Ngày 11 tháng 6 là lễ Thánh Banaba. Ngài được
tôn kính là tông đồ trong Kinh Thánh và trong Giáo Hội. Mặc dù ngài không thuộc
Nhóm Mười Hai, ngài vẫn được gọi là tông đồ (cùng với Thánh Phaolô) trong Cv 14:14
– hai tông đồ Banaba và Phaolô. Vả lại, trước đó chính Chúa Thánh Thần đã
nói: “Hãy dành riêng Banaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi
hai người ấy làm.” (Cv 13:2)
Trong Phụng Vụ, Giáo Hội kính nhớ Thánh Banaba
là tông đồ, mặc dù không là lễ trọng tương đương mà Giáo Hội tôn kính Thánh
Phaolô và Thánh Mátthia hoặc một vị nào đó trong Nhóm Mười Hai.
Chúng ta có thể nói Thánh Banaba thực sự là
một tông đồ? Nếu vậy, có bao nhiêu tông đồ? Thánh Banaba có là tông đồ như
Thánh Phêrô hoặc Thánh Phaolô?
MƯỜI HAI TÔNG ĐỒ VÀ HAI TÔNG ĐỒ KHÁC
Thánh Mátthêu đặc biệt dùng câu “mười hai
tông đồ” khi liệt kê tên các tông đồ trong trình thuật Mt 10:2-4. Thánh Gioan cũng
nói tương tự trong Kh 21:14. Còn Thánh Luca nói về cách Đấng Cứu Thế chọn 12
môn đệ và gọi họ là tông đồ: “Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai
ông và gọi là Tông Đồ.” (Lc 6:13) Không có đoạn văn nào khác sử dụng cách
nói “Nhóm Mười Hai.”
Tuy nhiên, mặc dù cả Thánh Mátthêu và Thánh
Gioan đều đề cập khái niệm về Nhóm Mười Hai, và dù cho khái niệm này khá quen
với ý nghĩ của chúng ta, vẫn khá rõ ràng là có hơn 12 vị mà chúng ta tôn kính
là tông đồ.
Thật vậy, chúng ta phải công nhận rằng có ít
nhất 14 hoặc 15 vị được gọi là tông đồ. Chắc chắn rằng Thánh Mátthia, người
được chọn để thay thế Giuđa Ítcariốt, được kể là thuộc nhóm mười hai tông đồ.
Hơn nữa, ngay cả Thánh Phaolô (không thuộc Nhóm Mười Hai) cũng được gọi là tông
đồ – như chúng ta vẫn thường gọi là Thánh tông đồ Phaolô.
Chắc chắn chúng ta đúng khi nói rằng có Nhóm
Mười Hai, như Chúa Giêsu đã gọi 12 người đó gia nhập tông đồ đoàn trong khi
Ngài sống trên thế gian này. Tuy nhiên, chắc chắn các Thánh Mátthia và Phaolô
cũng là “tông đồ” đồng đẳng với Nhóm Mười Hai. Mặc dù Thánh Mátthia không được
Chúa Giêsu chọn khi Ngài còn tại thế, mà Thánh Mátthia được Chúa Thánh Thần chọn
để thay thế Giuđa trong khoảng thời gian từ khi Chúa Giêsu về trời và Chúa
Thánh Thần hiện xuống.
Mặt khác, Thánh Phaolô được chính Đấng Cứu
Thế tuyển chọn và đặt làm tông đồ. Đó là điều làm cho cuộc hiện ra của Chúa
Giêsu với Thánh Phaolô là điều độc nhất vô nhị – khác với mọi cuộc hiện ra hoặc
thị kiến từ khi Chúa Giêsu đã về trời, Ngài đã hiện ra với Thánh Phaolô theo
cách riêng với hình hài tự nhiên. Còn khi Chúa Giêsu hiện ra với một nhà thần
bí nào đó, Ngài không hiện ra với hình thể tự nhiên, mà bằng dạng thị kiến (hoặc
bằng cách khác, như các thiên thần hiện ra ở dạng hình người). Tuy nhiên, Thánh
Phaolô thấy Chúa Giêsu trong chính thân xác vinh quang của Ngài, giống như Thánh
Phêrô và các tông đồ khác đã thấy.
ĐIỀU
KIỆN LÀM TÔNG ĐỒ
So sánh Thánh Mátthia và Thánh Phaolô, chúng
ta có thể nhận biết các điều kiện trở thành tông đồ theo đúng nghĩa. Rõ ràng là
một tông đồ phải thấy Chúa phục sinh. Đây là điều kiện quan trọng để chọn người
thay thế Giuđa.
Cv 1:21-22 cho biết: “Vậy phải làm thế
này: có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người
sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gi-an làm phép rửa cho đến ngày
Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải
cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh.”
Thánh Mátthia là người đã ở bên Chúa Giêsu từ
đầu, qua cuộc khổ nạn, và làm chứng về Chúa Giêsu phục sinh và về trời. Đó là
điều cần thiết để ông hiện diện đối với các sự kiện này, ông có thể làm chứng sự
thật về việc Chúa phục sinh. Những người không chứng kiến thì không thể được kể
vào Nhóm Mười Hai.
Mặt khác, Thánh Phaolô không biết Chúa Giêsu
khi Ngài còn sống trên thế gian. Tuy nhiên, vì ông chứng kiến sự phục sinh của
Chúa Giêsu qua cuộc hiện ra đặc biệt mà Chúa Giêsu dành cho Thánh Phaolô (điều
này sẽ không tái hiện cho tới Ngày Phán Xét), Thánh Phaolô thực sự được coi là
một tông đồ.
Đúng là Thánh Phaolô không ở bên Chúa Giêsu trong
hành trình sứ vụ của Ngài, nhưng chúng ta chắc rằng ông Phaolô đã đón nhận Tin
Mừng trực tiếp từ Chúa Giêsu – cũng như các tông đồ khác. Và chính Thánh Phaolô
đã xác định: “Thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan
báo không phải là do loài người. Vì không có ai trong loài người đã truyền lại
hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải.” (Gl
1:11-12)
Vì thế, chúng ta có thể chắc chắn hai điều
kiện quan trọng để trở thành tông đồ: Ông là nhân chứng đối với việc Chúa Giêsu
phục sinh bằng cách là ông đã gặp chính Chúa Giêsu phục sinh, và ông đón nhận
Tin Mừng trực tiếp từ Chúa Giêsu chứ không qua bất cứ trung gian nào. Chúng ta
xác định rằng chỉ có những người được kể vào số các tông đồ thì mới có thể giữ
chức vụ tông đồ là cai quản, dạy dỗ, và thánh hóa.
THÁNH
BANABA CÓ THỰC SỰ LÀ TÔNG ĐỒ?
Có người thắc mắc: “Thánh Banaba có thực
sự là tông đồ như Thánh Phêrô, Thánh Mátthia và Thánh Phaolô?” Thánh
Banaba thực sự được Giáo Hội tôn kính là tông đồ, ngài chắc chắn có chức vụ
tông đồ, và chúng ta có thể coi Thánh Banaba là tông đồ như Thánh Phaolô hoặc
Thánh Phêrô.
Tác giả Clement ở Alexandria nói rằng Thánh Banaba
thuộc nhóm 72 môn đệ được Chúa Giêsu sai đi, điều này có vẻ trái ngược với sách
Công Vụ, vì sách Công Vụ nói Banaba là một người mới lãnh nhận
đức tin sau Lễ Ngũ Tuần.
Cv 4:36-37 cho biết: “Ông Giôxếp, người
được các Tông Đồ đặt tên là Banaba, nghĩa là người có tài yên ủi, có một thửa
đất. Ông là một thầy Lêvi quê quán ở đảo Sýp. Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt
dưới chân các Tông Đồ.”
Sách Công Vụ cũng không xác định. Có thể là Thánh
Banaba ở trong số 72 nên đã làm chứng Chúa Giêsu phục sinh như Thánh Mátthia vậy.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là Kinh Thánh không bao giờ nói về ngài như vậy.
Có điều là Giáo Hội tôn kính ngài là tông đồ.
Như vậy, chúng ta nói rằng Giáo Hội thực sự gọi ngài là tông đồ, theo cách của
Kinh Thánh. Tuy nhiên, lễ Thánh Banaba không được cử hành long trọng như lễ các
tông đồ khác. Thậm chí lễ Thánh Mátthia là lễ kính, còn lễ Thánh Banaba chỉ là
lễ nhớ.
Như vậy, khi Giáo Hội tôn kính Thánh Banaba là
tông đồ, thực sự Giáo Hội cho biết điều khác biệt giữa Thánh Banaba và các vị
khác.
TẠI
SAO GỌI THÁNH BANABA LÀ TÔNG ĐỒ?
Mặc dù rất có thể là Thánh Banaba không là
một tông đồ đúng nghĩa, nhưng ngài vẫn được tôn kính là tông đồ bởi vì ngài là
người thuộc nhóm các nhà trần gian nổi trội trong thời gian đầu của Giáo Hội.
Hơn nữa, chúng ta phải nhớ lại rằng chính Thánh
Banaba đã được chứng nhận nhân danh Thánh Phaolô và bảo vệ tính xác thực của ơn
gọi làm tông đồ. Chính Thánh Banaba đã động viên Thánh Máccô (hoặc Gioan Máccô)
khi Thánh Phaolô đã loại bỏ Máccô vì không thi hành sứ vụ.
Như vậy, bởi vì Thánh Banaba liên kết chặt
chẽ với các tông đồ, và nhất là ngài bảo đảm được Thánh Phaolô chấp nhận là một
tông đồ, nên ngài được tôn kính với tước vị tông đồ – mặc dù ngài không thi
hành chức vụ này.
Lạy
Thánh tông đồ Banaba, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con!
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ NewTheologicalMovement.blogspot.com)
Tháng Sáu – 2019
✽ Chân Dung Thánh Barnabas Tông Đồ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment