Thiên Chúa dành cho Đức Maria một sứ điệp đặc biệt – đệ nhất sứ điệp, thông qua Sứ Thần Gabriel trong cuộc Truyền Tin, và cũng là sứ vụ đặc biệt mà Thiên Chúa trao cho Đức Maria: làm Mẹ Thiên Chúa. Đó là Hỷ tín không chỉ riêng cho Đức Maria mà còn cho cả nhân loại. Nhờ sự kiện truyền tin và nhờ đức tuân phục của Đức Maria mà nhân loại có Đấng Emmanuel, Vị Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Tôn Danh Mẹ Thiên Chúa được Thánh Êlidabét sử dụng lần đầu tiên khi Đức Mẹ đến thăm: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1:43)
Thật tuyệt vời vì chỉ trong vòng nửa năm mà
tin vui nhân đôi: Mới trước đó là tin vui cho vợ chồng ông Dacaria và bà Êlidabét
(còn gọi là Isave) với tin thụ thai ngôn sứ Gioan Tẩy Giả, và nay là tin vui
cho Đức Maria với tin thụ thai Đấng Cứu Thế. Tin vui lớn dần, dâng trào, tin
vui sau lớn hơn tin vui trước. Quả thật, niềm vui ấy lan tỏa mau chóng, bao phủ
khắp nơi, đầy ắp lòng người. Niềm vui như vỡ òa nhờ Thiên Chúa ban hồng ân chan
hòa!
Đối với hỷ tín thứ nhất, chúng ta có thánh ca
“Bài Ca Chúc Tụng” (Benedictus) của ông Dacaria. (Lc 1:68-79) Đối với hỷ tín
thứ nhì (lớn hơn), chúng ta có thánh ca “Bài Ca Ngợi Khen” (Magnificat) của Đức
Maria. Cả hai thánh ca đều xưng tụng và cảm tạ Thiên Chúa.
Các sứ điệp đa dạng và nhiều mức độ. Sứ điệp có
thể vui hay buồn, bình thường hoặc quan trọng, cũng có thể là sứ mệnh, trọng
trách. Sứ điệp đó là tin mừng, là tin vui, là tin lành, là hỷ tín, đồng thời cũng
là trách nhiệm nặng nề, thực sự không dễ thực hiện.
Mặc dù lo sợ – vì
chưa hiểu thế nào, nhưng khi hiểu ra vấn đề, đặc biệt là với niềm tin tuyệt đối
vào Thiên Chúa, Đức Maria đã mau mắn vui vẻ chấp nhận, không chút trì hoãn, không
hề so đo, không hề tính toán. Từ đó, Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa bắt đầu trở
nên hiện thực. Và rồi Thánh sử Gioan xác nhận: “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta, và
chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Người.” (Ga 1:14ab) Thật hạnh phúc cho
nhân loại biết bao!
Ngược dòng thời
gian, trình thuật Is 7:10-14 cho biết một sứ điệp tuyệt vời – ngắn gọn và súc
tích, nhưng mạnh mẽ. Đó là từ xa xưa, vua Akhát được Thiên Chúa cho phép: “Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của
ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.” Nhưng
ông e ngại với lòng khiêm nhường, và ông trả lời: “Tôi sẽ KHÔNG XIN, tôi KHÔNG DÁM thử thách Đức Chúa.” Sứ điệp này
cảnh báo chúng ta “đừng đùa với lửa,” bởi vì đã từng có những lần chúng ta dám
thử thách Thiên Chúa mà chúng ta không biết hoặc tìm cách biện hộ cho mình.
Thời đó, ông Isaia
đã đưa ra một sứ điệp cho dân chúng với lối “hỏi–đáp” đơn giản: “Nghe đây, hỡi nhà Đavít! Các ngươi làm
phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì
vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ
mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel.” Đó là lời tiên báo về
Đức Maria, một thôn nữ miền Nadarét, được Thiên Chúa ưu tuyển để đảm trách sứ
vụ làm Thánh Mẫu Thiên Chúa.
Là một thục nữ và
được giáo dục đạo đức nghiêm túc của Cha Mẹ – ông Gioakim và bà Anna, nên Cô
Gái Trẻ Maria không chỉ sống thánh thiện mà còn rất khiêm nhường – nhân đức nền
tảng của mọi nhân đức. Thiên Chúa ưa thích tính khiêm nhường chứ không cần thứ
gì khác, như Thánh Vịnh gia xác nhận: “Chúa
chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá
tội, Chúa không đòi.” (Tv 40:7) Cô Gái Trẻ Maria cũng luôn biết “xin vâng”
trong mọi sự, theo cách mà Kinh Thánh đã đề cập: “Này con xin đến! Con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong
lòng, lạy Thiên Chúa của con!” (Tv 40:8-9) Trọn đời Đức Maria đã sống vuông
tròn theo Thánh Ý Chúa, và cuộc đời Mẹ là “lời nói” vang ngân mãi mọi thời đại,
như Thánh Vịnh xác định: “Đức công chính
của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu
có ngậm miệng làm thinh.” (Tv 40:10) Không ai có thể làm thinh khi niềm vui
quá lớn.
Chỉ vì sống khiêm
nhường thì người ta mới có thể vâng lời. Hai nhân đức này là nhân đức đối nhân,
không là nhân đức đối thần, nhưng vẫn có tầm quan trọng, và đặc biệt là luôn có
hệ lụy với nhau theo tính liên đới. Để chứng minh, Thánh Phaolô đề cập đức vâng
lời: “Máu các con bò, con dê không thể
nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa
hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ
toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con
đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” (Dt 10:4-7) Thiên
Chúa có tất cả vì Ngài là Đấng Tạo Hóa, Ngài không cần gì ở loài thụ tạo, mà
chỉ cần chúng ta nhận biết Ngài, tin yêu và tuân phục Ngài.
Tiếp tục dẫn
chứng về ý muốn của Thiên Chúa Cha và đức tuân phục của Thiên Chúa Con, Thánh
Phaolô cho biết: “Trước hết, Đức Kitô
nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng
thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi
Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ
tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu
Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.” (Dt 10:8-10) Tương
tự, phàm nhân cũng luôn yêu quý những người biết tự nguyện, chứ không miễn
cưỡng. Sự tự nguyện là đáng quý, sự miễn cưỡng là vô ích.
Chính Chúa Giêsu
là Chiên Hiến Tế Thánh, vô giá, dâng một lần nhưng có hiệu lực từ hồng hoang cho
tới tận thế. Chúng ta chỉ là phàm nhân tội lỗi, hoàn toàn bất xứng, nhưng nếu
biết khiêm nhường thì vẫn có giá trị đối với Thiên Chúa, thế nhưng chúng ta
phải dâng lễ tế nhiều lần, không chỉ dâng lễ đền tội cho chính mình mà còn cho người
khác nữa. Đó là một dạng yêu thương liên đới.
Sự kiện Truyền
Tin chỉ được ghi lại trong Tin Mừng theo Thánh Luca (Lc 1:26-38), ba Tin Mừng
kia không có. Thánh Luca cho biết: “Bà
Êlisabét có thai được sáu tháng,Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành
miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là
Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria..”Các chi tiết
rất rõ ràng qua văn phong của Thánh Luca.
Thật kỳ lạ, đó là
cuộc đối thoại siêu nhiên nhưng lại có vẻ rất tự nhiên, giống như một đoạn
video clip, rất sống động, rất đời thường.
Hôm đó, Sứ thần Gáp-ri-en
vào nhà Đức Maria và nói: “Mừng vui lên,
hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Chị.” Nghe lời ấy, Đức Maria rất bối
rối, bởi vì… “kỳ thí mồ” đi, chả hiểu ất giáp chi ráo trọi. Sao lại lạ thế nhỉ?
Ngay lập tức Sứ thần vừa trấn an vừa giải thích một hơi dài: “Này Chị Maria, xin đừng sợ, vì Chị đẹp lòng
Thiên Chúa.Chị sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ
nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban
cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến
muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Đức Maria vẫn thấy
chưa ổn, vẫn ngại lắm, nên thưa với Sứ thần: “Mèn ơi, việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ
chồng!”
Sứ thần ôn tồn đáp:
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và
quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ
được gọi là Con Thiên Chúa.” Và như để chắc cú, Sứ thần dẫn chứng cụ thể: “Này nhé, Cô Êlisabét, người họ hàng với Chị
đấy, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Cô ấy vẫn bị mang
tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa,
không có gì là không thể làm được.” Ôi, lạy Chúa tôi, nhẹ cả mình! Rõ ràng
hai năm rõ mười, thế là an tâm, chả còn lo sợ chi nữa. Bấy giờ Đức Maria liền nói:
“Vâng, tôi đây là NỮ TỲ của Chúa, xin
Chúa CỨ LÀM cho tôi như lời sứ thần nói.” Một lời xác nhận đầy ắp sự can đảm với tầm nhìn tương lại rộng
lớn. Quả thật, không dễ gì mà có thể quyết định mau mắn với đại sự như vậy. Lời “xin vâng”
này là điều quyết định rất quan trọng để rồi “chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế
làm người, và ở cùng chúng ta.” Lịch sử kiếp người sang một trang hoàn toàn mới
trong Chương Trình
Cứu Độ. Thật tuyệt vời!
Sau khi hoàn thành sứ vụ, Tổng thần Gabriel
từ biệt ra đi. Và Đức Maria bắt đầu trang đời mới với trọng trách mới và đầy
gian khó đang chờ phía trước. Ôi, xin hết lòng tạ ơn Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ
Maria. Đức Mẹ là Nhà Tạm đầu tiên bởi vì Đức Mẹ là Người-mang-Thiên-Chúa
(Theotókos). Thật diễm phúc cho phàm nhân chúng ta, vì mỗi khi đón nhận Thánh
Thể, chúng ta cũng trở nên Nhà Tạm của Thiên Chúa Ngôi Hai, đúng như lời Thánh
Phaolô xác nhận rằng “chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống.” (2 Cr
6:16)
Một sự thật minh
nhiên là “xin vâng” là tuân phục Thánh Ý Chúa, và điều đó “trọng hơn của lễ,”
(1 Sm 15:22; Tv 50:8-9) nhưng chắc chắn không dễ thực hiện, mà phải nỗ lực rất
nhiều và phải cậy nhờ ơn Chúa.
Lễ Truyền Tin là dịp đặc biệt, là cơ hội tốt để chúng ta cùng nhau tự soi
lại cuộc đời mình qua lời Đức Mẹ đã nói với ba trẻ chăn chiên tại Fátima (Bồ
Đào Nha) từ năm 1917: “Nếu loài người
biết vĩnh cửu là gì thì họ sẽ làm mọi thứ để thay đổi cuộc đời.”
Mỗi khi cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, với
ngắm thứ ba của Mùa Vui, chúng ta cầu xin được “ở khiêm nhường,” tức là biết
sống khiêm nhường. Khiêm nhường, khiêm hạ hoặc khiêm nhu cũng là một, chữ “khiêm”
nào cũng khó. Mẫu tự K mà thật là khó “ca” quá chừng, KH mà có dễ “ca hát” gì
đâu! Chúng ta đều biết rằng khiêm nhường là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức,
vô cùng quan trọng đối với bất kỳ ai, bởi vì chính Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và
khiêm nhường.” (Mt 11:29) Đức Mẹ là người luôn sống khiêm nhường, được tuyển
chọn làm Mẹ Thiên Chúa nhưng lại chỉ nhận mình là Nữ Tỳ của Thiên Chúa mà thôi.
(Lc 1:38)
Sau khi biết tin Chị Êlidabét cũng có hỷ tín
và chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã vội vã đi thăm Chị. Khi hai người
mẹ phấn khởi, Đức Maria đã chúc tụng Thiên Chúa bằng bài Magnificat, trong đó
có đề cập đức khiêm nhường: “Chúa hạ bệ
những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1:25) Thánh
Phaolô cũng khuyên sống khiêm nhường: “Anh
em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu
ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn
tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã
định.” (1 Pr 5:5-6) Thiên Chúa có kế hoạch riêng cho từng người, không ai
biết trước, nhưng Thiên Chúa sẽ hành động đúng lúc, đúng thời theo kế hoạch quan
phòng mầu nhiệm của Ngài.
Bất cứ ai khiêm nhường thì cũng hiền lành.
Khiêm nhường là nhân đức cao quý đến nỗi Chúa Giêsu đã đặt là một trong Tám Mối
Phúc: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ
được Đất Hứa làm gia nghiệp.” (Mt 5:4) Tuy nhiên, nên nhớ rằng càng làm lớn
càng dễ ỷ lại, dễ kiêu ngạo, do đó mà càng cần đức khiêm nhường hơn bao giờ
hết. Trồng rừng phải mất nhiều thời gian, nhưng đốt rừng chỉ trong thoáng chốc,
và chỉ cần một que diêm mà thôi. Que diêm đó chính là thói kiêu ngạo. Đốm lửa
kiêu ngạo sẽ mau chóng thiêu rụi tất cả trong nháy mắt!
Lạy
Thiên Chúa toàn năng và hằng hữu, xin Ngài hành động nơi chúng con theo Thánh Ý
Ngài, xin giúp chúng con luôn can đảm“xin vâng” trong mọi hoàn cảnh, nhất là
trong lúc gian nan khốn khó. Nguyện xin Đức Mẹ nguyện giúp cầu thay và đồng
hành với chúng con, giúp chúng con kiên cường sống trọn ba đức đối thần suốt
cuộc đời này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy
nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment