Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

CHO và NHẬN

Cuộc đời là xã hội, là cộng đồng, nghĩa là không ai lại không phải ít nhiều nhờ vả nhau – dù trực tiếp hay gián tiếp. Không ai có thể sống như một ốc đảo, mà luôn có những mối quan hệ và những hệ lụy theo một quy luật tất yếu của cuộc sống.
Trong quan hệ đó, mỗi người có một nhân sinh quan riêng nhưng luôn hợp thành một tổng thể cộng đồng. Như vậy, cần có tình đồng loại thực sự. Con người vốn dĩ yếu đuối nên rất cần sự cảm thông và tha thứ không ngừng. Sống chân thành và hài hòa với nhau là hạnh phúc được nhân đôi: Cho bạn và cho tôi. Mỗi người phải biết chia sẻ, không thể khư khư giữ “cái tôi” mãi. Nhưng, để được NHẬN thì phải biết CHO trước. Tất nhiên phải biết mở lòng ra như cuốn sách để người khác "đọc" mà cùng quan tâm lẫn nhau.
Dĩ nhiên không ai trên đời có thể hiểu hết nhau – dù trong mối quan hệ nào. Có chăng là hiểu một đôi phần trong lĩnh vực và khía cạnh nào đó. Cố gắng hiểu người chứ đừng đòi người hiểu mình nhiều quá. Vả lại, ai cũng có “khoảng riêng” bất khả xâm phạm. Biết vậy để tự trọng và tôn trọng nhau đúng mức. P. Gerandy (Mỹ) phân tích: “Chỉ cần hơi giống nhau là có thể hiểu nhau, nhưng cần phải hơi khác nhau để có thể yêu nhau.”
Có những người chê bai, trách cứ mà không chịu “nhìn” để cảm thông. Có những người chỉ biết đòi hỏi mà không biết trao tặng. Có những người lại quá “hạ mình” đến mức nhu nhược hoặc hóa kiêu ngạo. Người may mắn có cuộc sống sung túc từ nhỏ thì không muốn quen thân những người nghèo khó. Người giàu có nhờ “số hên” thì coi trời bằng… nắp bia.
Biển luôn vỗ sóng vì lòng biển thẳm sâu, chứa nhiều châu báu. Những con người đau khổ và gian nan là những người đầy kinh nghiệm. Pythagore cảnh báo: “Đừng thấy bóng mình to lớn mà tưởng mình vĩ đại.” Biết người, biết ta thì không ai dám “nổ.” Khoác lác là tự phơi bày cái “không tưởng” của mình.
Nhưng thế nào là quan tâm đến nhau? Có thể dùng ngôn ngữ, cử chỉ, động thái, ánh mắt, nụ cười,… để thể hiện. Quan tâm đến nhau là điều cần thiết trong mọi mối quan hệ. Thiết tưởng, dưới đây là các “khởi điểm” để tạo mối quan thiết tốt đẹp và bền vững:
1. Bạn có thể viết thư, gởi thiệp, tặng hoa hoặc quà để chúc mừng vào những dịp đặc biệt như sinh nhật, lễ, tết, cưới hỏi, thi đậu, thôi nôi, tân gia, ngày 8-3, ngày tình yêu (Valentine's Day, 14-2),… Trên thế giới còn có những ngày khác như Ngày Ông Bà (Grandparents' Day, chủ nhật thứ nhất sau lễ Lao động), Ngày Thân Mẫu (Mother's Day, chủ nhật thứ nhì của tháng Năm), Ngày Thân Phụ (Father's Day, chủ nhật thứ ba của tháng Sáu) dành cho con cháu tỏ lòng thảo hiếu đối với Ông Bà và Cha Mẹ mình.
2. Thi thoảng, nếu có thể thì thường xuyên điện đàm, nhắn tin, thăm viếng,… kẻo “xa mặt cách lòng”.
3. Luôn biết sử dụng tiếng “xin lỗi,” “cảm ơn” và “làm ơn…” dù bạn đi mua hàng, hỏi đường, hỏi giờ,…
4. Biết sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần (an ủi, động viên, khen ngợi, chân thành sửa lỗi…). Một người bạn tốt là người có mặt đúng lúc, và là người dám làm trái ý cả trăm lần chỉ vì muốn tốt cho chúng ta.
5. Xởi lởi, trung thực, chân thành tâm sự để chia vui sẻ buồn, cả thành công lẫn thất bại trong cuộc sống để cùng dìu nhau đi.
Nhưng đôi khi cũng cần biết “phớt tỉnh Ăng-lê” (kiểu người Anh) để không “soi mói” đời tư người khác.
Sống tốt khó hay dễ tùy mỗi người. Ai có cá tính mạnh là có tính cách đặc biệt “khác người”. Bạn có thể bị hiểu lầm, nhưng một khi hiểu ra thì người ta càng nể phục. Hãy sống theo “chiều sâu,” đừng sống theo “chiều dài,” và hãy cứ là chính mình chứ đừng để tính cách bị “lai căng.”
Biết quan tâm đến người khác là một cách sống tốt, điều mà không ai lại không muốn, và giúp người khác cùng sống tốt. Đừng “vô tình” biến họ thành Chí Phèo! Văn hào Victor Hugo nói: “Tôi thích trở thành người nổi tiếng, vì đó là hạnh phúc. Nhưng tôi muốn trở thành người hữu ích, vì đó là nghĩa vụ.”
Nhạc Pháp có ca khúc nổi tiếng “L’Amour C’est Pour Rien” (Tình Cho Không Biếu Không), trong ca khúc này có đoạn nói: “L'amour, c'est pour rien Tu ne peux pas le vendre.” Nói là “không bán cũng không mua,” thế nhưng thực tế khác hẳn. Với loài người, điều gì cũng có điều kiện: “Bánh ít đi, bánh quy lại,” hoặc “Thả con cá sặt, bắt con cá rô,” bỗng dưng ai cho không cái gì thì chắc là “có vấn đề.”
VIỄN ĐÔNG
[Đăng trên Tạp chí Thanh Niên – Tuổi Trẻ Hạnh Phúc, số 38, ngày 16-10-2017]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment