Sách “Minh Đạo Gia Huấn” (Trình Hạo và Trình
Di, văn chương cách ngôn) cho biết: “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn,
kiệm tắc thường túc, tĩnh tác thường an.” Cuộc sống có nhiều bất trắc nên
cần dự trữ (lương thực, quần áo) để đề phòng. Có đức tiết kiệm – không keo
kiệt, bủn xỉn, thì đủ sống; và người điềm tĩnh sẽ cảm thấy thanh thản, bình an.
Tích trữ hoặc tích lũy liên quan việc chuẩn
bị. Kinh Thánh có sách Huấn Ca chứa đựng kho tàng vô giá về mọi vấn đề trong
cuộc sống. Ví dụ: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con
hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách.” (Hc 2:1) Đó là dạng tích lũy
cao cấp.
Tích trữ có dạng tốt và xấu. Dạng tốt là khôn
ngoan, dạng xấu là tham lam – đặc biệt là ảnh hưởng chủ nghĩa duy vật. Để mỉa
mai, người ta “chơi chữ” một lèo thế này: “Vội vã vào vơ vét vàng về vui vẻ
vung vít vi vút.” Và vòi vĩnh! Đó là có ý mỉa mai những người có lòng tham không
đáy, chỉ thích lấy của người khác, nhưng vẫn làm ra vẻ tốt bụng: Cho không lấy,
thấy không xin, kín thì rình, hở thì rinh. Đúng là trộm và cướp. Trộm còn biết
sợ nên lén lút, cướp không sợ ai nên công khai, cướp có tính toán và cướp đúng
quy trình – thảo nào tiền nhân đã xác định: “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là
quan.”
Đôi khi người ta tự nhận là khôn khéo mà lại
hóa ngu ngốc, đôi khi tưởng người khác ngốc nghếch mà không ngờ họ lại khôn
ngoan. Khôn hay dại còn tùy vào cách sống theo quan niệm của người đời hay theo
ý của Thiên Chúa. Kinh nghiệm sống cho thấy “cuộc sống vô thường” – luôn có
nhiều điều bất ngờ không thể biết trước, dù chỉ là dự đoán. Điều bất ngờ đáng
sợ nhất là lúc chúng ta “gặp” tử thần – vị khách không ai mời mà vẫn tới. Thảo
nào Chúa Giêsu luôn nhắc nhở chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng.
Với ít nhiều kinh nghiệm, ai cũng biết rằng không
ai có thể biết trước chuyện gì – dù chỉ lát nữa và dù chuyện to hay nhỏ. Vì thế
người ta luôn phải cố gắng “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn,” không thể
“bóc ngắn, cắn dài.” Về vật chất nên biết tiết kiệm chứ không hà tiện, biết dè
sẻn để tránh nợ nần. Biết “dự trù” vật chất như vậy là tốt – theo kiểu “liệu
cơm gắp mắm” chứ không nên “ăn xổi, ở thì” hoặc “vung tay quá trán,” nhưng có
điều còn quan trọng hơn đó là phải biết tích trữ về tinh thần, tích trữ kho
tàng nhân đức, như người ta thường nói là “sống để đức cho con cháu,” nhưng
quan trọng hơn: tu thân, tích đức làm thành những bậc thang lên Thiên Quốc.
Về cuộc sống đời thường, Chúa Giêsu vừa khuyên
nhủ vừa truyền lệnh: “Đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì
đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa
biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và
đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Đừng lo
lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”
(Mt 6:31-34) Chắc chắn Ngài không xúi dại chúng ta đâu, bởi vì Ngài quan phòng
mọi thứ, hữu hình và vô hình, nên Ngài biết ai cần gì: “Ta đã nâng các ngươi
từ trong lòng mẹ, đã hứng các ngươi từ lúc chưa chào đời. Cho đến khi các ngươi
già nua tuổi tác, trước sau gì Ta vẫn là Ta; cho đến khi các ngươi da mồi tóc
bạc, Ta vẫn còn gánh vác các ngươi.” (Is 46:3-4)
Thánh Phaolô nói: “Phận con người là phải
chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.” (Dt 9:27) Tất nhiên, ai “ra đi”
với hai bàn tay trắng, có tích lũy được bao nhiêu cũng để cho người khác xài:
Ky cóp cho cọp nó xơi. Thế mà người ta vẫn giành giật nhau mọi thứ, từ những
thứ nhỏ nhất. Ngay đầu sách Giảng Viên đã có lời nhận định của ông Cô-he-lét
(Qohéleth): “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là
phù vân.” (Gv 1:2) Càng lớn khôn thì người ta càng nhận biết đó là sự thật,
và dù đó là sự thật buồn thì chúng ta cũng không thể thay đổi được gì. Thật
vậy, ngay cả những gì chúng ta “sở hữu” cũng không thể thuộc về mình mãi mãi –
của mình mà không là của mình. Xác định như vậy để dễ dàng buông bỏ, không còn
lưu luyến.
Lời trong sách Giảng Viên rất rõ ràng: “Có
người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi
lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy
cũng chỉ là phù vân và lại là đại họa.” (Gv 2:21) Thật ngạc nhiên, bởi vì không
chỉ là phù vân mà còn là “đại họa.” Thế thì thật khủng khiếp! Vậy chuyện gì xảy
ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả chúng ta phải chịu
dưới ánh mặt trời? Luống công vô ích ư? Sách Giảng viên tiếp tục xác nhận: “Đối
với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu
phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ
là phù vân!” (Gv 2:23) Biết vậy không phải là để bi quan, yếm thế, mà là
để nhận thức đúng đắn về cái thực và cái hư.
Và sự thật buồn đó vẫn mãi mãi chính xác, là
sự thật minh nhiên. Chính con người của chúng ta cũng chỉ là “đồ vay mượn,” thế
nên chúng ta chẳng có gì để mà kiêu ngạo. Chúng ta được Thiên Chúa tạo nên từ
cát bụi, rồi chẳng chóng thì chày, chúng ta cũng có lúc phải trở về cát bụi
theo lệnh Chúa: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!” (Tv 90:3) Có
sống thọ cũng chỉ được trăm năm, mà cũng chỉ như cơn gió thoảng, tựa bóng câu
qua cửa sổ, chẳng đáng giá chi cả: “Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã
qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” (Tv 90:4)
Vì thế, Thánh Vịnh gia cho biết rạch ròi: “Ngài
cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng, như cỏ đồng trổi mọc ban mai, nở hoa vươn mạnh
sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.” (Tv 90:5-6) Thậm chí là “cả
khi cười, lòng vẫn vương sầu muộn, sau niềm vui lại đến nỗi buồn phiền.” (Cn
14:13) Có vẻ thê thảm, thế nhưng con người vẫn đầy hy vọng.
Là thụ tạo mang thân tro xác bụi, sống nay
chết mai, chúng ta rất cần đến Chúa, thế nên phải cố gắng kiên tâm cầu nguyện
như Thánh Vịnh gia: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm
trí được khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh
lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây. Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no
say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca.” (Tv 90:12-14) Có Chúa là
có tất cả, mất Chúa là mất mọi thứ!
Hạ thủ, bất hoàn. Bước đi cấm kỳ trở lại. Đó
là định luật bất biến: “Cuộc đời ta vụt mất tựa bóng câu, đã qua rồi là
không còn trở lại, ấn đã niêm, ai quay về được nữa!” (Kn 2:5) Chắc chắn chúng
ta phải biết cầu xin ơn nhận biết Chúa, nhận biết Đại Dương Tình Yêu, nhận biết
Lòng Thương Xót bao la mà Ngài dành cho chúng ta: “Xin cho chúng con được
vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con
làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm.” (Tv 90:17) Thánh
Augustinô, sau những tháng ngày hoang đàng chi địa, đã phải thốt lên: “Con
yêu Chúa quá muộn màng.” Và thánh nhân đã khôn ngoan cầu nguyện: “Xin
cho con biết Chúa, xin cho con biết con.” Đó là sự hiểu biết tâm linh rất
cần thiết.
Phàm nhân không chỉ hèn mọn vì là bụi tro, mà
còn tồi tệ vì sa ngã vì kiêu ngạo. Tội tày trời! Nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ
mặc. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên
hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên
Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng
chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.” (Cl 3:1-2) Khó lắm, chẳng hề dễ chút
nào! Thật vậy, bay lên bao giờ cũng khó hơn lao xuống, lên dốc bao giờ cũng mệt
hơn xuống dốc, nhưng chúng ta thêm tự tin với hình ảnh “con diều lên cao nhờ
gió ngược”. Vì thế, chúng ta không thể cho phép mình nản chí.
Và Thánh Phaolô giải thích chi tiết: “Anh
em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi
Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được
xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang. Vậy anh em hãy GIẾT
CHẾT những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế,
đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng.” (Cl
3:3-5) Rất rõ ràng, rất mạch lạc, rất chính xác. Điều xấu không cần học cũng
biết, điều tốt cứ học mãi mà vẫn chẳng thông. Bạn tốt tìm đỏ mắt mà không gặp,
bạn xấu thì nhan nhản, khỏi cần tìm đâu xa. Chất bổ dưỡng khó hấp thụ, chất độc
lại dễ nhiễm dù vẫn cố gắng tránh né.
Tương tự, người ta biết rõ rằng tập thể dục
tốt cho sức khỏe, khả dĩ ngăn ngừa bệnh tật và trường thọ, thế mà có mấy ai
kiên trì luyện tập, ba bữa nửa tháng là chán ngay. Lười vận động, nằm ì ra xem
ti-vi, miệng nhâm nhi quà vặt, thoải mái thế nên đâu cần cố gắng, ấy vậy mà lên
cân một chút lại la toáng lên, tìm thuốc trị. Muốn giữ sắc đẹp mà chiều xác
thịt thì làm sao đẹp được? Đó là dạng ngẫu tượng hiện đại: Tôn thờ chính mình.
Thiên Chúa luôn công minh và chính trực, đâu ra đó, không thiên vị ai. Luật tự
nhiên là Luật Chúa chứ chẳng của ai, chẳng ngẫu nhiên chi cả.
Vốn là kẻ xấu (Lc 11:13), chúng ta không chỉ tham-sân-si
mà còn gian ác đủ kiểu. Thánh Phaolô xác định rằng “tham lam cũng là thờ ngẫu
tượng.” (Cl 3:5) Chết thật thôi! Thánh nhân còn nhắc nhở về dạng ngẫu tượng
tinh thần và khuyên nhủ: “Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con
người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con
người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá để được ơn thông hiểu.”
(Cl 3:9-10) Ai đổi mới trong Đức Kitô thì không còn phân biệt hoặc kỳ thị bất
kỳ thứ gì: “Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do Thái, cắt bì hay
không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và
ở trong mọi người.” (Cl 3:11) Vâng, tất cả mọi người đều bình đẳng, đều là
thụ tạo của Thiên Chúa. Sự bình đẳng có liên quan vấn đề NHÂN VỊ, NHÂN PHẨM và
NHÂN QUYỀN. Đó là quyền cơ bản nhất của con người được Thiên Chúa ban tặng:
SỐNG.
Trong trình thuật Lc 12:13-21, Thánh sử Luca cho
biết rằng có người trong đám đông nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin Thầy
bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Ngài không trả lời trực tiếp mà hỏi
lại người đó: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia
tài cho các anh?” Không ai trả lời được. Rồi Ngài cảnh báo: “Anh em
phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ THAM LAM, không phải vì dư giả mà
mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Chí lý và thấm thía,
buốt thấu tận tủy xương. Như có lần Ngài đã nói: “Xác chết nằm đâu, diều hâu
tụ đó.” (Mt 24:28; Lc 17:27) Cách ví von thực tế, cụ thể, ai cũng có thể
hiểu.
Ngay sau đó, Chúa Giêsu kể dụ ngôn về người
giàu ngu xuẩn: Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ
bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những
cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ
nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ
nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Có thể chúng ta cũng đã từng nghĩ
như vậy. Và người ta tìm mọi cách để làm giàu, không chỉ là nhà cao cửa rộng mà
phải là biệt thự, biệt phủ.
Vẻ hào nhoáng đó chẳng khác gì “bánh vẽ,” nếu
biệt thự đó không có tình yêu và hạnh phúc. Kinh Thánh nói: “Thà bữa rau bữa
cháo mà yêu thương nhau, còn hơn mâm cao cỗ đầy mà bất hoà bất thuận,” (Cn
15:17) và “Thà ăn mẩu bánh khô mà được êm ấm, còn hơn đầy yến tiệc mà nhà
cửa bất hòa.” (Cn 17:1) Nhà lớn mà không có tình yêu thì chỉ là “cao ốc hỏa
ngục,” cao lương mỹ vị mà không có hạnh phúc thì chỉ là “yến tiệc độc tố.” Vấn
đề giàu – nghèo có hai dạng: vật chất và tinh thần. Giàu vật chất thì dễ hiểu,
nhưng ai là người giàu tinh thần? Giàu tinh thần cũng có hai dạng: nếu GIÀU
NHÂN ĐỨC thì quá tốt, nhưng nếu GIÀU THÓI HƯ TẬT XẤU thì nguy hiểm, đáng sợ. Tuy
nhiên, người giàu theo dạng nào cũng dễ tự mãn, tự nhủ và tự sắm đủ thứ để
“hưởng thụ” (vật chất hoặc tinh thần). Nói chung, giàu theo dạng nào cũng vẫn
cần tự chủ, tự hạ, nhưng chớ tự ái.
Người giàu cứ ung dung hưởng thụ, khinh người
khác, nhưng Thiên Chúa bảo họ: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại
mạng ngươi thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Lá nào cũng có thể
rụng bất cứ lúc nào, ngay cả khi trời không có gió. Thế thì “ky cóp cho cọp nó
xơi,” tay trắng lại hoàn trắng tay. Vậy mà người ta vẫn kèn cựa nhau, chà đạp
nhau, thậm chí sát hại nhau, chỉ cốt sao mình có lợi. Thật đáng quan ngại biết
bao!
Chính Chúa Giêsu đã có lần xác định: “Kho
tàng của bạn ở đâu thì lòng bạn ở đó.” (Mt 6:21) Còn người Việt nói: “Đồng
tiền liền khúc ruột”. Một khi “chạm” tới tiền bạc hoặc vật chất thì sinh
muôn giống tội, thật thà chẳng qua đô-la, ngay cả tình máu mủ ruột thịt cũng
chỉ là con-số-không-to-lớn. Thật vậy, Thánh Phaolô đã phân tích: “Cội rễ
sinh ra mọi điều ác là lòng HAM MUỐN TIỀN BẠC, vì buông theo lòng ham muốn đó,
nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.” (1 Tm
6:10)
Cuối cùng, Chúa Giêsu kết luận: “Kẻ nào
thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số
phận cũng như thế đó.” Thật thế thì tiêu! Câu tục ngữ Hán Việt thật chí lý:
“Thiên thai lạc lối, thiên thu lạc đường.” Chắc chắn rằng ai muốn vào
Nước Trời thì không được mê vật chất, tham lam của cải trần gian. Phải tránh
thói Vương Vấn hoặc Vòi Vĩnh; và cần thái độ dứt khoát là Vội Vã và Vui Vẻ Vứt.
Ai không bận lòng vật chất, chẳng dính bén của cải, thì cuộc sống nhẹ nhàng, dễ
leo dốc và dễ đi lên... Và mẫu tự V đặc biệt nhát là Victory – Chiến Thắng: chiến
thắng ma quỷ, chiến thắng thế gian, chiến thắng chính mình.
Lạy Thiên Chúa, xin cứu chúng con thoát khỏi
ma lực của vật chất, địa vị, chức quyền, danh vọng,... để có thể quyết tâm tích
trữ kho tàng nhân đức và làm giàu thánh thiện theo Thánh Ý Ngài. Vâng, lạy Cha
chí thánh, chúng con làm vậy cũng chẳng thêm gì cho Ngài, nhưng lại thực sự sinh
lợi cho chúng con, ngay ở đời này và cả đời sau. Chúng con cầu xin nhân danh
Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment