Thật vậy, theo tiếng Do Thái, Giuse là יוֹסֵף [Yosef], và tiếng Hy Lạp là Ἰωσήφ [Ioseph], có nghĩa là “thêm vào”
– tức là “phần phụ” mà thôi. Ý nghĩa này thật phù hợp với Đức Thánh Giuse, con
ông Giacóp, dòng dõi Thánh vương Đavít, là Hôn phu của Đức Trinh Nữ Maria,
người nhận trọng trách làm Dưỡng phụ của Chúa Giêsu trên trần gian.
Thánh tiến sĩ Têrêsa Avila (Teresa Sánchez de
Cepeda y Ahumada, 1515–1582, dòng Kín Cát Minh) rất sùng kính Đức Thánh Giuse,
thánh nữ xác định rằng Đức Thánh Giuse không bao giờ từ chối điều gì mà bà cầu
xin vào ngày lễ kính Đức Thánh Giuse – 19 tháng 3.
Nói về Đức Thánh Giuse, Thánh tiến sĩ Tôma
Aquinô (1225–1274) cho biết: “Một số vị thánh được đặc ân gia tăng sự bảo
trợ của các ngài đối với chúng ta khi ban cho chúng ta những ơn đặc biệt trong
một số trường hợp khi chúng ta cần. Nhưng Thánh Cả Giuse có quyền trợ giúp
chúng ta trong mọi lúc, mọi sự cần thiết và mọi công việc.” Còn Thánh
Grêgôriô Nadariên nhận định: “Chúa đã làm
cho Thánh Giuse trở nên rạng ngời như được chiếu tỏa bởi ánh mặt trời, với tất
cả ánh sáng và sự rực rỡ mà các thánh sở hữu.”
Chúng ta được biết rằng Đức Thánh Giuse là
người chồng và người cha gương mẫu, nhưng ngài lại sống rất khiêm nhường, trầm
tĩnh, luôn quên mình vì vợ con, vì người khác, nêu cao tinh thần phục vụ, âm
thầm tan biến như muối hòa tan để làm ngon mọi thứ nhưng chẳng ai nhớ tới muối.
Đức Thánh Giuse cũng vậy, và ngài được tôn xưng là Đấng Công Chính.
Điều Thiên Chúa nói với ông Nathan liên quan
điểm Sinh và điểm Tử: “Khi ngày đời của
ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng
lên kế vị ngươi, một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền
của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm
cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó
sẽ là con. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt
Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi.” (2 Sm 7:4-5, 12-16)
Rất ngắn gọn, nhưng trình thuật này cho chúng
ta biết về Thánh Ý Thiên Chúa nhiệm mầu, mọi sự đã được quan phòng và tiền định
rạch ròi. Ở đây, chúng ta hiểu sự tiền định về Đức Thánh Giuse, một người đầy
quyền thế nhưng lại không thích dùng quyền, chỉ thích khiêm nhường, ưa thầm
lặng. Thật vậy, ngài tự hạ như hạt muối hòa tan vào mọi thứ, đến nỗi không còn
ai nhận ra muối. Ngài không nói gì nhưng hành động cụ thể. Sống lặng là cách
sống khôn ngoan, vì Kinh Thánh xác nhận: “Nếu
biết giữ thinh lặng, kẻ ngu cũng được kể là người khôn ngoan; nếu biết ngậm
môi, kẻ đó được coi là người thông hiểu.” (Cn 17:28)
Quả thật, đức tin của Đức Thánh Giuse quá
lớn, lớn đến nỗi ngài chìm đắm trong Dòng Thác Thương Xót nên Ngài không còn
biết nói gì nữa, chỉ biết xưng tụng Thiên Chúa, như tác giả Thánh Vịnh đã từng
thốt lên: “Tình thương Chúa, đời đời con
ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài. Vâng
con nói: Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín Chúa được
thiết lập trên trời.” (Tv 89:2-3) Và mọi điều đã ứng nghiệm như Thiên Chúa tuyên
phán từ ngàn xưa: “Ta đã giao ước với
người Ta tuyển chọn, đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta, rằng: Dòng dõi ngươi, Ta
thiết lập cho đến ngàn đời, ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ.”
(Tv 89:4-5)
Thiên Chúa biết rõ mọi sự, mọi tâm can, ai
tốt hoặc xấu, cả những gì sâu thẳm. (Cv 1:24; Cv 15:8; Rm 8:27; 1 Cr 2:10) Thánh
Phaolô nói: “Không phải chiếu theo Lề
Luật mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Ápraham và dòng dõi ông được thế gian làm gia
nghiệp, nhưng ông được lời hứa đó vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.”
(Rm 4:13) Vì tin mà Tổ phụ Ápraham được công chính hóa. Đức Thánh Giuse cũng vì
tin mà được công chính hóa. Đó là hệ quả tất yếu theo lời hứa của Thiên Chúa,
Đấng muôn đời thành tín.
Tất nhiên chúng ta cũng phải qua “hành trình
đức tin” vậy, vì Đức Tin vô cùng quan trọng, Chúa Giêsu đã chúc phúc: “Phúc thay những người không thấy mà tin!”
(Ga 20:29) Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta về cách sống đức tin bằng lời cầu
nguyện ngắn gọn, đơn giản mà mạnh mẽ: “Lạy
Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.”
Thánh Phaolô cho biết thêm: “Vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Ápraham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hóa có. Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế.” (Rm 4:16-18) Tấm gương của Tổ phụ Ápraham thật là sáng ngời! Lời giao ước của Thiên Chúa là tặng phẩm hoàn toàn miễn phí, nhưng lại hiệu quả và ích lợi cho những ai thực sự có lòng tin tưởng.
Đức tin của Tổ phụ Ápraham vô cùng vĩ đại: Sẵn sàng ra đi theo lệnh Chúa truyền, và cũng không ngại hạ sát đứa con trai Isaác duy nhất của mình làm hy lễ dâng Thiên Chúa. (St 22:1-18) Dù có khó khăn tới mức nào, đến nỗi có lúc như tuyệt vọng, thế nhưng Tổ phụ Ápraham vẫn một niềm tín trung: “Ông Ápraham đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. Bởi thế, ông được kể là người công chính.” (Rm 4:20-22)
Tổ phụ Ápraham và Đức Thánh Giuse là hai con người vĩ đại, son sắt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa ngay trong lúc dầu sôi lửa bỏng nhất, tưởng như ở bước đường cùng, thế nhưng các ngài vẫn không hề so đo hoặc tính toán thiệt hơn – dù chỉ thoáng qua trong ý nghĩ.
Hôm nay, mặc dù là “muộn màng” cũng xin được mượn lời Thánh Vịnh để chúc mừng Tổ phụ Ápraham và Đức Thánh Giuse: “Phúc thay người ở trong thánh điện, họ luôn luôn được hát mừng Ngài.” (Tv 84:5) Ước gì chúng ta cũng mau trưởng thành tâm linh để khả dĩ được công chính hóa, nhất là trong Mùa Chay Thánh này – cũng gọi là Mùa Thương Khó, vì đây là cơ hội ngàn vàng! Ít nói là tốt, dù người đời không ưa người ít nói, vì người ta cho rằng người lầm lì là người khó chịu. Nhưng thật ra, ít nói thì ít sai (về lời nói), nói nhiều rất dễ lỡ lời. Đức Thánh Giuse thật là khôn ngoan vì ngài rất ít nói, hầu như không nói gì. Ít nói cũng là một cách ăn chay, vì tịnh tâm là điều cần thiết để sống Mùa Chay – sống tích cực chứ không “theo phong trào.”
Tin Mừng là trình thuật Lc 2:41-51a, đề cập việc Con Trẻ Giêsu “thất lạc” khi Thánh Gia đi trẩy hội đền thờ Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua theo thông lệ hằng năm, đồng thời cũng cho thấy rõ nét về tính cách trầm lặng của Đức Thánh Giuse: Đức Mẹ có nói nhưng Đức Giuse hoàn toàn im lặng. Rất có thể ngài chỉ cười thôi.
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng khi Con Trẻ Giêsu được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền thờ Giêrusalem, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.
Lễ hội thì người đông như kiến, biết đâu mà tìm. Nếu chúng ta gặp trường hợp này thì sao? Chắc hẳn vợ chồng sẽ “cắn đắng” nhau, đổ lỗi cho nhau đã không theo sát con cái, chồng trách vợ “vô trách nhiệm,” vợ trách chồng “vô tâm.” Mệt hết sức! Thế nhưng cả Đức Maria và Đức Giuse đều không nửa lời trách nhau, ai cũng im lặng vì tự biết nhận lỗi về mình, và cố gắng tìm kiếm Con Trẻ.
Đến ba ngày sau, hai ông bà mới tìm thấy Con Trẻ trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe Cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của Cậu. Một thiếu niên mới mười hai tuổi mà làm sững sờ cả các nhà thông thái. Ngạc nhiên chưa? Chắc hẳn cha mẹ Ngài cũng ngạc nhiên lắm. Nhưng Đức Maria và Đức Giuse không hề “khoe” với ai về điều này. Còn chúng ta thì sao? Ôi thôi, khỏi nói! Con trẻ mới lanh lẹ một chút đã tưởng con mình là “thần đồng,” nó biết cái gì là khoe rùm beng, cả làng trên xã dưới đều biết ráo trọi. Đúng là “đèn nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay” mà. Chảnh ghê đi!
Sau khi tìm được Con Trẻ Giêsu, hai ông bà đều sửng sốt, riêng Đức Mẹ nói với Con Trẻ: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải CỰC LÒNG tìm con!” Ngài đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có BỔN PHẬN ở nhà của Cha con sao?” Ui da, ông bà cũng chẳng hiểu lời Con Trẻ vừa nói. Phải vậy thôi, phàm nhân sao mà hiểu nổi Thiên Chúa chứ? Giả sử là chúng ta thì chắc chắn còn ngớ ngẩn hơn nhiều, chẳng khác chi “chú Tàu nghe kèn,” vừa gãi đầu vừa mắt chữ 0 và miệng chữ A. Lạ quá mà!
Nhưng nói là nói vậy thôi, chứ Con Trẻ Giêsu vẫn ngoan ngoãn đi xuống cùng với cha mẹ để trở về Nadarét, Thánh Luca cho biết rằng Con Trẻ Giêsu “hằng vâng phục các ngài.” Là Con Thiên Chúa, nhưng khi chấp nhận mặc xác phàm và sinh trong một gia đình, Chúa Giêsu vẫn giữ trọn đạo làm con đối với cha mẹ theo nhân tính. Một bài học “nhớ đời” cho chúng ta, vì không ai lại không làm con của cha mẹ mình. Chữ Hiếu rất quan trọng: “Thảo kính cha mẹ,” (Tb 4:3; Hc 3:8) và cũng là giới răn thứ tư trong Thập Giới. (Xh 20:3-17; Đnl 5:7-21)
Kinh nghiệm sống cho chúng ta biết rằng mặc dù tình yêu vô hình, không thể “đụng chạm” nhưng chúng ta vẫn khả dĩ cảm nhận. Lạ quá chừng!
Tình yêu không lời là tình yêu quá lớn, đến nỗi không thể diễn tả bằng lời! Ít nói như Thánh Giuse có nhiều lợi ích. Đơn giản là khỏi “vướng víu.” Nói nhiều thì sai nhiều. Lợi bất cập hại. Người ít nói là người có 8 “lợi ích” này: [1] Người ít nói là người biết lắng nghe, [2] Người ít nói là người biết quan sát, [3] Người ít nói là người suy nghĩ chín chắn, [4] Người ít nói là người thân thiện, [5] Người ít nói là người làm việc nhiều, [6] Người ít nói là người không nói nặng người khác, [7] Người ít nói là người bình tĩnh, [8] Người ít nói là người có óc sáng tạo.
▶ Tán Dương Thánh Giuse – https://youtu.be/e9doQteo5DA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment