Monday, July 31, 2017

ẨM THỰC và TÂM LINH

Lĩnh vực ẩm thực liên quan thực phẩm và chuyện ăn uống (ẩm: uống, thực: ăn), cụ thể đối với thể lý, không hề “dính líu” chuyện tâm linh. Thế nhưng Chúa Giêsu lại rất thực tế, Ngài khéo léo đưa người ta từ thấp lên cao, qua việc sử dụng những gì rất đời thường để dẫn người ta nhập vào cõi tâm linh.

Ẩm thực không đơn giản chỉ là ăn uống, mà có cả một nghệ thuật, và cũng là nét văn hóa của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, chuyện ăn uống cũng có thể tốt hoặc xấu, phúc hoặc tội – theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Người La-tinh nhận định: “Con người ta không phải sống để ăn mà ăn để sống.” Còn người Ả Rập nói huỵch toẹt luôn: “Cái chết của con người nằm ở giữa hai hàm răng.” Ôi, một sự thật quá phũ phàng! Chiến tranh xảy ra cũng chỉ vì miếng ăn. Quyền lợi cơ bản là “miếng ăn” – liên quan sự sinh tồn.

Chúng ta biết rằng ăn uống là chuyện thường nhật, nó chính là “đệ nhất khoái” trong tứ khoái của con người, và ăn cũng là điều phải học đầu tiên trong cuộc đời của mỗi con người: “Học ăn, học nói, học gói, học mở.” Kể cũng lạ thật, ngay cả trong kinh “Thương Người Có Mười Bốn Mối,” việc ăn uống cũng được coi là “mối thương” hàng đầu: “Thứ nhất: cho kẻ đói ăn, thứ hai: cho kẻ khát uống.” Đó là PHÚC (tốt). Nhưng ăn uống cũng có thể là TỘI (xấu). Kinh “Cải Tội Bảy Mối” khuyên dạy: “Kiêng bớt, chớ mê ăn uống.” Ăn uống không đúng cách, không đúng mức, hoặc lạm dụng, sẽ thành… “ăn uổng.”

Điều đó cho thấy rằng việc ăn uống là nhu cầu cấp bách theo bản năng sinh tồn của con người. Trước tiên, người ta lo sao cho “ăn no, mặc ấm,” sau đó người ta cố gắng sao cho “ăn ngon, mặc đẹp.” Cũng vì thế mà người ta “chảnh” khi có của ăn của để, nhìn người khác bằng nửa con mắt, thậm chí có người còn sĩ diện “mượn đầu heo nấu cháo,” lấy “tiếng” với thiên hạ, nhưng thực chất hoàn toàn trống rỗng.

Chuyện đời nhiêu khê lắm! Có no cái bụng, không phải lo về những điều cơ bản nhất, rồi người ta mới lo những thứ khác, như người ta vẫn thường nói: “Có thực mới vực được đạo.” Quả thật, Thằng Bờm không cần bất cứ thứ gì khác khi nó đói, dù đó là những thứ đáng giá hoặc quý hiếm, nó cũng muốn lắm nhưng cái bụng không cho phép nó mơ mộng hão huyền – bởi vì Bờm cũng biết thừa rằng phú ông chỉ “dụ khị” nó thôi, chứ đời nào lão tham lam đó dám cho người khác thứ gì. Bờm rất thực tế: nắm xôi. OK ngay. Và chỉ thế mà thôi. Người Anh diễn tả đơn giản: “That’s ALL.” Vâng, chỉ có nắm xôi mới có thể giải quyết nhu cầu cấp bách nhất của cái bụng đói lúc đó.

Có lẽ vì biết được nhược điểm của con người như vậy nên những kẻ ác tâm đã lợi dụng người nghèo đói để bắt họ làm theo ý đồ xấu bằng cách cho họ ăn uống, thỏa mãn cái bụng của họ. Miếng ăn là thứ quan trọng, nhưng miếng ăn cũng có thể là VINH hoặc NHỤC. Xưa nay đã và đang có những kẻ táng tận lương tâm, [*] luồn cúi trước kẻ thù nhưng lại hống hách với đồng bào của mình. Cả vú lấp miệng em. Đầy miệng rồi còn nói được chi?

Trong cuộc sống đời thường, bất ngờ thấy ai cho mình cái gì thì cũng rất có thể họ muốn nhờ vả mình cái gì đó, chứ đâu dễ gì họ cho mình “ăn không.” Miếng ăn có điều kiện chứ không vô điều kiện hoặc miễn phí theo ngoa ngữ “quảng cáo.” Theo lẽ thường, nếu có cho ai cái gì thì người ta cũng chỉ cho đi những gì thừa thãi, nghĩa là chỉ ở mức “bố thí” chứ chưa được là “công bằng,” đừng nói chi là “bác ái” (mức độ cao cấp). Kinh nghiệm sống đã và đang cho chúng ta biết rõ ràng như vậy. Quả thật, “chẳng có ai nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa.” (Mc 10:18; Lc 18:19)

Đúng như vậy, Thiên Chúa nhân lành luôn tha thiết mời gọi tất cả mọi người, không trừ một ai, đặc biệt là hoàn toàn miễn phí: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.” (Is 55:1) Cứ đến “mua” mà không phải trả tiền. Một dạng “mua bán” rất kỳ lạ, đó là “mua” bằng loại tiền riêng biệt của Ngân Hàng Nước Trời, mệnh giá chính là giá trị của niềm-tin-chân-thành.

Trong xã hội loài người, chúng ta thấy người ta có thể bỏ ra bạc triệu hoặc bạc tỷ để mua những thứ người ta ưa thích, dù ăn được hay không. Có những món ăn rất đắt, thuộc loại đắt nhất hành tinh. Ví dụ: Nấm trắng Alba của Ý có giá 160.406 USD/1,5 kg (khoảng 3,4 tỷ VNĐ), trứng cá muối Almas ở vùng biển Caspian có giá 25.000 USD/hộp (khoảng 530 triệu VNĐ), hoặc dưa lưới Yabari có giá 22.872 USD/quả (khoảng 486 triệu VNĐ). Chắc hẳn chúng ta có mơ cũng chẳng thấy được các loại “cao lương mỹ vị” như vậy. Chỉ cỡ “đại gia” trung bình ở Việt Nam thôi, thế mà họ cũng sẵn sàng uống những chai rượu có giá vài triệu đồng. Người ta biện hộ rằng làm như vậy để “chơi” cho biết, “chơi” cho thiên hạ “lé mắt.” Có biện hộ kiểu gì thì cũng thật là lãng phí, đúng là “chảnh” quá cỡ, thuộc dạng “vung tay quá đầu.”

Bởi vậy, Thiên Chúa đã đặt vấn đề: “Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?” (Is 55:2a) Lương thực chỉ nuôi sống phần xác chứ không thể nuôi sống linh hồn, thế mà người ta vẫn dám bỏ ra số tiền lớn để chỉ được thưởng thức cho khoái khẩu, biết đâu cái miệng lại hại cái thân, nghĩa là họ “chạy nhanh hơn Tào Tháo.” Nhưng thực tế đó cho thấy rằng chuyện ăn uống là điều thú vị lắm. Thế mới lạ, người ta chỉ LO ĐÓI KHÁT thể lý mà KHÔNG SỢ ĐÓI KHÁT tinh thần, đặc biệt là cơn đói khát của linh hồn. Đúng là tự mâu thuẫn và... dại dột quá!

Cũng chỉ vì thương xót mà Thiên Chúa vẫn nhân hậu và kiên trì mời gọi: “Hãy chăm chú nghe Ta thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị.” (Is 55:2b) Lời mời gọi đó không chỉ là lời mời gọi bình thường, mà còn mang tính mệnh lệnh, nhưng điều đó thực sự có lợi cho người được mời: “Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để trọn bề nhân nghĩa với Đavít.” (Is 55:3) Được làm thực khách tâm linh thật là hãnh diện, thế mà tại sao lại không thích?

Quả thật, Thiên Chúa vô cùng hào phóng, luôn tặng ban những điều tốt lành cho cả xác và hồn mà lại hoàn toàn miễn phí. Chúng ta không ngừng lãnh nhận và lãnh nhận nhiều mà vẫn vô ơn bội nghĩa, thế nhưng Ngài vẫn làm ngơ, không chấp. Tại sao? Bản chất Ngài là tốt lành, là yêu thương, là thương xót: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.” (Tv 145:8-9) Thật lạ, Ngài không chỉ nhân hậu với “động vật cấp cao” là con người, là chúng ta, mà Ngài còn “nhân hậu với tất cả muôn loài” mà Ngài đã tạo dựng nên cho chúng ta hưởng dùng.

Dù ít hay nhiều, kinh nghiệm cuộc sống đã và đang cho chúng ta thấy rõ. Có những lúc chúng ta chưa xin mà Thiên Chúa đã quan phòng lo liệu cho chúng ta, hoặc chúng ta xin được rồi mà lại “phủi tay,” kiểu “qua cầu rút ván,” như chuyện “mười người phong hủi được sạch, nhưng chỉ có một người Samari trở lại cảm ơn Chúa,” (Lc 17:11-18) ấy thế mà Ngài vẫn không bỏ đói chúng ta bữa nào. Chúng ta có thấy mình quá tệ chăng? Ước gì mỗi chúng ta biết kịp nhận thức như Thánh Vịnh gia: “Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.” (Tv 145:15-16) Thiên Chúa toàn năng, không gì là không thể, Ngài vô cùng đại lượng và nhân hậu, nhưng cũng rất thẳng thắn: “Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm. Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.” (Tv 145:17-18)

Đời là bể khổ, ai cũng có “kinh nghiệm xương máu” này. Cái NGHÈO thường kèm theo cái KHỔ, nhưng cái khổ chưa chắc là tại cái nghèo, bởi vì có những người giàu mà vẫn khổ – người giàu cũng khóc. Cái nghèo và cái khổ có thể là MỐI PHÚC đối với người này, nhưng lại có thể là MỐI HỌA đối với kẻ khác. Có những người “đói ăn vụng, túng làm liều,” và có những kẻ “nhàn rỗi sinh nông nổi.” Người ta luôn có đủ cách để tự biện hộ cho những hành vi sai trái của mình. Phải thực sự tin mến Chúa thì mới không bị chao nghiêng trước nghịch cảnh. Để nhận biết mình ở mức độ nào trong hành trình tâm linh, chúng ta hãy tự trả lời thật lòng với câu hỏi của Thánh Phaolô: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8:35)

Dễ hay khó? Chắc là khó. Nhưng khi tình mến đủ mạnh thì sẽ hóa dễ. Và đây, Thánh Phaolô hiến kế “vượt qua nghịch cảnh” để chúng ta có thể áp dụng: “Trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8:37-39) Đó là biết lo cho cái đói của linh hồn, và đó là cách sống khôn ngoan. Ai sống kiên tâm được như vậy thì thật là đại phúc, và mai đây Chúa Giêsu sẽ tươi cười nói: “Xin mời vô Thiên Quốc – Welcome to Heaven.” (Mt 25:34)

Chúa Giêsu lo chúng ta bị đói cả thể lý lẫn tinh thần. Trình thuật Tin Mừng hôm nay (Mt 14:13-21) kể lại phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất (cũng được tường thuật ở Mc 6:30-44; Lc 9:10-17; và Ga 6:1-14) mà Chúa Giêsu đã làm vì “chạnh lòng thương” dân chúng.

Một hôm, khi nghe tin ông Gioan Tẩy Giả đã bị vua Hêrôđê ra lệnh chém đầu vì vua lỡ miệng “hứa dại” với con gái của mụ Hêrôđia, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó và đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Người ta truyền khẩu cho nhau biết như vậy, và rồi người ta lũ lượt từ các thành tuôn đến với Ngài. Vừa ra khỏi thuyền, Ngài trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh nhân của họ.

Vạt nắng chiều buông nhạt, hoàng hôn gần chạm vào đêm, cái bụng ai cũng đang đánh lô-tô, bởi vì đến giờ ăn tối rồi. Có lẽ các môn đệ cũng thấy cái bụng “reo hò” lắm rồi, thế nên họ lại gần Sư Phụ Giêsu và thưa: “Thầy ơi, nơi đây hoang vắng lắm, và cũng đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về kẻo họ đói, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” (Mt 14:15) Thế nhưng Ngài điềm nhiên nói với các đệ tử: “Họ KHÔNG cần phải đi đâu cả, chính anh em HÃY CHO HỌ ĂN.” (Mt 14:16) Ui da, “căng” thật đấy! Có lẽ lúc này nhìn các ông “tội nghiệp” lắm. Hẳn là họ trố mắt nhìn nhau, vừa gãi đầu vừa nói: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!” (Mt 14:17) Mèn ơi, đó là đồ ăn thằng nhỏ mang đi phòng thân, mà có nhiêu đó thì nhằm nhò gì với đám đông như kiến thế kia chứ?

Lạ thay, Sư Phụ Giêsu vẫn thản nhiên bảo họ: “Đem lại đây cho Thầy!” (Mt 14:18) Và rồi Ngài truyền cho dân chúng “ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh,” (Mc 6:39) mỗi nhóm vài ba chục người, bất kể nam nữ hoặc già trẻ. Sau đó, Ngài cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho các môn đệ, và bảo họ đi phân phát cho dân chúng cùng ăn. Picnic hoàng hôn, đơn giản mà ngon, nhất Thầy của mình rồi!

Thật thế, Thánh sử Mátthêu cho biết rõ ràng chi tiết: “Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.” (Mt 14:20-21) Ước tính tổng số thì phải tới cả chục ngàn người. Trên cả tuyệt vời. Lạ, lạ lắm!

Đó là phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất, Chúa Giêsu đã thực hiện để nuôi sống phần xác của dân chúng (phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai: Mt 15:32-39; Mc 8:1-10). Phép lạ vĩ đại nhất và quan trọng nhất được Chúa Giêsu thực hiện để nuôi sống linh hồn chúng ta chính là Phép lạ Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể vừa là thần lương vừa là linh dược. Đặc biệt hơn nữa, phép lạ vĩ đại này hằng ngày vẫn xảy ra khắp nơi trên thế giới, thế nhưng người ta lại thích đua nhau đi tìm các “sự lạ” khác ở nơi này hoặc nơi nọ. Thật là mâu thuẫn quá, thế mà vẫn nói rằng “tôi tin.” Đức Tin như vậy có lẽ rất cần “xét lại” lắm đấy!

Tưởng cũng nên nói thêm một chút: Chỉ vì lo chuyện ăn uống mà người ta tỏ ra bất cần, làm ngơ mọi thứ, có nghe tai này cũng lại lọt qua tai kia, đúng như Kinh Thánh đã nói: “Trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu.” (Mt 24:38) Ôi thôi, muộn mất rồi!

Có 10 mẫu tự T thú vị và cần thiết, có thể coi là “món” khoái khẩu cho những người quyết tâm theo Đức Kitô đến cùng: “Tình Thương Thành Tâm Tha Thiết Thì Tới Thiên Thai.” Bởi vì Thánh Phaolô đã xác định: “Đã yêu thương thì KHÔNG làm hại người đồng loại; yêu thương là CHU TOÀN Lề Luật vậy.” (Rm 13:10)

Lạy Thiên Chúa, xin cảm tạ Ngài luôn đại lượng ban lương thực nuôi xác dưỡng hồn để con được sống dồi dào và an tâm phụng sự Ngài. Xin giúp con sống Đức Tin cụ thể bằng cách sẵn sàng CẦM LẤY tấm-bánh-cuộc-đời của con, dâng lời TẠ ƠN Ngài, rồi BẺ RA và TRAO CHO tha nhân, nhất là những người nghèo khổ và hèn mọn. Xin giúp con chu toàn Thánh Luật, biết chạnh lòng thương, biết chia sẻ chân tình theo khả năng Ngài ban cho con. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

[*] TÁNG 喪  (động từ): mất, đánh mất (to lose). Ví dụ: táng minh 喪 明 (mù mắt / losing one’s sight); táng vị 喪 位 (mất ngôi, mất địa vị / losing one’s throne or postion).

TẬN 盡  (trạng từ): đến hết mức giới hạn (to the limit of something; to the utmost); hết tất cả, toàn bộ (completely). Ví dụ: thảo mộc tận tử 草 木 盡 死 (cây cỏ đều chết hết).

Táng tận lương tâm 喪 盡 良 心 là “mất hết cả lòng lành, đánh mất tất cả lương tâm” (completely losing one’s conscience).

No comments:

Post a Comment

Comment