Dụ ngôn là một nét đặc trưng của Kinh Thánh, bởi vì Chúa Giêsu thường sử dụng dụ ngôn để minh họa các giáo huấn của Ngài, với các hình ảnh thực tế ngay trong đời sống thường nhật nhưng mang ý nghĩa cao siêu thuộc thượng giới. Ngài ưa dùng dụ ngôn, có lẽ vì loại văn này độc đáo. Thật vậy, Kinh Thánh xác nhận: “Ngài không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn.” (Mt 13:34; Mc 4:34) Trong các Phúc Âm nhất lãm có khoảng 35 dụ ngôn.
Thiết tưởng cũng nên “mở ngoặc nhỏ” để “nói nhỏ”
rằng dụ ngôn cũng được gọi là ngụ ngôn. Tuy nhiên, hai danh từ này vừa
mang ý nghĩa tương đương vừa mang ý nghĩa dị biệt.
Ngụ ngôn (Anh: parable, fable; Pháp:
parabole, fable) là một câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi hoặc văn vần,
mang tính hoang đường, truyền thuyết, hư cấu, “bịa” ra như chuyện phiếm, nhưng
vẫn chứa bài học có giá trị về luân lý, mang tính giáo dục, răn đời; các nhân
vật thường là vật hoặc con vật được nhân cách hóa, các nhân vật cũng có thể là
người hoặc thần linh.
Tương tự, dụ ngôn (Anh: parable; Pháp: parabole)
cũng là một câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi, nhưng có điều khác là
mang tính bí ẩn, mang tính tục ngữ, đặc biệt là mang chiều kích tâm linh. Chúa
Giêsu dùng thể loại này, tức là Ngài dùng thể loại “dụ ngôn” chứ không dùng
“ngụ ngôn.”
Trong cuộc sống đời thường luôn có những thái
cực khác nhau, thậm chí là đối nghịch. Một trong các “cặp đôi” đó là Tốt và Xấu,
hoặc Thiện và Ác. Nói theo tâm linh, đó là Thiên thần và Quỷ sứ. Đại diện phe
Thiện là Tổng thần Micae (danh xưng Micae nghĩa là “Người giống Thiên Chúa”
hoặc “Giống như Thiên Chúa,” đó là Thiên thần đầu tiên được Thiên Chúa tạo
dựng, là vị trưởng trong các Tổng thần, có nhiệm vụ bảo vệ, khuyến khích, về
sức mạnh, sự thật và sự chính trực) đối nghịch với Quỷ vương Luxiphe – kẻ đại
diện phe Ác. Luxiphe từ thần lành biến thành thần dữ, nguyên nhân là do tính
kiêu ngạo – mối tội đầu thứ nhất (đối lại là đức khiêm nhường – nền tảng mọi
nhân đức)
Điều tốt và xấu cũng có nghĩa đen và nghĩa
bóng. Cái gì tốt thì luôn luôn đẹp – gọi là tốt đẹp, nhưng cái gì đẹp thì chưa
chắc là tốt. “Cái tốt” và “cái xấu” xuất hiện trong mỗi hành động, giữa hai thứ
là một lằn ranh rất mong manh. Vì thế, phải luôn cảnh giác, đừng bao giờ coi
thường sự cẩn trọng trong mỗi suy xét hoặc phán đoán về người khác, cũng đừng
bao giờ ngừng chú ý và nghiêm khắc với từng hành động của mình – tư tưởng, lời
nói và việc làm.
Với các hình thức và mức độ khác nhau, cuộc
chiến giữa “cái tốt” và “cái xấu” không bao giờ kết thúc, ở bất kỳ nơi nào hoặc
trong bất kỳ ai, việc của chúng ta không phải là đứng ngó và dùng niềm tin của
mình để phân định ai là “người tốt” và ai là “kẻ xấu,” rồi ngỡ ngàng khi niềm
tin mơ hồ ấy tan biến theo sự thay đổi của con người.
Tiền nhân đã minh định: “Nhân chi sơ tính bổn thiện.” Ai sinh ra cũng đều là người tốt – tốt
đúng nghĩa, bởi vì chúng ta được chính Thiên Chúa tác tạo nên giống hình ảnh
Ngài theo Thánh Ý Ngài, (St 1:26-27) thế nhưng con người có “máu tự kiêu” nên rất
“chảnh,” sẵn sàng nghe lời đường mật của ma quỷ mà bất tuân Thiên Chúa, muốn
“đấu tranh” với Thiên Chúa, chỉ vì ảo tưởng mà con người đã sập bẫy của nó.
Chính cái tội “chảnh” đó đã làm cho con người bị “biến tướng,” trở nên xấu xa,
không còn “tính bổn thiện” như trước nữa. Khốn thay!
Ma quỷ rất tinh ranh, ngày nay chúng ta thấy
rõ nét ở bọn phiến quân IS. Chúng thật ranh mãnh, không hiểu sao mà chúng có
thể dụ dỗ người ta không ngại đánh bom tự sát, nam giới đã đành, đáng ngạc
nhiên là phụ nữ cũng “cảm tử,” thậm chí có phụ nữ còn bế cả con nhỏ khi đánh
bom tự sát. Lời lẽ tuyên truyền của ma quỷ và đồng bọn của chúng thật đáng sợ.
Chắc chắn cảnh giác không bao giờ thừa, đúng như Kinh Thánh cảnh báo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma
quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1
Pr 5:8)
Thế nhưng lại thật là diễm phúc cho chúng ta
mặc dù chúng ta quá đỗi “ngu dại,” xấu xa và khốn nạn, bởi vì Thiên Chúa vẫn
một lòng yêu thương các tội nhân chúng ta trước sau như một, không suy giảm
chút nào. Sách Khôn Ngoan minh định: “Thiên
Chúa chăm sóc mọi loài. Ngoài Ngài ra, chẳng còn thần nào khác để Ngài phải
chứng tỏ rằng các phán quyết của Ngài không bất công.” (Kn 12:13)
Chúng ta không thể nào hiểu nổi Thiên Chúa
nhưng chúng ta lại luôn ra vẻ “tây đui” (tui đây) nhưng Ngài chẳng chấp lách
chi ráo trọi. Thật tốt phúc cho chúng ta! Đúng thế, Kinh Thánh giải thích thêm
về Thiên Chúa: “Chính do sức mạnh của
Chúa mà Chúa hành động công minh, và vì Chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương
tay với muôn loài. Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn quyền năng thì Ngài
tỏ sức mạnh; còn ai đã biết mà vẫn to gan thì Ngài trị tội.” (Kn 12:16-17)
Ông bà Nguyên Tổ đã to gan và đã bị trị tội. Chúng ta cũng “di truyền” cái loại
“gen nổi loạn” đó nên lúc nào cũng chỉ muốn “vùng lên.” Tội ở chỗ là biết mà
vẫn phạm, cố phạm chứ không phải là ngu phạm, khôn phạm chứ không phải là dại
phạm. Thế mới đáng tội. Quả là chúng ta to gan lắm, xấu mà cứ tưởng mình tốt,
dốt mà mạo nhận là giỏi, ngu mà vẫn chảnh. Ghê gớm thật đấy!
Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn giàu lòng
thương xót, “xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh” và “lấy lượng từ bi
cao cả mà cai quản,” nhưng chớ thấy vậy mà tưởng bở và khinh suất, vì “Ngài có
thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn.” (Kn 12:18) Đó bài học Chúa dạy
cho Ít-ra-en, và cũng là bài học dạy cho mỗi chúng ta hôm nay – những kẻ to
gan, lớn mật, cũng “chẳng vừa,” vẫn dám coi Trời chỉ bằng… nắp bia mà thôi! Nói
theo ngôn ngữ ngày nay thì chúng ta có “máu giang hồ,” ánh mắt mang hình “viên
đạn nguyên tử,” chẳng khác chi “dân anh chị” thứ thiệt, có khác chăng là chúng
ta có thể giết người mà không cần vũ khí.
Khi Thiên Chúa ra tay trừng trị, không phải
là Ngài “trả đũa” hoặc “hẹp hòi,” mà để dạy chúng ta bài học này: “Người công chính PHẢI có lòng nhân ái.”
(Kn 12:19a) Sự công chính rất quan trọng, như tấm vé vào Nước Trời, vì Chúa
Giêsu nói: “Nếu anh em KHÔNG ăn ở công
chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ CHẲNG được vào Nước Trời.”
(Mt 5:20) Và rồi Lòng Chúa Thương Xót vẫn chan chứa trải quan bao thế hệ: “Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề
là người có tội được Ngài ban ơn sám hối.” (Kn 12:19b) Chắc chắn Thánh
Phaolô đã cảm nghiệm sâu sắc về Lòng Chúa Thương Xót nên mới xác định: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng
càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5:20) Chắc chắn nhất là chính Chúa Giêsu đã xác
định với Thánh nữ Faustina: “Lòng Thương
Xót của Ta lớn hơn cả tội lỗi của con và toàn thế giới.” (Nhật Ký số 1485)
Có điều chắc chắn rằng, là phàm nhân thì ai
cũng có “gen tội lỗi” ngay khi còn trong lòng mẹ. (x. Tv 51:7) Thật vậy, “không
có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa,” (Mc 10:18) và Kinh Thánh còn minh
định: “Chính nhân có ngã bảy lần cũng
đứng lên được, còn kẻ ác cứ lảo đảo hoài trong cảnh tai ương.” (Cn 24:16) Nói
như vậy có nghĩa là “người công chính mà còn phạm tội mỗi ngày tới bảy lần,”
huống chi những người chưa công chính – tức là còn đang ở trong tình trạng tội lỗi,
vẫn “dính líu” tới “cái xấu.”
Bởi vì chúng ta còn “máu xấu,” chưa “lọc máu,”
thế nên chúng ta phải biết khiêm nhường thật lòng mà “đấm ngực” và cầu xin: “Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng, giàu
tình thương với mọi kẻ kêu xin; lạy Chúa, xin lắng nghe lời con cầu khẩn, tiếng
con van nài, xin để ý lưu tâm.” (Tv 86:5-6) “Lỗi tại tôi và lỗi tại tôi mọi
đàng,” chứ không phải là “lỗi tại tôi và lỗi tại bạn một phần.” Không có Thiên Chúa,
chúng ta vô cùng vô duyên và khốn nạn, chẳng là chi ráo trọi. Do đó, chúng ta
luôn phải cần có Ngài, bởi vì mỗi nhịp thở của chúng ta chính là sự sống do Ngài
thương ban: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng
rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.”
(Tv 104:29)
Thánh Vịnh gia rạch ròi xác định: “Lạy Chúa, muôn dân chính tay Ngài tạo dựng
sẽ về phủ phục trước Thánh Nhan, và tôn vinh danh Ngài. Vì Ngài thật cao cả, và
làm nên những việc lạ lùng; chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa.” (Tv 86:9-10)
Cứ nhìn thiên nhiên cũng đủ xác minh. Thiên Chúa tốt lành nên chỉ tạo điều TỐT,
nếu có điều XẤU là tại chúng ta, không thể “nói trại” đi là “thiên tai,” mà hãy
can đảm nói rằng các “sự cố” xảy ra hoàn toàn là “nhân tai.”
Tại sao Thiên Chúa vẫn im lặng và chưa ra tay?
Bởi vì Ngài vô cùng thương xót chúng ta, Ngài kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về
với Ngài để chính chúng ta được hưởng mọi phúc lợi, chứ chúng ta chẳng thêm gì
cho Ngài. Thời gian là sự nhẫn nại Ngài dành cho chúng ta, Ngài chỉ mong chúng
ta sớm biết chân thành thân thưa: “Phần
Ngài, muôn lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu
tình thương và lòng thành tín. Xin đoái nhìn và xót thương con, ban sức mạnh
của Ngài và xuống ơn cứu độ cho tôi tớ Ngài đây, con của nữ tỳ Ngài.” (Tv
86:15-16)
Kể cũng lạ, Thiên Chúa nhẫn nại nhưng chúng
ta lại “nóng tính,” Ngài càng kiên trì thì chúng ta lại càng nôn nóng. Chúng ta
cầu nguyện một thời gian chưa thấy “động tĩnh” gì thì vội nản chí sờn lòng, đôi
khi còn trách Chúa thế này thế nọ, giận lẫy với Ngài. Quá “chảnh” luôn! Thánh
Phaolô nói: “Nếu chúng ta trông mong điều
mình chưa thấy, đó là chúng ta bền chí đợi chờ.” (Rm 8:25) Như thế mới là
sống tích cực về cả ba nhân đức đối thần (Tin-Cậy-Mến) và đó cũng là cách chúng
ta tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót bằng cả con người mình – chứ không chỉ đọc
như con vẹt hoặc tự động như CD thu âm.
Và Thiên Chúa vẫn tiếp tục kiên trì trước sự
bướng bỉnh của chúng ta. Thánh Phaolô giải thích: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì
chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay
nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng
thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp
cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.” (Rm 8:26-27) Rõ ràng Thiên Chúa luôn
rất quan tâm chăm sóc chúng ta, sự quan phòng của Ngài ngoài sức tưởng tượng
của phàm nhân. Thế nên Thánh Vịnh gia khuyên nhủ: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.”
(Tv 37:5) Chắc chắn rằng dù chúng ta có xấu tới cỡ nào mà tín thác cuộc đời cho
Chúa hướng dẫn thì chúng ta sẽ sớm nên tốt. Xin mở ngoặc: Đừng quên gương sám
hối của tướng cướp Dismas, kẻ đã bị đóng đinh cùng lúc với Chúa Giêsu.
Chuyện dụ ngôn luôn ly kỳ và hấp dẫn. Tin
Mừng hôm nay theo trình thuật của Thánh sử Mátthêu, gồm “bộ ba” dụ ngôn về Nước
Trời: [1] Dụ ngôn Cỏ Lùng (Mt 13:24-30, 36-43) [2] Dụ ngôn Hạt Cải (Mt 13:31-32
≈ Mc 4:30-32; Lc 13:18-19) và [3] Dụ ngôn Men Trong Bột (Mt 13:33 ≈ Lc 13:20-21)
1. Dụ ngôn Cỏ Lùng không chỉ nói về Nước Trời
mà còn là một trong các dụ ngôn cho thấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa rất bao
la, vô hạn.
Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu ví Nước Trời như
một người kia gieo giống tốt trong
ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi
lúa mọc lên và trổ bông, cỏ lùng cũng xuất hiện. Thấy vậy, đầy tớ thắc mắc với chủ
nhân về việc gieo giống tốt trong ruộng, và hỏi về sự xuất hiện của cỏ lùng. Chủ
nhân cho biết rằng chính kẻ thù đã làm điều đó. Đầy tớ đề nghị cho gom cỏ lùng lại,
nhưng chủ nhân liền ngăn cản và giải thích: “Đừng,
sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên
cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó
thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”
Dụ ngôn này cũng là một trong số ít các dụ
ngôn “khó hiểu” mà chính các môn đệ đã xin Sư Phụ Giêsu giải thích. Ngài phân
tích: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.
Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái
Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là
các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào thì
đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của
Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà
tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải
khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong
Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.” Lời giải thích của Chúa Giêsu rất rõ
ràng, mạch lạc, không ai lại không hiểu, nhưng vẫn có những người không muốn
hiểu. Vì thế, Chúa Giêsu thường nói câu này: “Ai có tai thì nghe.”
Thiên Chúa thương xót mọi người, cả người tốt
và cả người xấu. Nhưng chúng ta lại ưa xì xầm với nhau: “Sao Chúa không cho lũ ác ôn bị nạn cho nó trắng mắt ra nhỉ?” Chúng
ta không thể hiểu thấu tình yêu Thiên Chúa, bởi vì lòng thương xót của Ngài quá
lớn, đến nỗi sai Con Một xuống trần gian rồi “hiến dâng mạng sống mình làm
giá chuộc cho muôn người.” (Mt 20:28) Trong số “muôn người” đó có cả
người xấu và người tốt – là người này, là người kia, là bạn, là tôi, là tất cả chúng
ta – nam, phụ, lão, ấu. Chẳng vậy mà Chúa Giêsu đã từng dạy chúng ta: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ
ngược đãi anh em” (Mt 5:44) và “Hãy
chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.”
(Lc 6:28)
Câu nói “Ai có tai thì nghe” [ai có tai nghe
thì (hãy) nghe] là mệnh đề mà khi nghe, chúng ta cảm thấy có vẻ bình thường,
nhưng thật ra lại rất thâm thúy, khiến chúng ta phải giật mình, thấm thía và
đau điếng. Đó cũng là điều mà Chúa nhấn mạnh nên đã được nhắc tới vài lần. (Mt
11:15; Mt 13:9; Mt 13:43; Mc 4:9; Mc 4:23; Mc 7:16; Lc 8:8; Lc 14:35; và Kh
13:9) Một câu rất đáng để chúng ta phải suy nghĩ nhiều! Có (lắng) NGHE thì mới (thấu)
HIỂU, mà hiểu rồi thì phải LÀM (thực hành, thực thi, hành động) chứ không thể
nghe suông, chỉ nói mà không làm, hoặc dạy người khác làm mà mình không làm.
Thầy nào trò nấy. Cha nào con nấy. Cây nào
trái nấy. Chắc chắn là như vậy. Chúa Giêsu cảnh báo: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh
em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết
họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ?
Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể
sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả
tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết
họ là ai.” (Mt 7:15-20; Lc 6:43-45) Với những câu đại loại như thế này, người
ta không thích ai đề cập, “kẹt” lắm!
Hai dụ ngôn tiếp theo cũng nói về Nước Trời, Chúa
Giêsu ví Nước Trời như Hạt Cải và Nắm Men, nhưng cả hai dụ ngôn này đều ngắn
gọn, đơn giản, nhưng vẫn súc tích.
2. Dụ ngôn Hạt Cải: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt
cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất
cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây,
đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”
3. Dụ ngôn Men Trong Bột: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng
bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
Các môn đệ không phiền Thầy Giêsu giải thích về
cả hai dụ ngôn này, bởi vì không khó hiểu. Với kinh nghiệm sống, chúng ta có
thể nhận thấy rằng càng ngày càng có nhiều người tin vào Đức Giêsu Kitô là Con
Một Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Độ, chịu chết và phục sinh. Mức
độ không rầm rộ hoặc đột biến, chỉ tiệm tiến, nhưng chậm mà chắc. Hạt Cải đã
biến thành Cây Cải (cây cải ở Israel to lớn chứ không như cây cải ở Việt Nam)
và Nắm Men đã làm dậy men cả các Thúng Bột.
Các tông đồ đã thắc mắc, và chắc hẳn chúng ta
cũng thế, rằng tại sao Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông và nói gì với
họ cũng dùng dụ ngôn như vậy. Thánh sử Mát-thêu cho biết rằng như thế là “để ứng
nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều
được giữ kín từ tạo thiên lập địa.” (Mt 13:35)
Ngày xưa, ngôn sứ Êdêkien đã nói: “Hãy dùng dụ ngôn mà nói với nòi phản loạn.”
(Ed 24:3) Vì thế mà chúng ta có thể thấy chí lý khi Chúa Giêsu bảo: “Ai có tai thì nghe.” Ai cũng có tai và
có thể nghe, người điếc (thể lý) cũng có cách “nghe” của họ mà chúng ta thường
nói là “nghe ngóng” (điếc hay ngóng, ngọng hay nói). Người điếc tâm hồn thì không
nghe được điều tốt, đó là chứng nan y bất trị. Nếu nghe thì nghe thế nào, nghe
làm gì? Đó là vấn đề quan trọng cần phải lưu tâm!
Ở đời có một điều thường thấy: “Xấu nói tốt, dốt nói chữ.” Người có tâm địa xấu thì thường nói về điều tốt để che lấp mưu mô của
mình, muốn cho người khác thấy rằng họ tốt lành; người dốt thì thường nói những lời
văn hoa, bóng bẩy, hoặc lý sự “cùn” để che đậy cái sự trống rỗng của mình, muốn cho người khác thấy rằng họ là người
có cả “một bụng chữ.” Thùng rỗng nào cũng kêu to, và vải thưa không thể che mắt
thánh. Thật chí lý khi người ta phân tích: “Đừng
cái lý với kẻ say, đừng bắt tay với kẻ xấu, đừng chiến đấu với kẻ liều, và đừng
nói nhiều với kẻ ngu.”
Không ai dò thấu Thánh ý mầu nhiệm và sự khôn
ngoan của Thiên Chúa, cũng chẳng ai hiểu nổi sự tốt lành và lòng thương xót của
Ngài. Đúng như Kinh Thánh đã nói về ơn khôn ngoan mà Thánh Vương Salômôn được
chính Thiên Chúa trao ban: “Sự hiểu biết
của ngài bao trùm mặt đất, dụ ngôn và ẩn ngữ của ngài lan truyền khắp mọi nơi.
Các bài ca, châm ngôn và dụ ngôn cũng như các lời giải thích của ngài khiến mọi
xứ phải trầm trồ khen ngợi.” (Hc 47:15-17) Quả thật, Thiên Chúa là vô cùng,
bất biến, vĩnh hằng. Thật vậy, Thánh Phaolô đã cho chúng ta biết: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn
ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của
loài người.” (1 Cr 1:25)
Thiên Chúa và phàm nhân là hai thái cực:
Thiên Chúa tốt lành tuyệt đối, còn chúng ta xấu xa vô cùng. Thực sự chúng ta rất
cần nhận thức rõ như vậy để mà đừng có “chảnh” nữa, nhờ vậy mà có thể nhận tấm visa
vào Nước Trời. Đối với Nước Trời, Thánh Elizabeth Ann Seton (1774–1821) có cách
nói thú vị và thâm thúy: “Cửa Thiên Đàng
rất thấp, chỉ những người biết hạ mình mới có thể vào được.”
Lạy
Thiên Chúa, xin giúp con can đảm sống thiện hảo theo tiêu chuẩn của Ngài. Xin giúp
con sống nhân hậu thực sự, không chỉ yêu người chung chung, mà thể hiện tình
yêu đó bằng cả tấm lòng, khối óc và đôi tay, yêu hết mọi người, dù họ tốt hay
xấu, nhất là những người nghèo hèn, khốn khổ, thấp cổ bé miệng. Xin thêm sức
cho người đau khổ, xin ban ơn sám hối cho các tội nhân. Con cầu xin nhân danh
Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment