Monday, January 13, 2020

CHÚA GIÊSU LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA

Khi Chúa Giêsu được gọi là Chiên Thiên Chúa, (Ga 1:29 và Ga 1:36) Ngài được công nhận là hy lễ chuộc tội hoàn hảo và tối hậu. Để hiểu Đức Kitô là ai và làm gì, chúng ta phải bắt đầu bằng Cựu Ước, gồm các lời tiên tri liên quan việc Đức Kitô đến thế gian là “lễ vật đền tội.” (Is 53:10) Thật vậy, toàn bộ hệ thống hy lễ được Thiên Chúa thiết lập từ thời Cựu Ước làm nền tảng cho cuộc đến của Đức Giêsu Kitô, Đấng là hy lễ hoàn hảo mà Thiên Chúa trao ban để đền tội lỗi của dân Ngài. (Rm 8:3; Dt 10)
Sự hy sinh của những con chiên giữ vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo về hệ thống đền tội của người Do Thái. Khi ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” và “Đấng xoá bỏ tội trần gian,” (Ga 1:29) người Do Thái nghe nói về Ngài có lẽ họ nghĩ ngay về một trong các hy lễ quan trọng nào đó. Khi Lễ Vượt Qua gần đến, ý nghĩ đầu tiên có thể là hy lễ con chiên của Lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua là một trong các lễ nghỉ quan trọng của người Do Thái và là dịp cử hành để tưởng nhớ việc Thiên Chúa đã giải thoát dân Israel khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập. thật vậy, việc sát tế Chiên Vượt Qua và lấy máu bôi lên cửa nhà (Xh 12:11-13) là hình ảnh đẹp về công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô trên Thập Giá. Những người được Ngài chết thay đều được Bửu Huyết của Ngài phủ lên, bảo vệ họ khỏi tử thần – về phương diện tâm linh.
Hy lễ quan trọng khác liên quan con chiên là hy lễ hằng ngày dâng tại Đền Thờ Giêrusalem. Mỗi buổi sáng và buổi chiều, một con chiên được sát tế dâng tại Đền Thờ để đền tội của dân. (Xh 29:38-42) Các hy lễ hằng ngày này, cũng như các hy lễ khác, chỉ là để hướng dân tới hy lễ hoàn hảo là cái chết của Đức Kitô trên Thập Giá. Thật vậy, thời gian Chúa Giêsu chết trên Thập Giá phù hợp với thời gian hy lễ ban chiều được dâng tại Đền Thờ. Lúc đó người Do Thái cũng đã quen thuộc với các tiên tri thời Cựu Ước như Giêrêmia và Isaia, những người đã tiên báo về cuộc đến của Đấng như “con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt” (Gr 11:19; Is 53:7) và đau khổ của Đấng này sẽ cứu chuộc dân Israel. Dĩ nhiên, người đó không ai khác là chính Đức Giêsu Kitô – Chiên Thiên Chúa.
Ý tưởng về hệ thống hy lễ đền tội có thể có vẻ xa lạ đối với chúng ta ngày nay. Khái niệm đền bù hoặc phục hồi vẫn là điều chúng ta có thể dễ hiểu. Chúng ta biết rằng “lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 6:23) và tội lỗi tách chúng ta khỏi Thiên Chúa. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng “mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa.” (Rm 3:23) Vì tội lỗi của mình, chúng ta bị tách khỏi Thiên Chúa, và chúng ta tội lỗi trước mặt Ngài. Do đó, niềm hy vọng duy nhất chúng ta có được là Ngài có cho chúng ta giao hòa với Ngài hay không, Ngài làm làm điều đó bằng cách sai Con Ngài là Đức Giêsu Kitô chịu chết trên Thập Giá. Đức Kitô đã chịu chết để chuộc tội những ai tin vào Ngài.
Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá là hy lễ đền tội hoàn hảo và sự phục sinh của Ngài mà chúng ta có thể có sự sống đời đời nếu chúng ta tin vào Ngài. Thiên Chúa trao ban của lễ đền tội là thành phần trong Tin Mừng đã được nói rõ trong 1 Pr 1:18-21: “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô. Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa.”
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ GotQuestion.org)
Đêm 12-01-2020

No comments:

Post a Comment

Comment