Nhân Gian Loan Báo Tin Mừng Phục
Sinh
Ngôi mộ trống với tảng đá được lăn ra, đó là
chứng cớ hiển nhiên về một Người-Chết-Sống-Lại. Không chỉ chứng cớ không lời đó
mà còn nhiều nhân chứng thật là đám lính canh giữ, nhưng họ bịp bợm nên chối bỏ
sự thật mà phao tin đồn thất thiệt. Nếu có người lấy trộm xác thì họ để yên
sao? Rõ ràng là trò quỷ quyệt!
Hy vọng tràn trề giữa ranh giới của sự chết
và sự sống, bởi vì Chúa Giêsu đã nói trước rằng “Ngài sẽ sống lại sau ba ngày.”
(Mc 8:31; Mc 9:31; Mc 10:34) Cái gì cũng có ranh giới – biên độ hoặc biên giới,
nhưng ranh giới tử – sinh là loại “độc đáo” nhất, rất mong manh, chỉ là một làn
hơi thở, đáng quan ngại và cũng đáng quan tâm.
Chắc chắn chẳng ai muốn đề cập những gì liên
quan sự chết, và người ta cho đó là chuyện xui xẻo. Các môn đệ buồn lắm, thậm
chí Phêrô còn ngăn cản Thầy Giêsu, khi nghe Ngài nói về việc đi chịu chết.
Không chỉ một lần mà đã vài lần Đức Giêsu Kitô tỏ cho các môn đệ biết rằng Ngài
phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và
kinh sư gây ra, họ lại nộp Ngài cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh
vào thập giá rồi bị giết chết, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ trỗi dậy. (Mt 16:21;
Mt 17:23; Mt 20:19) Và sự thật đó đã xảy ra rõ ràng.
Tuy nhiên, các thượng tế và những người
Pharisêu kéo nhau đến ông Philatô, họ gọi Đức Giêsu là “tên bịp bợm” và xin ông
Philatô cho lính canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba vì họ sợ có người đến lấy
trộm xác rồi phao tin Ngài sống lại. Chính tay họ đã niêm phong tảng đá và phân
công lính canh mồ. (Mt 24:62-66) Chỉ là chuyện nhỏ, như dã tràng xe cát mà thôi.
Vô ích!
Giữa đêm khuya, đám lính canh đã bật ngửa khi
Đức Giêsu sống lại, vậy mà họ vẫn cố chấp, xảo quyệt. Họ sợ sự việc này đến tai
quan tổng trấn nên đã chạy chọt và dàn xếp với quan để mấy tên lính canh được
vô sự. Hối lộ rõ ràng mà vẫn chối. Chính mấy tên lính canh đã nhận tiền và làm
theo lời họ là phao tin đồng nhảm, cho rằng thi hài Đức Kitô bị đánh cắp, và câu
chuyện này vẫn được phổ biến giữa người Do Thái cho đến ngày nay. (Mt 28:14-15)
Thật kinh khủng, không còn lời nào để nói nữa!
Mãi mãi sự thật vẫn là sự thật như chính bản
chất của nó. Chúa Giêsu sống lại hay chết vĩnh viễn thì thế giới đã biết rõ,
hơn hai ngàn năm qua chứ chẳng mới mẻ gì. Không cần tranh cãi với những kẻ vô
thần xơ cứng niềm tin, lòng chai dạ đá. Thánh Phaolô đã lý giải: “Nếu Đức
Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta chỉ vô ích, vì đó là niềm tin hoang
đường, hão huyền, vô căn cứ, và chúng ta vẫn sống trong tội lỗi.” (1 Cr
15:17) Thật hạnh phúc khi đức tin của chúng ta không mơ hồ, không hão huyền, vì
Đức Chúa “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống.”
(Lc 20:38) Đức tin của chúng ta không uổng phí đâu.
Ranh giới tử – sinh được đề cập trong trình
thuật St 22:1-18, đó là việc ông Ápraham vâng lời Đức Chúa mà hiến tế chính con
mình làm lễ toàn thiêu trên một ngọn núi theo lệnh truyền của Ngài. Không chút
đắn đó hay chần chừ, cũng chẳng cân nhắc hay toan tính, ông dậy sớm, thắng lừa,
đem theo hai đầy tớ và con trai Isaac, ông bổ củi dùng để đốt lễ toàn thiêu,
rồi lên đường tới nơi Đức Chúa đã cho biết. Sang ngày thứ ba, ông Ápraham ngước
mắt lên, thấy nơi đó ở đàng xa, ông bảo đầy tớ ở lại với con lừa, rồi đưa con trai
đi, ông bảo rồi sẽ trở lại với họ.
Tới nơi hành lễ, Isaac không thấy chiên để
làm lễ toàn thiêu nên hỏi cha, ông Ápraham bảo chiên làm lễ toàn thiêu sẽ được
chính Thiên Chúa lo liệu. Hai cha con cùng đi tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Ápraham
dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, rồi trói Isaac con ông lại và đặt lên đống
củi trên bàn thờ. Có điều lạ là Isaac cũng ngoan ngoãn theo lệnh mà không hề phản
đối, niềm tin của người con cũng lớn không kém niềm tin của người cha. Đúng là
cha nào, con nấy. Thật tuyệt vời biết bao!
Thật lạ lùng, ngay khi ông Ápraham đưa tay ra
cầm lấy dao để sát tế con mình thì sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi tên ông, ông
thưa: “Dạ, con đây!” Và Sứ thần nói: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng
làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của
ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!” Nghe vậy, ông Ápraham
ngước mắt lên nhìn thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây.
Ông bắt lấy nó mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình. Đúng là Thiên Chúa
sẽ lo liệu như ông đã nói, và ông đặt tên cho nơi đó là “Đức Chúa sẽ liệu.” Từ
đó có câu: “Trên núi Đức Chúa sẽ liệu.” Niềm tín thác của ông hoàn toàn
tuyệt đối, nhờ niềm tin đó mà ông được gọi là người công chính.
Từ trời cao, Sứ thần của Đức Chúa lại gọi ông
Ápraham một lần nữa và nói: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh
Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một
của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên
đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi
sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau
được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.” Quả thật,
đức tin của ông Ápraham lớn quá: Sẵn sàng ra đi đến miền đất Chúa chỉ cho và
không ngại hiến tế ngay cả đứa con yêu dấu duy nhất của mình.
Thực sự ông vững tin vì ông biết địa cầu đầy
ân sủng của Thiên Chúa. Ở đâu có Thiên Chúa là có bình an, có hạnh phúc. Đúng
như Thánh Vịnh gia đã tin tưởng xác nhận: “Lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi
việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình
thương Chúa chan hoà mặt đất. Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi
Chúa thở tạo thành muôn tinh tú. Chúa dồn đại dương về một chỗ, Người đem biển
cả trữ vào kho.” (Tv 33:4-7) Quả thật, “hạnh phúc thay quốc gia được Chúa
làm Chúa Tể, hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp, và từ trời cao
nhìn xuống, Chúa thấy hết mọi người.” (Tv 33:12-13) Ngài thấy rõ chúng ta đang
khổ sở chống lại virus Vũ Hán và cũng biết nhân loại đang lo sợ lắm, nhưng Ngài
chưa ra tay vì Ngài muốn chúng ta thật lòng tín thác vào Ngài, đừng làm khổ
nhau và đừng trục lợi nữa. Tất cả sẽ hồi sinh nếu linh hồn phục sinh với Đức
Giêsu Kitô.
Thiên-Chúa-của-người-sống là kho báu mà mọi
người hằng khát khao mong ước: “Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người
luôn che chở phù trì. Vâng, có Người, chúng tôi mừng rỡ, vì hằng tin tưởng ở
Thánh Danh. Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng
trông cậy nơi Ngài.” (Tv 33:20-22) Ranh giới sống – chết là một hành trình
dài, là cuộc xuất hành đầy gian nan, và là cuộc vượt qua cam go, mặc dù ranh
giới đó rất mong manh. Chúng ta có thể cảm nhận được sự mong manh đó trong thời
gian này, khi cơn đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, với thông tin không vui cứ
gia tăng từng ngày.
Chính Đức Chúa đã nói với ông Môsê từ ngàn
xưa: “Có gì mà phải kêu cứu Ta? Hãy bảo con cái Israel cứ nhổ trại. Phần
ngươi, cầm gậy lên, giơ tay trên mặt biển, rẽ nước ra cho có lối đi khô ráo
ngay giữa lòng biển, để con cái Israel đi vào. Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người
Ai Cập ra chai đá. Chúng sẽ tiến vào theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ được vẻ
vang hiển hách khi đánh bại Pharaô cùng toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh
của vua ấy. Người Ai Cập sẽ biết rằng chính Ta là Đức Chúa, khi Ta được vẻ vang
hiển hách vì đã đánh bại Pharaô cùng chiến xa và kỵ binh của vua ấy.” (Xh
14:15-18) Trong cơn hoảng loạn của thế giới hôm nay, chúng ta cũng đang rất cần
Thiên Chúa ra tay cứu vớt.
Khi Thiên sứ của Thiên Chúa đang đi trước
hàng ngũ Israel, cột mây bỏ phía trước mà đứng về phía sau, chen vào giữa hàng
ngũ Ai Cập và hàng ngũ Israel. Bên kia, mây toả mịt mù, bên này, mây lại sáng
soi đêm tối, khiến cho hai bên suốt đêm không xáp lại gần nhau được. Ông Môsê
giơ tay trên mặt biển, Đức Chúa cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn
biển lại, khiến biển hoá thành đất khô cạn. Nước biển rẽ ra, và con cái Israel
đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên. Dân Israel
đi qua, còn quân Ai Cập thất bại ê chề, chết trong dòng nước. Đó là cuộc giải
phóng thần kỳ. Israel thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai Cập nên
kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa, tin vào ông Môsê. Thật phúc khi mắt và trí
đều mở ra!
Lúc đó, ông Môsê cùng với con cái Israel hát
mừng Đức Chúa: “Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu
độ tôi. Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc, Người là Chúa tổ tiên,
xin mừng câu tán tụng. Lạy Chúa, tay hữu Ngài đã biểu dương sức mạnh, đã nghiền
nát địch quân. Người cho dân tiến vào định cư họ trên núi gia nghiệp của Người.
Lạy Chúa, chính nơi đây Người chọn làm chỗ ở, đây cũng là đền thánh tự tay Người
lập nên. Chúa là vua hiển trị đến muôn thuở muôn đời.” (Xh 15:1-6, 17-18)
Alleluia, tạ ơn Chúa!
Người ta thường nói: “Coi vậy mà không
phải vậy.” Có nhiều thứ như vậy. Nước rất mềm nhưng không yếu, cũng có
nghĩa là mạnh mẽ. Và còn hơn thế nữa, nước rửa sạch ô uế, gội mát muôn vật, hồi
sinh muôn loài. Nước rất cần thiết trong sinh hoạt thường nhật. Thiếu nước thì
người ta mau chết hơn là thiếu đồ ăn. Nước rất kỳ diệu, vì nước là biểu hiện
của sự sống, có sinh khí, có Thiên Chúa.
Chỉ là nước tự nhiên mà còn kỳ diệu đến thế
huống chi nước tâm linh. Thánh Phaolô nói: “Anh em không biết rằng khi chúng
ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được
dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người,
chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống
lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, chúng ta cũng được sống
một đời sống mới.” (Rm 6:3-4) Nước rửa sạch và biến đổi con người chúng ta.
Thánh Phaolô nói về sự sống và sự chết: “Vì
chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, chúng ta cũng
sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết
rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như
vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm
nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết thì thoát khỏi quyền của tội lỗi.”
(Rm 6:5-7) Thật là kỳ diệu với chuỗi liên kết như vậy. Sự sống đã chiến thắng
sự chết, ma quỷ không thể làm gì được nữa.
Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Nếu chúng ta đã
cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin
của chúng ta.” (Rm 6:8) Niềm tin rất chính xác, không luống công vô ích. Thánh
nhân cho biết: “Một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ
Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là
chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa.
Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống
cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu.” (Rm 6:9-11)
Là người đã được thừa kế niềm tin đó, Thánh
Vịnh gia mời gọi tất cả chúng ta: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn
đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118:1-2) Tại sao vậy? Lý do minh nhiên:
“Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao, tay hữu Chúa đã ra
oai thần lực. Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công
việc Chúa làm.” (Tv 118:16-17) Đó là bổn phận và trách nhiệm của mọi tín
nhân.
Đức Giêsu Kitô chính là “tảng đá thợ xây nhà
loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.” (Tv 118:22) Ngài đã bị giết chết, rồi người
ta cứ tưởng như vậy là chấm dứt lịch sử, thế nhưng Ngài đã lật ngược tình
huống: chiến thắng tử thần và phục sinh vinh quang. Đó chính là công trình của
Chúa, công trình vô cùng kỳ diệu trước con mắt mọi phàm nhân, càng ngạc nhiên
hơn đối với những ác nhân, những kẻ thủ ác.
Nói về khoảnh khắc lịch sử độc nhất vô nhị
trên thế gian này, với lời kể ngắn gọn mà đầy đủ, trình thuật Mt 28:1-10 cho
biết: Sau ngày sa-bát, vừa tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Mácđala
và một bà khác cũng tên là Maria cùng đi viếng mộ. Thình lình đất rung chuyển
dữ dội, sứ thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên, diện
mạo người như ánh chớp và y phục trắng như tuyết. Thấy vậy, tụi lính canh khiếp
sợ và run rẩy đến nỗi chết ngất đi. Ấy thế mà họ vẫn cứng lòng tin vì cố chấp.
Không thể có thuốc giải!
Chính Thiên Thần động viên các phụ nữ “đừng
sợ!” và cho biết rằng Đức Kitô đã sống lại như Ngài đã nói trước. Các bà đến mà
xem chỗ Ngài đã nằm, rồi mau mắn về báo tin mừng và bảo các tông đồ đến Galilê
để được diện kiến Thầy Giêsu. Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy vẫn sợ hãi nhưng lại
rất vui mừng chạy về loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các môn đệ. Ở đây có hai
điều chúng ta cần học tập từ các phụ nữ này: Mau mắn loan báo Tin Mừng và làm
chứng về Chúa Giêsu Phục Sinh. Nói về Chúa là một cách làm chứng, và là hạnh
phúc của tín nhân.
Trong lúc các phụ nữ này đang trên đường đi
thì Đức Giêsu đón gặp họ và nói: “Chào chị em!” Các bà khoái chí hết sức
nên đua nhau tiến lại gần Ngài, ôm lấy chân Ngài và bái lạy Ngài. Bấy giờ, Đức
Giêsu tiếp tục động viên họ: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để
họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28:10) Họ là những người đầu
tiên được diện kiến Đấng Phục Sinh và trở thành các nhân chứng sống đầu tiên về
Chúa Giêsu Phục Sinh. Các phụ nữ đó thật diễm phúc!
Mệnh lệnh ngắn gọn nhưng rất quan trọng: “Đừng
sợ!” Khó chứ không dễ, nhưng ai cũng phải cố gắng thực hiện, vì đó là mệnh
lệnh đòi hỏi phải thực sự can đảm. Tương tự ngưỡng sinh – tử, biên độ cũng rất
mong manh giữa sự can đảm và sự hèn nhát. “Đừng sợ!” như câu niệm thần chú mà
chúng ta phải tự nhủ – và động viên lẫn nhau trong cuộc sống hôm nay, nhất là
trong lúc chịu đựng cơn đại dịch này.
Lạy Thiên Chúa hằng sống, xin chữa lành hồn
xác chúng con, xin ban thêm nguồn ơn Chúa Thánh Thần cho chúng con, xin giúp
chúng con sống và làm chứng sự thật về Đấng Phục Sinh trong mọi hoàn cảnh của
cuộc sống này. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Đấng Cứu
Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment