Khi cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi với Mùa
Sáng, chúng ta cầu xin trong ngắm thứ năm: “Xin cho được năng kết hiệp với
Chúa Giêsu Thánh Thể.” Tất nhiên cũng hiểu ngầm là tình trạng linh hồn phải
thực sự xứng đáng.
Con người có hai phần: xác và hồn. Thân xác
cần lương thực để duy trì sự sống và phát triển, linh hồn cũng vậy, và còn cần
hơn nữa. Lo cho phần xác mà nhếch nhác phần hồn thì không chỉ hại chính mình mà
còn làm cho Chúa buồn. Một tinh thần minh mẫn trong một thân xác khỏe mạnh,
tương tự, nếu xác bồn chồn thì hồn héo hon là điều chắc chắn.
Con người rất cần lương thực – kể cả động vật
và thực vật. Chiến tranh không ngừng cũng chỉ vì giành nhau miếng cơm, manh áo.
Để duy trì sự sống, người ta cần có lương thực – một phần thiết yếu. Tuy nhiên,
ngày nay người ta phải cảnh giác cao độ vì các loại thực phẩm nhiễm độc vì các
hóa chất, đặc biệt là thực phẩm của Trung cộng, loài quỷ đỏ đang bị cả thế giới
tẩy chay. Do đó, càng văn minh thì người ta càng quan ngại về thực phẩm, nghĩa
là càng cần sự an toàn về thực phẩm. Ngày xưa người ta nghèo nhưng không lo về
thực phẩm, hầu như an toàn tuyệt đối: không chất bảo quản, không tẩm thuốc,
không hóa chất,...
Để hỗ trợ dân nghèo vì nhân đạo, Liên Hiệp
Quốc đã thành lập tổ chức FAO (Food and Agriculture Organization – Tổ chức
Lương Nông) ngày 16-10-1945 tại Canada. Tổ chức này nhằm 3 mục đích chính: 1)
Nâng cao mức sống và mức dinh dưỡng của nhân dân các nước thành viên; 2) Nâng
cao hiệu quả sản xuất lương thực và nông sản; 3) Góp phần vào việc phát triển
kinh tế thế giới và giải phóng nhân dân khỏi nạn đói. Trên logo của FAO có 2 chữ
“Fiat Panis” (La ngữ) – nghĩa là “Để Có Lương Thực” (let there be bread).
Là Đấng giàu lòng thương xót, Chúa Giêsu sợ
người ta đói nên Ngài đã chạnh lòng thương mà hai lần làm phép lạ hóa bánh ra
nhiều cho đám người “quên” cái bụng đói vì say mê nghe Ngài giảng thuyết. Các
thánh sử đã ghi lại phép lạ lần một (Mt 14:13-21; Mc 6:30-44; Lc 9:10-17; Ga
6:1-14), với 5 cái bánh và 2 con cá, số thực khách lên tới 5.000 người, chưa kể
phụ nữ và trẻ em, phần dư còn thu được 12 thúng đầy; và lần hai (Mt 15:32-39;
Mc 8:1-10), với 7 cái bánh và vài con cá nhỏ, khoảng 4.000 người no nê, cũng
không tính phụ nữ và trẻ em, phần dư còn thu được 7 thúng đầy.
Đó là ngụ ý đề cập Bí tích Thánh Thể mà Chúa
Giêsu đã thiết lập trong buổi Dạ Tiệc Vượt Qua, trước khi Ngài chịu chết vì tội
lỗi của chúng ta. Máu và thịt không thể tách rời, vì đó là dấu cho thấy có sự
sống.
Trong cuộc sống đời thường, ăn uống là chuyện
thường xuyên, nên khi đề cập cái gì thường xuyên thì người ta thường ví von
“như cơm bữa.” Ăn và uống thường đi đôi. Ăn là một trong tứ khoái của con
người, đặc biệt là đứng đầu, có thể gọi là “đệ nhất khoái.” Tuy nhiên, miếng ăn
cũng có thể là vinh dự hoặc nhục nhã. Có lẽ vì vậy, nhất là với người có lòng
tự trọng, tục ngữ Việt Nam so sánh: “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ.” Ăn cũng
có nghệ thuật ăn, không phải cứ cho vô miệng là xong. Không chỉ vậy, ăn không
chỉ để no bụng mà còn cần ngon miệng: Đồ ăn ngon, chỗ ăn ngon, và người ăn ngon
(cùng ăn). Thế mới đủ độ ngon. Chuyện ăn uống quả là phức tạp!
Ngày xưa, khi dân Israel đi qua sa mạc ròng
rã 40 năm để tới Miền Đất Hứa, lương thực duy nhất là manna. Suốt 40 năm chỉ một
món manna thế thì ngán thật. Thảo nào vì chán ngán mà thấy thèm đồ ăn ngon ngày
xưa thường ăn, thế rồi cả đám con cái Israel khóc lóc than vãn: “Ai sẽ cho chúng
ta có thịt ăn đây? Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai Cập mà không phải trả tiền, rồi
nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi;
mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy manna thôi.” (Ds 11:4-6) Giữa sa mạc khô
cằn hoang vu mà đòi thịt thì lấy đâu được chứ? Môsê thấy “đau đầu, nhức óc” ghê
gớm. Khổ!
Theo Kinh Thánh, manna là loại “bánh từ trời,”
nhìn như hạt ngò và trông như nhựa hương. Lạ quá chừng! Dân cứ việc chia nhau
đi lượm, cho vào cối xay hoặc cối giã mà nghiền tán ra, rồi bỏ vào nồi nấu
bánh, mùi vị manna cũng y như mùi vị bánh chiên dầu. Thơm phức, nức lòng. Đêm
về, sương rơi trên doanh trại, và manna cũng rơi xuống. (Ds 11:7-9) Cái món
manna lạ nhưng ăn hết ngày này sang tháng nọ thì cũng thấy ngán. Dân kêu réo, Môsê
đành “cầu cứu” Chúa. Ngài cho gió lùa chim cút tới, lớp chim cút dày tới cả
mét, dân cứ việc lượm mà ăn cho thỏa thích. Nhưng người ta tham lượm nhiều để
dành, thế nên Chúa nổi trận lôi đình. (Ds 11:31-33) Tham thì thâm. Rõ ràng là “thần
khẩu hại xác phàm” – cái miệng hại cái thân. Có ăn cũng khổ, chẳng sướng gì!
Dân cứng đầu cứng cổ, ngang ngược, xấc xược,
thế nên Thiên Chúa thịnh nộ. Họ được ăn mà không biết cảm ơn lại còn dám nổi
loạn. Loài người vô ơn bạc nghĩa thật! Nhưng Ngài vẫn luôn nhân từ, vẫn tha
thiết mời gọi: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu
không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng
nào.” (Is 55:1) Thế nhưng con người “chảnh” lắm, nên ca dao cũng có tâm sự
buồn: “Khi vui chẳng nhớ tới ai, Đến khi nóng cứ trái tai mà sờ.”
Nói đi rồi nói lại, nhắc tới rồi nhắc lui, Kinh
Thánh tiếp tục cho biết: “Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa,
Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để
bắt anh em phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh
em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. Người đã bắt anh em
phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn man-na là của ăn anh em chưa từng
biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết
rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức
Chúa phán ra.” (Ðnl 8:2-3) Chính Đức Kitô cũng đã nhắc nhở y như vậy. (x. Mt
4:4; Lc 4:4) Xác cần ăn thì hồn cũng cần ăn, có vậy mới sống và phát triển cân
bằng – thể lý, tâm sinh lý, trí tuệ, đặc biệt là tâm linh.
Không thể ngưng hoặc im lặng, Kinh Thánh lại tiếp
tục vừa giải thích vừa động viên: “Thiên Chúa của anh em, Đấng đã đưa anh em
ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Người đã dẫn anh em đi trong sa mạc mênh
mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt
nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh em uống. Trong
sa mạc, Người đã cho anh em ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh em chưa từng
biết, để bắt anh em phải cùng cực và thử thách anh em, hầu làm cho anh em được
hạnh phúc trong tương lai.” (Ðnl 8:14-16) Thế nhưng trái tim phàm nhân nếu
không bằng đá thì cũng bị xơ cứng, nghe xong rồi quên, hứa xong rồi thôi, vậy
mà vẫn tự nhận mình là “cái rốn của vũ trụ,” là “số dzách,” cho nên lúc nào
cũng chỉ chực nổi loạn. Không hề oan ức. Đó là loại “ADN kiêu ngạo” di truyền
từ Ông Bà Nguyên Tổ. Mệt ghê!
Không chỉ là phàm nhân mà còn là tội nhân,
nhưng “cái tôi” của chúng ta to hơn cái tháp Eiffel, chẳng cần biết ai, kể cả
Chúa. Vì thế, chúng ta vẫn tưởng mình “ngon lành” lắm, dám mạo nhận mình là ân
nhân, mặc dù chúng ta chỉ cho người khác những thứ thừa thãi – còn tệ hơn bố
thí, thay vì vứt đi! Do đó, Thánh Vịnh gia nhắc khéo bằng cách mời gọi: “Giêrusalem
hỡi, nào tôn vinh Chúa! Này Sion, hãy ca ngợi Thiên Chúa của ngươi! Then cửa
nhà ngươi, Chúa làm cho thêm chắc, con cái trong thành, Người giáng phúc thi
ân. Cõi biên cương, Người thiết lập hoà bình, và cho ngươi no đầy lúa mì tinh
hảo.” (Tv 147:12-14) Đúng là tình yêu Chúa bao la, hồng ân Chúa chan hòa,
lòng thương xót của Ngài vô tận.
Dân Israel là Dân Riêng của Chúa, và cũng là
hiện thân của chúng ta, bởi vì chúng ta cũng là Dân Thánh của Ngài. Chúng ta
cũng được “đặc cách” mà vẫn vô ân bội nghĩa. Thật vậy, Thánh Vịnh gia cho biết:
“Chúa bày tỏ lời Người cho nhà Giacóp, chiếu chỉ luật điều cho Israel. Chúa
không đối xử với dân nào như vậy, không cho họ biết những điều luật của Người.”
(Tv 147:19-20) Thật thấm thía với lời xác định của bác học André Marie
Ampère: “Con người
chỉ vĩ đại khi quỳ gối cầu nguyện.” Đó là lúc nhận biết Chúa là ai và nhận
ra mình là gì.
Dù chẳng đáng gì, nhưng chúng ta được Thiên
Chúa ban tặng mọi thứ, tặng phẩm đặc biệt là chính Con Một Ngài – Đức Giêsu
Kitô. Đó là hệ quả của “khối tình si” của Thiên Chúa dành cho đám tội nhân
chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con
của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16) Vâng,
Ngài yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân. (Rm 5:8) Và rồi Thánh
Phaolô đặt vấn đề: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há
chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó
chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và
tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng
chỉ là một thân thể.” (1 Cr 10:16-17) Đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta về
việc yêu thương nhau – yêu thương bằng mọi động thái, bằng cả con người của mỗi
chúng ta: Hai mắt để nhìn nhiều, hai bán cầu não để động não nhiều, hai tai để
lắng nghe nhiều, hai tay để hành động nhiều, hai chân để đến với nhau, nhưng
một miệng để nói ít, và một con tim để trung tín.
Đã có lần Chúa Giêsu nói với người Do Thái trong
thời gian đi rao giảng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh
này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để
cho thế gian được sống.” (Ga 6:51) Nghe “chói tai” nên họ tranh luận sôi
nổi, và đặt vấn đề: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta
được?” (Ga 6:52) Ừ, nghe thấy ớn thật. Nhưng họ ớn vì họ không chịu tin
Ngài là Con Thiên Chúa.
Vấn đề cốt lõi là chỗ đó. Nhưng làm sao họ
hiểu được. Nếu có chúng ta trực tiếp nghe Chúa Giêsu nói lúc đó, chắc chắn
chúng ta cũng phản đối tới cùng chứ chẳng vừa đâu. Chúa Giêsu biết hết, và Ngài
nghiêm túc nói với họ, có vẻ “dài dòng” nhưng cần thiết, đồng thời cũng vừa xác
định vừa giải thích: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt
và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống
máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau
hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và
uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là
Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn tôi cũng
sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh
tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”
(Ga 6:53-58) Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ làm cho chúng ta sống, vì chính
Ngài là Sự Sống, (Ga 14:6) mà Ngài còn cho chúng ta được sống dồi dào. (Ga
10:10) Sống đúng mức, tới đỉnh điểm của sự viên mãn.
Thật vậy, điều đó đã được Chúa Giêsu thực
hiện ngay khi cùng các môn đệ ăn Bữa Tiệc Ly, và đó cũng là cách Ngài thực hiện
lời hứa trước đó: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt
28:20) Một cách tương tự là Ngài cũng đã hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người
sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” (Ga
14:16) Và Chúa Thánh Thần vẫn đang ở với chúng ta cùng với Thánh Thể, bây giờ
và mãi đến lúc không còn thế gian này nữa.
Giống nhau mà rất khác nhau, bởi vì cũng là
“bánh từ trời,” nhưng manna chỉ là lương thực bình thường, ăn để sống phần xác
rồi... chết, còn Mình Máu Đức Kitô là lương thực thiêng liêng, vừa là Thần
Lương vừa là Thần Dược, ăn để sống và điều trị phần hồn (kể cả phần xác), đặc
biệt là Thánh Thể làm cho chúng ta bất tử và được hưởng vĩnh phúc. Thánh Thể
chính là Thần Lương cho chúng ta đủ sức kiên nhẫn đi hết chặng đường lữ hành
trần gian, là Của Ăn Đàng, là Nguồn Trường Sinh của chúng ta. Nhờ Thần Lương Thánh
Thể, chúng ta không chỉ sống mà sống dồi dào, sống sung mãn.
Mẹ Thánh Teresa
Calcutta xác định: “Bạn không thể
thấy Chúa Giêsu trong người nghèo nếu bạn không thấy Ngài trong Thánh Thể.” Đối với Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải có đức tin thực sự trưởng
thành, không thể dựa trên thính thị hoặc cảm giác. Chỉ có đức tin mới thực sự
cảm nghiệm được Mình Máu Thánh Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Hãy lấy đức
tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì.
Hằng ngày, mỗi khi rước lễ là chúng ta đón
rước Thiên Vương Giêsu vào lòng, lúc đó Chúa Tể càn khôn đang hòa tan vào chúng
ta, nên một với chúng ta, thật là đại phúc cho phàm nhân và tội nhân chúng ta.
Ước gì sau khi rước lễ, chúng ta có được vài phút để cùng nhau cảm nghiệm Chúa
Giêsu Thánh Thể, Vua Thương Xót. Ngài muốn lắng nghe chúng ta về mọi điều buồn
vui, đặc biệt là Ngài muốn chúng ta tôn thờ và cảm tạ Ngài. Vài phút ngắn ngủi
đó rất cần thiết cho đời sống của tín nhân – những người khao khát sự sống của Đức
Giêsu Kitô.
Đức tin là điều rất quan trọng trong đời sống
Kitô hữu. Bí tích Thánh Thể luôn “gắn liền” với đức tin, nhưng cũng phải thận
trọng lắm, vì có thể dễ trở thành cuồng tín hoặc tin lệch lạc. Vấn đề tín lý không
đơn giản. Tương tự, khi nói về Kinh Thánh cũng phải thận trọng, nếu không cũng rất
nguy hiểm. Chẳng hạn, mới đây có người nói trong một bài viết nói về “con tim”
mà sai tín lý. Nguyên văn của tác giả: “Lạy Chúa Giêsu mến yêu! Như trái tim
của Ápraham đau khổ khi vâng lời Chúa, sát tế con mình, như trái tim Môsê vâng
lệnh Chúa đưa dân Israel vào sa mạc suốt 40 năm mà vẫn không vào được Đất Hứa,
hoặc như trái tim vua Đavít đã hối hận ăn năn vì biết bao tội lỗi mình đã phạm,
và trái tim đau khổ vô ngần khi Mẹ Maria vâng theo Thánh ý Chúa Cha để công
cuộc cứu độ loài người được hoàn tất.”
Thật vô cùng nguy hiểm nếu tác giả “trực tiếp
chia sẻ” với người khác như vậy, nếu người nghe là tân tòng thì càng nguy hiểm
hơn. May thay bài viết này tác giả đã được thông báo và kịp sửa lại cho đúng tín
lý Công giáo. Ngày xưa, khoảng vài thập niên của thế kỷ XIX cũng vẫn có các tà
thuyết hoặc dị giáo, trước đó có nhiều – ví dụ: Albigensianism (thế kỷ
XII–XIII), Arianism (thế kỷ IV), Donatism (năm 311), Jansenism (thế kỷ XVII),
Macedonianism (khoảng năm 362), Manichaeism (khoảng 216–276), Nestorianism (giữa
thế kỷ IV và V), Pelagianism (thế kỷ V), Priscillianism (thế kỷ IV–V),
Calvinism (1570),... Chỉ vì họ tin sai và suy diễn lệch lạc, đối nghịch với đức
tin Công giáo. Phải chăng họ muốn lập tân giáo? Ngày nay cũng vẫn có người tự xưng
là giáo chủ của phái này, phái nọ. Nguy hiểm!
Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất, xin gia
tăng đức tin, thắp Lửa Yêu Mến và biến đổi trái tim chai sạn của chúng con, để
chúng con chỉ yêu mến Ngài mà thôi, yêu bằng cả con người của chúng con, xin thêm
sức mạnh để chúng con vượt qua mọi mưu ma chước quỷ, để chúng con xứng đáng lãnh
nhận Thánh Thể Ngài mỗi ngày. Ngài là Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với Thánh
Phụ, hiệp nhất với Thánh Linh đến đời đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✠ Khi Dâng Lễ – https://youtu.be/rSqsTBEL3gY
✠ Thần Lương –
https://youtu.be/a5dL73xe7gU
✽ Chuyện Yếu Đuối – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/09/yeu-uoi.html
✽ Con Người Yếu Đuối – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/08/con-nguoi-yeu-uoi.html
✽ Thời Trẻ – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/05/thoi-tre.html
✽ Yếu Đuối [truyện ngắn] – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/02/yeu-uoi.html
✽ Mưu Mẹo – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/09/muu-meo.html
✽ Ngừa Thai & Phá Thai
https://tramthienthu.blogspot.com/2018/10/ngua-thai-va-pha-thai.html
✽ Phá Thai Là Tấn Công Thánh Thể & Giáo Hội
https://tramthienthu.blogspot.com/2022/07/pha-thai-la-tan-cong-thanh-giao-hoi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment