Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

HÀNH TRÌNH SINH TỬ

Thi sĩ kiêm nhà viết kịch Bertolt Brecht (1898–1956, Đức) nhận định: “Cái đáng sợ không phải là CHẾT, mà là SỐNG RỖNG TUẾCH”. Rất lạ mà chí lý! Sống – Chết là một vòng đời, Sinh – Tử là một hành trình kiếp người.
Là phàm nhân, ai cũng một lần sinh và một lần chết, bởi vì chính Thiên Chúa đã xác định với con người: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3:19). Đối với nhân loại, cái chết là thất bại lớn nhất của con người, thế nhưng cái chết lại không đáng sợ như chúng ta tưởng, mà đáng sợ nhất là “cái chết ngay khi còn thở” – tức là sống mà như chết, sống rỗng tuếch, sống thừa, sống không có mục đích.
Người Việt Nam có câu: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Có nhiều cách chết, có cái chết đáng khâm phục và có cái chết “lãng nhách”, do đó cái “tiếng” cũng có thể là TỐT hoặc XẤU, người Công giáo gọi là chết lành hoặc chết dữ. Người ta cũng nói: “Chết vinh hơn sống nhục”. Sống nhục là chết khi còn sống. Phàm cái gì có khởi đầu thì có kết thúc. Cũng vậy, có sinh ắt có tử.
Thánh Phaolô là người đã từng hăng hái và quyết ra tay triệt tiêu Ông Giêsu, nhưng rồi cuối cùng ông đã hoàn toàn biến đổi và phải thú nhận: “Đối với tôi, SỐNG là Đức Kitô, và CHẾT là một mối lợi” (Pl 1:21), và ông nói về Đấng mà ông tin yêu: “Đức Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến chết trên cây thập tự” (Pl 2:8). Chết đời tạm này để có thể sống đời vĩnh hằng.
YÊU ĐỂ SỐNG
Cuộc sống luôn cần yêu và được yêu. Như vậy, yêu là sống và sống là yêu – yêu để mà sống. Qua miệng ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa tuyên phán sấm ngôn: “Này sẽ đến những ngày Ta lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giuđa một GIAO ƯỚC MỚI, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng” (Gr 31:31-32). Rất lạ, bởi vì Giao-Ước-Mới này hoàn toàn khác với giao ước đã ký kết với tiền nhân. Giao ước đó là gì? Là giao ước Thiên Chúa lập với nhà Ít-ra-en, chính Ngài ghi vào lòng dạ dân chúng, khắc vào tâm khảm dân chúng Lề Luật của Ngài. Ngài là Thiên Chúa của họ, còn họ là dân của Chúa. Họ sẽ không còn phải dạy bảo nhau, và họ truyền miệng nhau: “Hãy học cho biết Đức Chúa” (Gr 31:34a). Học cho biết Đức Chúa về nhiều thứ, trong đó có việc học yêu. Do đó mà mọi người từ nhỏ đến lớn đều nhận biết Chúa. Điều tuyệt vời nhất là “Thiên Chúa sẽ tha thứ tội ác cho họ và không còn nhớ đến lỗi lầm của họ nữa” (Gr 31:34b). Là tử tội mà được tha bổng, được trắng án, có ai lại không hạnh phúc? Được sống thì phải biết yêu, và phải yêu để sống!
Và như chúng ta được biết, Giao-Ước-Mới đó mệnh danh là Tân Ước, là Luật Yêu Thương – không chỉ yêu người yêu mình mà phải yêu cả kẻ thù (x. Mt 5:44; Lc 6:27 & 35). Coi bộ “căng” dữ nghen. Vâng, không dễ chút nào! Thế nhưng yêu thương và tha thứ có hệ lụy lẫn nhau, không thể có cái này mà thiếu cái kia. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7:12). Ai có lỗi cũng muốn được bỏ qua, nhưng muốn được tha thì phải biết tha cho tha nhân, và thành tâm xin Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:3-4). Thành tâm cầu xin như thế thì Chúa không thể không tha, vì Ngài chỉ chờ mong giây phút được tha thứ cho tội nhân biết sám hối: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề: Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33:11a). Vả lại, Ngài KHÔNG làm ra cái chết (Kn 1:13).
Mặc dù đã được tha tội rồi, nhưng “vết chàm” chưa sạch (giống như “vết sẹo” vậy), thế nên chúng ta phải xin Chúa “đại tu” tâm hồn mình, và xin Ngài không ngừng nâng đỡ, nếu không thì chúng ta lại sa ngã ngay: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con Thần Khí Thánh của Ngài” (Tv 51:12-13). Phần riêng Chúa ban cho chúng ta nhưng chúng ta đã “phung phí” hết, cho nên chúng ta lại phải tiếp tục kêu cầu: “Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con; đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài” (Tv 51:14-15).
YÊU ĐỂ CHẾT
Chắc chắn cuộc sống KHÔNG THỂ thiếu vắng tình yêu thương. Sống để yêu, sống vì yêu, và sống là yêu, nhưng cũng vì yêu mà chết. “Sống để yêu” là điều dễ hiểu, nhưng lại khó hiểu khi nói rằng “chết là yêu, để yêu và vì yêu”, thậm chí nghe chừng nghịch lý. Nhưng điều đó vẫn là sự thật minh nhiên.
Mong muốn điều gì thì phải nói, chứ ai biết “ngứa” chỗ nào mà “gãi” chứ? Chính Đức Giêsu Kitô, khi còn sống kiếp phàm nhân, Ngài cũng đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết. Ngài đã được nhậm lời, vì Ngài có lòng tôn kính. Ngài “được nhậm lời” không có nghĩa là Ngài thoát đau khổ và không phải chết. Nhưng Ngài “được nhậm lời” để “thoát chết” bằng cách “đi xuyên qua cái chết”, được Chúa Cha cho sống lại vinh quang. Hành-trình-sống-chết của Đức Kitô nhằm củng cố đức tin cho chúng ta – những người đang trên đường lữ hành trần gian, đi từ cõi sinh và sẽ đến cõi chết.
Nói về Đức Kitô, Thánh Phaolô xác định: “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5:8). Vậy đó, cái gì cũng phải khổ luyện, không thể cứ “khơi khơi” mà có thể uyên thâm, hiểu sâu và biết rộng. Học thì phải hành, không thực hành thì chỉ là mớ lý thuyết suông, không thực tế, vô ích. Học đàn phải luyện ngày đêm thì mới nhuần nhuyễn, tập tành văn thơ thi phú cũng phải làm nhiều thì mới “lên tay”, làm bếp cũng phải nấu hằng ngày mới có thể nấu ăn ngon,… Và mọi thứ đều cần kinh nghiệm, gọi là “khổ luyện”. Lười biếng thì chỉ có nước “bó tay”. Ngay cả Chúa Giêsu cũng đã theo đúng “quy trình” đó: “Khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Ngài trở nên NGUỒN ƠN CỨU ĐỘ VĨNH CỬU cho tất cả những ai tùng phục Ngài” (Dt 5:9).
Có mấy người Hy Lạp đồng hành trong số những người lên Đền Thờ Giêrusalem để thờ phượng Thiên Chúa. Họ đến gặp ông Philípphê, người Bếtxaiđa, miền Galilê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” (Ga 12:21). Một ước muốn tuyệt vời, và chắc chắn Ngài không từ chối bất cứ ai. Câu nói của người Pháp rất thú vị: “Vouloir, c’est pouvoir” (muốn là có thể được). Ông Philípphê nói với ông Anrê, ông Anrê cùng với ông Philípphê đến thưa với Đức Giêsu. Và Ngài trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” (Ga 12:23).
Sau đó, Ngài trầm giọng: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24). Một hình tượng giản dị và rất thực tế. Có lẽ Ngài biết có người không kịp hiểu nên Ngài giải thích luôn: “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12: 25). Ngài biết “giờ G” sắp đến, lòng Ngài cũng bồn chồn lo lắng vì thấy thương các đệ tử còn “non nớt”, nên Ngài nói như trải tấm lòng: “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12:26).
Là Thiên Chúa mặc xác phàm và theo nhân tính, Chúa Giêsu cũng cảm thấy xốn xang nên Ngài tâm sự với các đệ tử: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây?” (Ga 12:27). Rồi Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12:28a). Ngài cảm thấy sợ, nhưng Ngài ý thức trọng trách của mình và muốn Chúa Cha được tôn vinh mà thôi. Khi đó, có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (Ga 12:28b).
Bất ngờ nghe tiếng vọng từ trời, dân chúng đứng ở đó ngạc nhiên, nhưng có người cứ tưởng chỉ là “tiếng sấm”, người khác lại cho là “tiếng một thiên thần” nói với Ngài. Đức Giêsu biết họ xì xầm nên nói: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người” (Ga 12:30). Vâng, giờ của Ngài sắp đến, “giờ” mà Ngài gọi là “giờ của kẻ ác”, là “thời của quyền lực tối tăm” (x. Lc 22:53). Thế nhưng chính “giờ” ấy lại là lúc “diễn ra cuộc phán xét thế gian này, lúc thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!” (Ga 12:31). Một sự hoán vị ngoạn mục, chiến bại mà chiến thắng!
Mọi sự có vẻ khác lạ, nhưng Chúa Giêsu vẫn bình tĩnh và hứa: “Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi” (Ga 12:32). Ngài nói như vậy để ám chỉ Ngài sẽ phải chết cách nào, nhưng đầu óc phàm nhân của các đệ tử – mặc dù rất thân tín – cũng không đủ hiểu ý Ngài muốn nói. Và đó chính là lời-hứa-kỳ-diệu mà Ngài dành cho chúng ta!
Trong suốt hơn 30 năm làm người, hẳn là chưa bao giờ Ngài nói nhiều như lần này. Nói để từ giã. Nói để chia tay. Nói để trăn trối. Nói như không còn cơ hội để nói. Ngài muốn nói nhiều vì muốn mọi người BIẾT YÊU THƯƠNG NHAU, yêu để sống, yêu để chết, nghĩa là yêu cả lúc sống và khi chết. Ngài đã chịu chết để chúng ta được sống – sống đời đời. Mối Sinh và Mối Tử khép lại một Vòng Sinh – Tử, thật kỳ diệu! Hãy vững tin, bởi vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là MỘT, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13:8).
Lạy Thiên Chúa, xin thương biến đổi cuộc đời con và tái tạo trái tim con nên giống Ngài hơn, để con có thể kính mến Ngài và yêu thương tha nhân trong từng hơi thở của cuộc sống. Xin giúp con can đảm từ bỏ chính mình, dám chết với Đức Kitô để xứng đáng được phục sinh cùng với Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment