Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

KHÔNG BAO GIỜ CŨ

Thánh Thể Thần Lương Ban Nguồn Thương Xót
Nhân Gian Tội Lỗi Nhận Phúc Thứ Tha
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày đặc biệt, vừa mừng vui vừa ngậm ngùi. Chúa Giêsu di tặng cho nhân loại hai tặng phẩm quý giá: Bí tích Thánh Thể và thiên chức linh mục. Trong niềm vui có lẫn nỗi buồn, tạo cảm giác rất khó tả, đặc biệt là trong đó có sự quyến luyến của cuộc chia tay.
Thánh Lễ trở thành quen thuộc đối với chúng ta, nhưng không bao giờ cũ hoặc nhàm chán. Điều đó chứng tỏ rõ ràng trong thời gian đại dịch này, khi chúng ta không thể tham dự Thánh Lễ chung với nhau tại các nhà thờ.
Thứ Năm Tuần Thánh còn là ngày Chúa Giêsu dạy bài học yêu thương độc đáo, vì Ngài không chỉ dạy bằng lời nói mà dạy bằng HÀNH ĐỘNG cụ thể, chứng minh lời Ngài đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:28; Mc 10:45) Yêu Thương và Phục Vụ là hai “điểm nhấn” của ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Ai yêu thương thì sẵn sàng phục vụ, ai phục vụ là chứng tỏ yêu thương. Đó là mối tương quan thiết yếu và sự liên đới kỳ diệu. Thánh Lễ và Điều Răn Mới không bao giờ cũ.
Thật tuyệt vời với cách nói của Thánh GH Gioan Phaolô II về chức vụ phục vụ của mình là “tôi tớ của các tôi tớ của Chúa” (Servus Servorum Dei). Ngài không dùng đại danh từ “chúng tôi” – ngôi thứ nhất số nhiều – như các vị tiền nhiệm mà dùng đại danh từ “tôi” – ngôi thứ nhất số ít. Ngài chọn làm một lễ tấn phong đơn giản chứ không rườm rà, và không đội mũ giáo hoàng khi khởi đầu sứ vụ. Là giáo hoàng nhưng ngài không muốn được phục vụ để thể hiện đức khiêm nhường. Khi nhậm chức giáo hoàng, các hồng y quỳ gối trước ngài để tuyên hứa và hôn nhẫn, nhưng ngài đứng dậy khi ĐHY Stefan Wyszyński (người Ba Lan) quỳ gối, ngăn hồng y này hôn nhẫn và lại ôm hồng y này. ĐGH Phanxicô cũng đã thể hiện rõ nét khiêm nhường, nghèo khó, và cũng không muốn ai phục vụ mình – tự xách cặp. Đó là các tấm gương sáng về nhân đức khiêm nhường và tinh thần phục vụ mà Chúa Giêsu dạy.
Trên đất Ai Cập từ ngàn xưa, Đức Chúa phán với ông Môsê và ông Aharon: “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Israel: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Israel đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng.” (Xh 12:1-8) Cách thể hiện rất lạ.
Trên thế giới, dân tộc nào cũng có những phong tục khác nhau theo văn hóa riêng. Đối với dân Do Thái, cách ăn uống cũng khác, họ làm theo lời Chúa căn dặn: “Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa.” (Xh 12:11) Có vẻ lạ nhưng vẫn không ngạc nhiên, mục đích người Việt không có tục lệ như vậy.
Chiên hay dê một tuổi là con vật còn nhỏ, còn toàn vẹn và đơn sơ như đứa trẻ, máu của con vật tinh tuyền được bôi lên cửa làm dấu hiệu để gia đình đó được thoát tai họa: “Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai Cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai Cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai Cập: vì Ta là Đức Chúa. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng họa trên đất Ai Cập. Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này. Đó là LUẬT QUY ĐỊNH CHO ĐẾN MUÔN ĐỜI.” (Xh 12:12-14)
Thật diễm phúc được báo trước về cách tránh tai họa như vậy. Ai không làm theo là cố chấp, ai làm theo là biết vâng phục và tất nhiên được hưởng lợi ích. Đối với Thiên Chúa, chúng ta chẳng là gì cả, nhưng chúng ta vẫn không ngừng được Ngài ban tặng biết bao hồng ân. Thánh Vịnh gia đã có kinh nghiệm nên tự vấn và tự quyết: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Con xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Chúa.” (Tv 116:12-13) Vâng, chắc chắn không lễ vật nào xứng đáng bằng những gì đến từ Thiên Chúa. Và càng xứng đáng hơn khi lễ vật là chính Chiên Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô.
Chân thành khấn hứa, Thánh Vịnh gia tâm niệm: “Lời khấn nguyền với Chúa, con xin giữ trọn, trước toàn thể dân Người. Đối với Chúa thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người. Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.” (Tv 116:15-16) Đặc biệt là Chúa Giêsu xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13) Chắc chắn không có loại tình nào vĩ đại hơn.
Chết cũng có nhiều cách – nghĩa đen và nghĩa bóng, hằng ngày chúng ta cũng phải “chết” cho nhau, bởi vì mọi người đều là “người yêu” của nhau. Trong ngày trọng đại này, chúng ta cùng Thánh Vịnh gia chân thành thưa với Chúa: “Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn và kêu cầu thánh danh Chúa. Lời khấn nguyền với Chúa, con xin giữ trọn, trước toàn thể dân Người.” (Tv 116:17-18) Lòng biết ơn rất quan trọng nhưng người ta lại dễ quên lắm. Vẫn còn đó gương mười người được ơn chữa lành nhưng chỉ có một người biết ơn, mà người này lại là người ngoại. (x. Lc 17:11-19) Vấn đề thực sự đáng quan tâm.
Với tâm tình tri ân cảm tạ, Thánh Phaolô cho biết: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.’ Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: ‘Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.’ Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” (1 Cr 11:23-26) Tất cả đều là hồng ân, bởi vì “chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.” (Ga 3:27)
Rất lạ về một điều xác định. Cái chết là nỗi đau buồn, là thất bại, là thua cuộc, là cùng đường, vậy mà sao lại cần loan truyền? Đây là loại nghịch-lý-thuận sẽ không thể hiểu nếu không có đức tin Kitô giáo. Sự chết không như người ta lầm tưởng, chết ngỡ như thua thiệt, là thất bại ê chề, nhưng chính cái chết lại là biên giới qua Bến Phục Sinh, là nhịp cầu tới Miền Sự Sống, là cửa ngõ vào Cõi Trường Sinh. Vô cùng kỳ diệu!
Có một loại Tam Giác đặc biệt là “Tam Giác Sinh Tử.” Trước khi vào Vùng Sống phải qua Cõi Chết, trước khi qua Cõi Chết phải trải nghiệm Ải Đau Khổ. Trình thuật Ga 13:1-15 cho biết điều đó.
Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Ngài đã đến – lúc Ngài phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng. Với nhân tính, chắc hẳn Ngài cũng lưu luyến lắm, nhất là với các đệ tử đã chia vui sẻ buồn suốt ba năm. Nhưng điều gì đến sẽ đến, cuộc vui nào cũng tàn, sum họp rồi chia ly, đó là lẽ thường ở đời tạm thế gian này.
Chính ma quỷ đã gieo ý định nộp Đức Giêsu vào lòng Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt. Đức Giêsu biết rằng Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Ngài, Ngài bởi Thiên Chúa mà đến và sắp trở về cùng Thiên Chúa. Trong tiệc mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ, và cũng là Bữa Tiệc Ly, bữa ăn cuối cùng của Ngài trên thế gian và bữa cuối cùng đồng bàn với các môn đệ. Khi đó, Ngài đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra và lấy khăn mà thắt lưng, rồi Ngài đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Một hành động rất lạ, chắc hẳn các môn đệ cũng chỉ thấy lạ chứ không thể biết đó là điềm báo về cái chết của một Con Người – Thầy Giêsu chí thánh.
Câu chuyện hôm nay là câu chuyện mà ai cũng biết rõ, hầu như thuộc lòng mặc dù không chính xác từng chữ. Khỏi kể lại cũng biết. Mới nghe câu đầu đã biết rõ kết thúc. Thế nhưng câu chuyện này vẫn luôn thu hút bất kỳ ai. Từ Phòng Tiệc Ly tới Vườn Dầu, từ Vườn Dầu tới Dinh Caipha và Philatô, và rồi tới Núi Sọ, ai cũng biết diễn biến từng chi tiết, thế nhưng người ta vẫn không chán dù cứ nghe đi nghe lại câu chuyện buồn đó, cứ xem đi xem lại đoạn phim đó. Điều cũ mà luôn mới, không bao giờ cũ. Một điều vô cùng kỳ diệu. Tương tự, hằng ngày tham dự Thánh Lễ mà không chán, vẫn thu hút, và thực sự thấy thiếu khi không được tham dự Thánh Lễ trực tiếp như trong gian đoạn này. Tuần Thánh năm 2020 là Tuần Thánh đặc biệt đối với các tín nhân Công giáo, vì chưa bao giờ phải chịu tẻ nhạt như thế này, nhưng là dịp thông phần đau khổ với Chúa Giêsu sâu xa hơn.
Ai cũng biết rằng một cuốn truyện hoặc một bộ phim hay tới mức nào thì người ta cũng chỉ đọc hoặc xem một lần, nhiều lắm cũng chỉ hai lần là thấy nhàm chán. Vậy mà với bộ Phúc Âm (và Kinh Thánh), người ta càng đọc càng thấy thú vị, càng nhận thấy cái mới. Tương tự, đối với Thánh Lễ cũng vậy, dù không tham dự cũng biết như thế nào. Thế mà chẳng ai cảm thấy chán ngán. Đúng là một phép lạ nhãn tiền!
Bữa Tiệc Ly vẫn tiếp diễn. Khi Chúa Giêsu bưng chậu nước đến chỗ ông Phêrô thì ông ngạc nhiên và nói: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Nhưng Ngài bảo: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phêrô cương quyết không để cho Thầy rửa chân cho mình, không thể có chuyện ngược đời như vậy được! Nhưng Ngài nghiêm giọng: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Nghe vậy, ông Phêrô nói ngay: “Thế thì xin Thầy cứ rửa, không chỉ rửa chân mà rửa cả tay và đầu con nữa.” Đúng là người có bản tính “thẳng như ruột ngựa,” nghĩ sao nói vậy. Đức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” Thật vậy, Ngài biết ai sẽ nộp Ngài nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.” Vệ sinh thể lý cần một, vệ sinh tâm linh cần mười.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13:12-15) Những lời Chúa Giêsu nói nghe rất nhẹ nhàng nhưng lại có sức khiến chúng ta nhức tai, buốt óc và nhói tim lắm. Thật vậy, chữ Yêu Thương rất ngắn gọn, xem chừng rất đơn giản, thậm chí có thể cô đọng thành một chữ Yêu hoặc Thuong, nhưng để thực hành cho đúng ý Thầy Giêsu thì không hề đơn giản, thế nên mỗi người phải cố gắng không ngừng, miệt mài thi hành qua từng nhịp thở, nhất là trong lúc đại dịch phức tạp thế này.
Tương tự, chữ Phục Vụ cũng ngắn gọn, nhưng có hai vế: Phục vụ và được phục vụ. Người ta không thích vế thứ nhất, mà chỉ thích vế thứ nhì – dễ hơn và sướng hơn. Bản tính con người đâu dễ “lèo lái,” do đó mà thực hiện “bổn phận phục vụ” vẫn mãi là vấn nạn, thậm chí người ta còn làm ngược lại là “được phục vụ.” Ôi, lạy Chúa!
Người ta thấy tại phòng thánh của nhà dòng, Mẹ Thánh Teresa Calcutta đã ghi lời nhắc nhở: “Xin các linh mục hãy dâng mỗi Thánh lễ như Thánh lễ đầu tiên và như Thánh lễ cuối cùng trong đời.” Đúng là ý tưởng của thánh nhân, thật là thâm thúy đầy tính tâm linh, nhưng đó cũng là lời nhắc nhở đáng “giật mình” lắm, dù đó là thành phần nào trong Giáo Hội.
Luôn mang tính thời sự nóng bỏng về bài học Yêu Thương và Phục Vụ mà Chúa Giêsu đã dạy. Bất kỳ ai cũng phải thuộc lòng và thi hành bài giáo huấn của Thầy Giêsu. Yêu mến và lưu luyến Ngài thì phải nghiêm túc thực hiện lệnh truyền đó, vì có vậy mới chứng tỏ tình yêu mà chúng ta dành cho Ngài – không chỉ nhìn Ngài mà phải hướng nhìn của Ngài.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin ngự vào linh hồn chúng con và chữa lành hồn xác chúng con, xin đừng để chúng con xa cách Ngài, xin biến đổi chúng con nên giống Ngài nhờ siêng năng tham dự Thánh Lễ để có sự sống dồi dào nhờ Thánh Thể, xin cũng giúp chúng con quyết tâm thực hiện bài học Yêu Thương và Phục Vụ đúng Tôn Ý Ngài. Chúng con tin thật chính Ngài là Đấng cứu độ duy nhất, hằng sinh và đồng trị với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
 Tình Chúa Chiều Xưa – https://youtu.be/Ie7tQ4Zg0p4
 Bài Ca Rửa Chân – https://youtu.be/lyitpT3crsQ
 Tiếng Vọng Đêm Vườn Dầu – https://youtu.be/FhBU65oHzp0
Xem thêm:
 Mười Điều Về Bữa Tiệc Ly
Bữa Tiệc Ly Diễn Ra Khi Nào?
Phản Bội Tại Bữa Tiệc Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment