Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

GIÁ TRỊ của LAO ĐỘNG

Đức Dưỡng Phụ Cần Mẫn Lao Động
Đời Chính Nhân Dạt Dào Mến Tin
Đức Thánh Giuse là “người công chính,” (x. Mt 1:19) không muốn nói gì, chỉ thích trầm lặng, nhưng chính sự “vô ngôn” ấy lại “nói” nhiều hơn cả. Thật vậy, Thánh Vịnh đã xác định: “Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.” (Tv 19:4-5)
Nói về Đức Thánh Giuse, Thánh Tôma Aquinô cho biết: “Vị thánh bảo trợ chúng ta là Đức Thánh Giuse. Lời cầu bầu của Ngài có uy quyền trước mặt Thiên Chúa. Nhờ lời cầu bầu đó mà Thiên Chúa giải gỡ mọi nỗi ưu phiền, ban mọi điều cần thiết và giúp đỡ mọi dự định của chúng ta.”
Như chúng ta biết, Đức Thánh Giuse là con người trầm lặng nhưng hành động cụ thể. Ngài là Gia Trưởng mẫu mực, là Dưỡng Phụ của Đấng Cứu Thế mà lại làm một nghề rất bình thường: thợ mộc. Dù trẻ hay già, ai làm nghề mộc đều được gọi là “bác thợ mộc.” Nghề mộc là công việc liên quan gỗ – thường là sản xuất thủ công. Nghề mộc có các dụng cụ cơ bản như bào, cưa, đục, thước thợ, búa, kìm,...; thời đại máy móc nên thợ mộc còn có các dụng cụ cắt bằng máy như cưa dây, cưa đĩa, cưa vòng, dụng cụ tách lớp gỗ; có dao phay làm phẳng mặt gỗ như phay bảng, thanh nẹp, khối lăng trụ,... Các dụng cụ ngày xưa chắc chắn đơn giản hơn ngày nay.
Bình thường mà khác thường. Nghề mộc bình thường nhưng không tầm thường. Chắc chắn không ai lại không sử dụng các sản phẩm của các thợ mộc. Đặc biệt hơn, các thợ mộc thật hãnh diện vì làm nghề mà chính Chúa Giêsu đã làm khi nhập thể làm người. Quả thật, nghề mộc thực sự cao quý lắm!
Người ta thường sử dụng danh từ kép là nghề nghiệp để nói về công việc của một người – cái nghề là cái mình muốn, cái nghiệp là cái mình không muốn. Thật là chí lý, bởi vì cái “nghề” và cái “nghiệp” có liên quan với nhau. Có khi người ta chọn được cái nghề mà mình yêu thích, nhưng có khi người ta không muốn chọn nghề đó mà vẫn phải làm nghề đó – người ta gọi đó là “nghiệp.” Cái “nghiệp” đó là cái “chướng,” quan niệm Phật giáo gọi là “nghiệp chướng.” Dù đó là cái “nghề,” cái “nghiệp” hay cái “chướng,” người ta vẫn phải có niềm đam mê, nhờ đó mà khả dĩ thành công. Theo quan niệm Công giáo, đam mê đó là đức ái – một trong ba nhân đức đối thần, và là nhân đức cao quý nhất, tồn tại cả đời này và đời sau. (x. 1 Cr 13:13)
Đạo Chúa là đạo yêu thương, đức ái không chỉ được khuyến khích mà còn bắt buộc – vì là luật. Thánh Phaolô cho biết: “Trên hết mọi đức tính, anh em PHẢI CÓ LÒNG BÁC ÁI: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.” (Cl 3:14-15) Làm việc bác ái là dạng lao động tâm linh, là “nghề chung” của mọi người – bất kể nam, phụ, lão, ấu. Cái “nghề” này không có hưu trí, nghĩa là phải làm cả đời, làm cho tới hơi thở cuối cùng.
Ôi chao, vậy ư? Thế nhưng phải làm cách nào? Làm vì ai hay vì cái gì? Thánh Phaolô cho biết bí quyết: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm, hãy nói NHÂN DANH CHÚA GIÊSU và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3:17) Tuy nhiên, trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi vẫn có những người làm từ thiện với mục đích “quảng cáo” hoặc đề cao chính mình, vì danh mình hơn là vì danh Chúa. Thánh Vịnh gia nêu gương cầu nguyện tuyệt vời: “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ.” (Tv 113B:1) Chắc chắn đó là cách hoạt động phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa. Vì yêu mến mà thi hành thì phúc đức tràn trề.
Nếu có cách hoạt động như vậy thì phải chấn chỉnh ngay, càng sớm càng tốt, kẻo nguy hiểm cho chính mình. Đây là tâm tình cần được lồng vào mọi công việc chúng ta làm: “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời vì biết rằng anh em sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Người. Đức Kitô là Chủ, anh em hãy phục vụ Người.” (Cl 3:23-24) Tất cả đều là phục vụ Thiên Chúa, phục vụ nhau cũng là phục vụ Ngài. Lao động luôn có giá trị cao, càng cao hơn nữa nếu làm vì yêu mến Thiên Chúa. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng nói: “Nhặt một cây đinh vì yêu mến Chúa thì cũng có thể cứu được một linh hồn.” Giá trị lao động không bởi công việc lớn hay nhỏ, mà bởi cách làm: Công việc bình thường nhưng được làm một cách phi thường. Giá trị ở cách làm hơn là việc làm.
Không ai được phép lười biếng, ăn không ngồi rỗi, lợi dụng người khác hoặc cướp công của người khác. Người Việt có câu: “Tay làm (thì) hàm nhai, tay quai (thì) miệng trễ.” Chính Chúa Giêsu cũng luôn làm việc, như Ngài đã xác định: “Cha tôi vẫn làm việc, tôi cũng làm việc.” (Ga 5:17) Thiên Chúa lao động không ngừng, khởi đầu là tạo thành vũ trụ từ thuở hồng hoang, ngày nay Ngài cũng vẫn không ngừng lao động và sáng tạo.
Chúng ta không có quyền đối với thời gian, không thể chi phối nó. Chăm sóc hoặc giải phẫu thẩm mỹ cách nào rồi cũng hết cách. Da vẫn nhăn, tuổi vẫn già. Trốn tránh chi cho khổ? Thời gian thuộc quyền của Chúa, nhưng chúng ta được quyền quản lý thời gian riêng của mình. Thánh Vịnh gia nói: “Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên, địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành, Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời. Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài phán bảo: ‘Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!’. Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” (Tv 90:2-4) Cứ “vô tư” mà sống cho thanh thản. Già mà người ta khen trẻ cũng chẳng “lấy lại” được giây phút nào. Có khi người ta khen để lấy lòng, tức là chỉ lừa nhau. Ai thích được khen như vậy là tự đánh lừa mình. Dại dột. Vô ích!
Cuộc sống con người trong khoảng trăm năm, cứ tưởng dài mà ngắn, thật là thú vị với tư tưởng “60 năm cuộc đời” của cố NS Y Vân (1933-1992, Trần Tấn Hậu). Đó là một vòng “lục thập hoa giáp” – với 3 khoảng 20 năm. Cứ 20 năm là một thế hệ, là một “phần đời,” ba khoảng ấy trôi qua mau lắm. Thánh Vịnh gia đã cảm nghiệm rất sâu sắc nên đã thành tâm và thiết tha cầu nguyện: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây. Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca.” (Tv 90:12-14) Chỉ thế thôi!
Đến không ai đợi chờ, đi không ai níu giữ, ở không thấy ai vui, tình đời chỉ thế thôi! Nhưng dù cho cuộc đời có dài hay ngắn, con người vẫn phải miệt mài làm việc không ngừng. Lao động là bổn phận và trách nhiệm của mỗi chúng ta, còn kết quả là do Thiên Chúa quyết định: “Ước gì chúng con là tôi tớ Chúa được thấy công trình Ngài thực hiện, và con cháu chúng con được thấy vinh hiển Ngài. Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm.” (Tv 90:16-17) Ai làm gì cũng muốn có kết quả tốt, nhưng điều đó có hiện thực hay không còn tùy ý Chúa.
Vấn đề cần thiết là phải nỗ lực làm việc, dù thành công hay thất bại thì chúng ta vẫn phải tâm niệm theo phận người tôi trung của Thiên Chúa: “Chúc tụng Chúa trong mọi ngày, Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ chúng ta, Người vác lấy gánh nặng của chúng ta.” (Tv 68:20) Sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa nhiệm mầu lắm, phàm nhân không thể hiểu nổi.
Cuộc đời là bể khổ nên luôn có nhiều thứ rắc rối, phiền toái. Khi mặc xác phàm, Chúa Giêsu cũng gặp nhiều nỗi khổ. Trình thuật Mt 13:54-58 nói về định kiến và óc hẹp hòi của những người cùng quê. Họ ra mặt coi thường Ngài chứ chẳng lén lút.
Một hôm, Chúa Giêsu về quê và giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt, nhưng họ không muốn tin đó là sự thật, và xì xầm với nhau: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Đúng là đầu óc thiển cận, đầu to như trái dừa mà óc nhỏ như trái nho; tầm nhìn không xa hơn cái bóng của mình. Quả thật, chỉ có người giỏi mới khả dĩ chân nhận cái giỏi của người khác. Ở đâu cũng có nhân tài, người giỏi vẫn có thể xuất thân từ một gia đình rất bình thường; thánh nhân vẫn có thể là người đã từng sống sa đọa, tội lỗi.
Chỉ vì thiển cận, hẹp hòi, dân làng Nadarét đã vấp ngã vì Chúa Giêsu – người cùng quê quán với họ. Và rồi Chúa Giêsu đành nói thẳng với họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Xót xa quá! Phũ phàng quá! Chính Chúa Giêsu cũng “bó tay”, không làm nhiều phép lạ tại đó, bởi vì lý cùn của họ khiến họ mù quáng, không tin. Thật tồi tệ, thế thái nhân tình là vậy, đời là thế! Chúa Giêsu bị chê vì người ta nghĩ Ngài là con Bác thợ mộc Giuse thì không thể là nhân tài, không thể là người giỏi giang, xuất chúng. Do đó, nếu bạn làm được điều gì khác người và hơn người mà người ta không muốn công nhận, bạn đừng buồn. Chúa Giêsu còn bị từ chối thì chúng ta có đáng gì mà không bị từ chối? Hãy cứ là chính mình, cứ thanh thản mà sống, chú ý tới lời khen chê là tự làm khổ mình chứ chẳng ích lợi gì. Gỡ mình ra cho khỏe.
Hãy đến với Đức Thánh Giuse, tâm sự và chia sẻ với Ngài mọi điều. Ngài đã bảo vệ Thánh Gia an toàn, chắc hẳn lũ quỷ dữ rất sợ Ngài mà phải chạy cho xa. Ngài không nói gì nhưng Ngài hành động cụ thể. Ngài là Người Thợ Vĩ Đại, không chỉ sửa chữa các dụng cụ mà còn sửa chữa tâm hồn giúp chúng ta, nhất là những lúc gặp khó khăn mà biết đến cầu xin Ngài. Cứ tin tưởng và an tâm!
Lạy Thiên Chúa nhân hậu, chúng con cảm tạ Ngài luôn dành tình thương xót qua việc quan phòng và tiền định mọi điều. Xin thêm lòng can đảm để chúng con biết sống giản dị và thầm lặng như Đức Thánh Giuse, luôn biết tích cực sống yêu thương và phục vụ nhân danh Đức Giêsu Kitô.
Lạy Đức Thánh Giuse, xin thương cầu giúp nguyện thay cho chúng con, bây giờ và trong giờ lâm tử. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment