Nói về gia đình, Kinh Thánh cho biết: “Có
vợ đảm đang như được mang ngọc miện, có vợ hư hỏng như bị bệnh mục xương.”
(Cn 12:4) Người vợ đó trở thành cái phúc cho người chồng: “Phúc thay ai cưới
được vợ hiền, tuổi thọ sẽ tăng lên gấp đôi. Vợ đảm đang khiến chồng được sung
sướng, được an vui suốt cả cuộc đời” (Hc 26:1-2)
Sự đảm đang liên quan công việc, công việc
liên quan sự phục vụ – điều cần thiết mà Chúa Giêsu rất trân trọng, và chính Ngài
đã xác định: “Tôi đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục
vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10:45) Ngài đã nêu
gương phục vụ qua việc rửa chân cho các môn đệ khi ăn mừng dạ tiệc Vượt Qua và
cũng là Bữa Tiệc Ly.
1. MẶC ĐỊNH
Có nhiều cách và nhiều cấp độ đối với việc
phục vụ: Tôi tớ phục vụ chủ nhân, người nhỏ phục vụ người lớn, con cái phục vụ
cha mẹ, chủ nhà phục vụ khách, nhân viên phục vụ khách,… Đó là quy ước mặc định
của xã hội, nhưng thực ra, mọi người đều phục vụ nhau, không nhiều thì ít,
không kiểu này thì dạng nọ, dù là người lớn vẫn có lúc phục vụ người nhỏ hoặc
người trên cũng có khi phục vụ người dưới. Tuy nhiên, dù phục vụ ở dạng nào, vấn
đề quan trọng là PHONG CÁCH PHỤC VỤ, vì đôi khi người ta có thể kiêu ngạo hoặc
tự tôn ngay khi tỏ vẻ phục vụ. Quả thật, phục vụ cũng có dạng giả dối. Thật
nguy hiểm!
Sự phục vụ có liên quan sự cảm thông và tha
thứ, cần biết chấp nhận để không đòi hỏi. Chuyện kể rằng…
Một buổi tối, hai mẹ con cùng đi ăn nhà hàng. Nhân viên phục vụ họ
là một cô gái trẻ. Khi cô này bưng món cá hấp tới thì không may đĩa bị nghiêng,
làm nước cá chảy xuống chiếc túi hàng hiệu mới mua của người mẹ. Bà liền đứng
phắt dậy và nhìn nhân viên với ánh mắt đầy sự phẫn nộ.
Lúc đó, cô phục vụ hốt hoảng, bối rối, và ấp úng: “Cháu… cháu… vô
cùng xin lỗi, cháu sẽ đi lấy khăn lau ngay.” Cô con gái liền đứng dậy, vỗ vai
cô nhân viên phục vụ và nói: “Không sao đâu, chuyện nhỏ thôi, về nhà giặt là
sạch thôi mà. Chị đừng lo, cứ đi làm việc của chị.” Giọng điệu dịu dàng, thái
độ cảm thông, đầy thiện chí, giống như chính cô ấy là người phạm lỗi vậy.
Người mẹ vô cùng ngạc nhiên với cách hành xử khôn khéo của con
gái. Dưới ánh đèn vàng trong nhà hàng, người mẹ thấy trong mắt của con gái mình
có gì đó ươn ướt, long lanh,...
Ai cũng biết rằng phục vụ là bổn phận chung,
không là trách nhiệm riêng ai. Đừng nghĩ người này phải thế nọ, người kia phải
thế khác. Nhà văn Nam Cao nhận xét: “Kẻ mạnh phải là kẻ giúp đỡ người khác
trên đôi vai của mình.” Thật tuyệt vời! Đó là một cách yêu thương và nâng
đỡ người khác, đồng thời cũng là một cách phục vụ. Còn chí sĩ Chu Văn An nhận
định: “Người thức giả phải nói lên sự thật cốt sao cho dân được ấm no, thiên
hạ được thái bình, triều đình được vững mạnh.” Đó lại là một dạng phục vụ
khác, phục vụ vì hạnh phúc của cộng đồng. Mỗi người đều có phong cách độc đáo
riêng. Muốn người khác đảm đang thì trước tiên mình phải đảm đang, muốn người
khác phục vụ thì chính mình phải làm gương phục vụ trước!
Một hôm, Đức Chúa hiện ra với ông Ápraham tại
cụm sồi Mamrê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày. Khi
ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy họ, ông liền từ
cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói: “Thưa Ngài, nếu tôi
được đẹp lòng Ngài thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. Để
tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây. Tôi xin
đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các
ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây!” (St 18:3-5) Rất chu đáo và tận tình.
Thấy chủ nhà chân thành, khách vui vẻ để cho ông phục vụ: “Xin cứ làm như
ông vừa nói!” Biết cho là yêu thương, biết nhận cũng là yêu thương – không
nỡ phụ lòng người cho.
Ngay lập tức, ông Ápraham vội vã vào lều tìm
bà Sara và bảo: “Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi làm bánh.”
(St 18:6) Tổ phụ Ápraham vừa đảm đang vừa có tinh thần phục vụ. Người ta bảo “khách
đến nhà không gà thì vịt,” thế nên ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê mềm và
ngon, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt. Rồi ông lấy sữa chua,
sữa tươi và thịt bê đã làm mà đãi khách. Không chỉ vậy, ông còn đứng hầu dưới
gốc cây khi khách dùng bữa. Cả ông và bà đều tận tình và khiêm nhường, phục vụ
hết mình.
Biết lắng nghe thì dễ khiêm nhường phục vụ.
Cả hai ông bà đã làm vui lòng Thiên Chúa, thế nên các vị khách hứa với ông
Ápraham: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Sara vợ ông sẽ có
một con trai” (St 18:10) Con cái là quà tặng vô giá từ Thiên Chúa – Đấng
duy nhất làm chủ sự sống. Bất cứ ai được Thiên Chúa trao tặng phẩm nào thì cũng
phải là người sống ngay thẳng, “đảm đang” với chính cuộc đời mình.
Người đó có lối sống hợp ý Chúa, tín thác và
tận hiến cuộc đời cho Ngài – nghĩa là thuộc về Ngài. Nhưng ai là người thuộc về
Ngài? Thánh Vịnh gia đặt vấn đề: “Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa,
được ở trên Núi Thánh của Ngài?” (Tv 15:1) Tác giả hỏi và cũng đưa ra câu
trả lời: “Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói
vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã, coi
khinh phường gian ác, trọng ai kính Chúa Trời, lỡ thề mà bị thiệt cũng chẳng
rút lời, cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay.
Phàm ai làm những điều này không hề nao núng chuyển lay bao giờ.” (Tv
15:2-5) Đó là một chuỗi các nhân đức cần thiết cho cuộc đời Kitô hữu.
Nếu nghiêm túc xét theo “luật nhân đức” này
thì chúng ta vi phạm khá nhiều. Ôi, sao vậy? Bởi vì chúng ta thiếu ngay thẳng,
lọc lừa nhau đủ kiểu, không hại người chuyện to thì cũng hại người chuyện nhỏ,
làm người khác bẽ mặt một cách rất tinh vi, cho vay “cắt cổ,” đủ kiểu hối lộ,
đủ trò tham nhũng, nói một đằng làm một nẻo, bất tín,... Cứ tự rờ gáy mà cũng thấy
“nhột” ghê đi! Phạm luật như vậy thì không thể phục vụ tha nhân, không thể đảm
đang đối với cuộc sống – đời thường và tâm linh.
Đối với Thiên Chúa, phục vụ là phần cài đặt mặc
định trong mỗi con người; đối với chúng ta, phục vụ vì miễn cưỡng thì không
đáng công, tự nguyện phục vụ mới đáng công. Theo “phong cách” nào thì tùy quyết
định riêng của mỗi người.
2. QUYẾT ĐỊNH
Đảm đang không nhất thiết là phải bận rộn
luôn tay hoặc lăng xăng như con quay, mà là biết chọn lựa việc nào cần làm
trước, việc nào nên làm sau. Làm việc thì vất vả, không thể cứ tà tà, nhất là khi
làm việc và phục vụ vì Đức Kitô.
Thánh Phaolô cho biết: “Giờ đây, tôi vui
mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải
chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là
Hội Thánh. Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã
uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người
cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao
thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.” (Cl 1:24-26)
Thánh nhân giải thích đơn giản mà rõ ràng, nhẹ nhàng mà thẳng thắn, và rất
nghiêm túc. Thật thấm thía!
Như có ý giải thích thêm cho dễ hiểu, Thánh
Phaolô nói: “Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển
hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng
ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang. Chính Người là Đấng chúng tôi
rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn
ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô.” (Cl 1:27-28) Nói
với người khác về Chúa không phải để chứng tỏ “đẳng cấp” của mình để được thiên
hạ “nể mặt” hoặc “ca tụng,” mà là phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân và muốn cùng
nhau nên thánh theo đúng Thánh Ý Chúa. Đó mới là phong cách phục vụ thánh thiện
và tốt lành, là phong cách phục vụ mà Thiên Chúa mong muốn. Điều gì đẹp lòng
Chúa thì có giá trị, không thì vô ích – mà có khi còn nguy hại.
Qua trình thuật Lc 10:38-42, Thánh sử Luca cho
biết rằng khi Thầy trò Đức Giêsu vào một làng kia, có một phụ nữ tên là Mác-ta
đón Ngài vào nhà. Cô này có người em gái tên là Maria. Cô em cứ ngồi bên chân
Chúa mà nghe lời Ngài dạy. Còn cô chị thì tất bật lo việc phục vụ. Có lẽ cô chị
thấy em gái “vô tâm vô tính” quá, mà cả Chúa Giêsu có vẻ cũng “vô tư” luôn, còn
mình bận rộn làm bữa, luôn tay luôn chân như con thoi, cô chị có vẻ ấm ức nên tiến
lại bên Chúa Giêsu mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy
không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” (Lc 10:40) Thật tội
nghiệp cô nàng siêng năng, đảm đang lắm, đáng khen lắm!
Nhưng cuộc sống không chỉ như vậy, thế nên
Chúa Giêsu ôn tồn: “Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ
có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy
đi.” (Lc 10:41-42) Nhiêu khê thế sao? Không, mà có những cấp độ so sánh
khác nhau: cần, cần hơn, cần nhất.
Cuộc sống phức tạp, không hề đơn giản – mặc
dù có vẻ rất ư bình thường. Về con người, chúng ta thường thấy có hai dạng:
Loại thứ nhất – lăng xăng và ồn ào, loại thứ nhì – điềm đạm và tĩnh lặng. Tất
nhiên mỗi loại người đều có mặt tích cực riêng, không thể nói người này hơn và
người kia kém. Công việc bừa bộn mà không có người chu đáo và năng động thì
cũng khó, nhưng chỉ lo bề ngoài mà “quên” bề trong, chú ý “phần nổi” mà không
để ý “phần chìm” thì cũng chẳng đâu vào đâu. Mỗi loại đều có đặc tính nhất
định, không thể chê trách mặt này mà khen ngợi mặt kia. Cái gì cũng cần phải
đúng nơi, đúng lúc. Cần cả ba yếu tố – thiên thời, địa lợi, và nhân hòa – kết
hợp với nhau mới khả dĩ tạo nên sự thành công tốt đẹp.
Thật lòng mà nói, chúng ta phải công nhận
rằng, trước khi động thái được thể hiện bên ngoài thì phải có nguồn gốc từ bên
trong – nội tại và ngoại tại có liên đới với nhau. Nội tại vẫn có phần “nặng
ký” hơn ngoại tại. Phần chìm của tảng băng trôi luôn lớn hơn phần nổi, nhưng
không nhìn thấy. Thật vậy, một hành động phải được suy tính trước rồi mới được
thực hiện, người ta phải ước muốn trước khi hành động. Ngay cả tội lỗi cũng
vậy, người ta phải muốn trước, rồi đồng thuận, và sau đó mới thực hiện. Cái gì
cũng có quy trình riêng của nó.
Đối với Mácta, Chúa Giêsu không chê sự phục
vụ chu đáo của bà, mà Ngài chỉ khuyên “đừng lăng xăng quá,” đừng làm ra vẻ đảm
đang, đừng tỏ ra mình “bận rộn” hơn người khác – ngụ ý kiêu ngạo và chê người
khác, bởi vì điều gì thái quá cũng hóa bất cập. Ngay cả điều tốt “bất ngờ” cũng
có thể bị nghi ngờ về “lòng từ bi” đó. Thứ nhất là cầu nguyện, thứ nhì mới là
hành động. Chúa Giêsu khen Maria tức là Ngài đề cao việc cầu nguyện. Tại sao
cần cầu nguyện? Cầu nguyện để lắng nghe tiếng Chúa, để nhận biết ý Chúa mà thực
hiện đúng ý Ngài: Vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời. Vả lại, cầu nguyện là
sự sống tâm linh và là sức mạnh của tín nhân.
Phục vụ Chúa là thi hành Thánh Ý Ngài, đó
cũng là cách chúng ta phục vụ tha nhân – đảm đang với mọi người và với chính
mình. Phục vụ là quên mình, quên mình là hạ mình, hạ mình là chấp nhận mình
“nhỏ” hơn, nhưng việc phục vụ phải thực hành với phong cách khiêm nhường và có
“chất” yêu thương thì mới được Thiên Chúa chấp nhận.
Kinh Thánh xác định: “Kẻ phục vụ Đức Chúa
theo ý Người sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây.”
(Hc 35:16) Thánh Phanxicô Assisi cho biết điều kỳ lạ: “Chính lúc quên mình
là lúc gặp lại bản thân.” Lạ lùng lắm!
Lạy Thiên Chúa, Đấng minh xét nhân loại –
chẳng thiên vị ai, (Hc 35:12) xin cho chúng con biết thu mình nhỏ lại để Ngài
nổi bật, biết đè bẹp “cái tôi” để vì công ích, biết phục vụ nhau mà không hề so
đo. Xin giúp chúng con sống chân thành để người đời có thể nhận biết Chúa qua phong
cách sống phục vụ của chúng con mọi nơi, mọi lúc. Chúng con cầu xin nhân danh
Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
✽ Bài Học Từ Thánh Mácta – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/07/bai-hoc-tu-thanh-mac-ta.html
✽ Bài Học Kinh Nghiệm – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/12/bai-hoc-kinh-nghiem.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment