Uốn cong vòng phức tạp
Nhưng nhìn lại thấy đẹp
Dệt thành khúc tình ca
Thập Tự là chữ T
Khóa Sol giống Thập Giá
Có điều gì kỳ lạ
Như được tiền định rồi
Ý Chúa thật tuyệt vời
Quan phòng từ muôn thuở
Cho con người hơi thở
Là Thần Khí của Ngài
Cứ xoay theo vòng đời
Miên man như dòng nhạc
Nốt cười và nốt khóc
Hòa âm khúc nhạc đời
TRẦM THIÊN THU
Đêm 14-07-2020
DẠY TRẺ GIÁ TRỊ SỐNG
Chân thật,
công bình, cảm thông, yêu thương và tự tin là các giá trị sống mà cha mẹ cần
truyền cho con cái. Dù chưa biết nói, trẻ vẫn có thể tiếp thu những tinh hoa
của giá trị sống chủ yếu. Nhờ 5 giá trị sống, trẻ có thể sống tốt khi trưởng
thành.
1. CHÂN THẬT – Hãy giúp trẻ
phản ánh sự thật. Trẻ rất “vô tư” khi thiếu chân thật. Chúng vẫn biết mình đã
làm điều gì đó sai trái nhưng chưa biết “mẹo lừa dối.” Đó là cơ hội tốt để giáo
dục trẻ. Nếu lúc này cho trẻ biết rằng chân thật tốt hơn giả dối, trẻ sẽ bớt
khuynh hướng nói dối trong tương lai.
Đừng phản ứng mạnh khi trẻ nói dối,
hãy khéo léo tìm cách giúp trẻ nói thật. Đó là khuyến khích trẻ chân thật. Chị
Mai thấy đứa con trai 4 tuổi viết bậy lên tường phòng khách, chị liền hỏi con,
và nó nói nó vẽ con ngựa. Chị cười: “Mẹ
nghĩ vậy là không đúng. Sao con không hỏi ý mẹ?” Nó hiểu ra và cùng mẹ lau
sạch tường. Chị Mai khen con đã chân thật, nhưng nó phải chịu “kỷ luật” là tối
không được xem phim hoạt hình để “đền tội.”
Trẻ tưởng tượng rất phong phú. Đó là
lĩnh vực kỳ diệu trong tính cách trẻ chưa đi học. Cha mẹ cần phân biệt cho trẻ
biết thế nào là “nói dối đùa” để trẻ không lẫn lộn.
2. CÔNG BÌNH – Hãy khuyến
khích trẻ “chuộc lỗi,” đó là dạy trẻ biết lẽ công bình. Bé An 4 tuổi và bé Sơn
3 tuổi cùng chơi giả làm ngựa. Sơn đẩy chị mạnh làm chị đau. Người cha bắt em
xin lỗi chị. Như vậy đủ chưa?
Để giúp trẻ hiểu đúng nghĩa của sự
công bình, cha mẹ cần khuyến khích trẻ sửa lỗi. Người cha có thể đề nghị bé Sơn
đi lấy dầu gió xoa cho bé An để tỏ động thái hối lỗi, đồng thời vẫn cần có lời
xin lỗi. Nhờ vậy trẻ có thể nhận ra hậu quả của mình đã gây ra cho người khác.
Đó là bước đầu tiên trẻ biết đến trách nhiệm, biết phải cư xử đúng đắn với
người khác.
Nếu cha mẹ la rầy hoặc có quyết định
bất công, có thể trẻ sẽ không khâm phục. Cách cư xử công bình của cha mẹ sẽ dạy
trẻ nhiều hơn bất kỳ cách la rầy nào.
3. CẢM THÔNG – Hãy dạy trẻ
nghĩ đến người khác. Trẻ dưới 5 tuổi rất ích kỷ. Chúng khó đặt mình vào vị trí
của người khác, nhưng như vậy không có nghĩa là không thể dạy trẻ biết nhận
biết giá trị của sự cân nhắc. Hãy tìm cơ hội để nói với trẻ về sự tử tế. Trẻ sẽ
mau chóng tiếp thu các lời nói đẹp và các động thái tốt, rồi trẻ sẽ biết áp
dụng. Có nhiều cách phản ứng để khuyến khích trẻ biết cân nhắc và quan tâm
người khác.
Cha mẹ có thể nói chuyện về các cảm
xúc và các động thái, rồi hỏi trẻ là đúng hay sai. Nếu trẻ nói “không đúng” thì
hỏi trẻ tại sao cảm thấy vậy. Với các cách ứng xử khác nhau, trẻ sẽ quen dần và
thấm nhuần, vì trẻ đang là trang giấy trắng, hãy “vẽ” lên đó những lời tốt và
các hình đẹp.
4. TỰ TIN – Hãy nuôi dưỡng
lòng tự tin ở trẻ. Bé Thành luôn muốn làm chiếc cầu hoặc xây nhà cao tầng. Tư
tưởng hay nhưng nó không sao xếp được với những lon nước ngọt và băng keo. Nó 4
tuổi nên còn vụng về. Chị Liên nói: “Con
sẽ làm được khi con lớn hơn.” Nhưng nó không chịu, chị đành để nó làm lại,
còn chị phụ dán băng keo. Xong “công trình,” khuôn mặt nó rạng rỡ hẳn.
Tin vào ý tưởng và khả năng của trẻ là
điều quan yếu để xây dựng lòng tự tin ở trẻ. Trẻ sẽ sẵn sàng nỗ lực, vì trẻ
biết nếu thất bại thì cũng không bị chê trách. Nhờ tự tin mà trẻ có thể xử lý
các thử thách gặp phải trên đường đời. Nếu trẻ nhút nhát và lưỡng lự, hãy giúp
trẻ loại bỏ ý nghĩ tiêu cực bằng cách nói: “Không sao, thua keo này bày keo
khác. Ba/mẹ biết con có thể làm được.” Đồng thời cho trẻ biết các gương
vượt khó sống động đời thường. Cách khẳng định tích cực khả dĩ tạo hiệu quả kỳ
diệu.
Cứ để trẻ làm những việc đơn giản để
quen dần công việc, trẻ sẽ khéo léo dần và biết sống có trách nhiệm với gia
đình, đồng thời trẻ cũng cảm thấy “dám” tin vào khả năng của chính mình.
5. YÊU THƯƠNG – Hãy giúp trẻ
sống quảng đại. Trẻ thường khó “cho đi,” nhưng nếu cha mẹ khéo léo giúp đỡ thì
trẻ sẽ “mở” lòng quảng đại. Nhân chi sơ tính bổn thiện. Hãy cho trẻ thấy lòng
quảng đại của cha mẹ để trẻ học tập yêu thương. Cha mẹ chăm sóc ông bà chu đáo,
trẻ sẽ biết kính trọng người trên.
Đừng bỏ phí ngày nào qua đi mà trẻ
không có bài học yêu thương từ cha mẹ. Bài học đó trở nên quan yếu từ những lời
đơn giản nhất như “xin lỗi,” “cảm ơn,” “làm ơn…” Một phương trình đơn giản: Cha
mẹ càng làm đầy căn nhà bằng những tiếng cười, lời yêu thương và các động thái
cao quý thì trẻ càng dễ dàng thể hiện tình thương với người khác. Yêu thương là
bài học sống giá trị nhất, như một danh nhân đã nói: “Chỉ những ai có lòng
yêu thương thì mới xứng đáng nhận danh hiệu con người.”
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment