Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

THỎA THUẬN

Trong cuộc sống có nhiều dạng thỏa thuận – dù bằng lời nói hoặc bằng văn bản (chữ “thỏa hiệp” thường dùng cho dạng không tốt), sự thỏa thuận với nhau về một điều gì đó gọi là hợp đồng – nhất là trong chuyện làm ăn. Về tâm linh cũng có dạng thỏa thuận: dạng tốt là thỏa thuận về việc làm vườn nho (Mt 20:1-16) mà Tin Mừng đề cập, dạng xấu là “thỏa hiệp cám dỗ” của ma quỷ (với bà Eva, hoặc khi chúng ta phạm tội). Các dạng “hợp đồng ngầm” với ma quỷ đều rất nguy hiểm.
Chúa Giêsu xác định: “Cha tôi vẫn làm việc thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5:17) Chúa Cha và Chúa Con đều làm việc không ngừng, Chúa Thánh Thần cũng vẫn không ngừng tác động trong Giáo Hội. Như vậy, chắc chắn sự lao động có giá trị cao. Và tất nhiên chúng ta không thể lười biếng mà không chịu lao động.
Ai cũng phải lao động, bằng cách này hay cách khác, nhỏ làm việc nhỏ, lớn làm việc lớn, nhưng phải lao động chân chính chứ không thể lao động phi pháp. Lao động chân chính là dùng sức mình để làm việc có mục đích (tốt) và có ý thức. Lao động không chỉ là cách mưu sinh mà còn là cách trau giồi (dồi) sức khỏe, đặc biệt là tránh dịp tội, bởi vì “nhàn cư vi bất thiện”, vì rảnh quá hóa nông nổi, và vì nông nổi mà thành nông nỗi. Lao động chân tay hoặc lao động trí óc đều cần thiết, đều có giá trị nhất định, không ai hơn ai. Chỉ có lòng người xấu chứ không có nghề nào xấu. Vấn đề là có chịu làm việc hay không, chứ làm việc gì cũng là tiếp tục hoàn thiện công trình sáng tạo của Thiên Chúa – tất nhiên công việc đó hợp pháp chứ không phi pháp.
Phải công tâm mà công nhận rằng những người chịu thương chịu khó, siêng năng lao động là người có bản lĩnh, biết tự trọng, không ỷ lại vào người khác, không ích kỷ, không lợi dụng người khác. Đó là một dạng phục vụ, và cũng là một cách giúp đỡ người khác. Còn đối với những người lười biếng thì sao? Tất nhiên là đối lập với các đức tính của người lao động cần mẫn. Thánh Phaolô không hề úp mở mà nói thẳng luôn: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn.” (2 Tx 3:10)
Vào dịp kỷ niệm 90 năm ban hành Thông điệp “Rerum Novarum” (Tân Sự – ban hành ngày 15-5-1891) của Đức Lêô XIII (1810-1903), Đức Gioan Phaolô II (1920-2005) đã có Thông điệp “Laborem Exercens” (Lao Động của Con Người), ban hành ngày 14-9-1981, nói về Tin Mừng trong sự lao động, trong công việc. Điều đó cho thấy sự lao động là hoạt động quan trọng, cả thể lý và tâm linh. Thật vậy, Thiên Chúa đã dạy chúng ta qua cách hoạt động của Ngài: Lao động 6 ngày, chỉ nghỉ 1 ngày cuối tuần. (x. St 1:1-31 – 2:1-3)
Trong khi lao động, con người tự hoàn thiện chính mình trên hành trình đi tìm Chân-Thiện-Mỹ, đó là hành trình đi tìm Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa là Đấng chí thiện: “Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.” (Mc 10:18) Thật vậy, ngôn sứ Êdêkien đã chân thành nhắn nhủ: “Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.” (Is 55:6) Thiên Chúa còn cho phép chúng ta gặp khi Ngài ở gần, đến lúc Ngài không cho gặp và đi xa thì chúng ta vô phương. Đó là thời gian Ngài còn thương xót, và sẽ tới lúc hết giờ thương xót. Chắc chắn như vậy!
Kinh Thánh cho biết rõ rằng “ở dưới bầu trời này, cái gì cũng chỉ có một thời mà thôi.” (x. Gv 3:1-8) Và còn hơn thế nữa: Bất cứ chuyện gì cũng đều có thời có buổi, và đều bị Thiên Chúa xét xử.” (Gv 8:6) Vì thế, đừng lần lữa kẻo lỡ cơ hội. Cơ hội tốt không đến hai lần, thế nên hãy lắng nghe cho rõ: “Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa, và Người sẽ xót thương, về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.” (Is 55:7) Nước đến chân thì không thể nhảy kịp, và đừng quên rằng “Giờ Thương Xót” cũng đang dần thu ngắn lại, không ai có thể biết sẽ kết thúc lúc nào!
Tuy nhiên, đừng chần chừ, đừng ngần ngại, và cũng đừng sợ hãi, vì Thiên Chúa đã hứa: “Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại, lúc ngặt nghèo, có Ta ở kề bên. Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự, cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy và hưởng ơn cứu độ Ta ban.” (Tv 91:15-16) Ngài không chỉ lắng nghe và đáp lại, mà Ngài còn ban cho chúng ta hơn cả điều chúng ta mong đợi. Thật là trên cả tuyệt vời, chắc chắn chẳng có thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa chúng ta đang suy tôn thờ kính. Và đúng như thế, vì Thiên Chúa đã minh định rằng chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa và cấm chúng ta thờ bất cứ thần nào khác. (x. Đnl 32:39; Is 43:10; Is 45:5-6; Is 46:9; Hs 13:4)
Là phàm nhân, chúng ta không thể nào hiểu hết lòng thương xót của Thiên Chúa, ngay cả tình mẫu tử của người mẹ trần gian mà chúng ta còn chưa hiểu hết thì làm sao có thể hiểu Thiên Chúa: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 55:8-9)
Ngày xưa, mỗi khi nói tới điều khác lạ, người ta thường so sánh với chuyện lên cung trăng hoặc Tết Công-gô, tức là chuyện không thể xảy ra. Thế mà ngày nay, người ta đã có thể lên cung trăng, có thể “lên trời,” thế nhưng đó chỉ là một góc nhỏ của trời mà thôi. Khoa học tiến bộ với mức kinh ngạc, người ta đã và đang tìm mọi cách để “khám phá” bầu trời, nhưng càng khám phá thì người ta càng thấy thăm thẳm, còn biết bao “vị trí” mà người ta không biết gọi là gì, thế nên người ta đành phải mô tả là “lỗ đen” (black holes). Càng ngày khoa học lại phát hiện thêm hành tinh mới. Cứ thế và cứ thế, càng đi xa vào vũ trụ càng thấy thăm thẳm mù mịt. Có sẵn đó mà khám phá mãi không hết!
Thiên Chúa siêu hơn cả siêu việt, tuyệt hơn cả trác tuyệt, hơn cả tuyệt luân. Chúng ta chỉ còn biết cùng với Thánh Vịnh gia mà xưng tụng Thiên Chúa: “Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời. Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng. Người cao cả khôn dò khôn thấu.” (Tv 145:2-3) Càng tìm hiểu vũ trụ, người ta càng nhận biết Thiên Chúa. Càng tìm hiểu Thiên Chúa, chúng ta càng kính thờ và tạ ơn Thiên Chúa. Đó chính là hành trình đức tin, là quá trình lao động tâm linh.
Thật lạ lùng, Thiên Chúa chí thánh, là Đấng cao vời khôn ví, nhưng Ngài lại giàu lòng xót thương với mọi người, ai càng yếu thì Ngài càng thương: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.” (Tv 145:8-9) Quả thật, Thánh Phaolô đã dày dạn kinh nghiệm nên xác định: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5:20) Thế thì đừng nản chí sờn lòng hoặc thất vọng – dù là thất vọng về chính mình, mà hãy vững lòng tin tưởng và mau mắn đứng dậy ngay lập tức!
Ai cũng biết rằng Thiên Chúa là Đấng vô tiền khoáng hậu, vô thủy vô chung, và yêu thương vô hạn, nhưng Ngài cũng rất thẳng thắn: “Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm. Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.” (Tv 145:17-18) Vấn đề không phải là tội nhiều hay tội ít, vì ai cũng chỉ là tội nhân trước mặt Thiên Chúa mà thôi, chẳng ai hơn ai, nhưng vấn đề là có chân thành sám hối hay không. Và đó là điều Thiên Chúa mong đợi ở chúng ta: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9:13) Ngài thực sự chỉ muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ. (x. Hs 6:6) Ước gì không ai trong chúng ta phải nghe lời “nói nặng” này của Thiên Chúa: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mt 15:8; Mc 7:6)
Người Pháp có câu châm ngôn khá độc đáo: “Đừng vì yêu mến Chúa mà chống đối người khác.” Vào thời Thánh Phaolô, có những kẻ rao giảng về Đức Kitô chỉ vì lòng GANH TỊ và TRANH CHẤP, nhưng cũng có những người làm công việc đó vì Ý NGAY LÀNH, họ làm vì BÁC ÁI và BÊNH VỰC TIN MỪNG. Lại có những người loan báo Đức Kitô vì TÍNH ƯA TRANH GIÀNH, KHÔNG CÓ LÒNG NGAY. Nhưng Thánh Phaolô vẫn bảo là “không sao,” chỉ cần Đức Kitô được rao giảng. Thánh Phaolô mừng bởi vì điều ấy sẽ giúp ngài đạt được ơn cứu độ nhờ Thần Khí của Đức Giêsu Kitô phù trợ.
Và rồi Thánh Phaolô kết luận: “Đó là điều tôi đợi chờ và hy vọng. Sẽ không có gì làm cho tôi phải hổ thẹn, trái lại tôi hoàn toàn vững tin. Bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết: vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và CHẾT LÀ MỘT MỐI LỢI.” (Pl 1:20-21) Vậy là sao? Thánh Phaolô lý giải: “Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị GIẰNG CO giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.” (Pl 1:22-24) Vấn đề cốt lõi là miễn sao có lợi cho Thiên Chúa, mục đích là để “tuân phục Thánh Ý Chúa và vinh danh Chúa” mà thôi. Và cũng vì thế mà Thánh Augustinô đã tha thiết cầu xin: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con – Domine, noverim Te, noverim me.” Biết Chúa là chân nhận rằng Ngài là Đấng duy nhất và giàu lòng thương xót, nhờ vậy mà tôn thờ Ngài hết linh hồn và hết sức lực, biết mình là ý thức mình yếu đuối và đầy tội lỗi để mà sống khiêm nhường hơn.
Bát Phúc (Tám Mối Phúc, Bài Giảng Trên Núi) của Chúa Giêsu đã gây ấn tượng đối với danh nhân Mahatma Gandhi. Ông rất yêu quý Bát Phúc và gọi đó là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên của nhân loại. Ông có công giành độc lập cho Ấn Độ bằng con đường bất bạo động theo tinh thần của Đức Kitô, ông cũng khiến chúng ta ngạc nhiên khi ông thẳng thắn nói: “Tôi YÊU MẾN Đức Kitô nhưng tôi KHÔNG PHỤC các Kitô hữu.” Tại sao vậy? Có lần ông vào một nhà thờ Công giáo, ngoài cửa có ghi: “Cấm người da đen vào nhà thờ.” Thấy vậy, ông quay ra ngay. Là Kitô hữu, là môn đệ Chúa Giêsu và là con cái Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy thật là xấu hổ, vì chúng ta bảo người ta yêu thương mà mình lại kỳ thị người khác, chỉ lẻo mép nói hay mà không thi hành điều mình nói. Nước Chúa chưa rộng mở có lỗi của mỗi chúng ta. Đúng là lỗi tại tôi mọi đàng!
Đối với cộng đoàn Philíp, Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Chỉ có một điều là anh em PHẢI ăn ở làm sao cho XỨNG với Tin Mừng của Đức Kitô. Như thế, dù tôi có đến thăm anh em hay vắng mặt đi nữa, tôi vẫn muốn được nghe người ta nói về anh em là anh em luôn đứng vững, cùng chung MỘT tinh thần, MỘT lòng MỘT dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em.” (Pl 1:27) Và chắc chắn đó cũng là lời khuyên dành cho mỗi chúng ta hôm nay, chẳng loại trừ một người nào!
Trên hành trình tâm linh, hành trình đức tin, ai cũng là người lao động, là công nhân hoặc người thợ, hoàn toàn giống nhau và bình đẳng, hằng ngày làm việc theo sự thỏa thuận của “bản hợp đồng đức tin,” đó là làm việc trong “vườn nho” của Thiên Chúa với MỨC LƯƠNG NHƯ NHAU – đối với công nhân thâm niên cũng như tân binh. Tuy nhiên, điều cần phải luôn lưu ý là đừng so đo hoặc ganh tị để rồi liếc xéo nhau, nhìn nhau bằng nửa con mắt hoặc ngó nhau bằng “ánh mắt hình mũi tên.”
Một hôm, sau khi nói về phần thưởng dành cho ai bỏ mọi sự mà theo Ngài, Đức Giêsu kết luận: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.” (Mt 19:30; Mc 10:31; Mt 20:16) Một câu nói thật đáng để chúng ta “quan ngại” lắm! Rồi Ngài kể câu chuyện này: Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín, rồi giờ mười một, ông trở ra và thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Với ai ông cũng bảo: “Hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh HỢP LẼ CÔNG BẰNG.” (Mt 20:4)
Khi hoàng hôn buông xuống, nghĩa là hết giờ lao động, ông chủ vườn nho bảo người quản lý gọi tất cả thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất. Những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại và lãnh được mỗi người MỘT QUAN TIỀN. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người MỘT QUAN TIỀN. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn ông chủ bất công, họ so kè việc họ đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, nắng nôi thiêu đốt, thế mà chẳng hơn gì người vào làm muộn.
Rất bình tĩnh và thản nhiên, ông chủ trả lời với họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng THỎA THUẬN với tôi là MỘT QUAN TIỀN sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi TỐT BỤNG mà bạn đâm ra GHEN TỨC?” (Mt 20:13-15) Trong cuộc sống, ngay cả trong vấn đề tâm linh và bác ái, chúng ta cũng vẫn thường so đo đủ thứ, cứ tưởng chỉ có mình làm được công kia hay việc nọ, ý muốn nói mình “nổi trội” hơn người khác, muốn người khác phải “nể phục” mình. Và nếu Chúa Giêsu đặt vấn đề như vậy với chúng ta về vấn đề này, chắc chắn chúng ta “há miệng mắc quai nón,” phải câm họng mà thôi. Dụ ngôn “người Pharisêu và người thu thuế” (Lc 18:9-14) không bao giờ cũ, lúc nào cũng mang tính thời sự nóng bỏng!
Người ta thường nói rằng “người dốt thích nói chữ.” Thế nhưng họ càng nói lại càng dở, càng lý luận lại càng đuối lý. Chúa Giêsu biết họ đuối lý nên mới im như thóc thối, Ngài lặp lại và nhấn mạnh: “Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.” (Mt 20:16) Nói chung, chẳng qua là hội chứng ảo tưởng, và rồi không khéo thì công sức lao động trở thành công cốc. Thế thì tiêu!
Như một điệp khúc vô tận, Chúa Giêsu đã và đang không ngừng mời gọi mọi người tin nhận Ngài là Đấng Cứu Độ để được sống đời đời, nhưng chỉ ít người được chọn. Động từ “chọn” ở đây không có nghĩa là “thích ai thì chọn,” mà “chọn” ở đây là tùy vào quyết định riêng của chính người-được-mời-gọi, bởi vì Thiên Chúa trao ban quyền-tự-do-trọn-vẹn. Sự tự do này là chính Thiên Chúa ban cho chúng ta, nhưng có thể có lợi hoặc bất lợi cho chúng ta, điều đó tùy vào ý muốn của mỗi người, và Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng quyền tự do này.
Nếu thực sự như vậy, phải chăng không có nhiều người được trở thành công dân của Nước Trời? Rất có thể, và đó là lỗi của chúng ta chứ Thiên Chúa luôn mong muốn mọi người đều được hưởng phúc trường sinh với Ngài, không muốn bất cứ một ai phải hư mất. Cũng có mối nguy cơ là vì chúng ta ỷ lại, tự cho mình là “ngon lành” hơn hẳn những người khác, nhận mình là đạo đức, thánh thiện và công chính, để rồi “liếc ngang liếc dọc” với những tia mắt “sắc hơn dao cau,” và cho rằng người nọ người kia là những kẻ tội lỗi, nào ngờ họ lại có Visa Nước Trời trước chúng ta. (x. Mt 21:31-32) Ôi, không cái khốn nào bằng cái khốn này!
Thời Cựu Ước, ông Bơliam đã tâm nguyện thế này: “Ước chi tôi được chết cái chết của người công chính, và tôi được mãn phần như họ.” (Ds 23:10) Mong sao mỗi chúng ta cũng biết mơ ước như vậy để có thể hoàn thiện trước phút lâm chung. Đó cũng là cách chứng tỏ rằng chúng ta hoàn tất điều thỏa thuận với Thầy Giêsu chí thánh: HOÀN THIỆN và NHÂN TỪ. (Mt 5:48; Lc 6:36)
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, Đấng duy nhất mà con tin kính và tôn thờ, xin giúp con biết miệt mài chuyên cần sống Đức Tin sống động, luôn biết khiêm nhường, hết lòng yêu thương, và chân thành tha thứ hết lòng theo lệnh truyền của Đức Kitô, Con Yêu Dấu của Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment