Friday, September 22, 2017

PHÚ HẬU

[Niệm khúc 1 Tm 6:7, 17-19]

Vào trần gian với tay không
Ra đi cũng chẳng thể mang được gì
Người giàu có ở trần gian
Chớ nên tự mãn, kiêu căng, hỡi người!
Chớ nên hy vọng ở đời
Phù vân của cải hết thời sẽ qua!
Hãy tin vào Chúa nhân từ
Đấng ban mọi sự cho ta hưởng dùng
Hãy làm việc thiện thật lòng
Rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ từ tâm
Để nên giàu có đức nhân
Chúa thương, người mến, phúc phần mai sau
Chúa cho dư giả dồi dào
Thương xót người nghèo, trách nhiệm Ngài trao
Giàu mà khiêm hạ thật nhiều
Đó là trữ vốn đời sau cho mình
Hãy tạ ơn Chúa chân thành
Vì đã nhân lành cho của đầy dư

TRẦM THIÊN THU
Chiều 22-09-2017

Ghi chú: “Phú Hậu” nghĩa là Giàu Có.

Lời Thánh Phaolô: “Không theo sát giáo lý phù hợp với đạo thánh, người ấy lên mặt KIÊU CĂNG, không biết gì cả, nhưng mắc bệnh HAM TRANH LUẬN và THÍCH CÃI CHỮ. Do đó sinh ra GANH TỊ, TRANH CHẤP, LỘNG NGÔN, NGHĨ XẤU, ĐẤU KHẨU liên miên giữa những người ĐẦU ÓC LỆCH LẠC, mất cả chân lý và coi việc giữ đạo là một NGUỒN LỢI. Đã hẳn, việc giữ đạo là nguồn lợi lớn đối với ai lấy cái mình có làm đủ. Quả vậy, chúng ta đã KHÔNG MANG GÌ VÀO TRẦN GIAN, thì cũng CHẲNG MANG GÌ RA ĐƯỢC.” (1 Tm 6:3-7)

CHUYỆN GIÀU NGHÈO
[Niệm khúc Lc 16:19-31]

Đại gia chè chén linh đình
Mặc toàn gấm lụa, ngông nghênh hưởng giàu
La-da-rô, một người nghèo
Mình đầy mụn nhọt, đói meo, khát thèm
Ngồi co ro ở góc thềm
Chó quanh quẩn liếm máu trên thân người
Anh thèm vụn bánh thừa rơi
Nhặt ăn lót dạ mà người không cho
Rồi hai người cũng chết đi
Nghèo về Thiên quốc, giàu về âm cung
Người giàu đau khổ vô cùng
Cầu xin Tổ phụ xót thường phận mình
Áp-ra-ham nói rành rành:
“Đời con nhận thưởng phần mình sướng vui
La-da-rô khổ cả đời
Giờ được đền bồi là Chúa công minh”
Giàu, nghèo đâu phải tội tình
Cốt là biết sống chân thành thương yêu
Đừng khinh ghét một người nào
Dù người hèn mọn, bọt bèo phận riêng
Ý Thiên Chúa rất thiêng liêng
Ta đâu hiểu hết căn nguyên giàu, nghèo
Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu
Lẽ nào ta lại không theo Luật Ngài!

TRẦM THIÊN THU

No comments:

Post a Comment

Comment