Mùa Hè về – và mùa mưa cũng bắt đầu,
người ta không chỉ nhận biết qua những cánh Phượng thắm đỏ, tiếng Ve kêu u sầu
và cái nóng vàng ươm mà nóng rát, người ta còn có thể nhận biết mùa Hè khi nghe
tiếng dế râm ran…
Mùa Hè oi ả, nóng bức, những khuôn mặt
uể oải với những giọt mồ hôi nhễ nhại, nhưng may thay lại có được những cơn mưa
gội mát cuộc đời.
Ai cũng có những kỷ niệm và ký ức, đặc
biệt là ký ức tuổi thơ. Mà tuổi thơ thường có kỷ niệm với dế vào những dịp nghỉ
hè. Và tôi chợt nhớ tiếng dế của một thời tuổi thơ.
Dế có tên khoa học là Acheta
assimilis. Dế là loài bọ cánh thẳng, có râu dài, cặp chân sau to, khỏe,
đào hang sống dưới đất, chuyên ăn hại rễ câỵ. Trên thế giới ước tính có tới
1.000 loài dế.
Dế trũi bao gồm
một họ (Gryllotalpidae) côn trùng thân dày, dài khoảng
3–5 mm với mắt tròn với hai chân trước như hai chiếc xẻng phát triển thuận
lợi cho việc đào hang và bơi. Dế trũi cũng có thể bay – một con trưởng thành có
thể bay xa 8 km trong mùa sinh sản. Mùa đông thì chúng đi ngủ đông.
Dế trũi là loài ăn tạp, chúng ăn cả ấu trùng, giun, rể cây, cỏ. Các loại
kẻ thù ăn thịt dế trũi có chim, chuột, chồn hôi, gấu trúc Mỹ và cáo.
Dế trũi kiếm ăn ban đêm và phần lớn
thời gian chúng ở dưới đất trong một hệ thống hang dày đặc nên ít khi bắt gặp
chúng. Chúng sống ở những khu vực đồng ruộng, luống cày, mô đất, bãi cỏ,… ở
khắp các châu lục, ngoại trừ châu Nam Cực. Ở một số nước Đông Á, đôi
khi người ta sử dụng dế trũi làm thực phẩm, chế biến nhiều món ngon từ dế như
chả giò, chiên giòn, chiên bột, xào giấm,...
Có nhiều loại dế: Dế trũi châu Phi
(gryllotalpa africana), dế trũi Úc (gryllotalpa brachyptera), dế trũi Tây
phương (gryllotalpa cultriger), dế trũi Âu châu (gryllotalpa
gryllotalpa), dế trũi Đông phương (gryllotalpa fossor), dế trũi đồng
cỏ (gryllotalpa major), dế trũi Bắc phương (neocurtilla
hexadactyla), dế trũi Nam phương (scapteriscus borellii),… Rồi còn dế
mèn (gryllidae) là một họ côn trùng có chút liên hệ với châu
chấu và liên hệ gần với tettigoniidae (orthoptera), có thân dẹt và
râu dài. Dế mèn đẻ mỗi lứa nhiều trứng, thường nở ra từng đàn khoảng 2.000
con.
Truyện “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” của nhà
văn Tô Hoài (sinh 27-9-1920) là tác phẩm được trẻ em yêu thích – ông còn có các
tác phẩm văn học khác như O Chuột, Nhà Nghèo, Xóm Giếng, Vợ Chồng A Phủ,...
Trong y học cổ truyền, dế
mèn cò vị mặn cay, tính bình và có tác dụng lợi tiểu, chữa bí đái. Theo y
tổ Tuệ Tĩnh, dế mèn (5 con) sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, uống với
nước sắc bìm bịp, uống vào lúc đói, có thể chữa bệnh cổ trướng, thở dốc (Nam
dược thần hiệu). Theo các tài liệu nước ngoài, dế mèn là
loại côn trùng giàu prôtít, ít chất béo, giúp giảm lượng cholesterone
trong máu, thịt dế mèn còn được dùng trong các trường hợp chữa chứng
nhiễm độc nước tiểu và sỏi thận.
Dế mèn có kích thước trung bình
với chiều dài cơ thể khoảng 2cm, với 3 màu sắc đặc trưng: đen huyền, đỏ hoe và
vàng nghệ. Trong môi trường thiên nhiên, dế sinh trưởng, phát triển
và sinh sản quanh năm, nhưng nhiều nhất vào mùa mưa. Dế có bản tính
hung hăng nhưng lại thích sống theo bầy đàn, môi trường sống rất đơn giản,
không cầu kỳ, có thể ở hang hoặc những đám cỏ khô nên dễ nuôi công nghiệp,
nhưng phải tương tự môi trường thiên nhiên hoang dã.
Có những người còn làm giàu nhờ nuôi
dế. Ngay cả văn chương, thi ca và âm nhạc cũng được các nghệ sĩ lấy cảm hứng từ
dế. Thật đa dạng và đa lợi với dế! Không hiểu sao chiếc điện thoại di động ngày
nay được người ta gọi một cách thân thương là… “dế.” Kể cũng lạ thật!
Có thể ngày nay người ta đã lãng quên
dế, không thấy người ta bán dế cho học sinh giải trí vào mùa hè nữa. Có lẽ trẻ
em ngày nay cũng không cần dế vì chúng có nhiều trò chơi trên máy vi tính và
trên mạng, thậm chí là trên điện thoại di động. Và người ta thích Tây hóa là
dùng chữ “game.” Mùa hè của học sinh ngày nay không còn hồn nhiên và thơ mộng
vì cũng bị “công nghệ hóa” hoặc “số hóa” hết trọi rồi!
Tội nghiệp cho dế biết bao! Dế không
hề bị tuyệt chủng, nhưng dế lại thực sự bị “tuyệt chủng” ngay trong ý nghĩ của
con người rồi, dế ơi!
Tuổi thơ của tôi rất bình dị như những
dấu chân in trên cát nóng mùa Hè. Ở miền quê ngày xưa, thú vui nghỉ hè của trẻ
con chỉ là đánh khăng, bắn bi, chơi diều, tìm tổ chim, đào kỳ nhông, bắt chim,
đá dế,…
Tôi chợt nhớ rằng trong dân gian có
câu đố về dế thế này:
Một
mình ẩn dưới đất sâu
Hát
ca suốt cả đêm thâu không ngừng
Gặp
bạn chưa kịp vui mừng
Đã
giương càng, cánh để cùng chọi nhau
Ở miền quê không phải mua dế mà có thể
tự đi bắt ngoài đồng ruộng, nương rẫy, nhất là ở những luống cày. Chơi dế thú
vị lắm, nhưng phải chọn dế trống, khỏe mạnh, có cặp giò gai góc và hai bàn nạo
phải to, tiếng gáy phải lớn và thanh mới bõ công rình mò bắt dế! Dế chọi, còn
gọi là dế đá, chỉ có hai loại: DẾ THAN – đen thui toàn thân,
và DẾ LỬA – thân hơi ửng đỏ, còn cánh thì vàng tươi hoặc vàng đỏ.
Cũng có những chú dế “lai,” cánh màu nâu đỏ hoặc nâu đen, những chú dế lai này
thường chẳng đá chọi gì ra hồn, phải là dế “chuyên nghiệp” mới đá ngon!
Hộp dùng đựng dế thì cũng đa dạng, có
đứa tỉ mỉ dùng đất sét nặn thành cái hộp đựng dế, có ngăn chứa cỏ và ngăn cho
dế ở; có đứa lấy giấy làm hộp đựng dế; có đứa lạ thích lấy lon sữa bò để đựng
dế; có thằng lại đựng dế hộp bằng hộp thuốc có miếng kính phía trên; có thằng
còn “ngon” hơn là dùng cả cái thùng cạc-tông để nuôi dế. Thức ăn cho dế thì đơn
giản chỉ là cỏ hoặc rau sam. Sẽ tiếc hùi hụi nếu lỡ mất con dế đá “ngon.”
Đá dế thú vị lắm. Mấy thằng chụm vào
nhau hô hào ra trò, y như cổ động viên bóng đá vậy. Có khi con gái cũng mê tít
và cũng “máu” lắm. Trước khi cho đá thì nắm râu dế, quay quay, thổi phù phù, nó
xòe cánh và… say. Thế thì nó đá mới hăng!
Còn nữa, nghe tiếng dế nỉ non trong
đêm trường cô tịch của vùng quê kỳ lạ lắm, dù tuổi thơ chẳng hiểu “ất, giáp” gì
ráo trọi, thế nhưng vẫn cảm thấy điều gì đó thật thú vị, nhất là vào những đêm
trăng sáng tỏ.
Ôi chao là nhớ! Cái nhớ da diết làm
sao ấy! Cái nhớ về làng quê, với những con người giản dị, tính tình chân chất,
xử sự mộc mạc, tình cảm chân thật, đúng nghĩa “nhân chi sơ tính bổn thiện.” Cái
nhớ về những cánh đồng thênh thang lộng gió, cái nhớ về tuổi thơ hồn nhiên đầy
ắp kỷ niệm, ngọt ngào yêu thương!
Tất cả chỉ còn là kỷ niệm, chỉ còn
trong ký ức một thời. Hè về, thèm nghe lại tiếng dế ngày xưa biết bao, Dế ơi!
TRẦM THIÊN THU
✽ Thương Nhớ Cánh Diều – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/07/thuong-nho-canh-dieu.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment