Monday, April 16, 2018

MÙI CHIÊN

Một hôm, bất chợt cậu lễ sinh tròn mắt nhìn linh mục xứ và nói:
– Ôi, cha có mùi gì lạ thế?
– Mùi gì là mùi gì?
– Con không xác định được, nhưng hình như là mùi... heo!
Linh mục cười và xoa đầu cậu bé:
– À, tưởng gì. Cái thằng này thính mũi thế. Này, cha mới tắm cho mấy con heo bên nhà hàng xóm, mùi heo là tất nhiên rồi!
– Sao cha lại làm việc ấy?
– Không có việc xấu, chỉ có người xấu. Ông ấy đã già, không thân nhân, nuôi heo để sinh sống. Mấy hôm nay ông ấy bị mệt, cha phải giúp ông ấy thôi.
– Dạ, con hiểu rồi.
Hôm sau, cậu lễ sinh cười:
– Ôi, hôm nay cha lại có mùi gì kỳ lắm. Mùi này tanh lắm!
– À, hồi nãy cha đi thăm mấy bệnh nhân nằm liệt, không ai giúp đỡ, cha phải giúp họ vệ sinh cá nhân.
– Dạ, con hiểu rồi.
Tuần sau, cậu lễ sinh ngạc nhiên nói:
– Mùi lúc này khác lạ lắm, cha ơi!
– Thế con thấy mùi gì?
– Mùi này không hôi, không tanh, không khó chịu, mà thơm tho lắm, dễ chịu lắm.
– Cái thằng này, mũi thính thế!
Cậu bé gãi đầu, ngập ngừng:
– Nhưng...
– Nhưng gì nào?
– Nhưng... con thích... ngửi mùi hôi... hơn mùi... thơm.
Linh mục tròn mắt:
– Sao vậy? Thơm không thích mà thích hôi à?
– Mùi hôi tanh là mùi thật. Mùi thơm là mùi giả. Cha hôi thì con còn muốn đến gần, cha thơm thì con không dám đến gần, vì cha sang trọng quá! Chúa Giêsu cần chiên đen hơn chiên trắng, luôn gần gũi người nghèo khổ chứ đâu có thân thích với người giàu có.
– Cha xin lỗi và cảm ơn con. Từ nay cha sẽ cố gắng giống Ngài hơn!
Câu chuyện nhỏ, cụ thể với loại “mùi lạ” cần thiết đối với một mục tử đích thực. Chắc hẳn lời này quá quen: “Chúa là Mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.” (Tv 23:1) Câu này mô tả sự an tâm, và chúng ta có an tâm?
Ai cũng là tội nhân. Mặc dù chúng ta chỉ là những con chiên lạc, chiên ghẻ, chiên quậy phá, chiên bướng bỉnh,… (x. Lc 15:4-7) nhưng Thiên Chúa quá đỗi yêu thương chúng ta và muốn chúng ta đồng hưởng vĩnh phúc với Ngài: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16) Ngài sai Con Một đến thế gian không để luận phạt mà để giải thoát chúng ta: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ.” (Ga 3:17) Ngài “không lên án” cũng đủ hạnh phúc đối với chúng ta rồi, thế mà Ngài còn muốn chúng ta “được cứu độ.” Đó là điều tích cực nơi Thiên Chúa, và hạnh phúc của chúng ta tăng theo cấp số nhân.
Kinh Thánh cho biết chi tiết: Bấy giờ, ông Phêrô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ: “Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nadarét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị.” (Cv 4:8-10) Các tông đồ đã nhân danh Đức Kitô chữa lành bệnh tật cho người khác, điển hình là một người tàn tật được chữa lành và đang đứng trước mặt mọi người.
Lúc trước, dù rất thân quen nhưng có lúc các tông đồ đã tưởng Thầy Giêsu là “bóng ma,” bởi vì bao nỗi lo sợ còn vây quanh họ. Nhưng Ngài củng cố niềm tin cho họ bằng nhiều cách, và rồi họ đã trở thành “con người mới” hoàn toàn. Thật vậy, ông Phêrô khẳng khái nói: “Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường.” (Cv 4:11; Tv 118:22) Chính “viên đá bị loại bỏ” lại hóa thành “viên đá nền tảng”, mà người loại bỏ viên đá đó chẳng ai xa lạ – chính mỗi chúng ta. Thế mà Đức Kitô vẫn yêu thương và tìm kiếm chúng ta về hưởng hạnh phúc với Ngài. Thật quá kỳ diệu!
Chúng ta đã được biết Đức Kitô là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, là Đấng-Gánh-Tội-Trần-Gian và là Đấng-Xóa-Tội-Trần-Gian. Kinh Thánh xác định: “Ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4:12)
Và vì thế, chắc chắn chúng ta phải hết lòng “tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118:1 & 29) Thật vậy, Thánh Vịnh gia đã xác định rạch ròi:
Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời
Thì hơn tin cậy ở người trần gian
Cậy vào thần thế vua quan
Chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời
Con xin cảm tạ Ơn Ngài
Vì đã đáp lời và cứu độ con
(Tv 118:8-9 và 21)
Thật kỳ diệu khi Thiên Chúa đã chuyển bại thành thắng, biến yếu thành mạnh, làm đồ bỏ thành đồ quý. Đối với loài người thì phải chịu “bó tay”, nhưng đối với Thiên Chúa lại hoàn toàn khả thi. (x. Mt 19:26) Đó là công trình kỳ diệu của Ngài trước mắt loài người! Ôi, chúng ta có một Vị Chúa quyền năng như vậy thì sao lại không hạnh phúc và hãnh diện chứ? Chắc chắn đó là sự tôn thờ chính đáng của chúng ta, không hề mơ hồ hoặc mù quáng.
Xin tạ ơn Chúa về một tấm gương sáng, một sự thật bất ngờ và thú vị: Giáo dân xứ Chúa Ba Ngôi bất ngờ, và cả thủ đô Paris (Pháp) cũng ngạc nhiên, khi biết quyết định của Đức Cha tân cử Philippe Christory (60 tuổi): Đi bộ suốt 100 km khi đến nhận nhiệm sở là GP Chartres – lễ tấn phong ngày 15-4-2018. Hành trình đi bộ của ngài kéo dài 5 ngày, mỗi ngày đi khoảng 20 km. Thật tuyệt vời, phù hợp với khẩu hiệu Giám mục của ngài: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10:10b) – trùng hợp với Tin Mừng hôm nay.
Mùi chiên cũng có nhiều loại. Chiên béo mập có mùi thơm, chiên gầy ốm có mùi hôi tanh. Mục tử nào có mùi loại chiên nào thì chúng ta biết đó là loại mục tử thật hay giả, chủ chiên hay thợ chiên. Rất rạch ròi, hoàn toàn đúng với hệ lụy tất yếu, KHÔNG THỂ BIỆN HỘ chi cả. Người ta NHÌN chứ KHÔNG NGHE.
Một thực tế buồn tại Việt Nam: Có một số linh mục uống rượu quá mức, uống hơn cả người đời, rồi chỉ thân quen với “chiên béo” và thích “lễ béo” mà thôi, ngôn – hành đối lập! Hay ho gì và hãnh diện gì khi muốn chứng tỏ mình là “hũ chìm” chứ? Đó là một dạng mê vật chất, mê ăn uống – tức là tham lam, mà “tham lam cũng là thờ ngẫu tượng,” (x. Ep 5:5; Cl 3:5) thế thì chỉ là thợ chiên hoặc kẻ chăn chiên thuê, không thể là chủ chiên đích thực.
Cung và cầu có liên quan với nhau, hầu như không thể tách rời. Thánh sử Gioan nhắc chúng ta: “Anh chị em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Ngài yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con của Thiên Chúa.” (1 Ga 3:1a) Chúng ta là những tội nhân khốn nạn, đáng trừng phạt muôn kiếp vẫn chưa đủ, vậy mà Thiên Chúa bắt Con của Ngài chết thay chúng ta, và tiếp tục nhận những tử-tội-chúng-ta làm “thiên tử,” thực sự là con-của-Trời chứ đâu phải các vua chúa hay quan quyền mới được làm thiên tử. Hơn cả tuyệt vời, vượt mức kỳ diệu, làm sao chúng ta có thể tưởng tượng nổi. Ơn phải đền, nghĩa phải trả – tâm tình thành thật thực tế!
Nguyên nhân và kết quả (hoặc hậu quả) cũng có hệ lụy với nhau. Thánh Gioan giải thích: “Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Ngài.” (1 Ga 3:1b) Thế gian không nhận ra Chúa Giêsu là ai, không công nhận Ngài là Chúa, thế nên họ cũng không thể nhìn nhận chúng ta là con cái của Thiên Chúa, nói cho “oai” theo Hán-Việt là thiên tử. Thật vậy, Thánh Gioan nói: “Hiện giờ chúng ta là con của Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng, khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Ngài, vì Ngài thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.” (1 Ga 3:2) Câu này xác định niềm hy vọng đối với mỗi chúng ta. Là con của người cha thì “con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh” và được ở trong nhà của người cha, là con của Thiên Chúa thì chắc chắn cũng được ở trong Nhà của Thiên Chúa – tức là Nước Trời, và cũng được nên giống Thiên Chúa trong vinh quang Thiên Quốc vĩnh hằng.
Chính Chúa Giêsu minh định: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10:11) Đó là chân dung một vị mục tử đích thực. Nếu không thật thì sao? Ngài giải thích: “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy,” (Ga 10:12a) do đó “sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên.” (Ga 10:12b-13) Trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đời thường cũng cho chúng ta thấy rõ tình trạng ai thật và ai giả.
Xã hội hay tôn giáo cũng có thật – giả, và vì thế, có lần Chúa Giêsu đã thẳng thắn cảnh báo: “Anh chị em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh chị em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai.” (Mt 7:15-16) Xem trái biết cây, đơn giản mà thâm thúy, như người Việt Nam cũng có ý tương tự: “Rau nào sâu nấy.” Kinh Thánh tường thuật cuộc xử kiện của vua Salômôn một cách khôn ngoan để xác định được ai là người mẹ thật của đứa bé, (1 V 3:16-38) chứng tỏ ông là người được Thiên Chúa ban cho ơn khôn ngoan kỳ lạ.
Không chỉ xác định chính mình là Mục Tử nhân hậu, Chúa Giêsu còn xác định Ngài là “Cửa của chuồng chiên.” (Ga 10:7 & 9) Và Ngài nói: “Ai qua Tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ”. Đồng thời Ngài cũng nhận định để “lưu ý” các ngôn-sứ-giả: “Kẻ trộm chỉ đến để ĂN TRỘM, GIẾT HẠI và PHÁ HUỶ,” (Ga 10:10a) và nói về chính Ngài: “Phần Tôi, Tôi đến để cho chiên ĐƯỢC SỐNG và SỐNG DỒI DÀO.” (Ga 10:10b)
Chúa Giêsu 2 lần xác định trong Phúc Âm hôm nay: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành.” (Ga 10:11 & 14a) Tại sao? Chúa Giêsu giải thích một đặc điểm khác của vị mục-tử-đích-thực: “Tôi BIẾT chiên của Tôi, và chiên của Tôi BIẾT Tôi.” (Ga 10:14b) Chủ chiên luôn biết rõ từng con chiên, người chăn chiên thuê thì chiên nào ra sao cũng mặc kệ! Ngài so sánh rất thực tế và dễ hiểu: “Như Chúa Cha biết Tôi, và Tôi biết Chúa Cha, và Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10:15) Thậm chí Ngài còn nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng Tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (Ga 10:16) Lòng Thương Xót của Ngài quá bao la, khôn dò và khôn ví!
Nếu chú ý đọc từng câu, từng chữ trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể cảm thấy như uống từng giọt-mật-ngọt-ngào, và rồi có thể vừa thú vị vừa thấm thía nhiều điều – cả mặc nhiên và minh nhiên, cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Như một cách kết luận, Chúa Giêsu quả quyết: “Mạng sống của Tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính Tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.” (Ga 10:18a) Tại sao vậy? Chính Ngài cho biết lý do: “Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha Tôi mà Tôi đã nhận được.” (Ga 10:18b) Tuyệt vời, bởi vì Thiên Chúa là “Đấng cầm quyền sinh tử.” (1 Sm 2:6-7; Đnl 32:39) Ôi, Chúa của chúng ta như vậy nên hạnh phúc của chúng ta phải tính theo cấp số nhân!
Người thật thì tâm thật, người giả thì tâm giả. Vào thế kỷ XIX, vua Tự Đức và triều thần đã bỏ qua những lời “điều trần” của chí sĩ Nguyễn Trường Tộ (1839–1871, học giả Công giáo) về sự đổi mới. Không chỉ vậy, vua quan thời đó còn nghi ngờ, bài xích, khiến ông đành ôm hận mà qua đời và để lại hai câu thơ nổi tiếng: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận – Tái hồi đầu thị bách niên cơ.” (Một bước sa chân, nghìn đời mang hận – Quay đầu nhìn lại, cơ đồ đã hóa trăm năm.) Đó cũng là lời nhắc nhở đối với mỗi chúng ta vậy!
Lạy Thiên Chúa nhân lành, xin muôn vàn tạ ơn Ngài đã tha thứ và tái nhận chúng con làm con cái của Ngài, đồng thời được trở nên tiểu đệ và tiểu muội của Đại Huynh Giêsu. Xin Ngài luôn ban cho Giáo Hội có những tâm hồn biết quảng đại dấn thân trở thành linh mục, tu sĩ, làm tông đồ đích thực tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu Kitô, hôm nay và cho đến tận thế. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU

No comments:

Post a Comment

Comment