Hạ mình là cúi thấp xuống, thể hiện sự khiêm
nhường (khiêm nhu, khiêm hạ, khiêm tốn, tự hạ). Khiêm nhường là nhân đức quan
trọng cho đời sống, là nhân-đức-nền-tảng của tòa-nhà-nhân-đức. Thánh nữ Elizabeth
Ann Bayley Seton (1774–1821, SC – Sisters of Charity Federation, lễ ngày 4
tháng 1) có cách ví von độc đáo và thú vị: “Cửa
Thiên Đàng RẤT THẤP, chỉ những người biết HẠ MÌNH mới có thể vào được.” Và
thật lạ, tại nhà thờ Chúa Giáng Sinh ở Thánh Địa có một cửa vào rất thấp, ai
muốn vào thì phải khom người thật sâu mới có thể vào trong nhà thờ.
Ngước lên thì dễ, cúi xuống thì khó, bởi vì
“cái tôi” rất ngang bướng – gọi là tự ái. Càng “cao lớn” càng khó “cúi xuống”,
chức quyền càng to thì tự ái càng nhiều. Mặc dù “cái tôi” nhỏ bé nhưng lại rất
nguy hiểm. Bác học Albert Einstein nhận định: “Hiểu biết càng nhiều thì cái tôi càng nhỏ, hiểu biết càng ít thì cái
tôi càng to.” Và người Việt cũng có cách nói tương tự: “Thùng rỗng kêu to”.
Là Kitô hữu, ai cũng biết chắc rằng Chúa
Giêsu hoàn toàn vô tội vì Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn tự nguyện hạ mình
– hóa thân làm người, sinh nơi Belem, và chịu Phép Rửa. Ngài để cho ngôn sứ
Gioan làm Phép Rửa cho Ngài trong dòng sông Gio-đan vì Ngài muốn nêu gương khiêm
nhường cho chúng ta. Nhỏ mà hóa To, bởi vì Chúa Giêsu xác định rằng ai tự hạ là
người lớn nhất trong Nước Trời (x. Mt 18:4). Thật không dễ dàng chút nào, nhưng
“việc khó” không có nghĩa là “không thể làm”, nghĩa là làm được. Bằng cách nào?
CƯƠNG QUYẾT THỰC HIỆN
Làm gì cũng cần quyết định, muốn quyết định
phải có can đảm. Mọi thứ đều có tính liên đới. Ngày xưa, Thiên Chúa phán: “Hãy an ủi dân Ta. Hãy ngọt ngào khuyên bảo
Giêrusalem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành
đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm.”
(Is 40:1-2) Chúa rất nhân từ, Ngài nói rõ là “an ủi” và “ngọt ngào khuyên bảo”
người khác, chứ Ngài không hề bảo người ta dùng “quyền” mà “hành” người khác,
hoặc dùng “mệnh lệnh” mà “trấn áp” người khác. Lời Ngài rất đáng để chúng ta
phải tự nghiêm túc xét lại mình. Muốn vậy thì phải cương quyết thực hiện.
Cương quyết rồi có kiên trì làm hay không lại
là chuyện khác. Trong mỗi người luôn có tiếng lương tâm thúc giục, giống như tiếng
hô to vang lên từ xưa: “Trong sa mạc, hãy
mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng
cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải
bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng
phiu. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được
thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán.” (Is 40:3-5)
Sa mạc là nơi hoang vu, tĩnh mịch, vắng vẻ. Cõi
lòng chúng ta cũng là sa mạc. Sa-mạc-tâm-hồn cũng rất cần cho chúng ta, đó là
những giây phút tịnh tâm, nhất là những buổi tối, hoặc những ngày cấm phòng. Vì
khi ở trong “sa mạc”, chúng ta có thể dễ nhận diện mình, và nhờ đó mà có thể mở
đường rộng, vạch đường thẳng, san núi đồi, lấp thung lũng, san bằng chỗ gồ
ghề,… để đến với Thiên Chúa và tha nhân.
Đến với người khác không là điều dễ, bởi vì
tự ái (cái tôi) là “sợi xích” níu chặt chân. Ai cũng muốn người khác đến với
mình trước. Càng khó đến với người khác khi đến vì mục đích “đạo đức”. Nhưng ngôn
sứ Isaia mạnh mẽ lên tiếng: “Hỡi kẻ loan
tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giêrusalem,
hãy cất tiếng lên cho thật mạnh. Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền
Giuđa rằng: “Kìa Thiên Chúa các ngươi!” (Is 40:9) Lên cao và nói to vì sống
đúng sự thật thì không gì phải sợ ai. Chính Đức Kitô vẫn thường xuyên động
viên: “Đừng sợ!” Mệnh lệnh cách
“đừng sợ” được đề cập 365 lần trong Kinh Thánh, với các sắc thái khác nhau.
Vậy là suốt năm, mỗi ngày một lần Chúa bảo
chúng ta “đừng sợ”. Tại sao lại không sợ? Ngôn sứ Isaia cho biết rõ ràng: “Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm
trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự
nghiệp làm nên. Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả
đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận
tình dẫn dắt.” (Is 40:10-11) Muốn “đừng sợ” thì phải can đảm – mạnh mẽ tinh
thần, muốn can đảm thì phải tập luyện bằng cách tự động viên. Hãy hít sâu, nắm
chặt hai bàn tay, và thở mạnh, và luôn hướng về Đức Kitô – Đấng Emmanuel luôn ở
bên cạnh.
Ước gì mỗi chúng ta luôn biết tự nhủ như Thánh
Vịnh gia: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi
hỡi!”, và thân thưa với Ngài với cả thành tâm: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!” (Tv
104:1a) Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ rất khác biệt, không như bất kỳ một
thần linh nào khác: “Áo Ngài mặc: toàn
oai phong lẫm liệt, cẩm bào Ngài khoác: muôn vạn ánh hào quang. Tầng trời thẳm,
Chúa căng như màn trướng, điện cao vời, dựng trên khối nước cõi thanh không.
Chúa ngự giá xe mây, Ngài lướt bay cánh gió.” (Tv 104:1b-3) Mà cũng chẳng có
thần linh nào khác, chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi. Có các thần linh khác là vì
người ta ngu xuẩn và mê tín dị đoan, rồi tự tạo ra các thần linh. Thậm chí còn
tồi tệ và ngu xuẩn tới mức thờ ông này, bà nọ, vật này, vật kia. Quái gở!
Thánh Vịnh gia cho biết đoàn tùy tùng của Thiên
Chúa cũng vô cùng kỳ lạ: “Sứ giả Ngài là
làn gió bốn phương, nô bộc Chúa là lửa hồng muôn ngọn.” (Tv 104:4) Các việc
Ngài làm vô số và không ai khả dĩ hiểu thấu: “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành
tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.” (Tv
104:24) Nhận biết Thiên Chúa để chúng ta có thể đủ niềm tin, nhờ đó mà có thể
can đảm hơn, cương quyết hơn – nhất là về việc chấn chỉnh lối sống. Thánh nhân
nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai.
Dù to hoặc nhỏ, mọi loài và mọi thứ, không
sinh vật nào lại không nhờ ân lộc Ngài trao ban: “Này đại dương bát ngát mênh mông, nơi muôn vàn sinh vật to lẫn nhỏ vẫy
vùng, hết mọi loài ngửa trông lên Chúa đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn.” (Tv
104:25) Ngài không chỉ ban cho những điều cần thiết mà còn ban cho những điều
vượt ngoài tầm tay của chúng ta, thậm chí Ngài ban cả những điều mà chúng ta
chưa biết mở miệng cầu xin. Mọi loài đều mãn nguyện được Thiên Chúa quan phòng:
“Ngài ban xuống, chúng lượm về, Ngài mở
tay, chúng thoả thuê ơn phước.” (Tv 104:28) Thế mà nhân loại vẫn vô ơn, bạc
nghĩa. Ngay chính chúng ta – những người vinh hạnh làm con cái Ngài – cũng vẫn
thường xuyên bội bạc, làm được điều gì nhỏ nhoi đã tưởng mình tài giỏi mà dám
vênh vang tự đắc, coi khinh người khác. Chúng ta quên rằng mình chỉ là “số
không”, thế nên hóa ảo tưởng mà tự nhận mình là “cái rốn của vũ trụ”. Thật hoang
tưởng và kiêu ngạo!
Thiên Chúa vô cùng ghét tính kiêu ngạo – kiêu
căng, kiêu sa, tự mãn, tự phụ. Nói “nhẹ” theo lối nói ngày nay là “chảnh” hoặc “nổ”.
Tự nhận diện chính mình để khả dĩ tự minh định: “Tôi phải hạ mình.”
CƯƠNG QUYẾT HẠ MÌNH
Cây càng cao, gió càng lay. Nhưng người ta lại
khoái cao – nhà cửa, danh vọng, chức tước… Kể cũng lạ vì ai cũng muốn ngược đời.
Nhà toán học Pythagore nói rất chí lý: “Đừng
thấy bóng mình to mà tưởng mình vĩ đại.” Là một bác học danh tiếng cả thế
giới mà ông thấy vẫn chẳng là gì. Hoặc như Thánh Thomas Aquinas, Tiến sĩ Giáo
hội, thông minh xuất chúng và viết nhiều sách giá trị, đặc biệt là bộ Tổng Luận
Thần Học (Summa Theologiæ) đồ sộ và vô giá, thế mà ngài lại cho biết: “Những gì tôi đã viết có vẻ như rơm rác.” Còn khi người ta hỏi: “Làm thế nào để
được cứu độ?”, Thánh Thomas trả lời ngắn gọn: “Phải khiêm nhường.” Thật tuyệt vời, siêu nhân mà hạ mình xuống sâu
quá!
Trong cuộc sống, chắc hẳn ai cũng nhận ra một
hồng ân hiển nhiên và luôn cần thiết là không khí, thế nhưng chúng ta lại không
coi đó là đại ân, hoặc cho đó là điều “dĩ nhiên”, là chuyện tự nhiên. Thánh
Vịnh gia phân tích cặn kẽ: “Chúa ẩn mặt
đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về
cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi
mới mặt đất này.” (Tv 104:29-30) Ôi, thế thì sao lại dám kiêu ngạo, tự mãn?
Câu chuyện xưa như chưa ráo mực, luôn mang tính thời sự: Mười người được khỏi bệnh
phong cùi, chỉ một người Samari trở lại tạ ơn Chúa. (Lc 17:11-18)
Mọi sự đều do Chúa trao ban, dù to hay nhỏ, cả
hữu hình và vô hình. Thánh Phaolô xác định: “Quả
thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.
Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục,
mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.” (Tt 2:11-12) Tại
sao phải như vậy? Rất rõ ràng với lời giải thích của Thánh Phaolô: “Vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn
hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng
ta, xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Ngài đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta
cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta
thành Dân riêng của Ngài, một dân hăng say làm việc thiện.” (Tt 2:13-14) Như vậy, chắc chắn người-hăng-say-làm-việc-thiện là người-của-Chúa, vì Chúa là
Đấng từ bi, nhân hậu, và giàu lòng thương xót.
Chỉ có MỘT Thiên Chúa duy nhất là Đấng cứu độ
chúng ta, chính Ngài đã “biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Ngài đối với
nhân loại.” (Tt 3:4) Thánh Phaolô nói thẳng thắn, không hề úp mở: “Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm
nên những việc công chính, nhưng vì Ngài thương xót, nên Ngài đã cứu chúng ta
nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới.” (Tt
3:5) Rõ ràng chúng ta chẳng có thể viện cớ gì để mà biện hộ cho thói kiêu căng
của mình. Tất cả là hồng ân – hồng ân nối tiếp và hòa quyện vào cuộc đời chúng
ta: “Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn
Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Như
vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Kitô, chúng ta được thừa hưởng
sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng.” (Tt 3:6-7)
Qua trình thuật Lc 3:15-16, 21-22,
Thánh sử Luca kể ngắn gọn mà súc
tích: Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều đặt vấn đề:
biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia!
Thắc mắc cũng đúng, bởi vì ông Gioan có lối sống
và phong cách khác người, mà lúc đó người ta đang háo hức mong chờ Đấng Cứu Thế.
Nghe người ta bàn ra tán vào về mình, ông Gioan trả lời thẳng thắn với mọi
người: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em
trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai
dép cho Ngài. Ngài sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” (Lc
3:16) Người ta nói gì ông cũng từ chối, thậm chí ông còn không nhận mình là ngôn
sứ (Ga 1:21). Thế nhưng ông vẫn là ngôn sứ, ngôn sứ lớn nữa kìa. Gioan Tẩy Giả
nổi tiếng nhiều thứ, đặc biệt là câu nói khiêm nhường độc đáo này: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài.” Ôi,
không đáng cởi quai dép chứ đừng nói chi “xách dép”. Lại thêm một nét riêng độc
đáo nữa.
Kinh Thánh nói: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (Gc
4:6) Loại trang sức quý giá của con người là sự khiêm hạ và tính giản dị. Khiêm
nhu là sống cao thượng, giản dị chứng tỏ tâm hồn sâu sắc. Tuy nhiên, phải cảnh
giác cao độ về kiểu “giả bộ khiêm nhường” (x. Cl 2:18), đó là thói kiêu ngạo núp
bóng khiêm nhường.
Thánh Luca cho biết thêm rằng sau khi toàn
dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Ngài cầu nguyện
thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình dáng chim bồ câu. Đặc
biệt là có tiếng từ trời phán rằng: “Con
là Con của Cha, ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.” (Lc 3:22) Chính Chúa Cha
đã công khai xác nhận Đức Giêsu Kitô là Con Yêu Dấu, là Ngôi Hai Thiên Chúa. Quá
minh nhiên, không còn gì khả nghi nữa. Thế mà người ta chưa tin, nếu không vì cố
chấp thì vì lý do gì?
Hạ
mình không chỉ là khiêm nhường, mà còn là chịu thua, chấp nhận, đồng thời hàm
súc đức ái. Tấm gương hạ mình vĩ đại nhất là Chúa Giêsu hạ mình từ trời cao xuống
thế gian để sống chung với thụ tạo, rồi Ngài lại cúi mình xuống rửa chân cho
các môn đệ. Ngài cúi mình về cả tinh thần và thể lý: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng
phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13:14)
Lạy
Thiên Chúa toàn năng, xin giúp chúng con luôn biết hạ mình xuống và yêu thương,
dù chúng con là ai và là gì, để chúng con có thể đến gặp Ngài qua tha nhân – nhất
là những con người hèn mọn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô,
Thiên-Chúa-Làm-Người và Đấng Cứu Độ của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Thánh Ca Tạ Ơn – TE DEUM LAUDAMUS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment