Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

KÍNH CHÀO MẸ MAI CÔI

NỮ TỲ VUI SỐNG ĐỜI KHIÊM HẠ
TRINH NỮ THẮM XINH ĐÓA MAI CÔI
Đất trời vào Thu rất lạ. Mùa Thu và Tháng Mười luôn đặc biệt vì nhiều “cái lạ” – từ thiên nhiên, thời gian, không gian và con người. Đối với tín nhân Công giáo càng “lạ lùng” hơn vì Tháng Mười là tháng biệt kính Đức Mẹ Mai Côi – gọi là Tháng Mai Côi. Giáo Hội Công giáo có thói quen tốt lành là cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi, cũng là suy niệm Kinh Thánh – vì Kinh Mai Côi là bản tóm lược Kinh Thánh.
Cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi không chỉ là cách tôn sùng Đức Mẹ, một trong ba mệnh lệnh Fátima, mà còn để cầu xin hòa bình cho thế giới – cách riêng cho Việt Nam nhỏ bé của chúng ta lắm gian truân mà đầy nhiễu nhương như ngày nay.
Việc sùng kính Đức Mẹ vào Tháng Mười đã được ĐGH Leo XIII (1810-1903) thiết lập ngày 1-9-1883, và ngài đã công bố con số kỷ lục là 11 Tông thư về Chuỗi Mai Côi trong triều đại giáo hoàng của ngài.
Kinh Mai Côi luôn gắn liền với ngôi làng bé nhỏ Fátima xa xôi, với cây sồi, và với ba trẻ chăn chiên. Kinh Mai Côi giản dị nhưng súc tích, bình dân mà cao cả, thực sự rất cần thiết cho mỗi tín nhân chúng ta. Thật vậy, trong lần hiện ra lần thứ 3, ngày 13-7-1917, Đức Mẹ đã kêu gọi: “Hằng ngày hãy lần Chuỗi Mân Côi để cầu bình an cho thế giới và xin chấm dứt chiến tranh, vì chỉ có Mẹ có thể giúp đỡ các con.”
Và rồi Đức Mẹ lại đề cập Kinh Mai Côi và hòa bình thế giới trong lần hiện ra lần thứ 6, ngày 13-10-1917, Đức Mẹ cho biết: “Ta là Mẹ Mai Côi. Hằng ngày hãy đọc Kinh Mân Côi để đem lại hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh.” Và Đức Mẹ đã nói với Thánh Simon Stock: “Thế giới sẽ được cứu nhờ Kinh Mai Côi và Áo Đức Bà.”

Về lịch sử, ngày 7-10 là lễ Đức Mẹ Mai Côi. Lễ này được Thánh GH Piô V thiết lập để ghi nhớ chiến thắng của Hải quân Kitô giáo đối với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận Lepanto ngày 7-10-1571. Chiến thắng này nhờ người ta cùng nhau lần Chuỗi Mai Côi dâng kính Đức Mẹ ở Rôma vào ngày giao chiến.
Xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cầu xin với Đức Mẹ mà không được nhậm lời. Hãy chạy đến với Mẹ, cầu xin Mẹ biến đổi chúng ta thành những cánh hoa để giúp cho cuộc đời này thêm tươi thắm. Giữa sa mạc khô cằn tình người, xin Mẹ luôn làm nở lên trong chúng ta những cánh hoa của yêu thương, bác ái, cảm thông, tha thứ, phục vụ,... Giữa sa mạc khô cằn niềm tin và hy vọng, xin Mẹ làm nở lên trong chúng ta những cánh hoa của tin tưởng, phó thác, cậy trông, khiêm nhường,...
Đối với các Kitô hữu, đặc biệt là các tín nhân Công giáo, không ai lại không biết “lời chào” Ave Maria. Đó là lời Sứ Thần Gabriel kính chào Đức Maria khi truyền tin theo lệnh truyền của Thiên Chúa rằng Trinh Nữ Maria sẽ trở thành Thánh Mẫu của Thiên Chúa. Và từ đó, lời chào đó trở thành phần đầu của Kinh Kính Mừng, càng trở nên quen thuộc hơn với chúng ta, nhất là trong Tháng Mười này. Phần thứ hai là lời nguyện được chính Đức Mẹ dạy cho ba trẻ tại Fátima năm xưa.
Chắc hẳn nhiều người đã quen với nhạc phẩm “Ave Maria” của nhà soạn nhạc Franz Peter Schubert, 1787-1828, người Áo. [1] Bài này đã được soạn lời Việt. Nhưng có lẽ ít người biết nhạc phẩm “Ave Maria” của nhà soạn nhạc Charles-François Gounod, 1818-1893, người Pháp. [2] Bài này ngắn gọn và giai điệu da diết, không là thánh ca mà nghe như thánh ca. Nhạc sĩ Gounod soạn bài “Ave Maria” dựa theo một nhạc phẩm Opera của Johann Sebastian Bach, 1685-1750, người Đức. Đặc biệt là lời bài này chính là lời Kinh Kính Mừng bằng tiếng LATIN: Ave María, grátia plena, Dóminus tecum. Benedícta tu in muliéribus, et benedíctus fructus ventris tui, Iesus. Sancta María, Mater Dei, ora pro nobis peccatóribus, nunc, et in hora mortis nostræ. Amen.

Kinh Kính Mừng bằng các ngôn ngữ khác:
TIẾNG Ý: Ave, o Maria, piena di grazia, il Signore è con te. Tu sei benedetta fra le donne e benedetto è il frutto del tuo seno, Gesù Santa Maria, Madre di Dio, prega per noi peccatori, adesso e nell'ora della nostra morte. Amen.
TIẾNG BỒ ĐÀO NHA: Ave-Maria, cheia de graça, o Senhor é convosco, bendita sois vós entre as mulheres a bendito é o fruto do vosso ventre, Jesus. Santa Maria, Mãe de Deus, rogai por nós, pecadores, agora e na hora da nossa morte. Amen.
TIẾNG TÂY BAN NHA: Dios te salve, María. Llena eres de gracia: El Señor es contigo. Bendita tú eres entre todas las mujeres. Y bendito es el fruto de tu vientre: Jesús. Santa María, Madre de Dios, ruega por nosotros pecadores, ahora y en la hora de nuestra muerte. Amen.
TIẾNG BA LAN: Zdrowas Mario, laskis pelna Pan z Toba, blogoslawionas Ty miedzy niewiastami I blogoslawiony owoc zywota Twojego Jezus; swieta Mario, Matko Boza, módl sie za nami grzesznymi teraz i w godzine Smierci naszej.
TIẾNG ĐỨC: Gegrüßet seist du Maria, voll der Gnade. Der Herr ist mit Dir. Du bist gebenedeit unter den Frauen und gebenedeit ist die Frucht Deines Leibes Jesu. Heilige Maria, Mutter Gottes, bitte für uns Sünder jetzt und in der Stunde unseres Todes. Amen.
TIẾNG PHÁP: Je vous salue, Marie, pleine de grâces, le Seigneur est avec vous; vous êtes bénie entre toutes les femmes, et Jésus le fruit de vos entrailles, est béni. Sainte Marie, Mère de Dieu, priez pour nous pécheurs, maintenant, et à l'heure de notre mort. Amen.
TIẾNG ANH: Hail Mary, full of grace, our Lord is with thee (you), blessed art thou (you) among women, and blessed is the fruit of thy womb, Jesus. Holy Mary, Mother of God, pray for us sinners, now and at the hour of our death. Amen.
TIẾNG VIỆT: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
Thánh Phaolô khuyên: “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa.” (Ep 5:19) Mặc dù nhạc phẩm “Ave Maria” của NS Charles-François Gounod không là thánh ca, nhưng chúng ta vẫn khả dĩ thưởng thức trong tâm tình cầu nguyện, đặc biệt trong Tháng Mười này. Và tất nhiên Chúa và Mẹ cũng vẫn đại lượng chúc lành cho chúng ta, nếu chúng ta thành tâm tin yêu các Ngài.
Truyền thuyết đạo đức “lần Chuỗi Mai Côi” liên quan Thánh Đa-minh (Dominic). Một tu sĩ Dòng của Thánh Đa Minh, người thiết lập 15 Lời Hứa Mai Côi từ thế kỷ XV, và một tu sĩ Dòng Carthusia là Đa-minh Prussia đã thêm phần suy niệm vào Kinh Kính Mừng. Có 15 mầu nhiệm truyền thống được Thánh GH Piô V tiêu chuẩn hóa. Và rồi Thánh GH Gioan Phaolô II đã thêm 5 mầu nhiệm Sáng.
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 29-9-2002, ĐGH Gioan Phaolô II giải thích lý do ngài thêm 5 Mầu Nhiệm Ánh Sáng vào bộ 15 mầu nhiệm thế này: “Để bản tổng hợp Phúc Âm này được trọn vẹn hơn, cũng như để thêm khởi sắc, trong Tông Thư Kinh Mai Côi của Đức Trinh Nữ Maria, tôi đã đề ra năm mầu nhiệm khác nữa, thêm vào những mầu nhiệm vốn được suy niệm trong Kinh Mai Côi, và tôi gọi 5 mầu nhiệm mới này là ‘các mầu nhiệm ánh sáng.’ Các mầu nhiệm ánh sáng bao gồm đời sống công khai của Đấng Cứu Thế, từ biến cố phép rửa ở sông Giođan cho đến khi bắt đầu Cuộc Khổ Nạn. Mục đích của việc đề ra này là để mở rộng chân trời Kinh Mai Côi, nhờ đó, những ai lần hạt Mai Côi với lòng sùng mộ, chứ không phải một cách máy móc, mới có thể càng đi sâu hơn nữa vào nội dung của Tin Mừng, và càng kết hợp cuộc sống của mình hơn nữa với cuộc sống của Chúa Kitô.”
Kinh Mai Côi rất giá trị. Đây là vài nhận định của các thánh về Kinh Mai Côi:
– Thánh Padre Pio: “Hãy yêu mến Đức Mẹ và hãy lần chuỗi Mai Côi, vì chuỗi Mai Côi là vũ khí chống lại sự dữ trong thế giới ngày nay. Kinh Mai Côi là vũ khí cho mọi thời đại. Mọi ân sủng đều được Thiên Chúa trao ban qua Đức Mẹ.”
– Chân phước Piô IX: “Hãy cho tôi một đạo quân đọc Kinh Mai Côi và tôi sẽ chiến thắng thế giới.”
– Chân phước Alan de la Roche: “Kinh Mai Côi là kho chứa vô vàn ơn lành.”
– Thánh Gioan Phaolô II: “Kinh Mai Côi là mầu nhiệm của các mầu nhiệm. Lần chuỗi Mai Côi là giao phó những gánh nặng cho Thánh Tâm Thương Xót của Chúa Kitô và Đức Mẹ.”
Lạy Nữ Vương rất thánh Mai Côi – Xin cầu cho chúng con, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Lễ Đức Mẹ Mai Côi – 2018
GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
Dictionarium Anamitico Latinum của ĐGM AJ. L. Taberd (năm 1838) không có từ Mân Côi, Văn Côi, Mai Khôi. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, ấn bản 1895-1896 có từ Môi Khôi, được định nghiã là (1) hoa hồng; (2) loài ngọc qúy. Ông ghi chú thêm: phải đọc là Mai, không nên đọc là Môi. Thuật Ngữ Thần Học Anh Việt của Học Viện Đa-minh (năm 2002) định nghĩa Rosary là Chuỗi Mân Côi do tiếng Latin Rosarium: Tràng Hoa Hồng. Từ Điển Văn Học Việt Nam của Lm Trần Văn Kiệm (năm 2007) định nghiã các từ Môi Khôi, Mân Côi, Môi Côi, Mai Khôi: Hoa Hồng.
Hán Việt đọc là Mai hay Mân, nhưng Mai là từ đúng nhất. Từ điển của Đào Duy Anh, của Ban Tu Thư Nghĩa Thục, của Huỳnh Tịnh Paulus Của đều chỉ ghi từ Mai. Còn Mân hay Môi chỉ là cách phát âm khác của Mai. Từ điển của LM Trần Văn Kiệm đều viết Mai hay Mân là . Bô Khang Hy Tự Điển ghi Mai và Môi đồng âm. Ngoài ra theo Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn thì thì Mân Côi hay Văn Côi được viết như nhau  . Có nghĩa là hoa hồng và đá ngọc. Từ điển này cũng viết dùng Văn Côi để chỉ sợi vân của ngọc.
Tóm lại, theo các từ điển, từ MAI CÔI LÀ ĐÚNG NHẤT. Các từ Mân, Môi hoặc Văn chỉ là âm khác của từ Mai. Tuy nhiên, người Việt xưa nay đã quen thuộc với cách nói Mân Côi.
[Đăng báo TTĐM số 501-502, tháng 9 và 10-2019, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc xuất bản tại Hoa Kỳ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment