[Niệm ý Ga 6:22-29]
Tin vào Chúa là điều cần thiết nhất
Ngài là Đức Giê-su, Đấng Ngôi Lời
Chỉ tạm bợ mọi thứ ở trên đời
Có rồi mất, đừng tham lam tích trữ
Tham ăn uống, no nê rồi thêm khổ
Chết còn gì mà cứ tranh giành nhau?
Cuộc đời này vốn lắm khổ nhiều đau
Cố gắng yêu thương nhau là cần thiết
Trần gian này không là quê hương thật
Ngày nào cũng đủ hai mươi bốn giờ
Vui chẳng nhiều mà lắm khổ nhiều lo
Thời gian như bóng câu qua khe hở [*]
Đêm dần buông vẫn chưa yên giấc ngủ
Nghĩ miên man mà chẳng thoát lo âu
Giữa chiêm bao vẫn giật mình niềm đau
Còn chút gì chân thành dành cho Chúa?
Đời dài – ngắn, chẳng có ai hết nợ
Nợ ân tình – nợ Chúa và nợ người
Khi biết đủ ắt là sẽ đủ thôi
Vẫn luôn thiếu nếu cứ lo đòi hỏi
Cứ sống châm, đừng bao giờ sống vội
Quàng phải dây thì tội lắm, người ơi!
Chẳng có ai có thể biết ngày mai
Và vì thế mà cần sống hiện tại
Xin Chúa cho chúng con thoát ngốc dại
Biết ý thức đúng đắn cuộc sống này
Lo chuẩn bị cho cuộc sống ngày mai
Lạy Giê-su, Đấng Cứu Độ duy nhất!
TRẦM THIÊN THU
Chiều 26-04-2020
[*] Do câu nói của Trang Tử: “Nhân sinh thiên địa chi, gian nhược bạch câu chi quá khích.” – nghĩa là “Đời người ta trong khoảng trời đất, như bóng mặt trời qua khe hở.” Ý nói thời gian trôi qua rất nhanh.
NGHỀ TU
Văn hóa truyền thống dạy cho người Việt chúng
ta kính trọng các bậc tu hành, vì những vị tu hành là những người đã dứt khoát
trần tục, từ bỏ giàu sang danh vọng phú quý để tìm con đường tu thân, và từ đó,
dẫn dắt người đời đến một cuộc sống thánh thiện, chân thiện mỹ,…
Sở dĩ chúng ta trọng những người tu hành vì những vị này đã trở thành những kẻ hơn người. Họ đã từ bỏ được ba cái tầm thường “Tham Sân Si” của giới phàm tục. Như vậy, những ai một khi quyết định xa gia đình, dứt bỏ phú quý danh vọng để tự nguyện trở thành kẻ phục vụ chúng sinh, lấy đức bác ái, tinh thần từ bi hỷ xả làm lý tưởng để lo cho đời sống tâm linh con người, đồng thời chấp nhận làm kẻ thấp hèn trong xã hội cũng như quên mình để hiến dâng cho lý tưởng, thì đều được xã hội quý trọng. Người Việt chúng ta rất sùng đạo, đó là vấn đề rất tốt về phương diện tôn giáo.
Nhưng hành động trọng cha, kính thầy một cách quá đáng, có thể nói rằng đi đến lố bịch của một số con chiên, Phật tử đã làm hư các thầy, các cha, đồng thời biến các vị tu hành trở thành Phật, thành Chúa, là thần thánh oai nghiêm và quyền uy vô lượng chứ không còn là những kẻ tu hành hèn mọn mà những vị này đã tâm nguyện dâng hiến để trọn đời phục vụ Phật tử, tín đồ cũng như con chiên! Những hình ảnh chắp tay cúi đầu “con lạy thầy, con lạy cha” làm cho các nhà tu hành quên hẳn vai trò một người tu hành để rồi những vị nầy tự ban cho mình cái quyền linh thiêng, đại diện cõi trên ban phát ân huệ cho chúng sinh và bắt người phàm tục phục dịch cho mình.
Hình ảnh và thái độ của thầy, cha ngày nay thường bị hư hỏng và đôi lúc trịch trượng bởi hai lý do.
Trước hết là số người người sùng đạo có thái độ tôn trọng cha thầy một cách quá đáng: việc gì của thầy của cha làm đều tốt đều đẹp, lời thầy lời cha nói gì nghe cũng hay cũng phải.
Thứ đến là một số tín đồ, giáo hữu cò mồi dựa vào tôn giáo để làm chính trị cũng như kinh doanh, họ bám vào thầy cha, nhà chùa, nhà thờ, theo sát thầy cha đánh trống thổi kèn, chấp tay lạy sống và khúm núm trình thưa như đang đứng trước mặt quan quyền vua chúa ngày xưa.
Hành động này chẳng những đưa ‘cái tôi’ của thầy cha lên tận mây xanh, do đó, những cái tầm thường xấu xa trong lòng các vị tu hành đã không diệt được mà còn được thường xuyên bơm lên thì Tham Sân Si trong lòng các vị tu hành càng ngày càng lớn hơn những người phàm tục nữa! Như vậy tu hành đã không đạt được kết quả… mà một khi cái Tham Sân Si trong các vị tu hành thường xuyên bị dồn nén thì sẽ bộc phát dữ dội.
Nên nhớ rằng, các nhà tu hành một khi đã đi lạc đường, thì cái Tham Sân Si sẽ quậy tới bến còn hơn những người phàm tục!
Cá nhân tôi là người trong cuộc và đã chứng kiến tận mắt hai trường hợp, từ đó lòng tôi mất đi rất nhiều kính trọng đối với một số vị tu hành:
1. Trong một cuộc biểu tình, tôi được giới thiệu với một vị linh mục còn trẻ hơn tôi. Sau câu chào hỏi thân mật xong thì vị linh mục quay mặt đi nơi khác, hình như có thái độ không muốn nói chuyện với tôi nữa vì tôi đã thẳng thắng kêu bằng cha và xưng tôi. Có lẽ chữ tôi trong cách xưng hô không thích hợp giữa một giáo dân với một vị linh mục nơi đông người đã làm giảm giá trị một vị tu hành nên vị này đã quay mặt đi giả vờ nói chuyện với những người chung quanh.
Nếu tôi trịnh trọng gọi bằng cha thì phải xưng con như những người khác thì câu chuyện sẽ được tiếp tục trong tình thân mật! Tôi có thể gọi cha và xưng con trong nhà thờ, lúc xem lễ hay vào tòa xưng tội theo con người Kitô hữu của tôi. Nhưng ngoài đời, trong một buổi biểu tình chính trị, thì giữa hai người tu hành và giáo dân cũng đều là những người dân tỵ nạn Việt Nam. Tôi nghĩ rằng một người già trên 70 xưng con với một vị linh mục còn trẻ giữa nơi công cộng thì cũng khó nghe! Như vậy trong bộ áo màu đen quý trọng đang mặc trên linh mục này, cái sân si vẫn còn quá nặng mùi trần tục trong một vị tu hành.
2. Dịp cúng thất cho một người trong gia đình, nhằm buổi cơm chay, tôi có dịp phải đi ngang qua phòng ăn – nối liền từ chân cầu thang đến chánh điện – trong lúc các vị sư đang dùng bữa. Chuyện đập vào mắt tôi, vị trụ trì ngồi đầu bàn, sau khi ăn hết chén cơm vị này ngồi yên, không quay lại, đưa cái chén ra phía sau… thì một Phật tử chắp tay vái lạy ba cái, cúi mình xuống và đưa hai tay lên khỏi đầu đỡ lấy cái chén, lấy cơm xong lại cung kính dâng lên vị trụ trì như lúc đầu… trong lúc tô cơm đang nằm ngay trước mặt và trong tầm tay của vị trụ trì! Phía bên kia, một Phật tử cầm quạt đang phe phẩy để cho thầy dùng cơm mặc dù Paris lúc đó đang mát trời! Tôi thấy vị trụ trì nầy đã quên hẳn mình là kẻ tu hành mà có thái độ trịch trượng như một vị vua chúa ngày trước.
Trở về với đề tài, nhiều người hỏi tôi thời đại này làm nghề gì sướng nhất, tôi có thể trả lời tức khắc không cần đắn đo suy nghĩ rằng: ‘Nghề Đi Tu’! Một nghề không đòi hỏi vốn kiến thức, không cần đầu tư tài chính mà chỉ cần thuộc vài ba kinh – như loại tu hành quốc doanh – là có thể hành nghề một cách dễ dàng.
Khi hành đạo, không cần làm việc, nhưng tài sản đất đai, nhà cửa, xe cộ, tiền bạc do con chiên thiện nam tín nữ cung hiến cũng quá dư thừa cho phép những vị này ăn uống no say, vợ con đầy đủ và nếu muốn thì tình nhân cũng sẵn sàng có ngay!
Nhà cửa được giảm hoặc miễn thuế, ăn khỏi tốn tiền, có người hầu hạ, có kẻ làm bếp dâng lên tận miệng. Có vị còn biến từ nhà ở cho đến nơi thờ phương thành cơ sở kinh doanh với giá bán cắt cổ từ cuốn sách cho đến gói thực phẩm. Tất cả hoạt động kinh tế đều theo hình thức chui và chỉ thu tiền mặt.
Các lễ lộc phục vụ tôn giáo không có tình trạng miễn phí hoặc giảm giá cho nhà nghèo mà phải tuân theo theo từng bậc giá cả khác nhau. Cước phí xin lễ, cầu nguyện đối với các vị tu hành người nước ngoài hoàn toàn do tín hữu tự nguyện không bắt buộc theo một hình thức khuôn mẫu nào.
Tôi chứng kiến một cha người Pháp đã từ chối số tiền lớn do một tín hữu người Việt Nam đến nhà thờ Tây xin lễ bình an cho gia đình. Chẳng những thế, nhà thờ còn làm hóa đơn chính thức để ghi vào sổ của nhà thờ.
Nhưng trái lại, trong một dịp gặp một cha người Việt Nam để xin lễ, linh mục này cho giá đàng hoàng và tỏ vẻ không hài lòng khi tôi đề cập đến giá cả của nhà thờ!
Từ chỗ này người ta xem các vị tu hành từ trong nước ra đến hải ngoại hành nghề tôn giáo với giá cả cắt cổ tín hữu và Phật tử một cách vô tội vạ.
Riêng việc tang chế, giá cả được ấn định bao nhiêu tiền cho cha thầy đến tư gia, đến nhà xác để tụng niệm. Bao nhiêu tiền để tổ chức theo hình thức lớn, trung bình, nhỏ đối với một lễ tiễn đưa người quá cố, bao nhiêu tiền để mang cốt tro về chùa, nhà thờ… và bao nhiêu tiền theo đẳng cấp giàu sang hay bình dân để thuê một cái hộc để đựng hủ cốt người chết!
Tiền nhiều thì nhà chùa nhà thờ tổ chức lớn, với nhiều cha nhiều thầy làm lễ. Nhiều tiền thì tổ chức lễ riêng rẽ một cách trang trọng vào cuối tuần. Ít tiền thì tổ chức cầu siêu tập thể và vào những ngày giờ làm việc.
Chính các thầy, các cha đòi hỏi giá cả để tổ chức những buổi lễ đình đám cho hôn nhân, cầu siêu, án táng, đưa hài cốt về chùa, về nhà thờ.
Những tiền lệ này đã tập cho tín đồ Phật tử những tính xấu, xem thường việc linh thiêng tôn giáo đồng thời tạo cho những gia đình nghèo, thiếu phương tiện bị mặc cảm và đau lòng mỗi khi có người thân vừa nằm xuống.
Chắc tất cả mọi người đều công nhận rằng nghề đi tu chẳng những là một nghề ấm thân cho kẻ tu hành mà còn giúp họ trở thành triệu phú một sớm một chiều. Chẳng mất một giọt mồ hôi, suốt đời không đóng thuế, nhà cửa được giảm tiền điện nước lại còn hưởng trợ cấp đặc biệt của xã hội.
Cuộc đời tu hành thật đáng giá ngàn vàng, chỉ một sáng một chiều trở thành triệu phú, trở nên kẻ ăn trên ngồi trước và được trọng vọng nhất trong thiên hạ: Nhà cao cửa rộng, đi Mercedes, BMW… có tài xế, ngày ăn no, đêm ngủ với vợ, ngày thì đệ tử tự nguyện (!) thời gian rỗi rảnh thì đếm bạc giấy rồi đem cất vào tủ sắt… Như vậy nghề tu hành thời nay của người Việt quả thật là tuyệt hảo và độc nhất vô nhị của thế giới tính, từ thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 đến nay.
Nhà thờ, nhà chùa đã biến thành cái chợ và hơn nữa các nơi này còn cạnh tranh tổ chức văn nghệ mừng Xuân, ca hát, ăn uống,… thì chắc Chúa và Phật cũng phải quay mặt trước tình trạng tu hành thời nay.
Bây giờ giới trẻ ai cũng muốn đi tu, một nghề ngồi mát ăn bát vàng mà được thiên hạ đội lên đầu, chắp tay vái lạy thì còn gì quý hơn khi phải phí cuộc đời gần hai chục năm trong các nhà trường để rồi vác bằng chạy đôn chạy đáo kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
ĐINH LÂM THANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment