Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

DẤU CHẤM THAN

Người ta nói: “Thùng RỖNG kêu TO.” Ngụ ý nói rằng “thùng ĐẦY không thể KÊU TO.” Con người cũng thế, nghe nói có thể biết là Thật hay Giả. Đời thường có nhiều nghịch lý lắm!
Có những người thường nói: “Tôi không như người ta, tôi thế này…, tôi thế nọ…” Nhưng thực chất lại khác. Đó chỉ là “bức bình phong” che giấu sự thật phũ phàng phía sau. Đó là “phong cách” của Nhóm Biệt Phái (Pharisêu) – cả Nhóm Sađốc cũng thế thôi.
Có đầy mới tràn. Trong sao, ngoài vậy. Người giỏi võ không hề khua múa, kẻ kém cỏi thích dùng vũ lực để chứng tỏ “bản lĩnh,” luôn “ngứa chân, ngứa tay.” Những kẻ ưa “nổ” hoặc “chảnh” đều thuộc loại người như vậy. Họ càng nói càng chứng tỏ “cái bụng” phệ mà rỗng tuếch, càng nói càng thấy rõ cái ngu. Xã hội ngày nay thấy có nhiều người như thế – nhất là những “ông to, bà lớn,” bởi vì người ta chỉ ưa hình thức, trọng bề ngoài. Trong tôn giáo cũng có loại người đó. Bề trong càng “xấu xa” thì càng muốn tô điểm bề ngoài hào nhoáng, lộng lẫy. Chúa Giêsu gọi đó là dạng “mồ mả tô vôi.” (Mt 23:27)
Có những người nghèo nhưng tỏ ra “đại gia,, vung tay quá trán còn hơn Công tử Bạc Liêu. Các lĩnh vực khác cũng tương tự. Sợ người khác biết mình dở nên tìm mọi cách để chê trách người khác. Có được “ba chữ lem nhem” mà dám khoác lác như Bách khoa Tự điển.
Quảng cáo là một dạng “khoe mẽ” hoặc “khoác lác” – tức là “nổ” thôi. Quảng cáo rất hay nhưng thực chất khác, đôi khi hoàn toàn trái ngược. Kinh nghiệm về vấn đề này ai cũng có.
Cuộc sống cũng “tích lũy” cho chúng ta thêm nhiều kinh nghiệm khác: Các khẩu hiệu đôi khi cũng chỉ là… khẩu hiệu. Nghĩa là lời nói không song song với việc làm. Chẳng hạn: chỗ nào có bảng “cấm đổ rác” thì đầy rác, nơi nào có bảng “ấp văn hóa” hoặc “phường văn hóa” thì chẳng thấy văn hóa đâu, nơi nào có ghi “chí công, vô tư” thì chỉ thấy bất công và phe cánh, nơi nào hô hào “độc lập, tự do, hạnh phúc” là nơi thiếu chính những thứ đó. Thực tế cho thấy điều đó, bởi vì những nơi có tự do thì người ta không cần nói chi cả, nơi nào có văn minh thì chẳng cần khua chiêng, gõ mõ làm gì. Và nơi nào “quảng cáo” là thiên đường thì nơi đó không bao giờ là thiên đường, thậm chí còn là “địa ngục trần gian.”
Dục Tử dạy chí lý: “Biết đúng mà không theo, đó là ngu dại; biết sai mà không sửa, đó là mê muội.” Cách ngụy biện nào cũng thật đáng sợ! Lão Tử xác định: “Biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy.”
Người ta có câu: “Nhân thùy vô quá. Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên.” (Tả Truyện) Tức là con người ai cũng có lỗi lầm. Có lỗi mà có thể sửa thì không gì tốt đẹp bằng, nhưng nếu có lỗi mà không muốn sửa thì chính là phạm thêm một tầng sai lầm nghiêm trọng. Đúng như Khổng Tử nói: “Quá nhi bất cải, thị vị quá hĩ.” – Sai mà không chịu sửa, đó mới là sai. Dấu chấm than rất đáng quan ngại, dấu chấm than càng to lớn càng nguy hiểm!
Lạy Cha nhân lành, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Sáng 30-04-2018

Suy tư với nỗi niềm Nam Việt (South of Vietnam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment