Wednesday, January 17, 2018

KÝ ỨC XUÂN

Kỷ niệm đã qua nhưng không phải là đã quên. Càng nhiều tuổi, người ta càng có nhiều kỷ niệm, đan quyện vào nhau cả kỷ niệm vui lẫn kỷ niệm buồn. Cũng vậy, người ta càng sống lâu thì người ta có khoảng ký ức càng rộng hơn – cũng có thể sâu hơn.

Kỷ niệm có nhiều loại và nhiều mức độ. Kỷ niệm của mỗi người mỗi khác, mỗi độ tuổi cũng khác nhau. Kỷ niệm vui sẽ là kỷ niệm buồn, kỷ niệm buồn sẽ là kỷ niệm buồn hơn. Đời là thế!

Có rất nhiều các ca khúc về mùa Xuân, riêng ca khúc Xuân của Việt Nam cũng khá nhiều. Các ca khúc Xuân cũng có nhiều thể loại: Vui nhộn, sầu lắng, buồn xa vắng,… Một trong số ca khúc Xuân phổ biến là nhạc phẩm “Đón Xuân này, nhớ Xuân xưa” của cố NS Châu Kỳ. Ca khúc này được viết ở âm thể thứ (đoản) nhưng không buồn ủy mị mà chỉ bâng khuâng, man mác buồn, kỷ niệm sâu lắng,… với giai điệu nhẹ nhàng, tự nhiên. Lời của ca khúc này được dùng chỉ một vần Ơ, nghe như một bài thơ.

Xuân về, Tết đến, người ta có thể bất chợt hoài niệm: “Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa, một chiều Xuân em đã hẹn hò, như bướm tình trong cánh hoa mơ, đưa hương theo chiều gió, em nói rằng em viết thành thơ.” Hẳn là cô-gái-xưa cũng có máu văn chương nên cô bảo: “Em sẽ viết thành thơ.” Cảnh vật thật hữu tình, cô gái muốn làm thơ về chuyện tình yêu lãng mạn của hai người giữa lúc Xuân về.

Tình yêu đôi lứa mang dấu ấn mùa Xuân và đậm đà tình Xuân, tuyệt vời biết bao khi hai người hẹn nhau cùng đón giao thừa. Và đó cũng là giây phút tình yêu của họ lên ngôi: “Đón xuân này tôi nhớ Xuân xưa, hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa, em đứng chờ tôi trước song thưa, tôi đi qua đầu ngõ, hỏi nhau thầm: Xuân đã về chưa?” Hỏi cho có chuyện, một câu hỏi vu vơ nhưng lại chính là lời ước hẹn tình yêu, một câu nghi vấn nhưng vẫn là câu xác định: Xuân về rồi, và Thần Tình Yêu cũng đang hiện diện.

Cuộc đời đâu ai biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Tình yêu cũng vậy, thề non hẹn biển với nhau nhưng rồi có khi người ta vẫn đành thúc thủ, lực bất tòng tâm, có người lại cảm thấy hụt hẫng, ưu sầu: “Xuân đến, Xuân đi, Xuần về gieo thương nhớ, Xuân qua để tôi chờ.” Phải chăng tình yêu là vậy? Chẳng ai biết chính xác. Nhưng theo kinh nghiệm của cuộc đời, tình đầu luôn đẹp nhưng thường thì khó thành. Có lẽ vì không thành nên mới đẹp, và vì người ta chưa có kinh nghiệm yêu nên vụng về. Tình yêu cũng đến, cũng đi; mùa Xuân cũng vậy: “Xuân đến, Xuân đi, Xuân về mang lá hoa, Xuân qua rung đường tơ.” Tình yêu khiến người ta mong chờ, mùa Xuân cũng khiến người ta trông ngóng. Ai cũng có cách rung cảm riêng về tình yêu và mùa Xuân.

Tình yêu không trọn, đường ai nấy đi, chí hướng khác nhau, mỗi người một ngả. Thời gian cứ vô tình lặng lẽ trôi. Một mùa Xuân nào đó, người ta về quê hương, thăm lại chốn xưa, thấy cảnh vật mà chợt nhớ người xưa. Tình xưa nhưng kỷ niệm không hề cũ: “Bước sông hồ như đắm trong mơ, trở về đây khi gió sang mùa, mong ước tìm cô gái Xuân xưa, cho vơi bao niềm nhớ, có đâu ngờ Xuân vắng người xưa.”

Xuân xưa là kỷ niệm, giờ chỉ còn trong ký ức, người xưa mãi mãi là cố nhân. Và tình yêu ấy cũng vẫn đẹp trong trí nhớ của một thời. Cứ để kỷ niệm ngủ yên, thi thoảng cũng cứ cho nó thức giấc. Con người hoài niệm để kỷ niệm có dịp phục sinh, đó cũng là lúc thư giản sau những tháng ngày bôn ba giữa cuộc đời này.

Mùa Xuân nữa lại về, Tết đến tưng bừng, đón mùa Xuân này lại nhớ mùa Xuân xưa… Cứ nhớ, cứ yêu, nhưng đừng phạm tội. Thế thôi. Tình xưa chưa cũ, nhưng người xưa đã hóa thành cố nhân. Cái gì cũng cần có điểm dừng đúng nơi và đúng lúc. Nước đã lóng phèn, đừng làm cho phèn nổi lên. Hãy cầu chúc nhau hạnh phúc!

Với người Công giáo lại có thêm những kỷ niệm khác, có khoảng ký ức khác. Đó là những kỷ niệm và khoảng ký ức thuộc lĩnh vực tâm linh: “Lạy Thiên Chúa, giữa nơi đền thánh, chúng con hồi tưởng tình Chúa yêu thương.” (Tv 48:10) Đó là kỷ niệm đẹp, kỷ niệm thánh đức, những lúc sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, sống hạnh phúc trong tình yêu Chúa và lòng thương xót của Ngài.

Thật vậy, “Danh Thánh Chúa gần xa truyền tụng, tiếng ngợi khen Ngài khắp cõi lừng vang. Tay hữu Chúa thi hành công lý.” (Tv 47:11) Nhưng chúng ta yếu đuối, vô ơn, bội bạc với Ngài. Chúng ta như con chiên lạc, (Lc 15:4-7; Mt 18:12-14) như đứa con hoang đàng. (Lc 15:11-31) Vì quá đau khổ, chúng ta mới thấm thía: “Hồi tưởng lại bao ngày xa cũ, tâm hồn ấp ủ những năm xưa.” (Tv 77:6)

Đón mùa Xuân mới, chúng ta nhớ ngày tháng qua, nhớ mùa Xuân nào đó, chúng ta thấy hối tiếc và mắc cở với chính mình. Mùa Xuân này, chúng ta hãy cùng nhau quyết định canh tân cách sống và chân nhận: “Chính Người là Thiên Chúa, đời đời là Thiên Chúa chúng ta, Người lãnh đạo chúng ta đến muôn thuở.” (Tv 48:15) Được vậy thì Thiên Chúa rất vui chúc lành cho chúng ta, Ngài không chỉ chúc lành cho chúng ta trong mùa Xuân này mà còn chúc lành cho chúng ta mãi mãi.

Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con trí óc biết phân biệt phải, trái, và ban Thánh Linh cho chúng con sự can đảm để có thể dám thay đổi đời sống từ trong ý nghĩ. Lạy Chúa, xin thương ban cho chúng con một mùa Xuân hạnh phúc trọn vẹn trong Hồng Ân bao la của Ngài. Amen.

TRẦM THIÊN THU

✽ NS Châu Kỳ sinh ngày 5-11-1923 tại Dưỡng Mong, Thừa Thiên (Huế), học ở trường tiểu học Dưỡng Mong, sau ông lên Huế học ở trường Lycée Khải Định. Tại đây, ông gặp và thụ giáo sư huynh Phêrô Thiều, một tu sĩ giỏi về nhạc lý và sáng tác, lại sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ Tây phương.

Cha ông là Châu Huy Hà, một nghệ nhân ca Huế; chị ruột ông là Châu Thị Minh, được coi là một trong Ngũ Nữ Minh Tinh (miền Nam có Phùng Há, Năm Phi; miền Bắc có Ái Liên, Bích Hợp và miền Trung có Châu Thị Minh). Trước khi là nhạc sĩ, ông đã là một ca sĩ thuộc lớp đầu tiên ở Việt Nam. Lúc mới biết hát, ông thường ngân nga các bài hát bằng tiếng Pháp thịnh hành vào thời đó như J'ai deux amours, Tant qu'il y aura des etoiles,… mà nam danh ca Tino Rossi thường trình bày, nên ông được bạn bè gọi là “Deuxième Tino Rossi” (Tino Rossi thứ hai).

Năm 1943, ông sáng tác ca khúc đầu tay “Trở Về” gây tiếng vang trong giới âm nhạc. Ông viết ca khúc “Trở Về” sau khi biết tin mẹ ông chết trong một trận mưa lũ. NS Châu Kỳ sáng tác khoảng 200 tác phẩm, một số ca khúc tiêu biểu khác như: Biết Trả Lời Sao, Bỏ Phố Lên Rừng, Cánh Hoa Mai, Chiều Mưa Biên Giới, Con Đường Xưa Em Đi, Đán Không Tiếng Hát, Đàn Tôi Đã Vỡ, Đôi Ngả Chia Ly, Đừng Nói Xa Nhau, Được Tin Em Lấy Chồng, Giọt Buồn Không Tên, Giọt Lệ Đài Trang, Giữa Lòng Đất Mẹ, Hai Vì Sao Lạc, Hận Đồ Bàn, Huế Xưa, Khi Ánh Trăng Vàng Lên Khơi, Khúc Ly Ca, Khuya Nay Anh Đi Rồi, Lá Vàng Khóc Lá Xanh Rơi, Mai Lỡ Mình Xa Nhau, Miền Trung Thương Nhớ, Mùa Thu Cho Em, Mưa Rơi (lời Ưng Lang), Mưa Rừng, Nhạc Sĩ Trong Sương Chiều, Nhớ (phổ thơ Tố Như), Nỗi Buồn Đêm Đông, Nợ Trần, Nước Mắt Một Linh Hồn, Nước Mắt Quê Hương, Sao Chưa Thấy Hồi Âm, Sầu Đông, Sầu Cố Đô, Thương Về Mùa Đông Biên Giới, Tiếng Hát Dân Chàm, Tìm Nhau Trong Kỷ Niệm, Tôi Chưa Có Mùa Xuân, Tôi Viết Nhạc Buồn, Túy Ca, Từ Giã Kinh Thành, Xa Lộ Không Đèn, Xin Làm Người Tình Cô Đơn, Xin Một Mai Có Nhau,...

Ông có bút danh khác là Anh Châu. Ông là một trong những “cây đại thụ” của làng tân nhạc Việt Nam mà tên tuổi ngang hàng với những Lữ Liên, Lê Thương, Dương Thiệu Tước,... NS Châu Kỳ sống rất chan hòa, tình nghĩa với anh em, nên ai cũng quý mến. Bạn bè và con cháu hay nhại câu hát “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa...” thành “Mất xe này ta sắm xe kia...” là cách nhắc vui về kỷ lục độc đáo của ông: Nhậu xỉn bị mất xe.

Ông qua đời tại tư gia (đường số 12, P. Phước Bình, Q.9, Saigon) sáng 6-1-2008, và được an táng trên đồi Nam Giao (TP Huế).

 Miền Ký Ức Xuân – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/02/mien-ky-uc-xuan.html

No comments:

Post a Comment

Comment