(Trích)
TRƯƠNG VĨNH KÝ, NGƯỜI GIỮ LỬA CHO TIẾNG NÓI NAM KỲ
(bài viết của Nguyễn Văn Sâm)
Quyển Chuyện Đời Xưa của
Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt và đi vào lòng dân chúng nhiều nhứt
trong số hàng trăm tác phẩm của nhà văn nầy. In tới lui nhiều lần, năm 1914 đã
in tới ngàn thứ chín trong một quốc gia lúc đó dân số chưa đầy 15 triệu với
đường xá lưu thông không thuận tiện, sách báo in ở Sàigòn lưu hành ra Trung và
Bắc không phải là chuyện sanh lợi. Những lần in không đề tái bản lần thứ mấy và
in với số lượng bao nhiêu thì phải nói là cơ man. Khi quốc ngữ phát triển đã
vững vàng thì quyển sách nầy lại là món hàng được các nhà xuất bản ưa chuộng.
Tại sao quyển truyện khổ nhỏ mỏng chưa tới 100 trang nội dung thì
chẳng có gì gọi là hấp dẫn lại có sức thu hút như vậy?
Chính là nhờ ông Trương khi viết đã nhằm vào hai mục tiêu căn bản rất hợp lý. Và ông đã đạt
được gần như trọn vẹn điều mình đưa ra:
1. GIÁO DỤC VỀ LUÂN LÝ. Cho người đọc thấy những bài học tốt dùng
trong cách ở đời của cả nam lẫn nữ, các ứng xử phải đạo vào trạng huống cần
thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin, chớ cho rằng mình hay giỏi…
2. DÙNG TIẾNG ANNAM (VIỆT NAM) RÒNG. Trong toàn quyển chuyện không
sự kiện cố gắng làm văn chương một cách kịch cỡm, mặc dầu làm văn chương không
hẵn là xấu, ông chỉ sử dụng tiếng Việt thường nhựt, với những từ ngữ của giới
bình dân (lo đái ra cây, tưởng đã xong đời, dồi quách, lẻo đẻo theo quấy, đút
trây, trơ trơ mặt địa, đói xơ mép… . Người đọc đón nhận nồng nhiệt cũng vì lẽ
đó. Nó gần gũi với người đọc trong từng câu chuyện đã đành, nó còn không cách
xa về ngôn từ để kén chọn độc giả như là những tác phẩm bác học kiểu Đoạn
Trường Tân Thanh, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Tần Cung Nữ Oán Bái Công,
Lưu Nữ Tướng, Dương Từ Hà Mậu, Kim Thạch Kỳ Duyên, Lôi Phong Tháp, Tây Du Diễn
Truyện... Nó cũng dễ bắt ta tiếp tục đọc cho tới hết quyển, trái với những tác
phẩm lớp trung lưu mà những nhà làm văn học sử gọi là tác phẩm bình dân như
Trần Đại Lang, Trinh Thử, Trê Cóc, Thoại Khanh Châu Tuấn, Lý Công, Nữ Tú Tài,
Nhị Độ Mai, Phan Trần…
Đó là nói về lời văn. Ở mặt
sự kiện trong truyện, tác giả còn khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng hầu
hết là vào đầu thế kỷ 19 nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của
cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy, không thể hiểu cho tường
tận do sự thay đổi của xã hội (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, đèn ló của ăn
trộm, mõ ống, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể, thách
cưới, ăn chè trưa, thầy pháp trừ tà…).
Sách viết hơn trăm năm trước, bằng tiếng dùng hằng ngày của dân
miền cực Nam nên chắc chắn là khó hiểu với phần đông người đọc hiện giờ. Sự
giải thích những từ nầy là cần thiết nên quyển sách Chú Giải Chuyện Đời Xưa của
Trương Vĩnh Ký có lý do để ra đời. Bản đánh máy được cẩn thận dò theo bản in
năm 1914 được phóng lớn để tránh sơ sót và có thể đính chánh một vài trường hợp
chữ in sai của bản in 1914.
Trong sự chú giải chúng tôi chú trọng trên những từ địa phương
Miền Nam vốn càng ngày càng xa lạ với người Trung, Bắc. Những cách nói địa
phương cũng được lý giải nếu bỏ qua người đọc sẽ khó hiểu. Một vài cách nói nay
đã thay đổi, một vài trường hợp chữ nay đã biến mất chúng tôi cũng ghi nhận mặc
dầu có vẽ như hơi xa mục đích của chú giải.
Về phần nội dung thì đại khái nhân vật được nói đến có hai loại,
Người và thú vật.
Chuyện thú vật tương đối ít, chỉ có 13 chuyện trên tổng số 74 như:
Con chồn với con cọp - c1, Con cóc tía với con cọp và con khỉ - c3, Cọp bị đá -
c25, Cọp mắc đuôi trong bụi dừa nước - c26, Ăn trộm và Cọp rình nhà - c27, Con
chó và con gà - c31, Cọp mắc bẫy không ai thèm cứu - c53, Ruồi, muỗi chim sắc
với con rùa - c54, Con cóc với chuột - c55, Hữu dõng vô mưu - c56, Mưu trí hơn
là sức mạnh - c62, Con thỏ gạt con cù - c65, Cọp mắc mưu thỏ - c66, Chó sói và
chồn - c71.
Với tỷ số 13/74 truyện loài vật, quá ít so với truyện con người
nên ông Trương Vĩnh Ký có lý khi đặt tên quyển sách của mình là Chuyện Đời Xưa
mà không phải là Chuyện Ngụ Ngôn. Nhìn chung hầu hết là chuyện về con cọp, với
chuyện con cù phụ thêm: mạnh nhưng không khôn, thường bị chúng gạt tới bị gánh
nạn cũng như bị lợi dụng. Chắc chắn rằng ông Trương có dụng ý gì đó ngoài sự
dạy khôn người đời, chẳng hạn như sức mạnh của thực dân Pháp không bằng trí
khôn của chồn, của thỏ, của người nông phu tượng trưng cho dân Việt. Điều nầy
có thể tin được nếu ta để ý đến nhiều yếu tố khác ngoài đời của tác giả, hay
hành động can trường của ông khi cho đăng bài Vè Nằm Dỏ trên Miscellannées số 4
năm 1889 có những câu rất là nhạy cảm:
Từ ngày có giặc Lang Sa,
Muôn dân thiên hạ nhà nhà đảo điên.
Dân tình ai nấy ưu phiền,
Sưu cao thuế nặng quan truyền vô đây.
Truyện loài vật chiếm 13, nhưng chuyện cọp gần cả chục, lý do vì
thời Trương Vĩnh Ký cọp quá nhiều ở Đồng Nai và vùng lân cận, sách Đại Nam
Thống Nhứt Chí, Lục Tỉnh Nam Việt biên thuật trước đó vài chục năm ghi nhận
nhiều chuyện về cọp tới sát nách chỗ dân cư.
Chuyện về người tương đối nhiều 61/74 kể đủ thứ: Người khờ khạo,
người ‘đi bạn’ khùng, anh sợ vợ, tên nói láo gạt người, gả hà tiện tới chết
không chừa, kẻ ba xạo để kiếm chút cơm, người tham ăn với con với dâu với vợ,
ông thầy dốt chữ tham ăn, ông thầy pháp sợ ma, quan lại ăn hối lộ bị nói xâm
chưởi xéo, con gái ham chồng làm quan lớn… Đủ hết bức tranh xã hội về mặt tiêu
cực của mọi thời. Chọn mặt tiêu cực nhiều vì như ông đã nói trong phần Ý Sách
chuyện Đời Xưa: "… ta bày ra để mà khen sự tốt, chê sự xấu cho người ta
sửa cách ăn nết ở cho tử tế."
Đây không phải là Chuyện Giải Buồn, cũng không phải là Chuyện Tiếu
Lâm, đây là những chuyện có tính cách luân lý, khác với những chuyện của Thọ An
Phạm Duy Tốn ( Tiếu Lâm An Nam, Ích Ký, Hanoi, 1924 ) khác xa với những chuyện
của Trần Phong Sắc và Huỳnh Khắc Thuận ( Tân Tiếu Lâm, J. Viet, Saigon, 1918 ).
Tiện đây cũng xin chép lại phần quan trọng trong lời tựa quyển
sách của Trần Phong Sắc: ‘Phàm chuyện Tiếu lâm, Khôi hài, là chê sự xấu, biếm
kẻ lỗi, làm cho người có tịch ấy biết mất cỡ mà sửa mình, chớ không phải coi
cho nực cười mà thôi. Bởi cớ ấy, nên các nước đều có sách Tiếu lâm, chuyện Khôi
hài. Một là sửa phong tục hai là giúp sự vui cho mấy vị trưởng lão, có tuổi tác
không đi chơi bời đặng thì nghe con cháu đọc chuyện ấy mà cười cho vui.’
Trương Vĩnh Ký chỉ chú ý đến mặt luân lý sửa đời, Phạm Duy Tốn
cũng như Trần Phong Sắc thêm yếu tố làm cho người ta nực cười nên sự châm chọc
mạnh bạo hơn, tính chất dung tục nhiều khi cũng đậm đà trong khi đó sự châm
chọc bao biếm ở Trương Vĩnh Ký nhẹ nhàng và yếu tố tục không có….
Bản in nầy cũng nhằm đáp ứng lời yêu cầu của một vài cựu học sinh
trường Petrus Ký khi họ tỏ ra tiếc rằng mình không hiểu nhiều chỗ khi đọc quyển
Chuyện Đời Xưa hay thậm chí không tìm thấy quyển nầy để đọc.
Nhân kỳ in nầy chúng tôi cũng xin cúi đầu tạ ơn nhà văn hóa Vương
Hồng Sễn, vị thầy cũ của tôi ở trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn ngày trước, nhờ
ông trân trọng giữ gìn bản in quý năm 1914 nên chúng tôi mới có cơ hội sửa đúng
lại theo nguyên văn bản cũ. (Hết trích)
(Trích) TRƯƠNG VINH KÝ – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Petrus Trương Vĩnh Ký (1837–1898), là một nhà văn, nhà ngôn ngữ
học, nhà giáo dục học, và khảo cứu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trong thế kỷ
19.
Ông để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển
và dịch thuật... Riêng đối với nền báo chí Quốc Ngữ Việt Nam, ông được coi là
người tiên phong, bởi ông chính là người sáng lập, là Tổng biên tập tờ báo quốc
ngữ đầu tiên mang tên là Gia Định báo.
(Hình: nhà bia kỷ niệm nơi sinh Trương Vĩnh Ký. Phía sau là Nhà Thờ
chính của Họ Dạo Cái Mơn).
Thấy ông ngoan và cần mẫn, Cố Tám, một Tu Sĩ Công Giáo, khuyên mẹ
ông cho ông đi học chữ Quốc Ngữ và cải theo đạo Công Giáo. Sau đó, ông có tên
là Jean-Baptiste Petrus Trương Chánh Ký, sau này đổi tên đệm là Petrus Trương
Vĩnh Ký, viết và gọi tắt là Petrus Ký.
Đến khi Linh Mục Long từ Pháp sang, Cố Tám cho Petrus Ký theo hầu
nhà truyền giáo này. Thấy ông thông minh và ham học, Linh Mục Long đã tận tình
dạy dỗ chữ Latinh, đồng thời dành riêng cho ông một chỗ ở trong Nhà Giảng vừa
mới thành lập ở Cái Nhum (1846).
Năm 11 tuổi (1848) Petrus Ký theo học tại trường đạo Pinha-lu ở
Phnom Penh (Cao Miên). Ở đây, có các học sinh là người Cao Miên (Campuchia), Ai
Lao (Lào), Miến Điện (Myanma), Trung Quốc... ông lân la làm quen và rồi học
luôn các thứ tiếng ấy.
Năm 1851, Petrus Ký vào trường đạo Dulalma ở Penang, Malaysia.
Trong khoảng thời gian theo học tại đây, ông còn học thêm các thứ tiếng khác,
như: Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Mã Lai, Nhật Bản, Hy Lạp, Thái Lan, Pháp.
Năm 1863, triều đình Huế cử một phái đoàn do Phan Thanh Giản đứng
đầu sang Pháp xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, và ông Giản đã xin Petrus Ký
đi theo làm thông ngôn.
Sang Pháp, Petrus Ký cùng phái đoàn nhà Nguyễn được triều kiến
Hoàng đế Napoléon III, gặp nhiều nhân vật tên tuổi thuộc nhiều lãnh vực khác
nhau. Ngoài ra, ông còn được sang thăm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và được yết
kiến Giáo Hoàng tại Rôma.
Năm 1865, Petrus Ký xin lập một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia
Định báo.
Năm 1869, Sứ thần Tây Ban Nha sang Việt Nam nhằm ký thương ước với
triều đình Huế. Tới Sàigòn, vị sứ thần này đã xin chính quyền Pháp ở Nam Kỳ cho
phép Petrus Ký đi theo giúp đỡ. Nhiệm vụ hoàn thành, nhân thời gian rảnh rỗi,
ông sang thăm Hồng Kông, Ma Cao, Quảng Đông, Quảng Tây,...
Mộ phần của ông hiện nằm nơi góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình
Trọng thuộc quận 5, Sàigòn. Trên mộ có hàng chữ “Miseremini Mei Saltem Vos Amici
Mei – Xin thương tôi, xin thương xót tôi, hỡi các anh là những người bè bạn, vì
chính tay Thiên Chúa đã đánh tôi” (Gióp 19:27).
Petrus Ký đã mượn câu cách ngôn Latinh “Ở với chúng mà không theo
chúng – Sic vos non vobis, để biện minh cho việc cộng tác với Pháp. Khi sưu tầm
và chú thích bản Gia Định thất thủ vịnh, Trương Vĩnh Ký vẫn gọi Pháp là “giặc”.
Ở cuối thế kỷ 19, học giả Pháp tên là Jean Bouchot đã gọi Trương
Vĩnh Ký là “một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và Trung Hoa”. Ngoài ra, ông
này còn viết: Ta phải xem đời của cụ Trương Vĩnh Ký là một bài học và một gương
tốt cho ta. Một bài học vì người dân hoàn toàn Nam Kỳ ấy sánh kịp với các nhà
thông thái xứng đáng nhất của Âu châu trong mọi ngành khoa học.
Theo học giả Vương Hồng Sển: Ông Trương Vĩnh Ký từ khi đỗ đạt cho
đến khi mất vẫn tỏ ra thân Pháp. Tuy nhiên, người ở miền Nam không bao giờ
khinh rẻ ông. Ông không gia nhập Pháp tịch; trước khi mất, ông biết thân phận
của người học giả sống trong thời kỳ khó khăn... Ông này khi sanh tiền tuy là
nhà nước tin cậy mặc dầu chớ chẳng hề ỷ thế mà hại quê hương, chỉ vẽ cho các
quan Lang sa biết phong tục lễ nghĩa của con nhà An Nam, cho khỏi chỗ mích lòng
nhau, làm cho mẹ gà phải thương con vịt. Đêm ngày lo đặt sách này dịch sách kia
cho kẻ hậu sinh dễ học. Thiệt là quan thầy của cả Nam Kỳ...
Ngoài những tác phẩm biên khảo mang tính cách bác học, ông Trương
vĩnh Ký còn chú ý đến độc giả bình dân, lời văn theo lời ăn tiếng nói thông
dụng lúc bây giờ. “Chuyện đời xưa” còn được nhắc nhở.
Giáo sư (Linh Mục) Thanh Lãng: Trương Vĩnh Ký không đạo mạo, không
đài các, không cao kỳ; ông trai trẻ hơn, ông mới hơn... Và nhờ ông, câu văn
Việt được giải phóng khỏi những xiềng xích chữ Hán. Chủ trương của ông chính là
“cách nói tiếng An Nam ròng” và viết “trơn tuột như lời nói”. Nếu đem phân tích
theo ngữ pháp thì thấy lôi thôi, nhưng so với văn xuôi khác ra đời sau ông 20,
30 năm, văn ông vẫn còn hay hơn, mạch lạc khúc chiết hơn.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: Những biên soạn của Trương Vĩnh Ký đã có
những đóng góp quan trọng cho một số ngành khoa học đương thời, nhất là khoa
ngôn ngữ học và khoa học lịch sử… Các sáng tác của Trương cũng nói lên ít nhiều
cá tính một con người cần mẫn trong công việc, có cái nhìn tinh tế và óc tò mò
trước sự vật, nhiều lúc có khả năng hài hước hóa mọi chuyện ở đời.
Nhà nghiên cứu Lê Thanh: Ông là người, từ nhỏ được giáo dục theo
phương pháp Âu Tây, khi trưởng thành theo giúp việc người Pháp, thế mà bằng hữu
viết thư giục ông, ông không nghe, vẫn khăng khăng từ chối để suốt đời được giữ
bộ quần áo Việt Nam và suốt đời là một người Việt Nam thuần túy.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh: Trương Vĩnh Ký là bậc tiền hiền của
quốc ngữ trong toàn cõi đất Việt.
Nhà văn Vũ Ngọc Phan: Trong số những sách dịch thuật, khảo cứu và
sáng tác của ông, người ta thấy chỉ những sách khảo cứu của ông là có giá trị
hơn cả... Người ta thấy ông rõ là một nhà bác học có óc tổ chức và có phương
pháp.
Học giả Nguyễn Văn Tố tóm tắt sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký gọn
trong 3 tiếng Bác học, Tâm thuật, Khiêm tốn.
Đương thời và sau này, nhiều ý kiến phê phán, buộc tội Trương Vĩnh
Ký đã cộng tác với thực dân Pháp. Từ thời Pháp thuộc cho đến năm 1975, tên của
ông đã được đặt cho một ngôi trường trung học lớn ở Đô Thành Sàigòn dành cho
nam sinh. (Hết trích)
(Trích) PHAN KHÔI – NGƯỜI CÓ CÔNG LỚN TRONG VIỆC DỊCH KINH THÁNH
RA TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI THEO ĐẠO TIN LÀNH.
Bản Kinh Thánh mà hầu hết những tín hữu Tin Lành Việt Nam đã và
đang sử dụng là bản dịch xuất bản đầu tiên năm 1926 do Phan Khôi chủ bút. Gần
một thế kỷ đã qua sử dụng cho đến nay và chắc cũng sẽ còn dùng cho đến về sau
nữa đã cho thấy sức sống của bản dịch là rất cao. Phan Khôi dịch cuốn Kinh
Thánh lúc bấy giờ mất bao nhiêu thời gian ? Phan Khôi có viết bài “Giới thiệu
và phê bình Thánh Kinh báo”, trong đó có đoạn: “Sau hết, tôi xin có lời cảm ơn
ông bà Mục Sư Cadman đã gởi tặng tập báo này cho tôi. Vì tôi làm chung việc
dịch Kinh Thánh với ông trong 5 năm (1920–1925).
Về giá trị của bản dịch Kinh Thánh năm 1926, nhà báo Vu Gia viết:
“Nhìn chung, đây là bản dịch tốt. Nhưng nói như vậy, chẳng khác nào khen phò mã
tốt áo, bởi thời gian đã khẳng định bản dịch ấy rồi”. Nhà văn Tô Hoài nhận xét:
“Kinh Thánh Tân Ước và Cựu Ước của hội đạo Tin Lành, người ta bảo ông ( Phan
Khôi ) dịch thuê, khi ấy ở Hải Phòng, tôi cũng có đọc. Có chương Nhã Ca lời rất
thơ”.
Trong tác phẩm Người Quảng Nam, nhà thơ Lê Minh Quốc viết về việc
Phan Khôi dịch Kinh Thánh như sau: “Giai đoạn này, ông đã làm một việc khó ai
ngờ là sử dụng bản chữ Hán đối chiếu với bản chữ Pháp để dịch Kinh Thánh cho
hội Tin Lành. Bản dịch của ông câu cú gẫy gọn, trong sáng, văn phạm chuẩn mực,
chứng tỏ một trình độ học vấn uyên thâm”.
Đó là nhận xét của một số người “ngoại đạo” có uy tín, về bản Kinh
Thánh xuất bản năm 1926 của người Tin Lành. Còn với những tín hữu Tin Lành Việt
Nam mấy mươi năm qua cho đến ngày nay, thì sao ? Tôi tin chắc rằng bản Kinh
Thánh Việt ngữ xuất bản năm 1926 đã ăn sâu vào trong tâm khảm của những tín hữu
Tin Lành tại Việt Nam, tôi được biết có nhiều tín hữu Tin Lành đã thuộc nằm
lòng khá nhiều câu Kinh theo bản dịch ấy đến nỗi khó có thể thay đổi đi được
trong tâm họ. Thậm chí có không ít những Mục Sư, Tín Hữu Tin Lành quả quyết
rằng chỉ có bản dịch Kinh Thánh năm 1926 của nhà văn Phan Khôi là số một mà
thôi, không bản dịch nào hơn cả và rồi họ chỉ dùng độc có bản dịch đó để đọc,
để học, để chia sẻ, để giảng dạy. Nói như vậy để cho thấy rằng bản dịch Kinh
Thánh năm 1926 đã có một chỗ đứng rất vững vàng trong lòng rất nhiều những
người theo đạo Tin Lành tại Việt Nam trong một thế kỷ trôi qua.
Nói tóm lại, mặc dù bản dịch năm 1926, cho đến nay có những chỗ
chưa sát với nguyên bản, hay có những chữ khó hiểu cho thời đại ngày nay, như
đã nói ở trên, thì nó vẫn là bản dịch rất đáng trân trọng cho chúng ta, nhất là
trong không khí những Tín Hữu Tin Lành vừa tổ chức thành công lễ kỷ niệm 100
năm Tin Lành đến Việt Nam vào giữa năm 2011. Tôi tin chắc rằng những Tín Hữu Tin
Lành sẽ không thể nào không biết ơn các bậc tiền bối đã có nhiều công lao cống
hiến cho họ một bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt như đã có ngày nay, trong đó
không thể không nhắc đến tên tuổi của nhà văn, dịch giả Phan Khôi.
Trên bia mộ của nhà văn Phan Khôi một bên ghi tiểu sử của nhà văn,
một bên ghi bài thơ “Tình Già” của ông. Phần cuối tiểu sử có ghi: “Tác phẩm đã
viết và dịch: Chương Dân Thi Thoại (1936), Trở Vỏ Lửa Ra (1939), Việt Ngữ
Nghiên Cứu (1955), Kinh Thánh (1920–1925), các tuyển tập Lỗ Tấn (1955, 1956,
1957)…” Những đóng góp của Phan Khôi cho nền văn chương nước ta quả là không
nhỏ, trong đó có bản dịch Kinh Thánh của người Tin Lành ra Việt ngữ của ông là
một đóng góp khá xuất sắc.
THANH LONG
Nhận xét:
Càng thông thạo các ngôn ngữ Âu Châu và tiếng Hán, Trương Vĩnh Ký
lại càng nhận ra cái đẹp nơi ngôn ngữ và phong tục tập quán của người Việt ở
Miền Nam. Không có công trình nào của đời ông tỏ ra có giá trị hơn việc bảo tồn
ngôn ngữ của người Miền Nam. Tiếc rằng, tuy cũng còn là một người Công Giáo
gương mẫu, Trương Vĩnh Ký vẫn bị chi phối bởi tập quán hành đạo vào thời đại
của ông: chỉ dùng tiếng Latinh trong Phụng Vụ, chỉ nhấn mạnh tới việc con chiên
bổn đạo phải phục tùng hàng Giáo Sỹ, chỉ đề cao các lễ nghi mà không khuyến
khích việc đọc Kinh Thánh nơi Giáo Dân. Vì thế dù có ý thức về tính xa lạ với
quần chúng của các thuật ngữ trong Đạo được dịch rất máy móc từ Latinh và tiếng
Pháp, ông vẫn không thể tham gia vào việc chỉnh sửa chúng. Rất đáng tiếc, uổng
phí đi một nhân tài nhìn xa trông rộng, khi Giáo Hội Công Giáo vào thời của ông
đã không nhờ ( hay thuê mướn ông ) dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt, điều mà Hội
Thánh Tin Lành đã làm với nhà văn Phan Khôi. Không hẳn có bằng cấp cao là dịch
hay được, cần thiết không kém là phải thấm nhuần ngôn ngữ Việt và có văn tài
cũng như có tấm lòng.
Hàng Giáo Sỹ Công Giáo vào thời của Trương Vĩnh Ký gồm 100% Giám
Mục là người Pháp, rất đông Giáo Sỹ và Tu Sỹ cũng là người Pháp hoặc đi tu học
hay được đào tạo theo chương trình Pháp, không nhìn ra và quan tâm đến nhu cầu
bức thiết của Giáo Dân Việt Nam cần được đọc bản Kinh Thánh bằng tiếng Việt
được dịch bởi một văn tài như Trương Vĩnh Ký, người hiểu được họ và có khả năng
diễn tả bằng ngôn ngữ bình thường của họ.
Hiện nay cũng không khác mấy khi đa số Giám Mục đều đã đi tu học ở
phương Tây và đại đa số hàng Giáo Sỹ và Tu Sỹ Việt Nam cũng được đào tạo theo
truyền thống văn hoá, thần học, triết học Tây Phương nên rất khó ý thức việc
ngôn ngữ và cách diễn đạt Tin Mừng của ta rất khó hiểu với 94% người Việt bình
thường.
Trong khi đó, anh em Tin Lành tuy đến sau nhưng lại có tầm nhìn
tinh tế hơn khi mạnh dạn sử dụng văn tài của nhà văn Phan Khôi từ năm 1920 để
dịch Kinh Thánh cho họ, nhờ thế việc truyền đạo của họ có kết quả khả quan.
NGUYỄN
TRUNG(Nguồn: EPHATA 755)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment