Chồng tôi và tôi khó khăn lắm mới có thể
quyết định cho con gái học trường công. Con gái của chúng tôi rất kiên quyết. Tôi
không có ý nói là cháu bướng bỉnh, ngang ngạnh, nhưng đó là tính cách của cháu.
Nghĩa là cháu mạnh mẽ tới mức chúng tôi lo lắng về sự an toàn của cháu vì cháu
không nghe lời cảnh báo. Không biết tính cách đó có tốt cho cháu trên đường nên
thánh và trong thế giới chống lại Phúc Âm hay không, nhưng bây giờ thì điều đó
là trở ngại lớn và là rào cản đối với gia đình chúng tôi.
Chúng tôi đã cho cháu học trường Công giáo, nhưng
gánh nặng tài chính quá lớn đối với gia đình, thế nên chúng tôi quyết định cho
cháu học ở nhà. Khởi đầu tốt, nhưng rồi bắt đầu có “chiến tranh” và cứ gia
tăng, đến nỗi con gái và tôi bị bế tắc. Cuối cùng, tôi hỏi cháu có nghe tôi
trong 10 năm nữa hay không, vì giáo viên của cháu nói rằng có lẽ không thể. Tôi
nói rằng chúng tôi sẽ cho cháu học trường công.
Chồng tôi nói như vậy là thất bại của một
người mẹ, cùng với nỗi sợ về những chuyện không đâu và về tương lai. Tôi sợ
rằng con gái sẽ không chịu đi lễ hằng ngày với tôi, và tôi sẽ không thể dạy
cháu theo ý muốn.
ĐỪNG SỢ!
Đây là một trong những câu phổ biến trong
Kinh Thánh: “Đừng sợ!” Triều đại của ĐGH Gioan Phaolô II được đánh dấu
bằng lời mời gọi tín thác vào Đức Kitô và không sợ hãi. Khó có thể kiểm soát
nỗi lo sợ khi nó xuất hiện trong chúng ta. Chúng ta phải chờ đợi trước khi có
thể hướng về Thiên Chúa và nhờ Ngài cứu giúp chúng ta vượt qua nỗi lo sợ đó. Những
ý tưởng không hợp lý nảy sinh từ khi có nỗi lo sợ thực sự rõ ràng. Nỗi lo sợ
của tôi nhắc tôi nhớ rằng Thiên Chúa sẽ chăm sóc con gái tôi và hướng dẫn nó
theo cách của Ngài dù cho sự học hành và sự cám dỗ trong thế giới này có thế
nào. Điều tôi có thể làm là tín thác vào Ngài. Tôi không bao giờ có thể kiểm
soát tương lai của nó.
Đức Mẹ được yêu cầu tín thác vào Thiên Chúa hơn
bất cứ thụ tạo nào. Khi sứ thần Gáp-ri-en hiện ra, lời đầu tiên sau lời chào là
lời động viên Đức Mẹ: “Đừng sợ!” Đức Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa, và Ngài
luôn ở với Đức Mẹ. ĐGH Benedict XVI cho biết:
Câu thứ hai tôi muốn suy nghĩ là lời của sứ
thần: “Hỡi Maria, đừng sợ!” Thật vậy, có lý do để Đức Mẹ lo sợ, vì đó là
sức nặng của cả thế giới đè trên Đức Mẹ, là Mẹ của Vua vũ trụ, là Mẹ của Con Thiên
Chúa. Một trọng trách quá nặng nề! Đó cũng là gánh nặng mà nhân loại phải mang!
Nhưng sứ thần nói: “Đừng sợ!” Chúng ta đang có Thiên Chúa, và Ngài động
viên chúng ta: “Đừng sợ!”
Chúng ta không có gánh nặng làm Mẹ Thiên Chúa,
nhưng có nhiều gánh nặng khác đặt trên chúng ta trong cuộc đời này. Nhiều người
trong chúng ta chịu bệnh tật, thất nghiệp, cô độc, lạm dụng, nghèo khó, thói
quen tội lỗi, bạo lực, mất người thân, trách nhiệm nuôi dạy con cái trong đức
tin Công giáo. Nhiều khi có những thứ đòi hỏi khiến chúng ta cảm thấy quá nặng
nề và lo sợ. Những lúc đó, chúng ta phải cầu xin Đức Mẹ can thiệp và hướng dẫn
để chúng ta biết cách tin vào Chúa Giêsu và không sợ hãi.
TIN VÀO THIÊN CHÚA QUA ĐỨC MẸ
Thực tế cuộc sống có nhiều nỗi lo sợ. Chúng
ta mất người thân, bạo lực, chiến tranh, nạn đói, bất công, và những sự xáo
trộn đầy trong cuộc sống. Chúng ta sẽ đối mặt với cái chết vào thời điểm Thiên
Chúa tiền định. Đức Mẹ đi cùng chúng ta qua những lúc đó. Đức Mẹ đã chịu đau
khổ và bối rối trong cuộc đời này khi bước đi với Con Yêu trong sứ vụ của Ngài
và dưới chân Thập Giá. ĐGH Benedict XVI cho biết:
Lúc ông Simêon nói với Đức Mẹ: “Thiên Chúa
đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng
lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ
thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn
bà.” (Lc 2:34-35) Cũng chính lúc đó, Đức Mẹ có thể cảm thấy lo sợ, nhưng
lời sứ thần lại vang lên trong tâm trí Đức Mẹ: “Đừng sợ, Thiên Chúa sẽ hướng
dẫn.” Khi có các điều mâu thuẫn chống lại Chúa Giêsu trong thời gian Ngài
công khai sứ vụ, nhiều người nói Ngài điên loạn hoặc mất trí, Đức Mẹ lại nhớ tới
lời sứ thần: “Đừng sợ!” Cuối cùng, khi gặp Con vác Thập Giá trên đường
tới Can-vê, có vẻ như không còn gì nữa, Đức Mẹ lại nhớ tới lời sứ thần: “Đừng
sợ!” Từ đó, Đức Mẹ can đảm đứng dưới chân Thập Giá khi Con Yêu hấp hối, Đức
Mẹ được đức tin nâng đỡ để tới sự phục sinh, tới Lễ Ngũ Tuần, tới nền tảng gia
đình mới của Giáo Hội.
Chúng ta có thể noi gương Đức Mẹ khi chúng ta
thấy mình sợ những gì xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta phải tin vào
Thiên Chúa và đường lối của Ngài như Đức Mẹ đã tin tưởng trong mọi khoảnh khác
của cuộc đời Mẹ. Đức Mẹ – rất giống người mẹ trong 2 Mcb 7:1, 20-31 – cho chúng
ta thấy rằng chúng ta phải phó thác mọi thứ cho Thiên Chúa – con cái, vợ chồng,
cha mẹ, bạn bè, và chính cuộc đời của chúng ta. Tất cả thuộc về Thiên Chúa, không
thuộc về chúng ta. Đối với các cha mẹ, khó nhất là học từ bỏ cách kiểm soát con
cái và phó thác chúng cho Thiên Chúa, tin rằng Ngài sẽ chăm sóc chúng và hướng
dẫn chúng cách nên thánh theo ý Ngài muốn. Sự từ bỏ này có nghĩa là chắc chắn
sẽ có đau khổ, nhưng nếu chúng ta tín thác vào Thiên Chúa thì Ngài sẽ ban sức
mạnh cho chúng ta để vượt qua mọi nỗi sợ hãi trong chúng ta.
Đức Mẹ chăm sóc chúng ta như con cái và muốn
làm tan biến nỗi sợ hãi của chúng ta. Đức Mẹ cho chúng ta biết cách theo bước
Con Yêu của Mẹ và tin rằng Ngài luôn hướng dẫn chúng ta trong cuộc đời này.
Đức Mẹ cũng nói với chúng ta: “Đừng sợ!”
Thế giới của chúng ta là thế giới đầy nỗi sợ hãi: sợ nghèo khổ, sợ bệnh tật, sợ
cô đơn, sợ chết,... Chúng ta có hệ thống bảo hiểm trong thế giới này, đó là
điều tốt. Nhưng chúng ta biết rằng chẳng có hệ thống bảo hiểm nào có thể bảo vệ
khi chúng ta đau khổ tột cùng, cô đơn hết mức vì cái chết. Sự bảo hiểm có giá
trị duy nhất vào lúc đó là sự bảo hiểm đến từ Thiên Chúa, Đấng xác nhận với
chúng ta: “Đừng sợ, Ta luôn ở với con.” Chúng ta có thể sa ngã, nhưng
cuối cùng chúng ta sẽ ngã vào vòng tay của Thiên Chúa, vòng tay Ngài là vòng
tay tốt lành và an toàn.
Dù cho điều gì xảy ra trong cuộc đời chúng ta
thì Thiên Chúa vẫn luôn ở với chúng ta. Ngài hướng dẫn chúng ta và dẫn đưa
chúng ta tới Quê Hương Nước Trời. Trong những lúc chúng ta đau khổ, Ngài liên
kết với chúng ta qua Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Ngài trên Thập Giá vì chúng
ta. Dù thế nào thì chúng ta vẫn có thể nghỉ ngơi trong vòng tay của Ngài và
chúng ta cũng có thể đặt con cái mình vào vòng tay yêu thương của Đấng đã tạo
nên chúng, tin rằng Ngài hướng dẫn chúng về Quê Thật. Đức Mẹ cho chúng ta biết
cách tin tưởng và bình an trong vòng tay của Thiên Chúa.
CONSTANCE T. HULL
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Lễ Thánh Gia – 2019
SỰ DỮ TẠI PHI LUẬT TÂN
“Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi!” (Cv 26:14)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment