Chứng minh là hình thức suy luận để xác định tính chân lý của một vấn đề bằng cách đưa ra các dẫn chứng cụ thể. Trong văn chương có loại luận văn chứng minh, chẳng hạn muốn chứng minh câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim,” người ta cần dẫn chứng bằng các trường hợp điển hình trong cuộc sống đời thường – cách “mài sắt” để có được “cây kim.”
Tương tự, đức tin cũng cần có cách thể hiện
cụ thể, nếu không thì chỉ là “đức tin chết.” (Gc 2:17 và 26) Đức tin thực sự quan
trọng trong đời sống Kitô hữu. Albert Camus (1913-1960, triết gia và ký giả
người Pháp) có cách lý luận thú vị về niềm tin: “Tôi thà sống cả đời TIN có Thần Linh rồi chết mà phát hiện không có,
còn hơn sống cả đời KHÔNG TIN rồi chết mới phát hiện CÓ Thần Linh.”
Cuộc sống thế gian có nhiều thứ trái ngược
hoặc đối lập (phải – trái, trên – dưới, cao – thấp, tốt – xấu,…), một trong các
cặp đôi đối lập “đặc biệt” là Yêu – Ghét. Đó là hai động thái trái ngược nhau,
nhưng luôn xảy ra song song. Lằn ranh giữa yêu và ghét quá mong manh đến nỗi
khó nhận ra. Khi ghét mà người ta cứ tưởng là mình đang yêu, và khi bảo là yêu
mà thực ra lại chỉ là ghét!
Chắc chắn rằng không ai lại ghét chính mình, có
lẽ vì thế mà đôi khi người ta lại yêu mình thái quá. Đó là tự ái – tự yêu mình
quá mức. Nhưng Chúa Giêsu dạy phải “ghét mình” và “yêu tha nhân” (quên mình mới
có thể quan tâm người khác). Chúa Giêsu luôn có kiểu “ngược đời” như vậy, nhưng
xét cho cùng thì rất có lý. Liệu Ngài có quá đáng hoặc xúi giục chúng ta làm
điều dại dột?
Cứ cho là cũng có thể “hơi quá đáng” đối với
chúng ta, nhưng tuyệt đối Ngài không hề xúi dại ai mà chỉ nói thật. Chúa bảo
chúng ta “ghét mình” vì Ngài biết chúng ta dễ ỷ lại, thích tự tôn, ưa tự cao tự
đại, khoái “nổ” banh-ta-lông, dễ sinh tật, khó thuần hóa, thế nên Ngài phải đặt
“hàm thiếc” vào chúng ta để kiềm chế thói bướng bỉnh của chúng ta. Mà cũng rất
hợp lý, bởi vì nếu Ngài không làm vậy thì chúng ta sẽ dám chỉ coi trời bằng…
nắp bia mà thôi!
Trình thuật Is 50:4-8 là bài ca thứ ba trong
các Bài ca Người Tôi Trung. Tôi trung nào cũng khổ sở trần ai khoai củ, te tua
tơi tả. Không đâu xa, lịch sử Việt Nam cho thấy có những trung thần mà phải bị
hàm oan, trong Giáo hội Công giáo cũng không thiếu những con người bị khổ oan
như vậy, thậm chí có những vị thánh đã từng bị vạ tuyệt thông một cách oan ức
nhưng vẫn kiên quyết tới cùng!
Nói về Người Tôi Trung, ngôn sứ Isaia cho
biết: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi
nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.
Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một
người môn đệ. Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng
lại, cũng chẳng tháo lui.” (Is 50:4-5) Ngoan cường quá! Không ngại khó,
không sợ khổ, không “tham sanh, úy tử” (ham sống, sợ chết). Thế mới xứng danh
Người Tôi Trung. Và đó chính là hình bóng của Đức Kitô – Đấng Cứu Độ duy nhất
của nhân loại.
Tiếp tục ngôn sứ Isaia tường thuật: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ
má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.”
(Is 50:6) Rất tự tin, rất hiên ngang. Mọi gian truân chẳng là cái gì ráo trọi! Tại
sao vậy? Ông cho biết rõ ràng về động lực thúc đẩy: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. Đấng
tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên.” (Is 50:7-8a) Càng lúc càng
an tâm, vững dạ; càng lúc càng tin tưởng dù gặp đủ thứ gian nan khốn khó. Ngôn
sứ Isaia “đặt vấn đề” rất thẳng thắn, ngỡ như thách thức: “Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu tòa! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ
thử đến đây coi!” (Is 50:8b) Rất mạnh mẽ và kiên cường, bởi vì sống công
chính thì chẳng có gì phải sợ, và cũng chẳng ngán bất kỳ ai. Mãi mãi vẫn cứ là
chính mình!
Thật vậy, nếu theo Chúa và hoàn toàn tín thác
vào sự quan phòng của Ngài, chúng ta sẽ không ngại nói chắc chắn: “Lòng tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe
tiếng tôi khẩn nài, Ngài lại lắng tai ngày tôi kêu cứu.” (Tv 116:1-2) Và mặc
dù “dây tử thần đã bủa vây chằng chịt, lưới âm ty chụp xuống trên mình,” (Tv
116:3) chúng ta cũng vẫn ngước cao đầu mà tiến bước, không hề chùn chân hoặc
thối chí. Nếu có gặp gian truân sầu khổ thì vẫn một mực thành tín kêu cầu danh
Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin cứu gỡ mạng con!”
(Tv 116:4) Chắc chắn Ngài sẽ thương mà giải thoát ngay, vì Ngài luôn đồng hành
với chúng ta, nhất là trên những chặng đường đầy chông gai. Vả lại, Ngài chính
là Thiên Chúa tình yêu, (1 Ga 4:8 và 16) là Đấng nhân từ chính trực, luôn một
dạ xót thương, hằng gìn giữ những ai bé mọn, những người yếu đuối, đặc biệt là
luôn giữ lời hứa. Thánh Vịnh gia đã minh chứng cụ thể và sống động: “Chúa cứu gỡ mạng tôi khỏi chết, giữ mắt này
chẳng còn đẫm lệ, ngăn ngừa tôi khỏi phải hụt chân. Tôi sẽ bước đi trước mặt Ngài
trong cõi đất dành cho kẻ sống.” (Tv 116:8-9) Thật vậy, Ngài là Thiên Chúa
của người sống chứ không của người chết, toàn năng và bất biến.
Một kiểu đặt vấn đề rất thú vị của Thánh
Giacôbê: “Ai bảo rằng mình có đức tin mà
không hành động theo đức tin, nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy
được chăng?” (Gc 2:14) và ngài phân tích: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ
của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc
cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần,
thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2:16) Tất nhiên đời sống tâm linh của chúng ta cũng
vậy, “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” (Gc 2:17 và 26) Một
cách định nghĩa đức tin rất ngắn gọn mà sâu sắc và tuyệt vời. Quả thật là vậy, và
vấn đề rất rạch ròi: “Bạn có đức tin; còn
tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn
tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.” (Gc 2:18) Chỉ có
nước cứng họng, chẳng ai có thể đưa ra bất cứ lý do nào để tự biện hộ. Cách
biện luận của Thánh Giacôbê rất thuyết phục, chắc hẳn ai cũng phải “tâm phục,
khẩu phục.”
Một lần nọ, Chúa Giêsu đã từng “ví von” thế
này: “Có người nào trong anh em, khi con
mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con
rắn?” (Mt 7:9-10) Nghe rồi thì chỉ có nước câm miệng chứ ai có thể phản
biện được gì? Đó là cách sống yêu thương, sống đức tin, sống đạo (chứ không chỉ
giữ đạo), và là cách thể hiện lòng thương xót của Chúa. Đừng thương xót Chúa mà
hãy thương xót nhau, cũng như Chúa Giêsu đã nói thẳng: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì
khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23:28) Tất nhiên, Ngài không nói
với các nữ giới mà nói với mọi người – bất kể ai.
Và rồi vào một dịp khác, khi Đức Giêsu và các
môn đệ tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Ngài hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8:27) Các
ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy
Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc
8:28). Ngài lại hỏi các ông: “Còn anh em,
anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô nhanh nhẹn đại diện trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” (Mc 8:29) Một câu
trả lời trên cả tuyệt vời, Phêrô nhà ta là “số dzách,” là “number one,” và cũng
thật kỳ lạ!
Vậy mà Thầy Giêsu liền nghiêm mặt và cấm ngặt
các ông không được nói với ai về Ngài. Sau đó, Ngài không nói về vinh hoa, phú
quý, hoặc chức quyền, địa vị, mà Ngài bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người
phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết
chết và sau ba ngày, sống lại. Thánh Mác-cô cho biết rằng Chúa Giêsu nói rõ về điều
đó, không hề úp mở. Sự thật không thể khác được, mặc dù đó là điều rất buồn!
Ôi chao, có lẽ Phêrô nhà ta “cụt hứng” nên
ông liền kéo riêng Thầy ra và bắt đầu trách. Nhưng Ngài quay lại nhìn các môn
đệ và thẳng thắn trách mắng ông Phêrô: “Satan!
lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên
Chúa, mà là của loài người.” (Mc 8:33) Chúa Giêsu chưa một lần trách ai
nặng như đã trách vị giáo hoàng tiên khởi. Điều đó chứng tỏ Chúa rất công bình,
chính trực, hay thì khen mà dở thì phang ngay, không thiên tư hoặc vị nể chi
hết. Tuyệt! Thật vậy, những người khác chỉ bị trách là thế này hay thế nọ, còn giáo
hoàng Phêrô bị nguyền rủa là Satan. Quá nặng, nhưng phải nghiêm khắc chấn chỉnh
như thế mới có thể nên người được!
Chúa Giêsu nói xong thì thôi, không hề để
bụng. Rồi Ngài liền gọi đám đông cùng với các môn đệ lại và nói: “Ai MUỐN THEO tôi, PHẢI TỪ BỎ chính mình, VÁC
thập giá mình mà theo.” (Mc 8:34) Thuận ngôn thì nghịch nhĩ. Khó quá, Chúa
ơi là Chúa! Thế nhưng Ngài vẫn thật thà và thẳng thắn: “Ai muốn CỨU mạng sống mình thì sẽ MẤT; còn ai liều MẤT mạng sống mình
vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ CỨU được mạng sống ấy.” (Mc 8:35) Hoán vị từ
ngữ rất độc đáo. Thế nhưng Ngài không ép, hoàn toàn cho phép tự do chọn lựa. Tùy
ý mỗi người. Thích thì chiều. Vấn đề quan trọng không là thưa “có” hoặc nói “không,”
mà là phải chứng minh được điều đó bằng động thái cụ thể, rạch ròi!
Liên quan việc chứng minh, Hc 46:13-14 cho
biết về ông Samuel: Ông là người được Chúa yêu thương, là ngôn sứ, là người
thiết lập nền quân chủ, là người xức dầu tấn phong các vị lãnh đạo dân, có
quyền xét xử cộng đồng theo Luật Chúa. Trước khi qua đời, ông đã chứng minh trước
mặt Chúa và Đấng được xức dầu: “Của cải,
thậm chí cả giày dép, tôi đã không lấy của một ai!” Và chẳng có ai cáo tội
ông. Một tấm gương sáng về tính liêm khiết.
Lạy
Chúa Tể càn khôn, chúng con chỉ là những tội nhân khốn nạn, thế mà lúc nào cũng
tìm dịp “nổi dậy” bằng lắm chiêu nhiều cách, chỉ đòi được Ngài thương mà không
muốn yêu tha nhân, không muốn bị ghen ghét mà lúc nào cũng liếc xéo hoặc mỉa
mai tha nhân. Chúng con thật hồ đồ và đáng tội. Xin Ngài thương xót, tha thứ,
và giúp chúng con chứng minh bằng cách từ bỏ chính mình theo đúng ý Con Một
Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của
nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment