Nhân đức là sức mạnh tinh thần phải kiên trì
mới có thể thực hiện. Về siêu nhiên, nhân đức là một tập quán tốt do thiện chí theo
tiếng thúc gọi trong tâm hồn và thực thi điều Chúa muốn.
Theo Thánh LM TS Thomas Aquino, “nhân đức là
một tập quán mà ta có thể tập luyện, nó hoàn hảo hóa con người để người ta thực
thi các việc thiện.” Theo giáo lý Công giáo, “nhân đức là một xu hướng thường
xuyên và kiên định để làm điều thiện, không những giúp ta thực hiện những hành
vi tốt mà còn muốn cống hiến hết khả năng của mình cho Chúa, cho tha nhân.” (số
1803)
Có hai loại nhân đức: [1] Nhân đức tự nhiên –
tập quán do tập luyện để làm theo lẽ phải; [2] Nhân đức siêu nhiên – tài năng
Chúa phú vào linh hồn cùng với ơn thánh làm cho người ta có thể thực thi các
việc siêu nhiên đáng được ân thưởng vinh phúc đời sau. Nhân đức đối thần gồm ba
nhân đức: Tin, Cậy, Mến – có thể tham khảo chương 13, thư thứ nhất gởi giáo
đoàn Côrintô; các nhân đức đối nhân, gọi là nhân đức luân lý cơ bản, có rất
nhiều, nhưng chủ yếu gồm bốn nhân đức quan trọng: khôn ngoan, công bình, can
đảm, tiết độ. (GLCG số 1805)
Mùa Vọng là mùa tập luyện nhân đức bằng cách
thi hành việc lành phúc đức, cụ thể là đức ái – nhân đức quan trọng nhất. Mùa
Vọng được biểu tượng hóa bằng 4 ngọn nến: Ánh sáng của HY VỌNG, ánh sáng của TÌNH YÊU, ánh sáng của NIỀM VUI, và ánh sáng của
AN BÌNH. Ánh sáng soi đường
chúng ta bước qua những ngày u tối. Cả 4 loại ánh sáng đó luôn cần được chiếu
soi suốt cuộc đời chúng ta.
Khởi đầu rồi kết thúc, đó là quy trình mọi
thứ. Và Mùa Vọng cũng thế, đang dần đến hồi kết thúc. Niềm hy vọng của chúng ta
đã lên đỉnh điểm. Khoảng mong chờ gần hết. Chúa Giêsu sắp đến với chúng ta. Điều
đó nghĩa là chúng ta được mãn nguyện. Nhưng càng cuối thời gian chờ đợi, đức
vâng lời càng phải kiên quyết. Chúng ta đã “quen” với tinh thần tích cực của
đời sống Kitô hữu: “Vâng lời trọng hơn
của lễ.” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9) Đức vâng lời cần thiết cho mọi người,
đặc biệt là những người sống đời tu trì, vì đức vâng lời là một trong ba lời
khấn chính – gọi cho “văn hoa” hơn thì là thanh tuân hoặc tuân phục.
Trong các thụ tạo của Thiên Chúa, Đức Maria là
thụ tạo đặc biệt nhất và hoàn hảo nhất. Đức Mẹ trở nên người diễm phúc vì đã
mau mắn thực hiện đức vâng lời ngay khi được truyền tin: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền.”
(Lc 1:38) Lời “xin vâng” của Đức Mẹ đầy sự can đảm và trọn niềm tín thác.
Thuở xưa, ngôn sứ Mikha đã nhắn nhủ: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé
nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ
mạng thống lãnh Ítraen. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.”
(Mk 5:1) Không chỉ vậy, ông còn cho biết trước nhiều điều khác: “Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Israel cho đến
thời một phụ nữ sinh con. Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó sẽ trở
về với con cái Israel. Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa, vào uy danh Đức
Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc
nghiệp, vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất. Người
sẽ chiến thắng Átsua.” (Mk 5:2-3) Và có điều đặc biệt nhất: “Chính Người sẽ đem lại HOÀ BÌNH” (Mk
5:4a). Thật tuyệt vời, vì hòa bình là niềm khao khát không chỉ riêng ai.
Chưa bao giờ có được tận hưởng sự hòa bình
đích thực nên mơ ước của con người càng mạnh mẽ và cháy bỏng. Chắc chắn cuộc
sống không gì hơn là được tận hưởng nền hòa bình đích thực, nhưng muốn có hòa
bình đích thực thì công lý phải được tôn trọng đúng mức, mà muốn có công lý thì
phải cầu nguyện: “Lạy Chúa là Thiên Chúa
chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ Thiên Nhan hiền từ Chúa ra,
hầu cho chúng con được ơn cứu sống.” (Tv 80:4) Cầu nguyện không chỉ là đối
thoại với Thiên Chúa, mà còn là sức mạnh của con người.
Không chỉ cầu nguyện một vài lần, tùy hứng
hoặc khi “kẹt,” mà phải cầu nguyện liên lỉ: “Lạy
Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm
nom vườn nho cũ, bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non được Ngài ban
sức mạnh.” (Tv 80:15-16) Chân thành và tha thiết cầu nguyện thì chắc chắn
Thiên Chúa sẽ “mủi lòng” mà thương xót: “Xin
giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu là con người được Chúa ban sức mạnh.”
(Tv 80:18) Đồng thời còn phải tự nhủ lòng và đoan hứa chắc chắn: “Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu, cúi
xin Ngài ban cho được sống, để chúng con xưng tụng danh Ngài.” (Tv 80:19) Cầu nguyện không phải chỉ van xin, mà còn là tạ ơn và chúc tụng.
Thánh Phaolô cho biết rằng, khi vào trần
gian, Đức Kitô đã nói rõ: “Chúa đã không
ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích
lễ toàn thiêu và lễ xá tội.” (Dt 10:5-6) Điều đó do chính Đức Kitô xác nhận
chứ không phải ai khác, thế thì chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa: Chúa KHÔNG
CẦN lễ này hay vật nọ, ngay cả lễ toàn thiêu và lễ xá tội Chúa cũng coi như
không. Thế mà chúng ta lại thích bày ra nhiều điều kiện và nhiều thứ lễ để làm
gì? Chúa chỉ cần LÒNG CHÂN THÀNH và ĐỨC VÂNG LỜI, như Đức Kitô đã thân thưa với
Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa, này con đây,
con đến để thực thi ý Ngài.” (Dt 10:7) Chính điều đó mới quan trọng nhất.
Đừng coi trọng cái phụ mà coi thường cái chính, thích bề ngoài hơn tâm linh –
vì đó là trái Ý Chúa. Thế nhưng người ta lại thích và thường làm điều trái
ngược – ưa chuộng bề ngoài hơn bề trong, rồi viện cớ là “có đầy mới tràn.” Thật
đáng quan ngại!
Chính Đức Kitô đã xác định trước tiên: “Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá
tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng
tiến theo Lề Luật truyền.” (Dt 10:8) Sau đó Ngài mới nói thêm: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.”
(Dt 10:9) Hai vế cân bằng. Chính Người BÃI BỎ CÁC LỄ TẾ CŨ mà THIẾT LẬP LỄ TẾ
MỚI. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân
mình làm lễ tế, CHỈ MỘT LẦN LÀ ĐỦ. Quan trọng là tuân phục Ý Chúa chứ không
theo ý mình, dù Ý Chúa nhiều khi hoàn toàn trái ngược với ý riêng của chúng ta.
Thế nhưng Đức Maria lại khác hẳn, không hề lưỡng
lự hoặc đắn đo khi vâng lời mà MAU MẮN VÂNG LỜI, vì thế Đức Mẹ trở nên gương
mẫu về đức vâng lời. Không chỉ vậy, Đức Mẹ còn là người vợ và người mẹ tuyệt
vời, đồng thời cũng như một nữ tu, dù không mặc áo dòng, và giữ trọn ba lời
khấn: Thanh tuân, thanh khiết, và thanh bần. Vâng, Đức Mẹ đúng là
nữ-tu-không-tu-phục.
Ngày ấy, sau khi thụ thai Thánh Tử và biết
tin chị Êlidabét cũng đã mang thai một “người con đặc biệt” khi đã lớn tuổi,
Đức Maria đã vội vã lên đường, đến miền núi, tại một thành thuộc chi tộc Giuđa,
đó là nhà anh chị họ Dacaria và Êlidabét. Đức Maria vào nhà và cất tiếng chào,
vừa nghe tiếng dì Maria chào, đứa con trong bụng chị Êlidabét nhảy lên. Được
đầy tràn Thánh Thần, chị Êlidabét liền kêu lớn tiếng và nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và
người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa
tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, đứa con
trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực
hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1:42-45) Hằng ngày, chúng ta cũng
nhiều lần ca tụng Đức Maria: “Kính mừng
Maria đầy ơn phúc…”
Phúc nhân gặp phúc nhân, người phúc thăm viếng
người phúc. Chị Êlidabét đã là người có phúc vì mang thai Thánh Gioan Tẩy Giả,
người tiên phong mở đường của Thiên Chúa, dì Maria còn có phúc hơn vì mang thai
Thánh Tử Thiên Chúa. Không chỉ vậy, dì Maria còn có đại phúc khác, như chị
Êlidabét xác nhận, đó là “tin Chúa sẽ thực hiện điều Người đã hứa.” Có TIN TƯỞNG
thì mới VÂNG LỜI. Vâng lời minh chứng đức tin. Thật là lô-gích và kỳ diệu biết
bao!
Xét theo chuỗi hệ lụy đó, (có lẽ) chúng ta
chưa đủ tin nên chúng ta khó vâng lời, khó vâng lời vì yếu lòng tin. Nếu vậy, rõ
ràng đức tin thực sự là điều cần thiết cho tất cả mọi người chúng ta, không
ngoại trừ bất kỳ ai, và là nền tảng cho công việc chúng ta làm. Có thể nói rằng
biên độ giữa hữu thần và vô thần rất nhỏ hẹp, chỉ nhích qua nhích lại là... khác
hẳn. Một chút mà quan trọng và khó khăn, vì người ta có thể hơn thua nhau ở mức
độ sống nhân đức, sống bình thường mà lại phi thường. Các thánh là những người đã
chứng tỏ điều đó.
Lạy
Thiên Chúa chí thánh hằng hữu, trong khi chờ đón Thánh Tử Ngôi Hai giáng sinh, chúng
con thao thức nhưng vẫn chưa dứt khoát dọn dẹp đường lòng, xin thêm lòng can
đảm cho chúng con, xin cũng ban thêm đức tin và giúp chúng con sẵn sàng “xin
vâng” theo Thánh Ý Ngài – nhất là khi chúng con không được như ý muốn. Chúng
con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✠ Nhạc bản Trường Ca Giáng Sinh – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/11/truong-ca-giang-sinh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment