Người Việt có câu: “Ăn cây nào, rào cây nấy.” Đó là nói về bổn phận phải thực hiện.
Người ta cũng có cách nói khác: “Của
thiên trả địa.” Đó là nói về tình trạng sở hữu, nhưng mang nghĩa xấu, với ý
nói rằng cái gì không là của mình thì không thể giữ được, tương tự kiểu nói: “Của phi nghĩa có giàu đâu!”
Quyền sở hữu liên quan bổn phận. Chắc chắn không
ai lại không có gì sở hữu, hiểu đơn giản là “quyền làm chủ,” và như thế thì ai
cũng có bổn phận. Hoàn toàn hợp lý. Quyền sở hữu là quyền cơ bản nhất của mỗi con
người, bất kỳ ai. Trong lĩnh vực tài chính, người ta còn có “quyền sở hữu chéo”
(ngân hàng này sở hữu ngân hàng khác, doanh nghiệp này sở hữu một doanh nghiệp
khác,... mối quan hệ vừa trực tiếp vừa gián tiếp – khái niệm “lạ” này mới xuất
hiện từ thập niên 1980). Kể cũng lạ, nhưng phần nào nói lên mối liên đới lẫn
nhau.
Thời gian và tự do là đặc ân mà Thiên Chúa trao
ban cho chúng ta, nghĩa là chúng ta có quyền sở hữu hai thứ đó. Tuy nhiên,
chúng ta KHÔNG LÀM CHỦ mà CHỈ QUẢN LÝ. Rất rạch ròi, vì chính Chúa Giêsu đã minh
định: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà
không do Trời ban.” (Ga 3:27) Thật đúng như vậy, khi nói về một tài năng
nào đó, người ta dùng chữ “thiên phú” – tức là “trời cho” đó thôi. Tác giả sách
Giảng Viên cảm nhận: “Tôi nhận ra rằng
mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để
bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân BIẾT KÍNH SỢ NGƯỜI.” (Gv
3:12-14) Vấn đề quan trọng là người nào đó có tài năng mà còn biết kính sợ
Chúa hay không, còn biết khiêm nhường hay không. Chứ ảo tưởng thì “chết chắc”
thôi! Vả lại, Chúa Giêsu cũng đã xác định: “Không
có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5)
Thuở xưa, Thiên Chúa đã phán với vua Kyrô,
người được Ngài xức dầu: “Ta đã cầm lấy
tay phải nó, để bắt các dân tộc suy phục nó, Ta tước khí giới của các vua, mở
toang các cửa thành trước mặt nó, khiến các cổng không còn đóng kín nữa.”
(Is 45:1) Ngài giải thoát ai, người đó thuộc quyền sở hữu của Ngài. Chúng ta
cũng được Thiên Chúa cứu độ bằng Giá Máu của Đức Giêsu Kitô, Con Một Yêu Dấu
của Ngài, vậy chúng ta cũng thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Đức Kitô và mặc lấy
Đức Kitô (Gl 3:27), thuộc dòng dõi Ápraham và được thừa kế. (Gl 3:29) Mà
những ai thuộc về Thiên Chúa thì phải vâng lời Ngài. (Ga 8:47) Đó là điều quan
trọng, là bổn phận và trách nhiệm cả đời!
Với lòng thương xót vô biên và sự ân cần tha
thiết, Thiên Chúa giải thích: “Vì lợi ích
của tôi tớ Ta là Giacóp, và của người Ta đã chọn là Israel, Ta đã gọi ngươi
đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta. Ta là Đức
Chúa, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta. Dù
ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ, để từ Đông sang Tây,
thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta. Ta là Đức Chúa, không
còn chúa nào khác.” (Is 45:4-6) Thiên Chúa nhấn mạnh tính cao cả duy nhất
của Ngài bằng cách lặp đi lặp lại: “Ta là
Đức Chúa, KHÔNG CÒN CHÚA NÀO KHÁC.” Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta chỉ được
phép tôn thờ một mình Ngài. Và thật diễm phúc, chúng ta đã nhận ra điều này, để
rồi chúng ta đang tôn thờ Ngài và không ngừng nỗ lực học bài học yêu của Ngài.
Cũng như dân Israel, chúng ta được trở nên dân riêng của Ngài. Nhưng đừng vì
thế mà ỷ lại hoặc ảo tưởng!
Chúng ta hoàn toàn bất xứng, bởi vì “con tim
là tro bụi, hy vọng hèn hơn đất, cuộc đời tệ hơn bùn,” (Kn 15:10) thế nhưng
Thiên Chúa vẫn quan tâm, chăm sóc và hết mực yêu thương chúng ta, Ngài còn
khuyến khích chúng ta như đã động viên dân Israel xưa: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi:
ngươi là của riêng Ta!” (Is 43:1) Dân Israel là “vật sở hữu” của Thiên
Chúa, chúng ta cũng thế. Ngày nay cũng có những thứ thuộc về Thiên Chúa, tương
tự như Dân Riêng vậy. Đó là những thứ thuộc quyền sở hữu của Ngài, ai dám liều
mạng mà “đụng chạm” đến những gì của Chúa thì “kẹt lắm” đấy. Phàm nhân chúng ta
thật diễm phúc: “Con người là chi mà Chúa
cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8:5)
Thế gian không có gì trường tồn, chẳng có chi
vĩnh cửu. Mọi sự ở dưới bầu trời này đều có lúc, mọi việc đều có thời. Ngay cả
chuyện ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra, tức
là tận hưởng những gì mình sở hữu, điều đó đã là một món quà Thiên Chúa ban
tặng rồi. (x. Gv 3:1-12) Vâng, tất cả chỉ là phù vân, chúng ta “chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết,” (Tv 49:13) chẳng có gì bền vững, chỉ có Thiên
Chúa là Đấng vạn đại trường tồn. (Tv 102:25) Biết mình hữu hạn, biết Chúa vô
hạn, để mà hết lòng tôn thờ và tán tụng Thiên Chúa. Cảm nhận niềm hạnh phúc
này, Thánh Vịnh gia không thể lặng im nên đã mời gọi: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa
cầu!” (Tv 96:1)
Trong Kinh Nguyện Thánh Thể, Giáo hội minh
định rằng việc chúng ta ca tụng Chúa chẳng thêm gì cho Thiên Chúa, nhưng đem
lại ơn cứu độ cho chúng ta. Việc ca tụng Thiên Chúa không chỉ là trách nhiệm và
bổn phận của chúng ta mà còn là niềm hạnh phúc của chúng ta: “Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh! Ngày
qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật là vinh
hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người. Chúa thật cao cả, xứng muôn lời
ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần, vì chư thần các nước thảy đều hư ảo, còn
Đức Chúa, Người sáng tạo trời cao.” (Tv 96:3-5) Ca tụng Chúa khi chúng ta
may mắn, đó là điều dễ thực hiện, nhưng ca tụng Chúa ngay cả khi cuộc đời chúng
ta không “xuôi chèo mát mái,” đó mới là điều khó thực hiện – nhưng làm được vậy
mới có giá trị cao. Trong đau khổ tận cùng, ông Gióp vẫn rạch ròi đặt vấn đề với
người vợ vô tâm vô tính: “Chúng ta đón
nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G
2:10)
Sinh ra tay trắng, chẳng có hành lý gì vào
đời, nhưng Thiên Chúa vẫn ban cho chúng ta mọi thứ (cả vật chất lẫn tinh thần),
thế mà chúng ta vô tâm cho rằng đó là “dĩ nhiên,” đã không biết tạ ơn thì thôi,
chúng ta lại còn “so đo” và cho rằng mình không được may mắn như người khác.
Thật ra đó là ý mình, không phải Ý Chúa. Đôi khi chúng ta chỉ muốn ép Chúa theo
ý mình. To gan lắm đấy!
Sự thật minh nhiên là Thiên Chúa luôn xứng
đáng để chúng ta xưng tụng mọi nơi và mọi lúc. Thật vậy, Thánh Vịnh gia tha
thiết mời gọi: “Hỡi các dân các nước, hãy
dâng Chúa quyền lực và vinh quang, hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người. Hãy
bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa, và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện, toàn
thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan. Hãy nói với chư dân: Chúa là Vua hiển
trị, Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay, Người xét xử muôn nước
theo đường ngay thẳng.” (Tv 96:7-10) Thật hạnh phúc khi nhận biết và xưng
tụng Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa duy nhất, chắc chắn không có Đấng nào khác.
Chúng ta chẳng có gì, tất cả là của Chúa,
Ngài sở hữu tất cả. Đúng vậy, không có Ngài thì chúng ta chẳng làm nên trò
trống gì, chỉ là đồ vô tích sự. (x. Ga 15:5 và Lc 17:10) Vậy vì cớ gì mà chúng
ta lại không tôn vinh và không tạ ơn Thiên Chúa? Có ai đau khổ bằng ông Gióp? Thế
mà trong lúc đau khổ đến tột cùng, mất hết mọi vật sở hữu, từ của cải tới con
cái, nhưng ông Gióp vẫn “không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm
đến Thiên Chúa.” (G 1:22) Thiên Chúa đã xác nhận với Satan về ông Gióp: “Chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó:
một con người vẹn toàn, ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh
xa điều ác.” (G 1:8) Đó là 4 “điểm son” của Thánh Gióp, đồng thời là một
tấm gương to lớn và sáng chói để chúng ta soi vào. Cuộc đời có khi chưa đến nỗi
nào mà chúng ta đã than trách đủ thứ. Còn lâu thật là lâu chúng ta mới có thể
“xách dép” chạy theo Thánh Gióp. Thật vậy, vác thập giá đâu có sướng, đâu có
nhàn, không thể cứ tà tà mà vác rồi lại đòi này hỏi nọ!
Trách nhiệm và bổn phận của chúng ta không
chỉ phải biết tạ ơn và cầu nguyện cho mình mà còn phải tạ ơn và cầu nguyện cho
người khác, đồng thời còn phải biết ơn nhau nữa. Thánh Phaolô cho biết: “Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả
anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện, và trước mặt Thiên Chúa
là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng
tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên
nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô.” (1 Tx 1:2-3) Đó
là sợi dây liên đới trong tình yêu Kitô giáo, thật là tuyệt vời biết bao!
Tiếp theo, Thánh Phaolô vừa giải thích vừa
xác định: “Anh em là những người được
Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em, vì khi
chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà
còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa. Anh em biết, khi
ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em.” (1 Tx 1:4-5) Thánh Phaolô nói với giáo đoàn Thêxalônica nhưng cũng là nói với chính chúng ta
– mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi hội đoàn, mỗi giáo xứ, mỗi giáo phận, mỗi tu
viện, mỗi chủng viện,...
Người ta có câu: “Nhà có gia phong, nước có quốc pháp.” Quốc gia nào cũng có hiến
pháp – nhưng hiến pháp phải hợp lòng dân, không thể tự ý ra luật “tùy hứng” rồi
bắt người khác thực hiện, theo kiểu “luật rừng.” Luật có sau con người. Luật vị
nhân sinh, luật vì con người. Luật giúp con người sống tốt hơn và giúp duy trì
trật tự. Nên giữ luật nhưng đừng câu nệ luật, cứng ngắc theo “chữ đỏ.” Tương
tự, người ta nói rằng “tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên.” Trong ba người
cùng đi cũng có một người là thầy, có khả năng hướng dẫn hai người kia – tức là
có thể “làm luật.” Dù là luật gì cũng phải vì yêu thương, không thể làm luật để
“hành hạ” người khác.
Tin Mừng hôm nay là trình thuật Mt 22:15-21, đề
cập quyền sở hữu. Một hôm, những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách
làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. Không chỉ vậy, họ còn cấu kết với phe
Hêrôđê – kẻ nham hiểm và hèn nhát. Quả thật, họ sai các đệ tử của họ cùng đi
với những người theo phe Hêrôđê đến nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy
đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài
mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho
Xêda hay không?” Ra vẻ chân thành nhưng chỉ là mưu mô xảo
quyệt. Đó là những người “miệng nam-mô mà bụng một bồ dao găm.” Kinh khủng
thật! Ngày nay cũng vẫn không thiếu những kẻ nham hiểm như vậy.
Sự thật mãi là sự thật. Vải thưa không thể
che mắt thánh! Chúa Giêsu biết tỏng mưu thâm kế độc của họ nên Ngài thẳng thắn nói:
“Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những
kẻ giả hình? Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ thường xuyên bị Chúa
Giêsu trách mắng thẳng mặt và nguyền rủa, thế mà họ vẫn cứ trơ trơ. Họ thuộc
loại “mặt dày,” vẫn thản nhiên đưa cho Ngài một quan tiền. Ngài vừa chỉ đồng
tiền vừa hỏi họ: “Hình và danh hiệu này
là của ai đây?” Họ vẫn đáp tỉnh queo: “Của
Xêda.” Thật trơ trẽn, tồi tệ! Bấy giờ, Ngài bảo họ: “Thế thì của Xêda trả về Xêda; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa.” Cái gì của ai thì trả cho người đó, vì đó là quyền sở hữu của họ,
tất nhiên cũng không ai có quyền chiếm hữu bất cứ thứ gì của người khác – dù
vật thể hay phi vật thể. Ôi, câu trả lời của Chúa độc đáo vô cùng! Nghe vậy, họ
ngạc nhiên lắm, nhưng cũng đành câm họng và bỏ đi!
Chắc chắn ai cũng khả dĩ hiểu rằng cái gì của
người khác thì không thuộc quyền sở hữu của mình, chớ có nổi lòng tham hoặc rờ
tới. Hai điều Thiên Chúa đã nghiêm cấm trong Thập Giới là “chớ LẤY của người”
và “chớ THAM của người.” (Giới Răn 7 và 10) Thế nhưng có một số
người có khái niệm lệch lạc thế này: “Cho
không lấy, thấy không xin, kín thì rình, hở thì rinh.” Nguy hiểm quá! Cuộc
sống có nhiều dạng sở hữu, nhưng cần phải biết phân biệt rạch ròi: Cái gì thuộc
về trần tục, và cái gì thuộc về tâm linh. Đừng lầm lẫn để rồi râu ông nọ lại
đem cắm cằm bà kia. Vâng lời quyền bính thế gian cũng là vâng lời Thiên Chúa,
nếu khoản luật đó hợp với công bình và bác ái.
Con người có hai phần – hồn và xác, thế nên
cũng có hai dạng trách nhiệm rạch ròi, không thể lẫn lộn với nhau. Thánh Phaolô
nói về nhà chức trách: “Làm điều thiện
thì không phải sợ nhà chức trách, có làm điều ác mới phải sợ. Bạn muốn khỏi
phải sợ chính quyền ư? Hãy làm điều thiện, và bạn sẽ được họ khen ngợi, vì
chính quyền là người thừa hành của Thiên Chúa để giúp bạn làm điều thiện. Nhưng
nếu bạn làm điều ác thì hãy sợ, vì họ mang gươm không phải không có lý do. Thật
vậy, họ là người thừa hành của Thiên Chúa để giáng cơn thịnh nộ của Người xuống
kẻ làm điều ác. Vì lẽ đó, cần thiết phải phục tùng, không những vì sợ bị phạt,
mà còn vì lương tâm.” (Rm 13:3-5) Ở đây có ý nói “lương tâm ngay lành,” chứ
không đề cập dạng “lương tâm lệch lạc.”
Cũng nên lưu ý loại lương tâm bị “chai cứng”
hoặc “lệch lạc,” loại lương tâm như vậy không đủ mức phân biệt phải hoặc trái. Đó
là loại lương tâm rất nguy hiểm, vì không còn cảm thức tội lỗi. Ngày nay chúng
ta thấy xuất hiện những người tự xưng là thuộc tổ chức IS (Islamic State – Nhà
nước Hồi giáo), họ giết người rất dã man vì họ cho đó là “điều chính nghĩa,” là
“thánh chiến.” (sic!) Ngay cả các trẻ em vô tội cũng bị họ sát hại dã man. Đã
từng có đợt họ hành hạ dã man khoảng 70.000 trẻ em. Niềm tin tôn giáo của họ
lệch lạc nên hóa bất nhân quá!
Rất rạch ròi, Thánh Phaolô đã dặn dò đệ tử
Titô: “Anh hãy nhắc nhở cho ai nấy phải
phục tùng và tuân lệnh các nhà chức trách, các người cầm quyền, phải sẵn sàng
làm mọi việc tốt, và đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hòa,
luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người.” (Tt 3:1-2) Những mệnh lệnh cách
rất mạnh mẽ, dù theo thể phủ định hoặc xác định!
Nhưng rồi tất cả cũng chỉ là phù vân, và mọi
thứ sẽ qua đi. Chắc chắn không có gì trường tồn ở thế gian này, ngay cả những
gì chúng ta đang sở hữu cũng không thuộc về chúng ta mãi mãi, thậm chí kể cả sự
sống: “Chúa lấy sinh khí lại, là chúng
tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.” (Tv 104:29) Những gì chúng ta sở hữu và
thuộc về chúng ta mãi mãi chính là các nhân đức. Loại “vật sở hữu” này rất quan
trọng, gọi là “công trạng,” vì đó sẽ là chứng cớ hùng hồn bênh vực cho chính
chúng ta, chỉ nhờ đó mà chúng ta được trở thành Công Dân Nước Trời – dĩ nhiên
trước tiên phải nhờ công cuộc cứu độ của Đức Giêsu Kitô.
Có Chúa thì mới có tất cả, Thánh TS
Thomas Aquinas (1225-1274, người Ý, linh mục Dòng Đa-minh) rất khôn ngoan khi
cầu xin: “Con chỉ muốn Chúa thôi!” Đó
là điều duy nhất mà mỗi chúng ta phải nỗ lực để khả dĩ “sở hữu” mãi mãi! Còn Thánh TS
Gioan Thánh Giá (1542-1591, người Tây Ban Nha, linh mục Dòng Camêlô), khi Chúa
hỏi “muốn phần thưởng gì,” thánh nhân trả lời: “Xin cho con chịu ĐAU KHỔ và chịu SỈ NHỤC vì Chúa.” Đó là dạng sở
hữu rất đặc biệt, đồng thời cũng là trách nhiệm và bổn phận. Rất rạch ròi! Và có một
loại thuế đặc biệt mà chúng ta phải nộp cho Thiên Chúa: Mến Chúa – Yêu Người.
Hôm nay là Chúa Nhật áp chót của tháng Mười, theo
truyền thống Công giáo là Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, ngày cổ vũ ơn thiên
triệu linh mục và dâng hiến, nói đơn giản là “ơn gọi đi tu.” Tưởng cũng nên
nhắc lại rằng Ngày Thế Giới Truyền Giáo được ĐGH Piô XI khai sinh từ năm 1926.
Ngày 4-6-2017, Tòa Thánh đã chính thức công
bố Sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo năm 2017. Trong đó, ĐGH Phanxicô đề cập việc thực
hiện sứ vụ truyền giáo của chúng ta cùng với Mẹ Maria: “Trong việc thực thi sứ vụ truyền giáo của chúng ta, chúng ta hãy rút cảm hứng từ Mẹ Maria, Mẹ của việc
Phúc Âm hóa. Được Thần Khí thúc đẩy, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa ở tận đáy đức tin khiêm tốn của Mẹ. Nguyện xin Mẹ
Đồng Trinh giúp chúng con nói lên lời ‘xin vâng’ của chính mình, ý thức về nhu
cầu cấp bách để làm Tin Mừng của Chúa Giêsu vang lên trong thời đại của chúng
con. Xin Mẹ giúp chúng con có lòng nhiệt thành mới trong việc mang đến cho tất
cả mọi người Tin Mừng về sự sống, là
sự sống đã chiến thắng sự chết. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con để chúng con
có thể có được sự táo bạo thánh thiện
cần thiết để khám phá ra những cách thức mới ngõ hầu mang lại ơn cứu độ cho
mọi người nam nữ.” (số 10)
Lạy
Thiên Chúa, xin giúp con biết nhận thức đúng đắn về đức tin, đức ái, trách
nhiệm và bổn phận của con. “Ngày là của Chúa, đêm cũng là của Chúa,” (Tv 74:16) “trời là của Chúa, đất cũng là của Chúa,” (Tv 89:12) con chẳng có gì, xin triệt
tiêu tính kiêu ngạo trong con, và xin đổ “máu hồng thương xót” vào trái tim của
mọi người để tất cả NÊN MỘT (Ga 17:20-23) theo Tôn Ý Con Yêu Dấu của Ngài. Con
cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
PHỤ LỤC
Sứ Điệp Khánh Nhật Thế giới Truyền Giáo, Chúa
Nhật 22-10-2017
SỨ
VỤ TRUYỀN GIÁO TRONG LÒNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO
Một lần nữa trong năm nay, Ngày Thế giới
Truyền Giáo tụ tập chúng ta lại chung quanh con người của Chúa Giêsu, “Đấng Loan
Báo Tin Mừng Tiên Khởi và Vĩ Đại Nhất,” (Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi,
7) Đấng tiếp tục sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng về tình yêu của Chúa Cha
trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ngày hôm nay mời gọi chúng ta suy
nghĩ lại về việc truyền giáo trong lòng đức tin Kitô giáo. Hội Thánh
tự bản chất là truyền giáo; nếu không, thì Hội Thánh không còn là Hội Thánh của
Đức Kitô nữa, mà là một trong nhiều nhóm người cuối cùng chỉ phục vụ mục đích
riêng của họ và qua đi. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta tự đặt ra cho mình
những câu hỏi về căn tính Kitô giáo của mình và trách nhiệm của mình như các
tín hữu trong một thế giới bị đánh dấu bởi sự nhầm lẫn, thất vọng và thất bại,
cùng bị xâu xé bởi các cuộc chiến tương tàn, là các cuộc chiến bất công nhắm
đến những người vô tội. Căn bản của sứ vụ truyền giáo của chúng ta là
gì? Trọng tâm của sứ vụ truyền giáo của chúng ta là gì? Những
tiếp cận thiết yếu mà chúng ta cần phải thực hiện trong việc thi hành sứ
vụ truyền giáo của chúng ta là gì?
SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO VÀ QUYỀN NĂNG BIẾN ĐỔI CỦA
TIN MỪNG CỦA ĐỨC KITÔ, LÀ ĐƯỜNG, SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG
1. Sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh, nhắm đến
tất cả mọi người nam nữ có thiện tâm, được dựa trên quyền năng biến đổi của
Phúc Âm. Phúc Âm là Tin Mừng tràn đầy niềm vui hay lây, vì nó chứa đựng và ban
tặng sự sống mới: sự sống của Đức Kitô Phục Sinh là Đấng, qua việc ban Thần Khí
ban sự sống, trở nên cho chúng ta Con Đường, Sự Thật và Sự Sống. (x. Ga 14:6) Người là Con Đường mời gọi chúng ta đi theo
Người một cách tự tin và can đảm. Khi đi theo Chúa Giêsu như Con
Đường của mình, chúng ta cảm nghiệm được Sự Thật và nhận
được Sự Sống của Người, đó là sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa
Cha trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Sư sống ấy giải thoát chúng ta
khỏi mọi loại ích kỷ, và là nguồn mạch của sự sáng tạo trong tình yêu.
2. Thiên Chúa Cha mong muốn cuộc đời của các
con cái Ngài được biến đổi, một sự biến đổi được thể hiện trong việc thờ phượng
trong Thần Khí và Chân Lý, (x. Ga 4:23-24) bằng một đời sống được
Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong việc noi gương Chúa Giêsu, là Chúa Con, đến
vinh quang của Chúa Cha. “Vinh Quang của Thiên Chúa là Con Người Sống Động.”
(Irenaeus, Adversus Haereses IV, 20, 7) Việc rao giảng Tin Mừng như
thế trở thành một lời sống động và hiệu quả để hoàn thành điều nó công bố
(x. Is 55:10-11): Chúa Giêsu Kitô, Đấng luôn nhập thể trong mọi hoàn
cảnh của nhân loại. (x. Ga 1:14)
SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO VÀ THỜI GIAN (KAIROS) CỦA
ĐỨC KITÔ
3. Như vậy, sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh
không phải là truyền bá một chủ nghĩa tôn giáo, lại càng không phải là đề nghị
một giáo huấn đạo đức cao quý. Đã có nhiều phong trào trên khắp thế giới đang
gây hứng khởi cho những lý tưởng cao quý hay những cách sống một cuộc đời đầy ý
nghĩa rồi. Qua sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh, chính Chúa Giêsu Kitô tiếp tục
Phúc Âm hóa và hành động; như thế, sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh hiện tại hóa
trong lịch sử kairos, thời gian thuận lợi của ơn cứu rỗi. Qua việc
công bố Tin Mừng, Chúa Giêsu Phục Sinh trở thành con người đương thời của chúng
ta, ngõ hầu những ai đón nhận Người bằng đức tin và tình yêu có thể cảm nghiệm
được quyền năng biến đổi của Thần Khí của Người, là Đấng làm cho nhân loại và
thụ tạo sinh hoa trái, thậm chí như mưa làm cho đất ra hoa trái. “Sự Phục Sinh
của Người không phải là một biến cố trong quá khứ; nó chứa đựng một sức mạnh
sống còn đã thâm nhuần thế giới này. Nơi mà mọi sự dường như đã chết, các
dấu chỉ phục sinh bỗng dưng mọc lên. Đó là một sức mạnh không thể chống cự được.” (Evangelii Gaudium, 276)
4. Chúng ta không bao giờ được quên rằng “làm
Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao
quý, mà là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, một Con Người, Đấng đem lại cho
cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định.” (Bênêđictô
XVI, Deus Caritas Est, 1) Tin Mừng là một Con Người, Đấng tiếp tục tự
hiến và liên tục mời gọi những ai tiếp nhận Người bằng đức tin khiêm tốn và
sùng kính để chia sẻ sự sống của Người bằng cách thông phần cách hiệu quả vào
Mầu Nhiệm Vượt Qua của Cái Chết và Phục Sinh của Người.
Qua Bí Tích Rửa Tội, Tin Mừng trở nên
nguồn mạch của đời sống mới, được giải thoát khỏi ách thống trị tội lỗi, được
Chúa Thánh Thần soi sáng và biến đổi. Qua Bí Tích Thêm Sức, Tin Mừng
trở thành một sự xức dầu củng cố, nhờ cùng một Thần Khí, Tin Mừng vạch ra các
phương pháp và chiến thuật mới để làm nhân chứng và đồng hành. Qua Bí Tích
Thánh Thể, Tin Mừng trở thành lương thực cho đời sống mới, “một thuốc trường
sinh.” (Ignatius of Antioch, Ad Ephesios, 20, 2)
5. Thế giới rất cần Tin Mừng của Chúa Giêsu
Kitô. Qua Hội Thánh, Đức Kitô tiếp tục sứ vụ của Người như
người Samaritanô tốt lành, chăm sóc các vết thương rỉ máu của nhân loại,
và như Người Mục Tử Nhân Từ, không ngừng tìm kiếm những kẻ lang thang dọc
theo các nẻo đường quanh co chẳng dẫn đến đâu. Cảm tạ Thiên Chúa, nhiều kinh
nghiệm quan trọng tiếp tục làm chứng về quyền năng biến đổi của Tin Mừng. Tôi
nghĩ đến cử chỉ của một học sinh ở Dinka, người đã hy sinh mạng sống để bảo vệ
một học sinh sắp bị bộ lạc thù nghịch Nuer tàn sát. Tôi nghĩ đến buổi cử hành
Thánh Lễ ở Kitgum, bắc Uganda, nơi mà, sau những vụ tàn sát hung bạo bởi một
nhóm loạn quân, một vị thừa sai đã làm cho dân chúng lặp lại lời của Chúa Giêsu
trên thập giá: “Ôi Thiên Chúa của con, ôi Thiên Chúa của con, sao Ngài nỡ bỏ
con?” Như một cách diễn tả tiếng khóc than tuyệt vọng của các anh chị em của
Chúa Chịu Đóng Đinh. Với dân chúng, buổi cử hành Thánh Lễ ấy là một nguồn
an ủi và can đảm khôn lường. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến vô số chứng từ
về việc Tin Mừng giúp người ta vượt qua sự hẹp hòi, xung đột, kỳ thị chủng tộc,
chủ nghĩa bộ lạc, cùng cổ võ ở khắp mọi nơi, và giữa tất cả mọi người, sự hòa
giải, tình huynh đệ và chia sẻ cho nhau như thế nào.
SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO LINH HỨNG CHO MỘT LINH ĐẠO
LIÊN TỤC XUẤT HÀNH, HÀNH HƯƠNG VÀ LƯU ĐÀY
6. Sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh được sinh
động hóa bởi một linh đạo liên tục xuất hành. Chúng ta được thách thức “đi
ra khỏi vùng an toàn của mình để đến tất cả các vùng ngoại vi đang cần ánh sáng
Tin Mừng.” (EG, 20) Sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh thúc đẩy chúng ta thực hiện
một cuộc hành hương thường xuyên qua khắp những hoang địa khác nhau
của cuộc sống nhờ các kinh nghiệm khác nhau về sự đói khát chân lý và công lý.
Sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh gợi hứng cho một cảm giác về cuộc
lưu đầy không ngừng, để làm cho chúng ta ý thức, trong cơn khao khát sự vô hạn
của mình rằng chúng ta đang đi trong một cuộc hành trình lưu vong hướng về ngôi
nhà cuối cùng của mình, lửng lơ giữa tình trạng “đã” và “chưa” của Nước Trời.
7. Sứ vụ truyền giáo nhắc nhở cho Hội Thánh
rằng Hội Thánh không phải là cùng đích cho chính mình, mà là công cụ khiêm tốn
và trung gian của Nước Trời. Một Hội Thánh quy chiếu về chính mình, một Hội
Thánh hài lòng với những thành công trần thế, thì không phải là Hội Thánh của
Đức Kitô, thân thể bị đóng đinh và vinh hiển của Người. Đó là lý do tại sao
chúng ta nên thích “một Hội Thánh bị bầm dập, đau đớn và dơ bẩn bởi vì nó đang
ở ngoài đường, chứ không phải một Hội Thánh bệnh hoạn vì bị giam hãm và ràng
buộc bởi sự an toàn của mình.” (ibid., 49)
NGƯỜI TRẺ, NIỀM HY VỌNG CỦA SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO
8. Người trẻ là niềm hy vọng của sứ vụ truyền
giáo. Con Người của Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng mà Người công bố tiếp tục thu
hút nhiều người trẻ. Họ tìm cách hiến thân phục vụ nhân loại với lòng can đảm
và nhiệt tâm. “Có nhiều người trẻ đang cung cấp sự đoàn kết của họ chống lại
các sự dữ của thế gian và tham gia các hình thức khác nhau của đấu tranh và
hoạt động tình nguyện… Đẹp thay khi thấy rằng các người trẻ đang là ‘những
người rao giảng ngoài đường,’ vui sướng đem Chúa Giêsu ra mọi nẻo đường, mọi
quảng trường của thành phố, đến mọi ngóc ngách của trái đất!” (ibid., 106) Đại
hội Thường kỳ của Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp đến sẽ được tổ chức vào năm 2018
với chủ đề Người Trẻ, Đức Tin và việc Phân Định Ơn Gọi, đại diện cho một
cơ hội được quan phòng để giúp người trẻ tham gia vào trách nhiệm truyền giáo
chung, là điều cần đến trí tưởng tượng và óc sáng tạo phong phú của các em.
VIỆC PHỤC VỤ CỦA CÁC HIỆP HỘI GIÁO HOÀNG
TRUYỀN GIÁO
9. Các Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo là một
phương tiện quý giá đánh thức trong mọi cộng đồng Kitô hữu một ước ao vượt qua
các giới hạn và sự an ninh của mình để rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người.
Trong số đó, nhờ một linh đạo truyền giáo sâu xa, được nuôi dưỡng hằng ngày, và
liên tục cam kết nâng cao ý thức và nhiệt tâm truyền giáo, các người trẻ, người
lớn, gia đình, linh mục, giám mục và tu sĩ nam nữ làm việc để phát triển một
lòng (tâm hồn) truyền giáo trong mọi người. Ngày Thế Giới Truyền Giáo, được
Hiệp hội Truyền Bá Đức tin cổ võ, là một cơ hội tốt để giúp cho lòng truyền
giáo của cộng đồng Kitô hữu tham gia vào việc cầu nguyện, làm chứng bằng đời
sống và sự hiệp thông của cải, ngõ hầu đáp ứng nhu cầu rộng lớn và cấp bách của
việc Phúc Âm hóa.
THỰC HIỆN SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO CỦA CHÚNG TA CÙNG
VỚI MẸ MARIA, MẸ CỦA VIỆC PHÚC ÂM HÓA
10. Anh chị em thân mến, trong việc thực thi
sứ vụ truyền giáo của chúng ta, chúng ta hãy rút cảm hứng từ Mẹ Maria, Mẹ của
việc Phúc Âm hóa. Được Thần Khí thúc đẩy, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa ở tận đáy đức
tin khiêm tốn của Mẹ. Nguyện xin Mẹ Đồng Trinh giúp chúng con nói lên lời “xin
vâng” của chính mình, ý thức về nhu cầu cấp bách để làm Tin Mừng của Chúa Giêsu
vang lên trong thời đại của chúng con. Xin Mẹ giúp chúng con có lòng nhiệt
thành mới trong việc mang đến cho tất cả mọi người Tin Mừng về sự sống, là sự
sống đã chiến thắng sự chết. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con để chúng con có
thể có được sự táo bạo thánh thiện cần thiết để khám phá ra những cách thức mới
ngõ hầu mang lại ơn cứu độ cho mọi người nam nữ.
Từ Vatican, ngày 4-6-2017
PHANXICÔ, Giáo Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment