Không ai muốn bị khiển trách (trách cứ, trách
mắng, trách móc, trách oán, trách phạt, trách hỏi, trách vấn), dù đó là dạng
“trách khéo.” Nhưng con người yếu đuối, dễ sai lạc, mù quáng, thế nên cần được
người khác trách móc, đồng thời cũng cần tinh thần phục thiện.
Về việc giáo dục, người ta nói: “Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho
ngọt cho bùi.” Về tâm linh, Thánh Phaolô nói: “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người
mới cho roi cho vọt.” (Dt 12:6) Do đó, người ta luôn phải biết trách mình,
trách kỷ, vì đó là trách nhiệm.
Có sai lầm nên có khiển trách. Kinh Thánh cho
biết Thiên Chúa rất nhiều lần khiển trách người ta, bất kể người đó là ai.
Người phục thiện thì quyết tâm sửa đổi – như dân thành Ninivê, còn người cố
chấp thì khó chịu, tức giận, và tìm cách “bịt miệng” ai dám chỉ ra sai lầm của
họ – như nhóm Sađốc và Pharisêu. Thành thật không dễ, vì tự ái là “cái tôi” khó
thuần hóa. Không chỉ thành thật với người khác, mà còn phải thành thật với
chính mình. Việt ngữ thật hay: TÔI thêm dấu sắc thành TỐI, thêm dấu huyền thành
TỒI, và thêm dấu nặng thành TỘI. Thêm cái gì cũng xấu, “ớn” thật!
Thiên Chúa nhân từ và giàu lòng thương xót,
Ngài không muốn trách phạt ai, cây lau bị giập mà Ngài còn không nỡ bẻ gãy, tim
đèn leo lét mà Ngài cũng chẳng nỡ tắt đi. (Mt 12:20) Nếu Ngài có trách phạt thì
chỉ là vạn bất đắc dĩ, do lòng dạ cứng cỏi và tâm trí cố chấp của chúng ta mà
thôi.
Cuộc sống có những thứ rất ư bình thường mà
lại độc đáo, quan trọng – chẳng hạn như thời gian và không khí. Chắc chắn không
khí rất cần thiết. Còn về thời gian, chúng ta tưởng chừng bao la vô tận nhưng
nó lại cứ ngắn dần, ngắn dần... Cụ thể là một năm đang từ từ khép lại, và Năm
Phụng Vụ cũng chuẩn bị kết thúc, điều đó “nhắc khéo” chúng ta về sự kết thúc
cuộc đời: Chết. Đặc biệt hơn đó là sự kết thúc thế gian: Tận Thế. Càng về cuối
Năm Phụng Vụ, Giáo hội cho chúng ta nghe lại những đoạn Phúc Âm mang màu sắc
“lạ” hơn với những lời Chúa Giêsu khiển trách “rát” hơn: GIẢ HÌNH.
Chắc hẳn ai cũng phải chân nhận rằng sống
thật là điều rất khó, không đơn giản như chúng ta tưởng. Người ta phải thực sự
can đảm mới có thể dám “sống thật” với một lương-tâm-chân-chính. Trong cuộc
sống thường nhật, mỗi khi muốn “chứng tỏ” mình để người khác tin mình, người ta
thường nói: “Tôi không như người ta đâu,
tôi thật lòng lắm, hiền lắm, chịu đựng lắm,...” Nhưng kinh tởm thay, khi
người ta “nói thật” như vậy lại chính là lúc người ta đang giả dối – giả dối
với người khác và giả dối với chính họ, gọi là “tự dối lòng”. Đó là dạng
Pharisêu thời @ đấy thôi! Vì ảo tưởng mà người ta giả dối, là ảo tưởng, Thánh
Phaolô gọi là “lừa gạt chính mình.” (Gl 6:3)
Sự thật đối lập với sự dối trá. Đối với những
điều xấu xa, bê bối, lén lút,... Thánh Phaolô nói thẳng thắn và nghiêm túc: “ĐỪNG cộng tác vào NHỮNG VIỆC VÔ ÍCH của con
cái bóng tối, PHẢI VẠCH TRẦN những việc ấy ra mới đúng.” (Ep 5:11) Một câu
với hai mệnh lệnh. Có lẽ đây là một trong các câu Kinh Thánh khiến người ta “dị
ứng,” cũng có nghĩa là không muốn nhìn thấy hoặc nghe nói tới!
Là Đấng duy nhất và không thiên vị, Thiên
Chúa đã tuyên phán rạch ròi: “Chính Ta là
Đức Vua cao cả, và danh Ta được kính sợ giữa chư dân.” (Ml 1:14b) Giống như
một phương trình phải có hai vế cân đối, Thiên Chúa tiếp tục đưa ra vế thứ hai
là một lời cảnh báo: “Nếu các ngươi KHÔNG
nghe và KHÔNG lưu tâm tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ khiến các ngươi mắc tai họa, Ta
sẽ biến PHÚC LÀNH của các ngươi thành TAI HỌA. Phải, Ta biến phúc lành ấy thành
tai họa, vì các ngươi CHẲNG lưu tâm gì cả.” (Ml 2:2) Đây không là lời hù
dọa, mà là sự công bằng, là sự thật minh nhiên. Và dĩ nhiên cũng là lời trách
móc nặng nề vậy!
Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, (1 Sb 28:9b; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G
28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc
42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6; 1 Ga 3:20) Ngài biết rõ lòng ai thế nào, sống giả dối
hoặc chân thật, nhất là đối với những người có chức, có quyền. Và Ngài lại phải
lên tiếng: “Nhưng các ngươi đã đi trệch
đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Các ngươi đã hủy hoại
giao ước với Lêvi. Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt
trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi
áp dụng Luật. Tất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một
Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế mà sao chúng ta lại bội phản nhau mà
vi phạm giao ước của cha ông chúng ta?” (Ml 2:8-10)
Chắc hẳn ai cũng biết sự nguy hại của định
kiến. Định kiến là thiên vị hoặc phe cánh, đó là “độc tố” của cuộc sống, nhất
là trong lĩnh vực đời sống tôn giáo. Đó là dạng “ngôn hành bất nhất” – nói một
đường làm một nẻo, hoặc nói hay mà làm dở ẹc, thậm chí ra lệnh cho người khác
làm chứ mình không muốn đụng tay. Động thái này không là một hiện tượng mà là
một tình trạng tệ hại vẫn thấy xảy ra nhiều nơi – cả ở giáo xứ và trong dòng
tu.
Vậy thì sao? Những người như vậy là kiêu
ngạo, ỷ thế cậy quyền, ảo tưởng, và cố ý quên lời xác định của Chúa Giêsu: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do
Trời ban.” (Ga 3:27) Do đó, họ tự mãn và vênh vang tự đắc. Thánh Vịnh
gia biết mình là ai nên đã khiêm nhường: “Lòng
con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi! Đường cao vọng, chẳng
đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu. Hồn con, con vẫn trước sau giữ
cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con,
hồn lặng lẽ an vui.” (Tv 131:1-2)
Lời Thánh Vịnh nói lên tinh thần thơ ấu tâm
linh mà Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã áp dụng tuyệt đối. Chính Chúa Giêsu
rất thích trẻ thơ, (x. Mt 19:13-15; Mc 10:13-16; Lc 18:15-17) tức là tinh thần
đơn sơ và chân thật của trẻ thơ đúng nghĩa, chứ còn một số trẻ em thời nay “ma
giáo” lắm, tất nhiên Chúa “dị ứng” với loại “ngây thơ cụ” này. Sống đơn sơ như
trẻ em là sống khôn ngoan, là cách sống chân thật được Thiên Chúa chúc phúc.
Cũng với tâm tình đó, Thánh Phaolô chân thành
cầu chúc: “Xin Chúa Cha vinh hiển là
Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn
ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh
em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu
là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh.” (Ep
1:17-18) Ước gì mỗi chúng ta đều được như lời cầu chúc tốt lành này.
Đường đường là một Tông đồ, nghĩa là có cả
chức và quyền, nhưng Thánh Phaolô không tự cho mình cái quyền được tôn trọng: “Trong khi chúng tôi có thể đòi anh em phải
trọng đãi, với tư cách là Tông Đồ Đức Kitô. Chúng tôi đã quý mến anh em, đến
nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng
sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng
tôi. Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi
thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan
báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em.” (1 Tx 2:7-9)
Thánh Phaolô là kinh sĩ giỏi giang chứ không
là “tay ngang,” thế nhưng đáng khâm phục bởi vì ông khiêm nhường. Còn ngày nay
thì sao? Dĩ nhiên cũng vẫn có những người biết “vì người khác” như vậy, nhưng
cũng không thiếu những người thích dùng quyền và chỉ tay năm ngón, thích chứng
tỏ mình bằng cách áp đặt người khác, nói năng cũng ngang ngược, bụng chẳng có
mấy chữ mà “nổ” banh trời! Thật chí lý với lời nhận định này: “Một chút TRI THỨC ÍT ỎI khiến người ta KIÊU
NGẠO, nhưng KIẾN THỨC PHONG PHÚ khiến người ta KHIÊM TỐN. Những bông lúa lép
thường cao ngạo mà chĩa thẳng đầu lên trời, còn những bông lúa chắc hạt thường
cúi đầu xuống đất.” Đó là nhận định của danh họa Leonardo da Vinci
(1452-1519, Ý), một thiên tài nổi tiếng với bức bích họa “Last Supper” (Bữa
Tiệc Ly) và “Mona Lisa” (với nụ cười bí ẩn).
Thật đáng “giật mình” nếu đã đọc bài “Cầu
Nguyện với Chúa về Tình Hình Quỷ Dữ Lộng Hành Ngày Nay.” Trong đó, ĐGM G.B. Bùi
Tuần chia sẻ rất thẳng thắn: “Kinh nghiệm
cho tôi thấy những gì Chúa phán đều đã xảy ra nhiều cách khác nhau. CÓ MỘT
SỐ ÍT NGƯỜI ĐƯỢC LÃNH NHẬN CHỨC THÁNH, DO TRANH ĐẤU, DO VẬN ĐỘNG, DO MƯU
LƯỢC. Có nghĩa là đã CÓ SỰ LỪA DỐI TRONG VIỆC TRỞ THÀNH MỤC TỬ. Mục
tử giả bị Chúa gọi là kẻ trộm, kẻ cướp. Cũng có một số ít người vào chuồng
chiên một cách đàng hoàng, nhưng không hy sinh cho đoàn chiên thì bị Chúa gọi
là kẻ làm thuê. (x. Ga 10:12) Nghĩa là họ cũng CÓ SỰ LỪA DỐI TRONG TRÁCH NHIỆM,
một trách nhiệm đòi nhiều từ bỏ chính mình, vác thánh giá mà theo Chúa.”
Ngày xưa, Thánh Phaolô cũng đã minh định: “Chính Satan cũng ĐỘI LỐT thiên thần sáng
láng! Vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ ĐỘI LỐT người phục vụ sự công
chính.” (2 Cr 11:14-15) Đáng sợ quá chừng, bởi vì càng đến “vạch cuối cùng”
của trần thế thì càng thấy sự dữ hoành hành dữ dội khắp nơi. (x. 2 Tx 2:7)
Chân thành và không ngần ngại, Thánh Phaolô
chia sẻ: “Về phần chúng tôi, chúng tôi
không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên
Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên
Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín
hữu.” (1 Tx 2:13) Ước gì điều chia sẻ này của Thánh Phaolô là thực tế minh
nhiên trong các cộng đoàn Kitô hữu, dù cộng đoàn lớn hoặc nhỏ. Thật là không hề
đơn giản để được xứng danh là Kitô hữu, bởi vì phải CÓ THẬT chứ không thể CÓ
GIẢ. Thế nhưng ngày nay người ta lại thích cái giả hơn cái thật!
Chắc hẳn Mt 23:1-12 là trình thuật khiến
nhiều người “ngại” tiếp cận, không chỉ không thích mà còn… “khó chịu” – nhất là
những người có quyền “ăn trên, ngồi trước” (đạo cũng như đời): “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên
tòa ông Môsê mà giảng dạy.” (Mt 23:2) Sao vậy nhỉ? Lý do rất đơn giản: Lời
Chúa nói thẳng quá, nói rõ quá, nói “toạc móng heo” luôn, chẳng “úp mở” chi cả.
Thầy Giêsu luôn thế đấy! “Thuận ngôn” thì thường gây “nghịch nhĩ,” người không
chính trực sẽ “dị ứng” ngay thôi. Chắc hẳn đây là một trong những đoạn Phúc Âm
mà người ta “ngại” đọc nhất, nếu có đọc thì có lẽ cũng chỉ “lướt qua,” tìm cách
“nói lái” hoặc “né tránh” sao đó. Sự miễn cưỡng là cách tố giác tình trạng bị
lúng túng – lúng túng vì không thật!
Ôi, nói thì dễ mà làm thì khó. Tất nhiên là
“nói trước” đôi khi “bước không qua.” Theo đạo hoặc theo Chúa cũng đa dạng, một
trong các dạng được gọi là “nhãn hiệu.” Vâng, chỉ có cái “mác” thôi. Ngày nay,
những thứ ghi Made in USA hoặc Made in Japan khiến người ta tin tưởng hơn Made
in Vietnam, dù chất lượng chưa chắc hơn, nhất là bất cứ thứ gì ghi Made in
China đều khiến người ta “rùng mình” và tẩy chay ngay lập tức. Tốt mã thì rã
đám!
Thông thường, người ta có xu hướng thích “nói
suông” mà thôi, còn “hành động” thì... để xét lại. Ở nơi nọ hoặc nơi kia vẫn
thấy có những “siêu nhân,” không chỉ nói suông mà còn “chỉ tay năm ngón,” đùn
đẩy trách nhiệm, hạt muối cắn đôi nhưng hạt đường ăn cả, tình trạng của nhóm
Pharisêu mà Chúa Giêsu đã chỉ trích gay gắt: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại
không buồn động ngón tay vào.” (Mt 23:4) Họ không muốn nhận trách nhiệm
nhưng lại đòi nhiều quyền lợi, mặc dù lời dạy của Chúa Giêsu còn nóng hổi: “Ai làm lớn phải phục vụ,” (x. Mt
20:24-28; Mc 10:40-45) và “người làm lớn hơn
cả, phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 23:11) Lời khuyên của Thánh Phaolô
cũng theo chiều hướng đó: “Anh em hãy
mang gánh nặng cho nhau.” (Gl 6:2) Đó là những lời người ta không muốn nhắc
tới. Đôi khi Chúa cũng bị hàm oan, vì người ta cứ lợi dụng lòng tốt của Chúa,
rất có thể người ta còn dám nhân danh Chúa mà đàn áp người khác. Cờ đến tay ai
thì người đó phất. Người ta vẫn nói thế đấy!
Đối với những người có chức và có quyền, muốn
chứng tỏ mình tốt lành, phải xử trí sao đây? Chúa Giêsu “mách nước” cho chúng
ta: “Tất cả những gì họ nói, anh em hãy
làm, hãy giữ, còn những việc họ làm thì ĐỪNG có làm theo, vì họ NÓI MÀ KHÔNG
LÀM.” (Mt 23:3) Rất nhiều khi chúng ta tỏ ra nghiêm túc, nói chuyện đạo
đức, đi tới nơi này nơi nọ để làm việc từ thiện bằng vài bao quần áo cũ, vài
thùng mì ăn liền, cho người ta ít tiền, dăm ba đồ lặt vặt,… và thế là tưởng
mình “ngon ăn,” nhưng thực chất chưa chắc vì thấy chính Chúa nơi những con
người nghèo khổ, những con người sa cơ lỡ vận kia, nhưng có thể cũng chỉ là
dạng mà Chúa Giêsu đã vạch trần: “Họ làm
mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn,
mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế
đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được
thiên hạ gọi là Thầy.” (Mt 23:4-7)
Đồ từ thiện đó có phải là đồ do chính mình hy
sinh hay là đồ thừa? Coi chừng chỉ là phế phẩm, thay vì vứt đi thì chúng ta đem
“tặng” cho họ, rồi oang oang nói là “làm từ thiện.” Như vậy có phải là bác ái
đúng nghĩa? Còn lâu, may ra thì chỉ ở mức bố thí hoặc công bằng. Mẹ Thánh
Teresa Calcutta (28/8/1919 – 5/9/1997), sáng lập Dòng Thừa Sai Bác Ái
(Missionaries of Charity), đưa ra nguyên tắc sống yêu thương: “Yêu là cho đi đến khi cảm thấy đau.” Yêu thương như vậy mới thực sự là bác ái đúng như Chúa dạy. Khó lắm chứ chẳng
đơn giản hoặc nông cạn như chúng ta tưởng đâu!
Chúng ta nghe nói mãi mà chẳng thông, thế nên
Thánh Phaolô lại tiếp tục phân tích: “Lòng
bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với
điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình;
nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.” (Rm
12:9-11) Ôi, thật độc đáo khi người Pháp nói: “Đừng vì kính mến Chúa mà chống đối kẻ khác.” Người ta giả hình chỉ
vì họ trọng hình thức bề ngoài và ảo tưởng, nhưng hãy coi chừng: “Ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì
hết thì là lừa gạt chính mình.” (Gl 6:3) Đúng vậy, “con cái đời này khôn
ngoan hơn con cái sự sáng.” (Lc 16:8) Thật đáng sợ vì càng ngày càng xuất hiện
nhiều thứ giả – kể cả người giả!
Với bản chất chân thật và thẳng thắn, Chúa
Giêsu không bao giờ “vòng vo tam quốc”, bất cứ ai không sống thật đều bị Ngài
“phang” tới bến: “Các người như mồ mả
không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.” (Lc 11:44) Ôi, kinh
khủng thật, thế nhưng lại rất “đã ngứa.” Người ta giết Chúa Giêsu chết thảm
thương chỉ vì Ngài dám nói thẳng, dám “ý kiến, ý cò,” dám “trách mắng” người
khác, dám “chạm” vào chỗ “nhạy cảm” của những “người lớn” – những “kẻ cả,” vừa
có chức vừa có quyền. Ai theo phong cách của Chúa Giêsu thì cũng bị người ta
ghét. Chắc chắn như thế!
Nếu vậy, chúng ta có nên sống thật, có dám
sống thật, và sống thật như thế nào? Đó là nỗi băn khoăn không của riêng ai. Và
với câu hỏi đó, chắc chắn ai cũng có thể thản nhiên trả lời ngay: “Nên và rất nên.” Tuy nhiên, có dám thể
hiện cách sống thật hay không mới là vấn đề. Quả thật, sự can đảm và thái độ
dứt khoát là điều rất cần thiết. Đó cũng chính là một cách “từ bỏ mình” để vâng
theo ý muốn của Thiên Chúa vậy!
Lạy
Thiên Chúa của chân lý, công minh và chính trực, xin xót thương con là kẻ tội
lỗi, (Lc 18:13) xin đừng trách mắng con khi thịnh nộ, đừng sửa trị con lúc nổi
lôi đình, (Tv 6:2; Tv 38:2) nhưng xin trách mắng con theo lượng từ bi của Ngài
để con được nên người, xin giúp con can đảm tẩy não cho đúng Ý Ngài, luôn làm
đúng với những gì con nói, luôn thẳng thắn và dứt khoát. Con cầu xin nhân danh
Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment