Vào một ngày
sabát, Chúa Giêsu chữa bệnh tật cho người bại liệt bên hồ Bếtdatha, gần Cửa
Chiên tại Giêrusalem. Thấy vậy, người Do Thái cự nự, bắt bẻ, nhưng Chúa Giêsu
vẫn thản nhiên nói: “Cha tôi vẫn làm việc
thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5:17)
Làm việc là lao động. Lao động là điều cần thiết, dù là lao động chân tay hoặc lao động trí óc. Trước tiên, lao động là để sinh tồn.
Truyện ngụ ngôn
“Con Châu Chấu và Con Kiến” kể rằng...
Trên cánh đồng
nọ, vào một ngày mùa Hạ, có một con Châu Chấu đang nhảy nhót, miệng và ca hát
cho thoả lòng. Đi ngang qua là một con Kiến mệt nhọc kéo lê một mẩu bắp về tổ.
Châu Chấu nói với
Kiến: “Lại đây nói chuyện với tớ cho vui.
Sao mà cứ phải lao động cật lực vất vả như vậy.” Kiến trả lời: “Tôi đang cố gắng tìm và tích trữ lương thực
cho mùa Đông sắp đến. Tôi nghĩ anh cũng nên làm như vậy.”
Châu Chấu cười
khẩy: “Sao lại phải bận tâm đến mùa Đông
làm gì? Bây giờ chúng ta đang có thừa mứa thức ăn kia mà.” Nghe Châu Chấu
nói vậy nhưng Kiến vẫn đi và tiếp tục làm việc.
Rồi mùa Đông đến,
Châu Chấu chẳng còn gì để ăn và cảm thấy sắp chết vì đói. Nó nhìn thấy Kiến
đang đứng bán bắp và ngũ cốc mà Kiến vẫn thu nhặt được trong những ngày mùa Hạ.
Bấy giờ Châu Chấu mới biết điều cần thiết: Phải chuẩn bị sẵn sàng cho những ngày mình sẽ cần sử dụng. Nước đến
chân mới nhảy thì đã muộn!
I. LÝ THUYẾT
Học thuyết “Giá
Trị Lao Động” (LTV – labor theory of value) là một học thuyết giá trị, kinh tế
không chính thống, cho rằng giá trị kinh tế của sản phẩm hoặc dịch vụ được xác
định bởi tổng số sức lao động cần thiết trong xã hội cần có để sản xuất, hơn là
bởi việc sử dụng chủ nhân của nó để có nó. Khái niệm này thường kết hợp với
kinh tế học Mác-xít, mặc dù nó cũng được dùng trong các lý thuyết của các nhà
kinh tế kinh điển như Adam Smith và David Ricardo, về sau cũng
được dùng trong khoa kinh tế chủ trương vô chính phủ.
Khi nói theo
thuật ngữ của học thuyết “Giá Trị Lao Động,” không có tính từ định
phẩm nào đề cập số lượng lao động cần có để sản xuất hàng hóa có thể tiêu thụ, bao
gồm sức lao động cần có để phát triển loại vốn thực tế nào được dùng trong quá
trình sản xuất.
Cả David Ricardo
và Karl Marx đều cố gắng định phẩm và biểu hiện mọi thành phần lao động để phát
triển lý thuyết về giá thực tế, hoặc giá tự nhiên của hàng hóa. Tuy nhiên, theo
Adam Smith giới thiệu, học thuyết “Giá Trị Lao Động” không đòi hỏi số
lượng của sự lao động trong quá khứ, cũng không giải quyết sự lao động cần có
để tạo ra dụng cụ (chất liệu) có thể được dùng trong quá trình sản xuất. Lý
thuyết giá trị của Smith rất giống các lý thuyết vị lợi mà Smith tuyên bố rằng hàng
hóa xứng đáng với sức lao động cần có trong các giá trị khác (giá trị về kinh
doanh) hoặc bất cứ loại lao động nào “tiết kiệm” chính nó (giá trị về sử dụng),
hoặc cả hai. Nhưng “giá trị” này tùy thuộc nguồn cung và cầu vào một thời điểm
nào đó.
Giá thực tế của
mọi vật, bất cứ vật gì đáng giá với những người muốn có nó, là sự cực nhọc cần
thiết để có nó. Mọi thứ xứng đáng với những người cần nó, muốn có nó hoặc để
trao đổi. Lý thuyết về giá của Smith không có gì xử lý về sức lao động trong
quá khứ, khi sản xuất hàng hóa. Lý thuyết này chỉ nói về sức lao động có thể
“được yêu cầu” hoặc “được tiết kiệm” vào lúc đó.
II. THỰC TẾ XÃ HỘI
Lao động đề làm
gì? Có nhiều mục đích khác nhau: Để thực hành kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm,
muốn có trải nghiệm mới, mở rộng giao tiếp, xác định bản lĩnh, xác định vị trí
xã hội, ổn định cuộc sống,... Đơn giản là để kiếm tiền. Tiền không là gì, nhưng
có nó rồi thì người ta dễ an tâm làm những việc khác. Chắc chắn điều quan trọng
nhất: Lao động là để sinh tồn – vì chính mình và vì người khác.
Lao động liên
quan tiền bạc. Tiền bạc “dính líu” chuyện sinh – tử. KHÔNG mà CÓ, CÓ mà KHÔNG. Nói
về chuyện tiền bạc, người Pháp có câu nói khiến chúng ta phải suy tư và cảnh
giác: “Tiền là đầy tớ TỐT, nhưng là ông
chủ XẤU.” Thánh Phaolô cũng đã cảnh báo: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là
lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức
tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.” (1 Tm 6:10)
Thomas Alva
Edison (nhà phát minh và thương gia người Mỹ, 1847–1931): “Tôi chưa bao giờ vô tình làm điều gì, cũng
như không phát minh nào của tôi đến từ sự vô tình; chúng đến từ lao động.”
Voltaire (tác giả, nhà văn học, bình luận gia, nhà thần luận và triết gia người
Pháp, tên thật là François-Marie Arouet, 1694–1778): “Lao động xua đuổi ba sự xấu xa kinh khủng: nỗi buồn chán, thói trụy
lạc và sự nghèo đói.” Đúng như người ta vẫn thường nói: “Nhàn cư vi bất thiện.” (sách Lễ Ký)
Louisa May
Alcott (nữ tiểu thuyết gia người Mỹ, 1832–1888) nhận định: “Hãy có thời gian cho cả công việc và hưởng
thụ; khiến mỗi ngày vừa hữu ích vừa thoải mái, và chứng tỏ rằng bạn hiểu giá
trị của thời gian bằng cách sử dụng nó thật tốt. Và rồi tuổi trẻ sẽ tươi vui,
và tuổi già không có nhiều hối tiếc, và cuộc đời sẽ là một thành công tươi đẹp.”
Đề làm việc hiệu
quả, người ta có đưa ra hệ thống như sau:
1. Lập danh sách công việc (theo thời gian
– sáng, chiều, ngày, tháng, năm).
Sự lao động cần
thiết và kỳ diệu lắm. John Adams nhận xét: “Tri
thức trong đầu và đạo đức trong tim, thời gian cống hiến để nghiên cứu và lao
động là phương cách để trở nên người hữu dụng, nhờ vậy mà có được hạnh phúc.”
Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ lý luận: “Người ta
giàu vì biết lao động, giàu hơn nữa vì biết tiết kiệm chi tiêu.”
III. THỰC TẾ TÂM LINH
Có sự lao động
thể lý và sự lao động tâm trí, cũng có sự lao động tâm linh. Ai cũng có sự lao
động tâm linh, kể cả người tự nhận là vô thần, nhưng đặc biệt là những người mang
danh Kitô hữu – đặc biệt là người Công giáo.
Trong ba nhân đức
đối thần (tin, cậy, mến), đức mến (đức ái) là quan trọng nhất – vì tồn tại cả
đời này và đời sau (không còn đức tin và đức cậy ở đời sau). Đức ái quan trọng
nhưng cũng dễ ảo tưởng, nếu không khéo thực hành. Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi
chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được
Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.” (Mt 6:1)
Nghe thì nghe
vậy, biết thì biết vậy, nhưng người ta vẫn ảo tưởng. Rất ngạc nhiên khi thấy
một anh bạn treo tấm bằng “Phép Lành Tòa Thánh.” Anh bạn này cho biết rằng anh
tình cờ thấy trên một website Công giáo (xin được giấu tên) có mục “Quà Tặng
Tin Mừng,” anh vô thử và làm theo hướng dẫn. Cuối cùng, anh bạn này có được tấm
bằng “Phép Lành Tòa Thánh.” Tuy nhiên, có điều lạ là tấm bằng này không do ĐGH
Phanxicô ấn ký, mà do một Tổng giám mục ấn ký (mộc nổi).
Loại “Phép Lành
Tòa Thánh” này có thật hay không? Chắc hẳn là không. “Phép Lành Tòa Thánh” gì
mà dễ dàng quá. Ai muốn là có ngay, chẳng phải làm điều gì lớn lao, không phải
lao động tâm linh. Thấy kỳ quặc quá xá! Những người muốn có loại vi bằng này
phải chăng chỉ là để “chứng tỏ bản lĩnh” của mình? Nói theo ngôn ngữ “hiện đại”
ngày nay thì đó là “nổ.” Vâng, ngay cả việc đạo đức mà người ta cũng mua chuộc
và lợi dụng. Thiết tưởng, việc làm này cần được chấn chỉnh ngay! Hãy ghi nhớ
điều này: “Đừng tưởng có thể lấy tiền mà
mua ân huệ của Thiên Chúa.” (Cv 8:20)
Thiên Chúa công
minh, chính trực, Ngài “thấu suốt mọi sự,” (1 Sb 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb
7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2;
Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6)
Ngài “không thiên vị ai,” (Gl 2:6) “hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành,
thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Ngài tiếp nhận.” (Cv 10:34-35) Ai
gieo gì thì gặt nấy: “Thiên Chúa sẽ
thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm; những ai bền chí làm việc thiện mà
tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, Thiên Chúa sẽ cho họ được
sống đời đời; còn những ai chống Thiên Chúa mà không vâng phục chân lý và chạy
theo điều ác, Người sẽ nổi trận lôi đình, trút cơn thịnh nộ xuống đầu họ.” (Rm
2:6-8)
Chắc chắn rằng
Thiên Chúa không làm điều xấu/ác, Ngài chỉ làm điều tốt/thiện: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm
cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.” (Mc 7:37) Ngài làm việc không
ngừng, Ngài cũng muốn chúng ta phải lao động miệt mài, nhưng phải làm với lòng
khiêm nhường: “Khi đã làm tất cả những gì
theo lệnh phải làm thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã
chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17:10)
Một dụ ngôn nói
về “sự lao động và sự công bằng của Thiên Chúa” là dụ ngôn “thợ làm vườn nho,”
trong chương 20 (câu 1-16) theo Tin Mừng của Thánh sử Mátthêu. Câu chuyện như
sau:
Nước Trời giống
như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn
nho của mình. Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai
họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những
người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy
đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” Họ liền đi. Khoảng
giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ
mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao
các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết.” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng
tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho.” Chiều đến, ông chủ
vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ
những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.” Vậy những
người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan
tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều
hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn
nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ
ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại
còn bị nắng nôi thiêu đốt.” Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này
bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan
tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm
sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định
đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen
tức.” Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ
phải xuống hàng chót. Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.
Một dụ ngôn khác
cũng nói về sự lao động là dụ ngôn “Những Nén Bạc.” (Mt 25:14-30; Lc 19:11-27) Ai
cần mẫn thì được thưởng công, ai lười biết thì đành cam chịu số phẩn hẩm hiu.
Hoàn toàn công bằng, không hề thiên vị ai. Đặc biệt nhất là “Cuộc Phán Xét
Chung,” (Mt 25:31-46) chiên và dê được
phân biệt rạch ròi, ai lành được thưởng, ai dữ bị phạt, đúng theo công sức mà họ
đã lao động khi còn sinh thời.
Để tạm kết, hãy
nghe lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô: “Hãy
làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!” (2 Tx 3:13)
Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót! Xin cho những
người lao động chân chính nhận được phần thưởng xứng đáng do công sức lao động
quý giá của họ; xin cho các Kitô hữu tại Phi châu biết làm chứng cho niềm tin
và lòng yêu mến dành cho Đức Giêsu Kitô giữa những xung đột về chính trị và tôn
giáo; xin cho dân Việt thoát khỏi sự bất công xã hội, được hưởng nền hòa bình
đích thực theo chân lý và công lý của Thiên Chúa. Chúng con cậy nhờ công nghiệp
vô giá của Đức Kitô Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo ĐMHCG
số 356, tháng 4-2016, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]
✽ Ngày Quốc Tế Lao Động – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/04/ngay-quoc-te-lao-ong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment