Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

KHÚC RU KHÔNG LỜI

Kinh Thánh nói: “Đừng như sư tử trong gia đình, mà lại nhút nhát giữa gia nhân.” (Hc 4:30) Một cách cảnh báo nhẹ nhàng mà thấm thía. Có lẽ tình trạng như vậy rất thường xảy ra: Với người trong nhà thì hùng hổ, áp chế, còn với người ngoài thì nhút nhát, luồn cúi.
Nói tới gia đình là nói tới chữ hiếu. Trong tác phẩm quý giá “Nhị Thập Tứ Hiếu” (hai mươi bốn người con có hiếu) có kể câu chuyện về lòng hiếu thảo của Hàn Bá Du.
Ông rất thương mẹ, mỗi khi có lỗi ông thường bị mẹ đánh đòn. Một hôm, ông lầm lỗi và bị đánh, nhưng ông khóc hoài không nín. Thấy lạ, người mẹ hỏi: “Mỗi khi mẹ đánh, con nhận lỗi rồi nín ngay. Sao lần này con khóc lâu thế?” Ông chân thành thưa: “Mọi khi mẹ đánh, con thấy đau, con biết mẹ còn khỏe. Lần này mẹ đánh, con không đau, con biết sức mẹ đã yếu, cho nên con thương mẹ mà khóc.”
Câu trả lời của Hàn Bá Du thật kỳ diệu. Ông bị đánh đòn nhưng không oán trách, mà lại càng thương mẹ vì biết mẹ tuổi già sức yếu, thật là tấm gương sáng cho những người làm con. Bổn phận làm con là phải hiếu thảo, dù cho cha mẹ là ai hoặc như thế nào thì người con vẫn phải giữ trọn đạo làm con. Chữ hiếu đánh vần cả đời mà chẳng xong, đừng bắt cha mẹ đợi đến khi chúng ta giàu có mới đền đáp công ơn sinh dưỡng, bởi vì có thể cha mẹ không đủ thời gian để chờ đợi đến ngày đó!
Người Việt gọi gia đình là Tổ Ấm. Là tổ ấm thì không thể lạnh lùng, lạnh lẽo, hoặc lạnh nhạt, mà phải ấm áp với ngọn lửa yêu thương nồng nàn. Người ta nhớ nhà là nhớ tình cảm gia đình, chứ không phải là nhớ cái ngôi nhà. Anh ngữ chí lý khi phân biệt Home và House. Vâng, gia đình là chiếc nôi yêu thương, là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, là nơi linh thiêng, là bản tổng phổ hòa âm hạnh phúc bằng những cung bậc yêu thương hòa quyện vào giai điệu ngọt ngào, và vẫn được ngân vang trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi lúc...
Đề cập gia đình là đề cập tình yêu thương – tình phu thê, tình mẫu tử, tình phụ tử, tình huynh đệ, tình tỷ muội. Không có tình yêu thương thì không là gia đình. Có thể ví gia đình như một “tam giác đều” của mối liên kết Cha-Mẹ-Con. Trong đó có sự hài hòa của các mối quan hệ tình cảm mà chỉ có gia đình mới có được. Tác giả Thomas Fuller (1608-1661, người Anh) nhận định: “Lòng nhân ái bắt đầu từ gia đình, nhưng không nên kết thúc ở đó.” Có thể nói rằng gia đình là vườn ươm các nhân đức. Từ vườn ươm đó sẽ có những hạt giống tốt gieo vào xã hội và Giáo Hội.
Lời Ca Nhập Lễ nói ngay đến khung cảnh một gia đình: “Các mục đồng hối hả tới nơi gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:16) Trong đó không nói tới danh từ “gia đình” nhưng ai cũng biết được Kinh Thánh đề cập một gia đình. Đó là một gia đình nhỏ bé, đơn sơ, giản dị, nghèo nàn, nhưng tràn đầy hơi ấm yêu thương của mỗi thành viên trong Thánh Gia – người cha, người mẹ, và người con.
Trong Tông huấn “Redemptoris Custos” (nói về Con người và Sứ vụ của Đức Thánh Giuse trong Đời sống của Chúa Kitô và Giáo Hội, năm 1989), Thánh Gioan Phaolô II xác định: “Thánh Gia là ‘Giáo Hội thu nhỏ’, mỗi gia đình Kitô hữu phải phản ánh cuộc sống Thánh Gia.”
Kinh Thánh nói về chữ Hiếu: “Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc.” (Hc 3:8) Và Kinh Thánh cũng xác định: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Người đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân.” (Hc 3:3-7) Thờ cha, kính mẹ là giữ đạo hiếu đời thường, là “luật sống” của xã hội loài người, nhưng cũng chính là giới răn thứ tư trong Mười Điều Răn mà Thiên Chúa đã truyền dạy qua ông Môsê: “Thảo kính cha mẹ.”
Đời và đạo đều coi trọng chữ Hiếu. Đạo nào cũng coi trọng Đạo Làm Người – khởi đầu từ gia đình. Thật vậy, Phật giáo đề cập chữ hiếu: “Cung kính và vâng lời cha mẹ, phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu, giữ gìn thanh danh truyền thống gia đình, bảo vệ tài sản cha mẹ để lại, lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời.” (kinh Tăng Nhất A Hàm) Còn kinh Nhẫn Nhục so sánh mạnh mẽ: “Tột cùng thiện không gì bằng có hiếu, tột cùng ác không gì bằng bất hiếu.” Điều đó cho thấy đạo hiếu quan trọng với những người làm con, mà đã là con người thì ai cũng làm con, nghĩa là phải luôn đề cao chữ Hiếu.
Chữ Hiếu được đề cập chi tiết hơn trong Công giáo. Sách Huấn Ca cho biết: “Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời.” (Hc 3:14-15) Con cái thảo kính cha mẹ không chỉ là thi hành bổn phận, mà còn được Thiên Chúa tha thứ và chúc phúc. Nhất cử lưỡng tiện. Nhưng thật khốn nạn cho những nghịch tử: “Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.” (Hc 3:16) Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng khi Ngài chấp nhận mặc xác phàm và làm con trong một gia đình, Ngài cũng chu toàn bổn phận và nêu gương hiếu thảo: Sau khi Đức Maria và Đức Thánh Giuse tìm thấy Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy dạy trong Đền Thờ, “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài.” (Lc 2:51) Thiếu niên Giêsu không chỉ hiếu thảo mà còn vâng lời cha mẹ.
Kinh Thánh đưa ra lời khuyên chân thành: “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.” (Hc 3:17) Lời khuyên nhẹ nhàng và đơn giản nhưng rất thâm thúy ý nghĩa.
Ai cũng có gia đình, chắc chắn không ai không biết về gia đình. Đó là sự đoàn kết chặt chẽ của “bộ ba”, như kiềng ba chân vững bền. “Bộ ba” đó là hình ảnh Tam Vị Nhất Thể (Chúa Ba Ngôi), lan tỏa yêu thương, chứng tỏ sự kính yêu Thiên Chúa. Thánh Vịnh mô tả: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.” (Tv 128:1-4) Hình ảnh thật sống động và đẹp đẽ, cho thấy sự êm ấm cần thiết của một gia đình.
Một gia đình hạnh phúc như đống lửa cháy nhờ những thanh củi cùng chụm lại, cùng đốt “lửa yêu” trong gia đình. Đó là nơi phải đầy ắp tiếng cười, sống thoải mái, tự nhiên, thì mới xứng đáng tận hưởng lời cầu chúc này: “Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu.” (Tv 128:5-6) Đúng là tổ ấm, chứ không là tổ lạnh.
Nói chi tiết, Thánh Phaolô cho biết: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (Cl 3:12-14) Bất kỳ cái gì “được nhận” đều là ân huệ, dù là điều nhỏ nhoi, và tất nhiên người nhận phải có trách nhiệm và sống sao cho xứng đáng. Đó là lẽ công bằng minh nhiên. Một gia đình khởi đầu từ hôn nhân với bí tích Hôn Phối, sợi dây yêu thương thắt chặt thì không thể không phát sinh tình yêu thương.
Thật đúng như vậy, vừa cầu chúc vừa giải thích, Thánh Phaolô nói rạch ròi: “Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân. Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú.” (Cl 3:15-16a) Có Thiên Chúa ở giữa gia đình thì chắc chắn gia đình đó luôn bình an, mọi thành viên biết quên mình vì lợi ích chung của cả gia đình.

Không thể im lặng hoặc giữ riêng cho mình khi biết được điều gì đó – dù hay hoặc dở. Người này phải chia sẻ cho người khác cùng biết, đó là một dạng “giáo dục” hoặc “dạy dỗ”. Cho biết điều hay để động viên, cho biết điều không hay để chấn chỉnh. Trong gia đình, ai cũng có quyền như vậy, đồng thời cũng là trách nhiệm: “Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3:16b-17)
Vấn đề quan trọng là phải thực hiện vì danh Chúa Giêsu, chứ không phải để mình được khen tặng hoặc nổi trội. Người giỏi là người có ơn gọi tiên tri (ngôn sứ), tất nhiên phải lo sinh lời loại “nén” đó, càng nhiều càng tốt, không thể thấy vậy rồi tỏ vẻ khinh người, hợm mình. Đừng tưởng Chúa bỏ qua, mà Ngài sẽ “đòi” phần lời của người đó, vì chính Ngài đã xác định: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.” (Lc 12:48)
Và rồi Thánh Phaolô còn khuyên riêng từng thành viên trong gia đình: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” (Cl 3:18-21) Người nào việc nấy. Mỗi người một cương vị, kèm theo bổn phận và trách nhiệm phù hợp chứ không quá sức.
So với Thánh Gia, chắc hẳn chẳng có gia đình nào khốn khổ như thế. Thật vậy, Thánh Gia gian nan trăm bề, khó khăn đủ thứ, nạn này chưa qua thì tai khác lại tới. Khổ chồng lên khổ. Kinh Thánh cho biết rằng khi các nhà chiêm tinh đã ra về, sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2:13) Mẹ tròn, con vuông là vui rồi, có nghèo cũng được. Thế nhưng sóng đời cứ vỗ, con thuyền gia đình tròng trành đủ kiểu, chao nghiêng không ngừng. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Cuộc sống gia đình không là thảm nhung, thảm lụa.
Cứ tưởng cuộc sống gia đình yên ổn, ai ngờ… Ôi chao, số kiếp Đức Thánh Giuse lận đận quá, không phải là hồng nhan mà vẫn bạc phận. Vừa nghe sứ thần báo hung tin, nguy hiểm cận kề, Chú Giuse liền trỗi dậy, và dù đang đêm tối đen như mực, Chú vẫn đưa Vợ và Con vội vã trốn sang Ai-cập. Và rồi Thánh Gia ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.” (Mt 2:18) Một chân lý vô thường: Gian nan và đau khổ cũng vẫn là hồng ân. Thật kỳ diệu. Cuộc sống gia đình là thế. Chính nhờ nỗi khó khăn mà người ta nên khôn và biết yêu thương nhau hơn. Đau khổ luôn có giá trị kỳ lạ.
Cuộc sống như một bộ phim dài mà hay, và cũng như bản trường ca yêu thương bất hủ. Thánh sử Mát-thêu tiếp tục kể: Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng: “Này Giuse, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” (Mt 2:20) Lần trước là hung tin, lần này là hỉ tín. Tiếng thở phào rất nhẹ nhàng nhưng có thể tống khứ hết độc tố. Tuyệt! Sau cơn mưa trời lại sáng. Chắc là chẳng mong gì hơn, Chú Giuse liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Thế nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên Chú Giuse sợ không dám về đó, nên lui về miền Ga-li-lê, và đến định cư tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.” (Mt 2:23) Tránh voi chẳng xấu mặt nào, người ta nói thế, thật chí lý!
Nhìn vào Thánh Gia với bao “sự cố” dồn dập, ước gì mỗi thành viên gia đình được gia tăng nghị lực và luôn cố gắng sống đúng vai trò của mình để khả dĩ tạo nên một Tổ Ấm đúng nghĩa. Nhờ ơn Chúa, cầu mong mỗi gia đình cùng nhau hằng ngày không ngừng hòa tấu vang dội Tình Khúc Yêu Thương, đó cũng là cách sống động để tích cực truyền giáo và làm chứng nhân theo ý muốn của Thiên Chúa: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13:34-35) Cứ đứng và dang đôi tay sẽ thấy giống chữ Y và chữ T – Y là Yêu, T là Thương, và T cũng giống hình Thập Giá.
Gia đình là khúc ru không lời nhưng đầy ý nghĩa, vì những “khoảng lặng” vô ngôn đó lại đa tứ, “nói” nhiều hơn những lời nói đầu môi chót lưỡi. Nói về tình gia đình, sách Huấn Ca có ba chữ “thà” thật thú vị, đáng ghi nhớ để làm ý lực sống hằng ngày: “Thà bữa rau bữa cháo mà yêu thương nhau còn hơn mâm cao cỗ đầy mà bất hoà bất thuận.” (Cn 15:17) – “Thà ăn mẩu bánh khô mà được êm ấm còn hơn đầy yến tiệc mà nhà cửa bất hoà.” (Cn 17:1) – “Thà nghèo túng mà sống vẹn toàn, còn hơn điêu ngoa mà ngu ngốc.” (Cn 19:1)
Lạy Thiên Chúa, xin cảm tạ Ngài đã cho chúng con có một gia đình để làm nền tảng cuộc đời, và làm sức mạnh cho chúng con giữa gian trần này, xin giúp chúng con biết sống đúng bổn phận và thi hành sứ vụ của mình theo đúng Thánh Ý Ngài trong từng hoàn cảnh thực tế trong cuộc sống riêng để tất cả vì Ngài mà thôi. Xin thắt chặt mọi thành viên gia đình bằng sợi dây yêu thương trong tình hiệp nhất với Giáo Hội. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment