Chắc chắn không ai muốn đau khổ, nhưng đau
khổ lại là một phần tất yếu của cuộc sống. Đau khổ đúng là… KHỔ thật, và chỉ
những ai đã trải qua đau khổ mới hiểu được nỗi khổ của người đau khổ! Ông Gióp
đã từng than thở: “Nỗi đau, nỗi sầu của
tôi lại nặng hơn cát biển; chính vì thế mà tôi phải nghẹn ngào, nói năng lúng
túng.” (G 6:3) Chỉ mới là niềm đau nỗi khổ ở trần gian mà còn khổ đến thế,
huống chi đau khổ ở Luyện Hình, chắc chắn không thể diễn tả btrọn vẹn bằng phàm
ngôn. Tiếng than của ông Gióp cũng là tiếng than của mỗi chúng ta – những người
đang trên đường lữ hành trần gian.
Đau khổ không vô ích mà có giá trị cao, nếu
không thì Chúa Giêsu đã chẳng động viên chúng ta chịu đau khổ – tức là “vác
thập giá” theo Ngài. (Mt 10:38; Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23; Lc 14:27) Đau khổ không
chỉ trong vài ngày, vác thập giá không chỉ trong vài tháng, vài năm hoặc một
thời gian nào đó, mà PHẢI vác hàng ngày, bất kể ngày hay đêm. Thật là “căng”
chứ chẳng thoải mái chút nào ráo trọi.
Tháng Cầu Hồn lại về, đâu đó vẫn vang vọng tiếng
kêu thảm thiết: “Xin đừng quên tôi!” Các linh hồn nơi Luyện Hình chẳng ai xa lạ, họ là thân nhân của chúng ta, họ
rất cần lời cầu nguyện của chúng ta, và họ tha thiết van xin chúng ta giúp đỡ
họ. Forget-Me-Not (Don’t Forget Me) là tên một loài hoa, theo Anh ngữ là “Xin
đừng quên tôi”, Việt ngữ gọi Lưu Ly Thảo. Loại hoa này nhỏ và có màu tím buồn. Ý
nghĩa của loài hoa này nói về sự chung thủy trong tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên,
nó vẫn mang những ý nghĩa khác. Với người Công giáo, Lưu Ly Thảo cũng đang nhắc
nhở về lời kêu cứu khẩn khoản của các linh hồn nơi luyện hình, xin chúng ta hãy
NHỚ tới họ, chứ ĐỪNG QUÊN họ.
Chúng ta là những lữ khách trần gian đang
trên đường tiến về Quê Trời, là những người thuộc Giáo hội Chiến đấu, Giáo hội
Lữ hành. Thật vui mừng và trần trề hy vọng khi chúng ta vừa mừng kính chư thánh
thuộc Giáo hội Khải hoàn, những người đã được hưởng Phúc Trường Sinh, và chúng
ta gọi họ là Thánh. Giáo hội muốn chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho các vị-thánh-tương-lai,
đặc biệt trong Tháng Cầu Hồn, vì chắc chắn họ sẽ được hưởng phúc trường sinh
nay mai, trong đó có những người thân thiết của chúng ta. Họ được vào Thiên
đàng sớm hay muộn là nhờ chúng ta, vì lúc này họ đành “bó tay”, chịu thúc thủ, không
thể làm gì được cho chính họ.
Ngày xưa, người-môn-đệ-Chúa-yêu Gioan đã được
thị kiến liên quan Luyện Hình: “Tôi thấy
những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai. Sổ sách đã mở sẵn; rồi một
cuốn khác cũng đã mở ra: đó là Sổ Trường Sinh. Các người chết được xét xử tuỳ theo
việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách. Biển trả
lại những người chết nó đang giữ; Tử thần và Âm phủ trả lại những người chết
chúng đang giữ, và mỗi người chịu xét xử tuỳ theo các việc đã làm. Tử thần và
Âm phủ bị quăng vào hồ lửa. Hồ lửa này là cái chết thứ hai. Ai không có tên ghi
trong Sổ Trường Sinh thì bị quăng vào hồ lửa.” (Kh 20:12-15) Các linh hồn
nơi luyện hình đã được cấp Visa-Trường-Sinh, chỉ còn chờ “chuyến bay” trực chỉ
tới Thiên Đàng thôi.
Mỗi khi cầu nguyện cho họ cũng chính là cầu
nguyện cho mình. Đúng như Thánh Phanxicô Assisi nói: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.” Tuy nhiên, dù các
linh hồn không tự “cải thiện” để được giảm án, nhưng các ngài vẫn có thể cầu
nguyện cho chúng ta, cầu nguyện với các linh hồn cũng rất hiệu quả. Hy vọng mai
đây mỗi chúng ta cũng được “phân loại” là “chiên” và được nghe Chúa nói: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh
nhận phần gia nghiệp Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ
trụ.” (Ga 11:25-26)
Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình
yêu” (1 Ga 4:8 và 16). Ngài là tình yêu nên Ngài luôn yêu thương mọi người và
tình yêu đó bất biến, Ngài chỉ muốn mọi người được về sống chung với Ngài trên
Thiên quốc, Ngài không phân biệt ai và không muốn ai phải mất Ngài. Thánh
Phaolô nói: “Phải chăng Thiên Chúa đã
ruồng bỏ dân Người? Không phải thế! Chính tôi đây cũng là người Ít-ra-en, thuộc
dòng dõi Áp-ra-ham, thuộc chi tộc Ben-gia-min. Thiên Chúa không ruồng bỏ dân
Người, dân mà Người đã biết từ trước.” (Rm 11:1-2a)
Để chúng ta hiểu biết thêm, Thánh Phaolô nói:
“Phải chăng Ít-ra-en đã vấp đến mức phải
ngã quỵ? Không phải thế! Nhưng vì họ sa ngã mà Thiên Chúa cho các dân ngoại
hưởng ơn cứu độ, khiến họ phải ganh tị. Nếu vì người Do-thái sa ngã mà thế giới
được ơn phúc dồi dào, nếu vì họ suy vi mà các dân ngoại được ơn phúc dồi dào,
thì khi họ trở về đông đủ, tình trạng còn tốt đẹp hơn biết mấy!” (Rm
11:11-12).Thật kỳ diệu biết bao!
Người ta nói: “Vô tri bất mộ” – không biết thì
không thích. Biết rồi thích. Thích rồi mến. Mến rồi yêu. Yêu rồi mê. Mê rồi
say. Say rồi bạo (bạo dạn – chỉ hiểu theo nghĩa tốt là sự can đảm). Thánh
Phaolô đã theo “chuỗi hệ lụy” đó, thế nên ngài phải nói ra: “Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng
hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân
Ít-ra-en đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ. Như vậy,
toàn thể Ít-ra-en sẽ được cứu độ, như có lời chép: Từ núi Sion, vị Cứu Tinh sẽ
đến, Người sẽ loại bỏ những điều vô đạo khỏi nhà Gia-cóp. Đó sẽ là giao ước của
Ta với chúng, khi Ta xoá bỏ tội lỗi chúng.” (Rm 11:25-27)
Chúng ta biết chắc rằng Thiên Chúa luôn thể
hiện lòng yêu thương, lòng thương xót, thế nên Ngài mới kêu gọi chúng ta theo
Ngài. Theo Ngài để làm gì? Để Ngài trao ban hạnh phúc trường sinh. Ngài là Đấng
trung tín tuyệt đối: “Khi Thiên Chúa đã
ban ơn và kêu gọi thì Người không hề đổi ý.” (Rm 11:28-29) Thật là hạnh
phúc cho phàm nhân chúng ta, mặc dù chúng ta chỉ là những tội nhân khốn nạn mà
thôi.
Hoàn toàn không sai, thật đúng như vậy, và Thánh
Vịnh gia đặt giả thuyết: “Ôi lạy Chúa,
nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130:3) May mà
đó chỉ là giả thuyết, không là sự thật. Bằng chứng minh nhiên là “Chúa vẫn rộng
lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài.” (Tv 130:4) Kiếp lữ hành quá khổ,
ai cũng muốn được giải thoát, nhưng chẳng tìm đâu ra ngoài Thiên Chúa: “Mong đợi Chúa, con hết lòng mong đợi, cậy
trông ở lời Người. Hồn con trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông.”
(Tv 130:5-6) Lính gác đêm hoặc ngày cũng đều mỏi mệt lắm, chỉ mong hết giờ
gác. Nhưng niềm khao khát Chúa còn hơn vậy. Thật tốt lành cho người nào biết
tìm kiếm Chúa như thế! Tìm được Ngài rồi thì hạnh phúc gấp bội, hoàn toàn an
tâm: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu
thốn chi.” (Tv 23:1)
Chúng ta không ngừng tìm kiếm Chúa, nhưng để
làm gì? Có ai thấy Chúa đâu mà tìm kiếm? Những người vô thần bảo “tôn giáo là
thuốc phiện ru ngủ”, chính Karl Marx còn quyết tâm triệt tiêu niềm tin tôn giáo
kia mà? Không thấy Chúa sao vẫn sợ và muốn triệt? Thiên Chúa là Sự Sống mà sao
họ lại muốn giết chết sự sống? Thật là tự mâu thuẫn quá! Gương Saolê nhãn tiền còn
đó. Cũng tương tự, người ta công khai nhận mình theo chủ nghĩa duy vật mà sao
vẫn thắp nhang khấn vái người quá cố? Phải chăng duy vật chỉ là “cái hộp” đựng
“duy tâm” hoặc “duy linh” bên trong? Lại tiếp tục tự mâu thuẫn nữa!
Kinh Thánh cho biết rằng, một ngày nọ, tại
hội đường Ca-phác-na-um, Chúa Giêsu đã xác định: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn
đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
(Ga 6:51)
Nghe Chúa Giêsu nói vậy, người Do-thái liền
tranh luận sôi nổi với nhau. Họ thắc mắc: “Làm
sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6:52) Nếu lúc đó
chúng ta nghe Chúa Giêsu nói vậy, có lẽ chúng ta cũng phản ứng như vậy thôi!
Chúa Giêsu biết họ nghĩ gì và bàn tán điều
gì, nhưng Ngài vẫn mạnh mẽ nói: “Thật,
tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông
không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời,
và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn,
và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi,
và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi
sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.
Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã
chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6:53-58) Tuy nhiên, trí
tuệ nông cạn của phàm nhân không thể hiểu được!
Cũng chẳng ai xa lạ, ngay cả các môn đệ nghe Thầy
mình nói vậy mà còn lùng bùng lỗ tai: “Lời
này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6:60) Các đệ tử ruột còn chưa
nghe nổi thì ai nghe nổi chứ? Chúa Giêsu biết các đệ tử xì xầm, nhưng Ngài làm
ngơ, không cần nói chi thêm!
Khi sinh thời, các linh hồn đang được thanh
luyện nơi Luyện Hình cũng đã vâng lời Chúa Giêsu mà ăn Thịt và uống Máu Ngài,
rồi các ngài cũng sẽ được sống đời đời như lời Chúa Giêsu đã hứa, dù lúc này
còn phải chịu thanh luyện trong “lửa” một thời gian (loại “lửa” ở Luyện Hình
không như lửa bình thường trên thế gian, bởi vì lửa chúng ta sử dụng hàng ngày
chỉ là “gió thoảng” nếu so với “lửa” ở Luyện Ngục – mà “lửa” ở Luyện Ngục cũng không
khác “lửa” ở Hỏa Ngục, chỉ khác nhau về mức độ: có hạn và vô hạn). Bất cứ điều
gì Thiên Chúa đã hứa thì chắc chắn trở thành hiện thực.
Đã từng được thị kiến Hỏa Ngục và Luyện Hình,
Thánh Faustina chân thành tâm sự: “Tôi bị
thiêu đốt trong lòng bằng lửa yêu mến Chúa và muốn cứu các linh hồn mà tôi cảm
thấy mình bị thiêu đốt. Tôi sẽ chiến đấu với ma quỷ bằng Vũ khí Lòng Chúa
Thương Xót. Tôi khao khát cháy bỏng là cứu các linh hồn. Tôi đi xuyên qua sức
mạnh và hơi thở của thế giới và mạo hiểm đến nỗi các biên giới và các vùng đất
hoang vu nhất để cứu các linh hồn. Tôi làm điều này bằng cách cầu nguyện và hy
sinh.” (Nhật Ký, số 754) Tình yêu của Thánh Faustina lớn lao quá!
Không chỉ trong Tháng Cầu Hồn mà mọi lúc, các
linh hồn vẫn ngày đêm kêu than van vỉ: “Xin
đừng quên tôi!”. Giáo hội Lữ hành hãy lắng nghe họ, xin cho họ hưởng nhờ những
“giọt nước mát lạnh”. Giúp đỡ họ là cứu thoát chính mình.
Có Thiên Chúa là có tất cả. Ước gì mỗi chúng
ta đều có thể xác định như Thánh Thomas Aquino, Linh mục Dòng Đa-minh, Tiến sĩ
Giáo hội và tác giả bộ Tổng luận Thần học, rằng: “Lạy Chúa, con chỉ muốn Ngài mà thôi.” Đó là phần thưởng cao quý
nhất và tuyệt vời nhất.
Lạy
Thiên Chúa, vì cuộc khổ nạn đau thương và cuộc tử nạn của Đức Giêsu Kitô, xin tha
thứ cho các linh hồn để họ được sớm được hưởng Thánh Nhan Ngài theo lòng thương
xót bao la của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân
loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
+ Thánh Ca Cầu Hồn
✽ Bà Simma & Các Linh Hồn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment