Cõi Tử Vượt Qua Đạt Tới Hiển Vinh
Trong âm nhạc, điệu thức (thang âm, âm giai)
là hệ thống mối tương quan về cao độ của các âm thanh trong một bản nhạc hay
một giai điệu, phân ra điệu thức Trưởng và Thứ. Nói đơn giản, điệu thức là sự
kết hợp các cao độ (gồm 7 nốt nhạc) theo một hệ thống quy tắc nhất định, để tạo
ra những đặc tính và màu sắc của âm thanh.
Cuộc sống cũng có những điệu thức đặc trưng
thể hiện qua thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục), chứ không chỉ có Trưởng
hoặc Thứ như trong âm nhạc. Ngoài sức tưởng tượng của con người, bởi vì phức
điệu của cuộc sống nhiêu khê hơn phức điệu trong âm nhạc. Giai điệu của cuộc
sống trải qua biến tấu sinh – tử rất kỳ diệu. Thật vậy, nếu Đức Kitô không sống
lại, niềm tin của chúng ta chỉ là hoang tưởng!
Thế nhưng sự thật rất minh nhiên là Ngài đã
chiến thắng Tử thần và phục sinh khải hoàn, cùng nhau hãy hân hoan hợp xướng hoan
ca “Alleluia!” Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cố gắng thực hiện trọng trách: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp
sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để
Thần Khí Chúa đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con
người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và
thánh thiện.” (Ep 4:22-24) Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh
mà ai cũng phải không ngừng cố gắng thực hiện.
1. ĐỊNH MỆNH MẦU NHIỆM
Từ đêm Thứ Bảy Tuần Thánh, đêm “định mệnh mầu
nhiệm,” Ánh Sáng Phục Sinh bắt đầu chiếu tỏa chói ngời khắp nơi – trên mỗi tín
nhân. Chúng ta vô cùng vui mừng vì Đức Kitô đã sống lại thật và lòng chúng ta đầy
tin tưởng nhờ Lời Chúa động viên: “Đừng
sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến
muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1:17-18).
Thiên Chúa hằng hữu và hằng sống, chỉ một mình Ngài có quyền trên mọi loài. Ai
không tin Ngài thì không chỉ khờ dại mà còn ngu si. (x. Kn 13:1-2)
Xác quyết rất mạnh mẽ, Thánh Phêrô nói: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không
thiên vị người nào.” (Cv 10:34) Đó là điều chắc chắn, và không loại trừ ai,
vì MỌI NGƯỜI ĐỀU BÌNH ĐẲNG trước mặt Chúa. Không ai có thể cậy quyền ỷ thế hoặc
ảo tưởng mạo nhận là mình “ngon” hơn người khác, mức độ nguy hiểm tỷ lệ thuận
với mức độ ảo tưởng!
Và rồi Thánh Phêrô giải thích rất rạch ròi: “Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa
đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài. Đi tới đâu là Ngài THI
ÂN GIÁNG PHÚC tới đó, và CHỮA LÀNH mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì THIÊN CHÚA
Ở VỚI NGÀI.” (Cv 10:37-38) Sau khi lỡ chối bỏ Sư Phụ mình vì khiếp nhược và
nhận biết sự thông cảm của Sư Phụ Giêsu khi Ngài quay lại nhìn mình, (x. Lc
22:61) ông Phêrô “thót tim” khi thấy ánh mắt ấy “rất lạ”, vừa nhân từ vừa
trách móc, nhẹ nhàng mà có sức xoáy vào sâu vào lòng người, nên ông đã “khóc
hết nước mắt,” (x. Lc 22:62) không chỉ hối hận mà còn tự xấu hổ, vì vừa mới chịu
chức thánh xong (x. Ga 21:15-17) mà đã phản bội ngay, chính Thầy cho biết trước
mà vẫn không tránh được. Thế thì thật tồi tệ, thậm chí thật khốn nạn. Ôi, phàm
nhân là thế – hèn nhát và yếu đuối!
Tuy nhiên, sau khi biết Thầy Giêsu đã thực sự
sống lại, ông Phêrô thay đổi hoàn toàn – mạnh dạn nói một lèo, nói như chưa bao
giờ được nói: “Còn chúng tôi đây xin làm
chứng về mọi việc Ngài đã làm trong cả vùng dân Do Thái và tại chính
Giêrusalem. Họ đã treo Ngài lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã
làm cho Ngài trỗi dậy, và cho Ngài xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt
toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước,
là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Ngài, sau khi Ngài từ cõi
chết sống lại. Ngài truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng
làm chứng rằng chính Ngài là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ
sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Ngài và nói rằng phàm ai
tin vào Ngài thì sẽ nhờ danh Ngài mà được ơn tha tội.” (Cv 10:39-43)
Chỉ mới trước đó không lâu, một
Phêrô-năng-động-và-thẳng-tính (trước mặt đám côn đồ mà ông dám rút gươm chém
đứt tai một người đầy tớ thầy thượng tế – Ga 18:10) đã biến thành một
Phêrô-khiếp-nhược. Thế nhưng ngay sau khi Chúa Giêsu phục sinh, một
Phêrô-nhát-đảm đã biến thành một Phêrô-can-đảm, lại dám nói thẳng nói thật như
xưa. Đó là tác động của Chúa Thánh Thần, thật tuyệt vời! Đúng như Chúa Giêsu đã
từng nói: “Không có Thầy, anh em chẳng
làm gì được.” (Ga 15:5)
Còn ai trồng khoai đất này? Ngay như chúng ta
cũng vậy, đã bao phen “chối” Chúa và “bán” Chúa không văn tự, mặc dù thề thốt đủ
điều. Tự “sờ gáy” mà thấy nhột thật, hứa nhiều làm chẳng bao nhiêu. Nhưng dù
chúng ta phản bội Ngài thì Ngài vẫn coi chỉ là “chuyện nhỏ,” và Ngài sẵn sàng
“cho qua” hết. Vì thế, chúng ta được tăng lực mà can đảm kêu gọi lẫn nhau: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn
đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118:1) Thật kỳ lạ, Thánh Vịnh 136 có 26
câu thì lặp đi lặp lại 26 lần điệp khúc này: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” Cũng như Thánh Vịnh gia,
chúng ta lại đủ tin tưởng và đoan hứa: “Tôi
không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm.”
(Tv 118:21) Tại sao? Bởi vì “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng
góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng
ta.” (Tv 118:22-23) Tất cả đều ngoài sức tưởng tượng của con người.
2. MỐI PHÚC ĐẶC BIỆT
Rất thú vị với cách đặt vấn đề của Thánh Phaolô: “Anh em không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột
dậy lên sao? Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh
không men.” (1 Cr 5:6-7) Thật không dễ khi phải bỏ một thói quen cũ xấu xa
để hoàn toàn sống theo một thói quen mới tốt lành. Muốn được vậy, cần phải nỗ lực
rất nhiều và cố gắng không ngừng, bất cứ lúc nào – khó nhất là lúc chỉ có một mình
(không ai biết).
Thực sự Chúa Giêsu đã phục sinh, tất nhiên chúng
ta cũng phải sống lại với Ngài. Thánh Phaolô cho biết thêm: “Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên
lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và
độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn
mừng đại lễ.” (1 Cr 5:8) Phải có đức tin trưởng thành mới khả dĩ thực hiện
như vậy. Vả lại, chỉ có sự thật mới làm cho chúng ta trở nên con người hoàn toàn
tự do.
Qua trình thuật Ga 20:1-9, Người-Môn-Đệ-Chúa-Yêu
cho biết: Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria
Mađalêna đi đến mộ thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông
Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến.
Với vẻ hoảng hốt lo sợ, bà Maria Mađalêna thông
báo: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ,
chúng tôi chẳng biết họ để Ngài ở đâu.” Chỉ vì quá sợ bọn thủ ác mà ai cũng
quên khuấy những gì Thầy mình đã nói trước. Nghe vậy, ông Phêrô và Gioan liền tức
tốc đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng Gioan trẻ hơn nên chạy mau hơn ông
Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó,
nhưng không vào, vì lịch sự và vì “kính lão đắc thọ”. Cửa mộ mở toang, bên
trong trống rỗng. Lạ ghê đi!
Ngay sau đó, ông Phêrô cũng đến nơi. Ông vào
thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn
này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Gọn gàng,
ngăn nắp, trộm đâu có rảnh mà làm như thế chứ? Rồi ông Gioan bước vào. Ông “đã
thấy và đã tin.” (Ga 20:8) Hai động từ THẤY và TIN rất quan trọng, nhất là
trong lúc này. Mặc dù đã thấy tỏ tường rồi, nhưng liệu có đủ lòng tin? Còn hơn
thế nữa, THẤY và TIN rồi thì phải có bổn phận LÀM CHỨNG. Một quy trình hợp lý, không
thể khác được!
Đúng như Kinh Thánh đã cho biết, Đức Giêsu
phải trỗi dậy từ cõi chết. Nhưng trước đó, cả Phêrô và Gioan cũng chưa hiểu (x.
Ga 20:9), dù cả hai ông đều là những đệ tử thân tín của Thầy Giêsu. Thế nên người
thời nay, kể cả chúng ta, không thấy thì không biết, không biết thì khó tin. Đúng
là chúng ta không may mắn được thấy Chúa Giêsu như các tông đồ và những người
thời đó, nhưng chúng ta có thể “thấy” Ngài qua các nhân chứng đã và đang can
đảm suốt đời sống và chết vì niềm tin vào Đức-Kitô-chịu-chết-và-phục-sinh. Vả
lại, chính Chúa Giêsu đã xác định với ông Thomas: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy
mà tin!” (Ga 20:29) Nếu chúng ta tin thật và tín thác vào Đức Giêsu Kitô, chúng ta đang được hưởng
mối phúc này.
Tuy nhiên, hưởng mối phúc là một chuyện, sống
mối phúc đó là chuyện khác, thế nên Thánh Lm Padre Piô nhắc chúng ta một điều quan
trọng: “Thiên Chúa muốn kết ước với linh
hồn trong đức tin, linh hồn nào muốn cử hành hôn lễ thiên đàng ấy phải bước đi
trong ĐỨC TIN TINH RÒNG, đó là phương thế duy nhất thích hợp cho sự kết hợp
tình yêu.” Ước gì mỗi chúng ta là một nốt tình trong bản Đại Hợp Xướng Phục
Sinh – hôm nay và ngày mai.
Lạy
Thiên Chúa, Đấng Thánh duy nhất toàn năng và toàn tri, xin gia tăng đức tin cho
chúng con và thúc đẩy chúng con sống trọn niềm vui phục sinh ngay trên cõi đời
này, và trong mọi hoàn cảnh, xin giúp chúng con can đảm sống đời chứng nhân theo
khả năng Ngài ban cho. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Phục Sinh, Đấng Cứu
Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment