần thiết cho sự cứu rỗi linh hồn bất tử của chúng ta? Đây là năm cách cụ thể để chúng ta có thể đạt được sự kiên nhẫn.
1. CẦU NGUYỆN
Thánh Inhaxiô khẳng định rằng chúng ta phải cầu xin ân sủng. Thánh Augustinô khiêm tốn nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là những người ăn xin trước mặt Chúa. Thiên Chúa sẵn sàng trao ban nếu chúng ta kiên trì cầu xin Ngài. Hãy nhớ đến bà góa kiên nhẫn, đã nhận được sự ưu ái của vị thẩm phán nhẫn tâm và lạnh lùng chỉ vì bà cứ xin ông ta giúp đỡ. Chúa Giêsu nói: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” (Mt 7:7)
2. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU
Chúa Giêsu minh định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14:6) Có câu nói thế này: “Hãy nói cho tôi biết bạn làm bạn với ai rồi tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai.” Nếu chúng ta dành thời gian để suy niệm Tin Mừng, những lời nói, cử chỉ và hành động của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được tẩy sạch. Chúng ta sẽ bắt đầu noi gương Chúa Giêsu càng ngày càng nhiều, đặc biệt là về đức tính kiên nhẫn.
3. CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA KITÔ
Nhiều vị thánh đã bị cuốn hút vào việc đọc và suy ngẫm câu chuyện tình yêu vĩ đại nhất thế giới của Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13) Việc suy niệm liên tục về Cuộc Khổ Nạn, nỗi thống khổ, sự đóng đinh và cái chết của Chúa Giêsu có thể chứng tỏ là nguồn phúc lành vô tận và là chìa khóa để mở cánh cửa kiên nhẫn cho những trái tim chai sạn nhất.
4. THỬ THÁCH VÀ CƠ HỘI
Khi các thử thách giáng xuống chúng ta như một cuộc trốn chạy ồ ạt, hãy nhớ tới Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, từ các Tin Mừng, hoặc các tác phẩm của các nhà văn như Anne Catherine Emmerick. Thử thách sẽ được xem xét dưới góc nhìn phổ quát và siêu nhiên hơn.
Thử thách đến với tôi thực sự rất đau khổ, nhưng, so với những gì Chúa Cứu thế Giêsu Kitô đã trải qua thì chỉ là điều nhỏ mọn. Tôi cũng chịu đựng thử thách một phần là hậu quả của quá khứ tội lỗi của mình, nhưng Chúa Giêsu phải chịu đựng những nỗi đau đớn tột cùng là sự cô đọng và bản chất của sự vô tội. Tất cả chúng ta đều có thể chọn một yếu tố hoặc chi tiết về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô dường như đã đánh động chúng ta nhiều nhất và khơi gợi cảnh này khi sự kiên nhẫn được đặt vào sự thử thách cay đắng!
Tình yêu của Chúa Giêsu có thể thúc đẩy tôi kiên nhẫn vác thập giá nặng nề nhất, như Thánh Phaolô nói: “Tình yêu của Đức Kitô thôi thúc chúng tôi.” (2 Cr 5:14)
5. ĐỨC MẸ SẦU BI
Trong bộ phim “The Passion of the Christ” của Mel Gibson, một yếu tố thiết yếu là sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria xuyên suốt bộ phim. Đức Mẹ chỉ sau Chúa Giêsu về cường độ đau khổ. Bộ phim miêu tả Đức Mẹ Sầu Bi dọc đường lên Can-vê khi đồng hành với Chúa Giêsu trong cuộc thử thách khắc nghiệt nhất.
Đức Mẹ đứng dưới chân Thập Giá, kiên nhẫn tới mức độ anh hùng. Đức Mẹ đã thực hành tính kiên nhẫn cả đời: đi đến Bêlem, trốn sang Ai Cập, tìm kiếm Con thất lạc ba ngày, mất người chồng yêu dấu Giuse, và đi cùng Con yêu dấu Giêsu, chứng kiến Con bị đóng đinh và ở bên Con cho đến khi Con trút hơi thở cuối cùng. Khi sự kiên nhẫn của chúng ta được thử thách, chúng ta nên ngước mắt lên, nâng tâm trí và linh hồn mình lên với Đức Mẹ, và Đức Mẹ sẽ giành lấy lòng kiên nhẫn anh hùng cho chúng ta.
Hằng ngày tất cả chúng ta đấu tranh để kiên nhẫn với người khác, với chính mình, với hoàn cảnh, và đôi khi kiên nhẫn cả với Chúa. Sự kiên nhẫn rất cần thiết cho cuộc sống của chúng ta đến nỗi Chúa Giêsu thậm chí đã nói: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10:22) Chúng ta hãy sử dụng vũ khí chúng ta có trong kho vũ khí của mình để đạt được lòng kiên nhẫn, đức tính vô cùng quan trọng. Hãy cầu nguyện như những người ăn xin với người ban phát rộng lượng nhất là Thiên Chúa. Hãy đến gần Chúa Giêsu – Đấng Thánh của mọi thần thánh. Hãy suy niệm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô và khi có cơ hội thực hành sự kiên nhẫn, nhớ tới những gì Chúa Giêsu đã chịu vì thế giới và vì chúng ta.
Cuối cùng, xin Đức Mẹ Sầu Bi giành lấy cho con một trái tim nhu mì, khiêm nhường và kiên nhẫn!
LM. ED EDOM, OMV
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Thượng tuần tháng 08-2020
✽ Suy Tư Giao Mùa – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/12/suy-tu-giao-mua.html
✽ Ngụ Ngôn Cuộc Đời – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/08/ngu-ngon-cuoc-oi.html
✽ Thiên Chúa Có Hiện Hữu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment