Người xưa nói: “Tâm phẫn xí, tắc bất đắc kỳ chính”. Khi lòng mình tức giận thì không còn ngay thẳng nữa, bởi vì “con quỷ giận dữ” đã khiến chúng ta mù quáng rồi. Thật chí lý khi Việt ngữ dùng từ “giận dữ”, bởi vì cơn giận nào cũng dữ lắm, kinh khủng lắm, chẳng khác gì đợt sóng cồn duềnh lên bất ngờ và cuốn trôi mọi thứ – cả cái tốt lẫn cái xấu. Thảo nào Chúa Giêsu dạy PHẢI YÊU THƯƠNG và CHỚ OÁN THÙ.
Chuyện kể rằng... Có một con rắn bò vào một cửa hàng bán đồ làm mộc. Khi bò ngang qua một cái cưa, nó vô tình bị lưỡi cưa làm bị thương. Nó liền quay lại và cắn cái cưa. Càng cắn, miệng nó càng chảy máu.
Nó không hiểu chuyện gì xảy ra, cứ tưởng cái cưa đang tấn công mình, thế là nó quyết định quấn chặt lấy cái cưa với ý định làm cho cái cưa ngạt thở vì sức mạnh của nó đang trong cơn giận dữ.
Cuối cùng, chuyện gì đã xảy ra? Chính con rắn bị chết bởi một cái cưa vô tri vô giác. Thật ngu xuẩn!
Con rắn ngu xuẩn kia là hình ảnh mỗi chúng ta trong lúc tức giận người khác. Khi đó, chúng ta phản ứng dữ dội vì muốn làm tổn thương người đã đối xử tệ với mình để trả thù, thế nhưng thật ra chính chúng ta tự làm tổn thương mình mà thôi.
Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta nên làm ngơ trước sự việc hoặc con người khi mình không vừa ý. Nếu vì “cái tôi” của mình mà phản ứng lại, điều tồi tệ có thể xảy ra còn kinh khủng hơn trước. Tốt nhất là hãy luôn ứng xử với tình yêu thương và sự tha thứ, mặc dù phải nỗ lực rất nhiều.
Chúa Giêsu dạy bài học nhân từ là CHỚ TRẢ THÙ (Mt 5:38-42; Lc 6:29-30) và PHẢI YÊU KẺ THÙ (Mt 5:43-48; Lc 6:27-28, 32-36 ). Ai gieo giống gì sẽ gặt giống ấy. Gieo thù hằn sẽ chuốc oán hận. Gieo yêu thương sẽ được an hòa. Ai tha thứ sẽ được Chúa thứ tha. Vì thế, hãy cố gắng sống chân thành và cầu nguyện cho nhau – kể cả người ghét mình.
Nếu cứ oán thù nhau thì cấp độ cứ tăng lên theo cấp số cộng rồi cấp số nhân, không bao giờ chấm dứt. Vì THÙ mà OÁN, rồi vì OÁN mà THÙ, cứ thế và cứ thế... Thật là nguy hiểm – nguy hiểm đối với cả thể lý và tinh thần! Cần phải có một người tha thứ. Ai tha thứ thì đó là người cao thượng. Tha thứ không có nghĩa là đầu hàng, chịu thua, lép vế, mà là “bỏ qua” – dù có thể khó quên. Tha thứ là giải thoát. Robin Casarjian giải thích: “Khi tha thứ, bạn không còn lệ thuộc vào người đã làm mình tổn thương”. Thật vậy, sự tha thứ kéo chúng ta ra khỏi sự giận dữ của người khác và cho phép chúng ta sống thanh thản.
Thật tuyệt vời với lời cầu nguyện hòa bình của Thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…”. Đó là nền tảng chắc chắn và bảo đảm cho mọi thứ hòa bình trong xã hội loài người – từ phạm vi gia đình cho tới tầm vóc quốc tế.
TRẦM THIÊN THU
Chiều 9-8-2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment